10-9-97- Trên máy bay đi San Francisco.
Tôi đang đi trên không trung dọc theo một vùng biển rộng mênh mông. Ánh nắng chói chang chiếu xuống cả một khoảng không gian bao la. Bãi biển cát trắng phau. Mây trắng từng cụm bay ngang che mặt biển nước xanh thẫm. Suốt cả buổi sáng nay, tôi tự hỏi mình nhiều lần chỉ hai câu hỏi.
Tôi có cứng đầu lì lợm quá không? Việc cứng đầu lì lợm này có làm cho con đường tôi đi thành khó khăn trở ngại và kém thành công chăng?
Tôi mãi mãi vẫn là tôi. Một Nguyễn Huỳnh Mai với tánh ương ngạnh đã tự chọn cho mình một Sinh Lộ và quyết đi theo đến cùng.
Con đường tôi chọn là nhất quyết dẹp thành kiến, đố kỵ, phân hóa. Những điều đã đưa đất nước tôi vào cuộc tang thương như ngày hôm nay. Người ta thông thường phải chìu lòng người khác, theo cùng thời thế, mới thuận lợi, mới thành công. Còn tôi thì chọn theo con đường công chính. Có phải tôi đã đi ngược chiều, ngược thời? Hay tôi tự chọn trước cho mình một sự thất bại?
Buổi ra mắt sách Hồn Thiêng Dân Tộc đã trải qua ngày 7-9-97. Khi chuẩn bị soạn chương trình ra mắt sách và hội luận Phụ nữ Việt Nam tại Hải ngoại và Đời sống Tu học, tôi đã nghe tin tức, và biết rằng, nếu tôi tổ chức chỗ này thì có một số người này không đi, nếu tôi mời người kia giúp thì có một số người khác không dự. Tôi đã biết trước, và dự trù một số việc xảy ra, nhưng có điều tôi không ngờ, là trước ngày tổ chức có mấy hôm, cộng đồng lại chọn tổ chức xuống đường trợ lực cho đồng bào tỉnh Thái Bình, ngay tại khu vực trước đầu đường phòng sinh hoạt báo Người Việt, địa điểm của tôi. Dĩ nhiên, số quan khách thân của tôi sẽ tham dự vào đám biểu tình đó, và giới truyền thông thì phải tản mát đi, kẻ lo săn tin cho các đài, các báo, người thì đại diện trong các đoàn thể tôn giáo hay thanh niên vân vân... Điều khá đặc biệt là cảnh sát chận một khoảng đường Bolsa nên một số bạn hữu và quan khách không vào được phải ra về.
Tuy nhiên, đối với tôi, sự kiện cuộc biểu tình cho dân tộc đầy khí thế tập họp rất đông người, cùng một lúc và kề sát bên tôi đang ra mắt sách Hồn Thiêng Dân Tộc, thật có một ý nghĩa huyền nhiệm thiêng liêng. Hàng ngàn người với lá cờ Việt Nam đứng chật hai bên đường phố Bolsa, kêu to khẩu hiệu đòi hòa bình dân chủ cho Việt Nam...
Hôm qua, tôi rùng mình vì xúc động, khi xem tấm ảnh tôi đang ngồi trên bàn hội luận cùng với sư cô Như Ngọc, chị Bích Hà và Phương Dung. Trên đầu tôi là lá cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn treo đứng trên tường. Ba lằn đỏ thẫm hướng thẳng xuống đỉnh đầu tôi.
10-9-97 - 11:00 giờ sáng
Khách sạn Ramada, San Francisco.
Chị Hứa gọi điện thoại cho tôi từ trên xe, bảo là, chị "dỡn óc" khi nghe tôi nói về đề tài tu học hôm ra mắt sách.
Tôi hỏi tại sao. Chị nói, tại vì chị thích quá. Chị rất thích tu học ở nhà, và mong thực hiện được điều đó. Tôi nói, người đàn ông thành công phần lớn nhờ người vợ trong gia đình, và con cái cũng vậy.
Tối hôm qua, Tài suýt gọi cảnh sát, định đưa mấy tấm ảnh tôi chụp làm visa đi Ấn độ còn sót lại, để nhờ cảnh sát đi tìm tôi, vì 8:00 giờ tối rồi mà tôi chưa về khách sạn.
Lúc tôi về đến, anh xỏ hai tay vào túi áo vét, lắc đầu hỏi, “Em biết chỗ này là chỗ nào không? Em biết giờ này ngoài đường đầy các “bum” (bụi đời) không, và ở đây ban đêm nguy hiểm không?"
