Tinh thần Phật Giáo Hòa Hảo

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 34191)
Tinh thần Phật Giáo Hòa Hảo

7-6-95

 

Tôi có nên bỏ sức chặn cơn nước lũ hay không? Lòng tham muốn của con người chẳng khác nào như một cơn nước lũ.

Càng ngăn chừng nào sức nước càng ồ ạt chừng đó, lòng tham muốn càng mạnh mẽ dữ dội. Có khi cái muốn cái tham đó làm cho trí óc họ nghĩ ra được nhiều đòn độc địa, tìm đủ mọi cách để triệt hạ hủy diệt người ngăn bước tiến của họ - thủ đoạn thường thấy nhất hiện nay là vu khống bôi nhọ, làm giảm uy tín. Bắt đầu từ các lá thơ rơi, rồi các trò “ma nớp”.

Tôi nhớ đến lời Hùng, một đồng đạo ở Dallas mới về thăm quê nhà, kể về các đồng đạo PGHH ở Việt Nam.

“Mấy chú “huệ” hết rồi chị ạ. Mấy chú tuy không học nhiều chữ mà lại sáng suốt, bình tỉnh, chín chắn, đạo đức hơn người bên này nhiều. Em tiếp xúc thấy một số người bên này không hiểu đạo, không thông kinh giảng, chỉ biết lo tranh chấp, làm chính trị, lợi dụng danh nghĩa đạo. Mấy chú cũng hỏi thăm em chuyện bên này, nhưng mấy chú cũng nói là mấy chú rất rõ chuyện ở hải ngoại. Một sợi tóc, một cọng cỏ ở bên nhà cũng hay biết. Đồng đạo viết thư về, hoặc về thăm. Mấy chú nghe đài, còn thu thập cả tài liệu nữa...”

Hùng về thăm viếng đồng đạo ở nhiều nơi, từ Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên. Hùng bảo Thánh Địa như là cảnh tiên, êm đềm, trang nghiêm, thánh thiện. Dù là đường đất nhưng sạch sẽ, cây trái xanh rì, nước trong gió mát. Nhất là người dân thật chân chất đạo hạnh. Buổi chiều tín đồ nhà nào cũng lên nhang đèn, đứng trước bàn thông thiên làm lễ. Thật là một khung cảnh đầy đạo vị.

Hùng đọc mấy câu sấm giảng thường được truyền tụng bên nhà cho tôi nghe:

"Ba tiếng sấm đền đài lộ vẻ

Thập bát quốc chư hầu dành xé

Bọn bàng môn tả đạo tranh dành

Đủ sắc cờ trắng đỏ vàng xanh

Đủ các đạo tam thiên lục bá.”

Hùng kể chuyện việc đồng đạo lo làm thuốc tễ Tô Hiệp trị bá chứng, xay thuốc tán tại chùa Tây An Cổ Tự. Dân chúng già trẻ bé lớn đều lo làm thuốc cứu bệnh, đến hàng trăm người ở mỗi chỗ. Tại Thơm Rơm (Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây), khi chính quyền cần người khai khẩn hai công đất để trồng thuốc thì đồng đạo vận động mấy trăm người đứng đen cả cánh đồng gồm đàn bà con gái, đàn ông con trai đủ lứa tuổi.

Hùng nói đến bệnh viện Đa Khoa ở sau Tổ Đình nơi ngày xưa Đức Thầy đứng nhìn khoảng đất và bảo, ước gì có bệnh viện ở nơi đây. Khi CS khởi công xây cất không có nhân lực. Chú Tư Xề đứng ra kêu gọi có đến 300 người đều làm thí công. Dưới bến sông của Tổ Đình, ghe xuồng chở gạo, mướp, bí đao, thức ăn chay đến cho tấp nập.

Tại bệnh viện Đa Khoa ở Cần Thơ có chú Bảy Ngọ cùng các đồng đạo lo nấu cháo, cho tiền bệnh nhân đi xe hoặc mua thuốc lúc xuất viện. Tại bệnh viện Long Xuyên, có ông Ba Phước Thiện; bệnh viện Thốt Nốt có các tổ thay phiên ngày đêm túc trực lo cho bệnh nhân. Dân gọi các tổ Phước Thiện này là Hội Phước Thiện hoặc Hội Từ Thiện. Nhà nước lại đặt tên là Hội Chữ Thập Đỏ.

Hùng nói tại Rạch Gồi, Phong Điền, Cầu Nhiếm, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều có tổ chức phước thiện của đạo. Lớn nhất là Hội Phước Thiện tại Bạc Liêu, vì có Tổ hợp của gia đình con cháu cô Ký Giỏi trước là đại đệ tử của Đức Thầy.

Nơi nào có người nghèo, Tổ hợp cho đại diện đến viếng, xem có nghèo thật không. Hội cho tiền mua lá, cây cất nhà. Khi cất nhà xong, họ cho một thùng gạo trước khi chia tay.

Tại các tỉnh miền Tây, nơi có cầu sập, thì đồng đạo và dân chúng cũng tụ tập đến lo bắc cầu. Hùng bảo trước kia, khoảng 1983, các chú gặp nhiều khó khăn vì chính quyền làm khó dễ. Một lần ở Xóm Chày, mấy chú nói với họ:

“Mấy ông có tài đức, mấy ông lo việc lớn. Chúng tôi tài hèn sức mọn, chúng tôi lo việc nhỏ. Chúng tôi đâu có giúp đế quốc, ngoại bang. Quý ông giết chúng tôi cũng chịu, vì chúng tôi lo cho đồng bào mà.”

Mấy chú bảo các tỉnh ủy và thành bộ xuống viếng, nói nếu cả nước đạo PGHH thì nước Việt Nam thanh bình. Họ nghiên cứu thấy đạo này chống ngoại xâm, không cho giết chóc lẫn nhau, quyển Sám Giảng bảo vệ dòng giống Lạc Hồng. Mấy chú nói họ tìm đủ mọi cách để lấy lòng mấy chú vì hiện nay phong trào Phước Thiện quá lớn mạnh khiến họ sợ không dám đàn áp như xưa. Nhiều nơi đã được cho phép cúng lạy, nhưng không cho đọc giảng. Tại Vĩnh Thanh, Chợ Mới, mỗi khi tụ họp đông phải xin phép. Mấy chú còn kể một số cán bộ CS hồi hưu nói nhỏ với mấy chú rằng, đạo PGHH là Quốc Đạo vì dạy đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, yêu thương nòi giống, bảo vệ giang sơn.

13-6-95

 

Sáng nay tôi cúng lạy trễ, đã hơn 9:00 giờ rồi. Tôi ngồi đây viết trong chiếc áo tràng màu dà, chiếc áo bằng vải của một đồng đạo ở Hội quán may ở Việt Nam đem qua nhường lại. Mặc chiếc áo này ấm áp, rộng rãi hơn những chiếc áo tràng lụa mà tôi có. Chiếc áo mẹ cho tôi mẹ có thêu tên tôi cho khỏi lộn với áo người khác, đã bị cháy một lỗ to ở cánh tay từ lâu vì vướng đèn cầy. Áo này ngắn, xùi lông, nhiều đốm dơ, hơi chật. Nếu mặc áo lạnh bên trong, sẽ không gài nút được. Mỗi buổi sáng sớm hoặc buổi chiều ra sân sau thắp nhang lạy Phật ở bàn thông thiên, tôi phải mặc thêm áo khoác bên ngoài vì trời lạnh.

Trẻ con trường tiểu học sát nhà hay nghịch phá vào cuối tuần, khi có các đội banh nữ tuổi tiểu học đến tập dượt hoặc giao đấu với nhau. Những đứa không thuộc đội banh có thì giờ phá phách hơn, hay lấy trái cây của tôi cúng Phật trên bàn thông thiên. Có khi chim chóc cũng đến mổ ăn cây trái trên đó nữa. Vào mùa thu hoặc mùa đông, hoa lá và cây trái cúng tươi rất lâu.

Bàn thông thiên của tôi do anh Trác làm. Cả bàn thông thiên của hội quán và của mẹ. Anh là một đồng đạo đầy nhiệt tâm vừa qua đời không bao lâu, để lại bao nhiêu thương tiếc. Khi anh chị Trác vừa đến Mỹ, tôi cho Trang, con gái nuôi của chúng tôi, về giúp cha mẹ và các em vừa sang đoàn tụ.