Tôi cười, nói, tại anh biểu tôi đi vòng vòng chơi trong lúc anh đi xem triển lãm đồ biển, và tôi đi bộ đến tận khu thương mại xa quá nên lâu. Đến lúc tôi đói thì đi tìm cái gì ăn, anh mới nguôi cơn giận.
Buổi sáng khi đến khách sạn, vì chưa có phòng nên hai vợ chồng tôi, Joe và Ted, hai nhân viên bán hàng, cùng rũ nhau đi phố Tàu kiếm "tiểm xấm" ăn sáng.
Khách sạn Ramada Inn ở đường Market, con đường xương sống của phố San Francisco. Chúng tôi đi bộ khá xa đến góc đường Powell, nơi trạm railway, xe điện nhỏ trong thành phố, để đi phố Tàu. Mọi người đang xếp hàng dài cả cây số. Gần đó, là cuộc biểu tình của công nhân xe buýt đòi tăng lương. Họ hô to các khẩu hiệu đòi tiền:
"People who pay" (Người trả tiền)
"People who work" (Người làm việc)
Kẻ la vẫn luân phiên la, người xếp hàng vẫn tuần tự lên xe điện, xe điện thay phiên nhau đến trạm xe, chạy vào trên một mặt phẳng lớn tròn và dừng lại. Tài xế và hai người khác xoay xe điện quay đầu lại bằng cách kéo dây cable, để chuyển đầu xe hướng vào một đường rầy khác.
Mọi người tranh nhau ngồi hai bên hông xe, hoặc đứng đeo tòng teng bên ngoài, để tha hồ ngắm nhìn hai bên đường. Phần đông là du khách trẻ, mặc quần soọc, đeo túi sắc trên lưng, tay quay phim hoặc chụp hình. Anh tài xế đứng lái ngay ở giữa xe, với một thắng tay và một thắng chân. Xe nhỏ xíu chất đầy người, ì ạch lên dốc, rồi lại đổ dốc cao, trông thật ớn. Đặc biệt, xe này ngừng lại ở giữa các ngã tư cho hành khách lên xuống, vì chỉ có ngã tư là nằm ngang, còn đường chạy thì dốc lên hoặc dốc xuống thẳng đứng dễ tuột.
Mỗi lần tôi thấy xe qua lại hay người đi qua đường ngay trước mặt hoặc ở dưới dốc, chân tôi cứ dợm đạp thắng. Nếu chẳng may anh tài xế thắng không kịp, chắc là họ phải tan xương nát thịt với khối sắt nặng nề này, nhưng ai nấy đều tự nhiên, quen thuộc, thoải mái.
Bốn chúng tôi ăn “tiểm xấm" rất rẻ. Joe thích lắm. Anh chàng này còn độc thân, cao gầy, nghe Thu nói có tính tò mò nhất sở, thoáng nghe tin gì là chạy theo hỏi cho bằng được. Khi Tom nghỉ việc qua hãng khác để được chức vụ quan trọng hơn, Tài mướn Joe cũng từ công ty khác, trả lương cao, nhưng Tài thất vọng vì Joe bán quá thấp, mỗi tháng không đủ chỉ tiêu như Joe đã hứa.
Joe dắt cả bọn vào một lò bánh làm "fortune cookies" (bánh bói) mà các nhà hàng tàu ưa dùng làm tráng miệng. Bánh này có một miếng giấy nhỏ bên trong, nói cho chúng ta một điều tiên đoán nào đó. Tôi bẻ bánh ra, được câu: “You are opened and honest in your philosophy of love” (Bạn cởi mở và thành thật trong triết lý tình thương của bạn).
Vào tiệm, Joe cho Ted hay ở đây cũng có bán “dirty cookies” (bánh nói bậy). Joe đến rỗ của cô Tàu đang ngồi làm bánh, hốt một mớ giấy nhỏ đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi cười như nắc nẻ. Ted mau mau mua một mớ cho James và Bud (người Mễ) tại văn phòng. Mỗi người mở một cái đọc to lên:
"Paying alimony is like pumping gas into another mans car” (Trả trợ cấp ly dị cũng như đổ xăng vào xe tên khác).
“Fu Ling Yu says: Well-proportioned girl is one with narrow waist and broad mind” (Một cô gái cân đối là cô nàng có cái eo nhỏ và đầu óc lớn).
Chợ Tàu ở đây rẻ thật, bốn người ăn mà chỉ có trên 20 đồng, trái cây đều dưới 1 đồng 1 cân, rau cải cũng rẻ. Tôi không thể tưởng tượng mướp khía chỉ có 10 xu một cân.