Anh Trác đang mạnh khỏe thì ngã bệnh, và mất trong vòng có một tháng vì bệnh viêm gan, cũng như nhiều cựu tù nhân chính trị khác. Anh đã ở tù ngoài Hà nội 11 năm mới vượt biên sang Mỹ. Cách sống và cách hành đạo của anh ảnh hưởng nhiều đến các con anh, ngay cả sau khi anh mất đi.

Trong lúc anh bệnh nặng, các con và rể đều túc trực ngày đêm cầu nguyện bên giường anh, và vẫn quỳ quanh cầu nguyện sau khi anh qua đời. Các cháu ăn chay, mỗi ngày đều khoác áo tràng cúng lạy, đọc kinh, hành lễ, y như lúc anh còn sống.

Sự hy sinh, tình yêu thương của anh dành cho các con, các đồng đạo, bạn bè xung quanh, đã để lại cho gia đình anh một kho tàng quý báu. Bắt đầu ngày lễ 18-5 năm nay, các đồng đạo đều cảm thấy thiếu vắng một tín đồ thuần thành, chuyên lo trang trí bàn thờ, biểu ngữ... cho ngày Đại Đạo.

 

14-6-95

 

Nếu tôi không cầm cây bút lên là hình như tôi lại khó chịu với chính mình. Tôi ngồi đây, chỉ một mình nơi bãi đậu xe sau trường Saddleback Community College, phía cuối chân đồi, nhìn xuống thung lũng trong sương mù. Trước mũi xe, nhiều bụi cỏ vươn cao phủ đầy hoa vàng. Một vài thân cây khô lớn màu nâu nằm lăn lốc.

Đằng xa kia vẫn là dãy núi chập chùng chắn ngang chân trời, trải dài ngang tầm mắt tôi. Tiếng chim ríu rít chung quanh. Dưới chân đồi có tiếng sủa rộn ràng của hàng mấy chục chú chó. Một nhà nhốt chó ư? Tôi chỉ nhìn thấy nóc nhà màu xanh lá cây.

Trời u ám đầy mây xám trắng. Những cánh chim đen bay lượn trong khoảng không gian mênh mông. Khiến tôi chợt nhớ đến lời của một người Mỹ Da đỏ khi người Mỹ trắng đến bắt buộc họ phải vào ở các khu dành riêng (reservation):

“The land is opened, the horses go free. The Indians are exiled in their own land”.

(Đất trời rộng mở, ngựa chạy tự do. Người Da đỏ bị lưu đày trên chính đất đai của mình).

Trong lớp Anh văn, Dolores trả lại bài tóm lược của tôi về cuốn phim I will fight mo more for ever (Tôi không bao giờ chống trả nữa), nói về một lãnh tụ của người Da Đỏ tên Chief Joseph, đã tranh đấu chống lại sự cưỡng chiếm lãnh thổ của chính quyền người Mỹ trắng vào năm 1877.

Tôi nhớ đến General Howard nói chuyện cùng Captain của ông: “We make a hundred mistakes and still pray to survive”. (Chúng ta làm sai hàng trăm lỗi mà vẫn cầu nguyện sống sót).

Hai người lãnh đạo đoàn quân theo lệnh của Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant rượt đuổi Chief Joseph và 700 người Mỹ Da đỏ, bắt buộc họ phải quay lại. Họ vừa tuân hành chỉ thị, vừa bị lương tâm dày xéo, vì biết rằng mình đang làm sai đường, đi ngược lại quyền tự do, quyền sống của con người.

Thống đốc Pete Wilson của California thì đang chủ trương một đạo luật không giúp đỡ cho người thiểu số, trong đó đa phần là người Mễ tây cơ. Họ sẽ không được một sự giúp đỡ nào hết về giáo dục, y tế... Và California chính là đất cũ quê xưa của họ trước đây không lâu, đã bị người Mỹ trắng vừa gạt gẫm vừa áp bức mua lại bằng giá rẻ mạt. Ngay tại tiểu bang này, những việc nặng nhọc, cực khổ, ít lương, nhiều sức, đều do người Mễ đảm nhận. Bây giờ họ đầy dẫy ngay trong các nhà hàng chợ búa của người Hoa, Việt. Họ rửa chén, bưng bàn, cắt thịt, rửa rau, nấu từng thùng nước đậu nành to tướng, làm đậu hủ, nấu cả phở, bún...