Buổi sáng nơi trạm xe lửa đông đảo ồn ào như thế nào, buổi chiều tới nơi đây thật khác hẳn. Trước cửa ngân hàng Bank of America, rất nhiều giới trẻ ăn mặc bụi đời ngồi phì phà thuốc. Tôi cũng đến ngồi chơi để nhìn phố.
Bên kia là phố chính khu thương mại sang trọng, có Nordstrom, Macy vân vân... bán quần áo đắc tiền. Ngang đó là cửa hàng lớn của hiệu Gap. Đèn đã lên nhấp nháy vào đêm.
Ở khoảng giữa, chỗ ồn ào biểu tình vào ban sáng, có anh chàng người Đức đang biểu diễn kỹ thuật đấm bóp. Một bà thật to béo đang ngồi trên ghế, úp mặt vào một cái cán cây có khoét lỗ để thở. Anh chàng lấy cùi chỏ chà lưng cho bà; bóp vai; kéo hai tay thẳng cánh cho giãn gân cốt. Một số người tò mò đứng xem chung quanh, xin vào làm. Trên hàng rào gần đó, anh treo tấm bảng tròn nhỏ có vẽ chữ nguệch ngoạc bằng tay, phía trên là chữ "Chair Massage" (Đấm bóp trên Ghế); ở giữa có phác sơ sài hình ảnh một người đang đấm bóp cho người khác; phía dưới đề “Back to Heaven” (Về lại Thiên đàng). Dưới chót còn chua thêm hàng chữ nhỏ "Trong vòng 15 phút hay ít hơn và cho tùy hỉ".
Một ông bán hoa chỉ cho tôi một nơi có đủ thức ăn quốc tế gần đó. Có đủ thứ đồ ăn khác nhau trên quầy, đồ Tây đồ Tàu, kể cả đồ Phi đồ Việt vân vân... Một tô hủ tiếu đồ biển kiểu Việt nơi đây có vài con tôm, mấy lát cá, cua giả và chả lụa. Nước lèo nhạt nhẽo, không rau không ớt tươi, chỉ có vài cọng giá sống. Tôi nhớ lại cảnh đi ăn hủ tiếu Nam vang ở Sàigòn. Tô hủ tiếu đầy ắp thịt, lòng, rau cải. Những đứa bé lem luốc và các cụ già hom hem với lon sữa không trên tay, chực chờ khách vừa buông đũa là tranh nhau đến xin chút nước dùng còn lại, ngồi sụp xuống góc tiệm húp lấy húp để. Trí nhớ tôi thật rõ ràng về hình ảnh đã xảy ra trên hai mươi năm trước. Sau chiến tranh, quê hương còn đói rách hơn như thế nhiều.
Hai bên đường về khách sạn vào đêm xuất hiện rất nhiều người vô gia cư. Họ thường mặc rất nhiều quần áo, mang giày ống hoặc giày thể thao, đầu lụp xụp chiếc nón. Mỗi người thường đẩy một chiếc xe loại đẩy trong chợ mua thức ăn, trên đó xếp lộn xộn đủ thứ, chắc là gia tài của họ. Họ tụm lại bên các băng đá trò chuyện, hoặc ngồi gần bàn xếp của những tay chơi đánh cờ.
Chỗ này một cặp bụi đời già nua, bà thì ngồi trên chiếc xe lăn, ông thì ngồi trên thùng giấy; xe đẩy dựa cạnh gốc cây chất đủ thứ đồ đạc chăn mền; hai ông bà ngồi ven đường nhìn xe chạy qua lại. Chỗ kia một ông già lọm khọm ngồi sùm sụp trên xe lăn một mình; trên xe chở thật nhiều đồ đựng trong các bao rác. Tôi nhớ đến hình ảnh những người dân nghèo Việt Nam, chất chở thật nhiều đồ đạc trên một chiếc xe đạp mong manh cũ kỷ.
Tôi lại nghĩ đến nhiều người Việt Nam đến đây tị nạn làm chủ các cơ sở thương mại nhưng vẫn không bỏ trợ cấp. Tôi nhủ thầm. Đời này có cái gì vay mà không có trả. Định luật thiên nhiên đã bất di bất dịch. Có điều là trả sớm hay muộn, trả bằng cách nào, và có khi người trả lại hoàn toàn không biết mình trả cho cái gì mà mình đã vay tự khi nào không còn nhớ. Có lúc cũng chẳng biết là mình đã vay quá nhiều, và còn lầm tưởng của vay là chính của mình.