Chỉ còn một hôm nữa là đến ngày đại lễ 18-5. Tối ngày mai sẽ làm lễ ở Hội quán cho đồng đạo. Chủ nhật này làm lễ ở Hội trường lớn cho thân hữu và những người không đi dự được vào ngày thường.

Hôm sáng chủ nhật đến họp ở Hội quán, tôi đã yên lặng trước ngôi Tam Bảo và bàn Thông Thiên. Tôi lặng lẽ xin phép ơn trên cho tôi bắt đầu bước ra ngoài khuôn khổ tôn giáo của mình, hầu có thể hòa mình cùng nguồn sống dân tộc. Tôi tin Thầy Tổ, chư quan cựu thần, chư vị Sơn thần, chư vị năm non bảy núi hiểu tôi, biết tôi phải làm gì, hướng về đâu.

Trên bình diện phục vụ đạo pháp, tôi sẽ chỉ chú trọng đến các đồng đạo tại các trại cần sự giúp đỡ, và nhất là các đồng đạo đang hành đạo trong lãnh vực phước thiện tại quê nhà.

Tôi không thể tách rời cộng đồng. Tôi phải gần cùng họ nhưng lựa chọn môi trường hoạt động thích ứng và hợp thời điểm hơn: đó là giáo dục và xã hội. Chính trị và tôn giáo, hai danh từ vốn dĩ không xấu, nhưng hiện tại đang bị lợi dụng quá nhiều, theo nhu cầu riêng của từng phe nhóm, và bốn chữ PGHH cũng không tránh khỏi việc bị lợi dụng và lạm dụng.

 

15-6-95

 

Niệm Phật, tĩnh tâm, ăn chay. Ba điều tôi cần tập trung tinh thần để tu tập kể từ nay.

Tối hôm qua, mẹ gọi cho hay có thơ rơi nữa gởi đến Hội quán. Kỳ này họ lại “đổi kiểu” bằng cách chụp bìa báo của “Tiếng Nói Trung Thực” của Trần Văn Trường, dĩ nhiên là không có số báo. Bên trong chỉ có những trang nhằm gây hiềm khích cho nội bộ PGHH chống nhau.

Hôm qua tôi mời Dolores ăn trưa, bà không cho tôi trả tiền mà mạnh ai nấy trả. Bà còn đưa cho tôi một số tiền cắc. Bà bảo rằng tôi bỏ quên ở nhà bà. Tôi nói tôi sẽ trở lại học, bà đừng lo. Lúc học ở nhà Dolores, mỗi lần tôi quên đọc chữ “s” cho số nhiều thì tôi tự phạt 5 xu, và bỏ vào chiếc tách, hoặc quên đọc âm “ed” dùng cho thì quá khứ của các động từ.

Dolores cho hay bà sẽ dạy thêm một lục cá nguyệt rồi dời qua ở cùng anh chị bà ở Idaho. Bà sẽ tiếp chị bà để trông nom cho ông anh rể, vì ông này mắc bệnh quên Alzheimer’s.

 

17-6-95, 5:15 giờ sáng

 

Tôi quyết định đổi tựa đề quyển Hãy giải thoát con người ra khỏi sự nô lệ của chính mình thành Nguồn sống của Dân tộc và dùng làm bìa bức ảnh của tôi chụp trước bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Y, em nuôi tôi, vẽ tôi vào năm 1980. Bức tranh đó Y đặt tên là Một hình ảnh hai cuộc đời. Y giải thích đó là hình ảnh của một cô gái, một bên là đau buồn khi nghĩ đến đất nước, đến người Việt tị nạn; còn một bên là hướng thượng từ sự khổ đau, bên cạnh có một loại cây mới lạ chưa từng có mọc vươn lên. Một tư tưởng mới chăng?