Tôi thong thả đi về, một cách thoải mái. Bên kia đường, người ta đang bu nghẹt trước một rạp hát loại phim người lớn. Bên cạnh là một hộp đêm vũ khỏa thân có cái tên là "Crẵy Horse" (Ngựa Điên). Hai bên bảng hiệu là hình bằng đèn ống các cô sexy đang múa may. Hàng chữ bằng đèn màu thật to "All New, All Nude" (Hoàn toàn Mới lạ, Hoàn toàn Lõa thể).
Dân bụi đời “bum” ở đâu ra nhiều quá, phần nhiều là đàn ông da đen. Người nào cũng lôi thôi lếch thếch, trên tay cầm chiếc ly nhựa hoặc ly coca không giơ ra xin tiền xu. Họ cũng chẳng buồn nói. Có một ông to lớn la lối om sòm, vì khách qua đường đụng văng chiếc ly trên tay ông, mấy đồng xu rơi lẻng kẻng dưới đất.
Con đường về khách sạn đi mãi không đến. Trời càng về khuya càng vắng người, tôi vẫn thản nhiên đi. Trên tay tôi là một bịch ny-lông có thỏi kẹo cao su, thỏi súc-cù-là và tờ báo Anh Mirror. Báo ngoại quốc ở đây bán vèo vèo dù giá quá đắc. Các loại khổ lớn như Times giá 4.25 mỹ kim, tờ Sunday Time giá 7 mỹ kim, có hình mấy người lính đang khiêng quan tài của công nương Diana. Tờ People giá 8.50, có hình hoàng tử William, con đầu của Diana đi sau quan tài, đầu gục xuống. Tờ Times có hình Mẹ Teresa vừa mới mất, và một hình lớn của Nữ hoàng Anh ngồi trên xe, với tựa đề “The Mocharchy will change” (Quân chủ sẽ thay đổi). Tờ Irelands Sunday Independent giá 4.50, hàng chữ nhỏ dưới tên báo "1.152.000 độc giả Ái nhĩ lan). Tờ này loan tin: 6 ngày rúng động hoàng gia; ảnh lớn của Earl Spencer, em trai Diana, với tựa "Attack Royal and Press" (Tấn công Hoàng gia và Báo chí).
Các báo khác đều dành tựa hay trang nhất đi tin về công nương Diana. Từ các báo Tây ban nha, như La Republica, Corrier Della Sera, Il Giornale, đến báo Anh Sun Mirror, báo Pháp Paris Match... Nhiều báo làm số đặc biệt tưởng niệm cho công nương Diana như Times, Newsweek, kể cả báo lá cải như Enquirer, Star... Những số báo này bán rất chạy, các nhiếp ảnh viên paparẵzi lại được dịp hốt bạc nhờ bán ảnh, tuy rằng chủ nhiệm tờ Enquirer tuyên bố chống paparẵzi.
Nhiều báo loan tin về tiền quỹ từ thiện nhân danh của công nương Diana được thiên hạ đổ vào như nước. Có một quỹ quốc tế nhận được 350 cú điện thoại trong một giờ, số tiền mặt và thẻ tín dụng đã lên đến 240 triệu mỹ kim. Tiền này cho biết sẽ được dùng để giúp những người bị bệnh AIDS và những kẻ không nhà. Một CD với bài hát kỷ niệm của ca sĩ Elton John, mang tên "Candle in the Wind" (trước kia Elton John viết bài này cho Marilyn Monroe và sửa lời lại cho Diana) sẽ hát hôm tang lễ, và bán lấy lời gây quỹ từ thiện, ước đoán có thể thu 16 triệu mỹ kim. Báo chí ghi rõ các địa chỉ gởi tiền.
12-9-97
Double Tree Hotel - San Jose
Từ hôm đi đến nay, Tài giận tôi mấy lần, nên tôi chỉ cầm bút khi nào không có anh. Anh bảo, tôi không nghe lời, không lúc nào chịu để cho “cái đầu” nghỉ ngơi.
Hôm ra mắt sách, giáo sư Long nói, tôi cần viết như cần thở. Hôm qua, chị Hứa có đến giúp tôi xoa bóp cho đỡ nhức đầu. Chị cũng từng bị nhức đầu ghê gớm, phải đi bấm huyệt và xoa bóp một thời gian, nay mới bớt, người mập và trẻ ra. Chị có đi học các lớp yoga, aerobic và ballet. Chị nói, nhờ học ballet nay chị đi đứng thẳng thắn.
Chị xoa bóp mạnh tay quá khiến tôi muốn ra nước mắt mà không dám kêu to, chị nói, nhờ vậy máu huyết mới được lưu thông. Tôi lo nghĩ nhiều, quá nhiều áp lực, nên bắp thịt thân thể cứng ngắt như củi, nhất là cổ và vai, vì thế mà căng thẳng thần kinh và bị đau đầu.
Trên truyền hình ABC chiếu đám tang của Mẹ Teresa. Chương trình xen vào những đoạn phim chiếu Mẹ Teresa và các sơ đang đút cơm cho người nghèo bệnh nằm ngoài đường phố Ấn độ. Tiếng Mẹ nói Anh ngữ bằng giọng Ấn, pha nhiều chữ “r”, “Mỗi người đều được yêu thương", "Hãy thương nhau". Mẹ và các sơ quấn mền trên các thân hình gầy còm chỉ còn da bọc xương của người bệnh nằm ngoài đường, để đưa họ về trị bệnh, cho ăn. Phóng viên truyền hình cho biết đám tang của mẹ có hàng trăm ngàn người đến dự, được an táng theo quốc táng Ấn độ, dù mẹ không phải là người Ấn.
Buổi sáng tôi đến đài Radio Bolsa ở San Jose để thu buổi “Tâm Tình Phụ Nữ" với Như Hảo và tiến sĩ tâm lý Phương Thúy, Như Hảo trao cho tôi tờ báo Mẹ Việt Nam số 80 mới in xong, có đăng hình hai người đàn bà nổi tiếng vừa qua đời trước sau một tuần, công nương Diana và Mẹ Teresa, đang tươi cười chấp tay trước ngực chào nhau.
Đài truyền hình tiếp tục chiếu cảnh khi thi hài Mẹ Teresa quàn giữa sân vận động tại thủ đô Calcutta, hàng chục ngàn người đổ ra kêu khóc đưa tiễn bà. Mẹ Nirmala, lên thay Mẹ Teresa, phát biểu rằng, mong sẽ thực hiện được ước nguyện của Mẹ Teresa, là làm việc từ thiện tại Trung quốc một ngày gần đây. Khi bị nhà báo hỏi về "condom" (túi cao su ngừa thai) thì bà ngập ngừng, rồi đáp nhỏ “Đó là điều ngược lại luật Chúa” (Its against the law of God). Bà cũng nói, phá thai là không đúng, dù trong trường hợp bị hãm hiếp. Hai điều trên là luật chủ trương (doctrines) của Ky-tô giáo, thường được Mẹ Teresa phát biểu.
Đám tang Mẹ Teresa sau tang lễ của công nương Diana một tuần. Bà 87 tuổi, còn Diana thì 35 tuổi. Diana đã được Mẹ Teresa cầu nguyện, và chôn chung cùng xâu chuỗi Mẹ tặng cho cô. Các nữ tu và thiện nguyện viên đã kết hình ảnh Mẹ Teresa và trái tim bằng các loại hoa sen, hoa hồng và hoa huệ. Cũng như đám tang công nương Diana, hôm đám tang Mẹ Teresa các tiệm hoa không đủ hoa để cung cấp cho những người đưa tiễn, để tang, ngưỡng mộ hai người đàn bà lừng danh của thế giới.
13-9-97
9:30 giờ sáng - Phi trường San Francisco
Báo San Francisco Chronicle với hàng tựa lớn cho biết, vấn đề xe buýt đình công vẫn chưa giải quyết. Dưới đó là một bức ảnh lớn, cho thấy sĩ quan Ấn độ tại Calcutta đang khuân quan tài của Mẹ Teresa đi đến xe quàn trước kia từng có lần chở xác Thánh Mohanda Gandhi vào năm 1948, có súng thần công quốc táng dành cho bà. Rất nhiều quốc khách đến tham dự tang lễ của vị thường dân đó. Dài trên con đường chở quan tài lộ thiên của Mẹ, những người cùi, những người tàn tật, trẻ mồ côi hay người không nhà, khóc lóc thảm thiết. Họ kêu gào bà đừng bỏ họ.
Sau tang lễ, thi hài của Mẹ Teresa sẽ được đưa về chôn cất phía sau khu nhà bà ở, trung ương của tu viện Dòng Từ Ái (Missionaries of Charity) chuyên lo về phước thiện, do bà sáng lập 47 năm về trước. Mẹ Teresa đọat giải Nobel Hòa bình vào năm 1979.
Mẹ Nirmala, người thay thế Mẹ Teresa từ tháng 3-97, tuyên hứa sẽ nối tiếp việc từ thiện của bà. Dòng tu này được lập ra để giúp người nghèo và sắp chết (dying), có 584 chi nhánh, và có 4000 dì phước trên thế giới.
Mẹ Nirmala nói: "Mẹ Teresa vẫn sống trong tim chúng ta, và Mẹ cầu nguyện cho chúng ta nơi thiên đàng."