Tối thứ năm, tôi đến Hội quán dự ngày lễ 18-5 đúng ngày trong đạo. Ngày đó rất trọng đại đối với tôi, vì tôi lập quyết định mới, bước ra hội nhập vào Suối Nguồn Dân Tộc, trước tiên bằng việc tham dự sinh hoạt cùng giới trẻ, trong đó có hai con tôi. Tôi phải hướng dẫn chúng, vì chúng là một phần tử của “Nguồn sống của Dân tộc”.

 

18-6-95

 

Tâm muốn tịnh thì phải nhìn sự vật như nó tự phá hủy theo lẽ tự nhiên với lòng dửng dưng không ngăn chặn, nuối tiếc, kềm giữ, hay chống chỏi lại nó.

Muốn tịnh tâm phải tập chấp nhận mọi việc xảy ra như là. Cánh hoa nở rồi tàn, héo úa, rụng rơi. Chiếc lá tươi xanh rồi héo khô, vàng úa, rơi xuống để trở về cùng cát bụi. Con người sanh lão bệnh tử theo lẽ tự nhiên của trời đất. Ta cũng như người, theo luật sanh diệt.

Phải tập nhìn người thân cũng như lạ, và ngược lại người lạ cũng như thân. Mọi việc xảy đến với họ nếu ta giúp được thì ta làm mọi cách. Nếu giúp không được ta nên tập chấp nhận với một lòng bình tịnh không bi thương rối loạn. Không lấy chuyện vọng động của người làm chuyện của mình.

Sự quyết định nào cũng phải có hy sinh nhưng phải có ý chí để xác quyết không thay đổi, sau khi đã quyết định.

Muốn giúp giới trẻ giới già phải hy sinh. Muốn nuôi nguồn sống dân tộc xây dựng lại tình thương cho sự trường tồn của dân tộc phải từ bỏ các chủ nghĩa lỗi thời, để xây dựng một đường hướng thích nghi cho tương lai.


Phải dứt khoát với quá khứ để bước vào một con đường mới dù có khó khăn chông gai.

Muốn xây dựng những mầm non cho đâm chồi nẩy lộc phải vun phân tưới nước.

Con đường ĐẠO chỉ tiến chớ không lùi. Bước vào con đường ĐẠI ĐẠO ta phải nhứt tâm không chuyển đổi.

 

19-6-95

 

Tiếp theo phim Thunder Heart nói về người Mỹ da đỏ tuần rồi, hôm nay Dolores cho chúng tôi xem phim The Autobiography of Miss Jane Pittman. Phim nói về cuộc đời của người phụ nữ da đen sống đến 112 tuổi. Bà là nhân chứng của bao thế hệ người Mỹ da đen tranh đấu cho quyền làm người từ thời làm nô lệ cho đến năm 1962, thời điểm chào đời của phong trào Civil Right (Dân quyền), lúc bà được 110 tuổi. Tôi thích nhất là lúc bà chống gậy, buông tay người dắt, để một mình đi đến trước mặt các cảnh sát Mỹ trắng tại Tòa thị chính, chân tay run rẩy vì tuổi già sức yếu, mà đầu vẫn ngẩng cao. Bà từ từ đi đến phông-tên nước chỉ dành cho người da trắng, cúi xuống uống nước.


Phim phỏng theo quyển sách của Ernest J. Games, đã được giải trao 9 giải Emmy Awards, kể cả giải xuất sắc dành cho đạo diễn John Korty và nữ tài tử Cicely Tyson.


Phim Thunder Heart nói về một nhân viên tình báo FBI gốc Mỹ Da đỏ đến khu dành riêng “reservation” để điều tra về một vụ giết người. Sau khi dần dà hiểu biết về nguồn gốc văn hóa của mình, anh khám phá ra những tội ác giết người là do chính quyền Mỹ gây ra để đàn áp người Mỹ Da đỏ cũng như xâm chiếm hay tìm các nguồn lợi khoáng sản trong vùng đất người Da đỏ đang sống.

Tôi thật sự cảm xúc khi xem qua các cuốn phim trên, và thầm cám ơn những người Mễ, Mỹ da đen đã tranh đấu hơn trăm năm để ngày hôm nay người Á Đông, trong đó có người Việt Nam, được hưởng nhiều quyền hạn và đặc ân trên quốc gia này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880