Thiện nguyện viên Hội Hồng Thập Tự

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 32730)
Thiện nguyện viên Hội Hồng Thập Tự

6-1-95

Hôm qua Carol Hally, điều hành nhóm thiện nguyện viên ở Red Cross (Hội Hồng thập tự Hoa kỳ) gọi điện thoại. Tôi cho biết đã nhận được Bản Tin tháng 12-94, có đăng bài Cảm nghĩ của tôi. Tôi hỏi bài ngắn quá phải không? Carol nói được lắm. Cô mong tôi sẽ chia sẻ thêm. Tôi hỏi tôi có gởi được các loạt bài Tư duy (Inspiration) của tôi không? Carol nói được vì có thể thêm trang nếu bài nhiều hoặc dài. Tôi dự định gởi bài “When I See” và “The Way”.

Carol mời tôi họp vào thứ năm tuần tới cùng các phối trí viên từ các khu vực khác. Cô bảo chắc tôi bận vui các ngày lễ tết. Tôi cho biết ăn lễ Giáng sinh, Tết tây thì ít, mà bận viết báo, làm chương trình phát thanh, báo đạo, rồi lên tòa đại sứ Nam Dương tranh đấu cho thuyền nhân, vân vân... Tôi đề nghị tốt hơn hết mỗi tuần một lần tôi sẽ đến văn phòng Hội Hồng thập tự làm việc. Carol bảo cô sẽ “chụp” tôi nếu không tôi “bay” mất.

Mấy hôm nay Cường cứ đòi về Việt Nam với Bình. Cường còn rủ Bình khóa học năm tới sẽ lấy lớp Việt ngữ vì trường UCSD có lớp này, trong khi trường USD của Thịnh lại không. Cường và Bình bằng tuổi, nhưng Bình sang Mỹ sau, lúc đã hơn mười tuổi. Bình mắt sáng miệng lúc nào cũng tươi cười. Tôi gởi tặng mẹ Bình hai tờ báo có đăng hình của tôi, Thanh Thu, luật sư Trần Thái Văn và Thượng tọa Thích Nguyên Trí, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lúc họp ở tại tòa lãnh sự Nam Dương tranh đấu cho thuyền nhân.

Hôm đó họ tiếp đãi chúng tôi rất lịch sự. Hai bên đều thảo luận ôn hòa và từ tốn. Ông Sudjono Haridadi Miba, Tổng lãnh sự Nam Dương, người cao lớn nước da ngăm đen, có vẻ đạo mạo và trầm tĩnh. Ông Ariono Suriawinata, phụ tá, trông hiền hòa dễ dãi, mặt ông trắng và tròn đầy. Ông Santoso Rahardjo, lo về chiếu khán, người thấp loắc choắc và nhanh nhẩu. Tôi bảo Thu ông này trông giống nghệ sĩ Tùng Lâm quá. Người nóng tánh và nhăn nhó là ông Sunten Z. Manurung, đặc trách về văn hóa và tin tức.

Lúc các ông cho là Nam Dương chỉ hợp tác với Cao ủy Liên Hiệp quốc để giải quyết vấn đề thuyền nhân chứ không có trách nhiệm, thì Văn bảo là Cao ủy và Bộ Ngoại giao Hoa kỳ qua văn thư hay tiếp xúc đều cho rằng Nam Dương toàn quyền và trách nhiệm. Ông “Visa” (lo chiếu khán) thốt lên “cám ơn” và cười gằn. Ông này và ông “văn hóa” bắt đầu mất bình tĩnh. Lúc thầy Nguyên Trí cảm ơn chính quyền Nam Dương vì thầy từng ở Galang và được họ giúp đỡ, thì bị ông “văn hóa” ngắt lời nửa chừng. Văn phải khều cho thầy ngưng lại.

Mặt ông “văn hóa” nhăn nhó và bực bội, nhắc lại lịch sử năm 1975 khi cộng sản chiếm miền Nam thì Nam Dương đã đón nhận rất nhiều thuyền nhân. Số thuyền nhân càng ngày càng đông, và ông cho rằng, khi có thanh lọc kẻ đậu thì ít kẻ rớt thì nhiều, cho nên mới có vấn đề.

Luật sư Văn phải nhắc các ông là phái đoàn đến để biết tin tức 200 thuyền nhân cùng các vị lãnh đạo tôn giáo như Tin Lành, Công giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, và Phật giáo đang bị giam chứ không phải đến để đổ trách nhiệm. Tuy nhiên, phái đoàn không đồng ý khi ông Tổng lãnh sự gọi việc đàn áp bắt bớ là “tai nạn”, vì cảnh sát Nam Dương đã bắn vào 300 quả lựu đạn cay, đánh đập thuyền nhân, và cho 30 con chó to lớn xông vào cắn và lùng bắt.

10-1-95

Trời mưa suốt cả ngày hôm nay. Sân sau nhà tôi bắt đầu ngập nước. Tôi lội nước ra kéo rác che ống cống cho nước rút bớt. Có một năm trời mưa lớn, nước tràn vào nhà ướt hết cả thảm. Thầu khoán xây nhà thật là kỳ lạ. Có lẽ vì California ít mưa nên họ quên mất đề phòng cảnh ngập nước này. Nửa sân sau sát nhà thì thấp xuống, còn nửa sân có hồ nước gần hàng rào lại cao lên hơn cả tấc. Vì thế nên nước mới ứ đọng và tràn vào nhà mỗi khi có mưa to.

Hôm trước chúng tôi có đặt máng xối, nhưng máng xối ở Mỹ rất nhỏ và bít lại chỉ bằng phân nửa loại ở bên nhà mình, là xứ nhiều mưa.

Tôi nảy ý kiến kéo mấy thùng rác lớn ra sâu sau hứng bớt nước mưa, như thế cũng đỡ bị ngập, và cứ vài giờ thấy thùng nước ngập tôi lại ra kéo thùng nước đổ xuống hồ.

Cứ vậy mà chương trình làm việc của tôi hôm nay phải thay đổi vì trận mưa lớn này. Cả buổi sáng tôi đọc các bài thuyết trình của ông Đỗ Quý Toàn, giáo sư kinh tế đại học ở Canada, tìm hiểu hầu phỏng vấn ông. Ông lấy bút hiệu là Vương Hữu Bột trên tờ Thế Kỷ 21.

Tôi sẽ hỏi ông nền kinh tế thị trường phát xuất từ một xã hội đang bị đặt dưới nền cai trị độc tài chuyên chế của chủ nghĩa cộng sản, thì sẽ gặp những mâu thuẫn và hậu quả ra sao?
Tại Việt Nam cũng có phân khoa đại học nhân bản, như thế nhân bản theo quan niệm của người cộng sản ra sao?

Nền “kinh tế thị trường thật sự” có đem lại tự do dân chủ không? Nếu không thì vì các trở ngại gì? Và nếu có thì người dân phải làm sao mới có?

Ông cho rằng chính quyền Việt Nam lấy chính trị thay thế cho các môn đạo đức và luân lý là một hiểm họa cho dân tộc. Tại sao?

Cộng sản có thành công trong việc truyền bá “đạo lý” Mác-xít để thay thế cho nền đạo lý cổ truyền của ta không?

Tại sao CSVN không còn duy trì ảnh hưởng của Liên xô trong ngành giáo dục mà lại chuyển sang khuynh hướng Tây phương? Họ đã và sẽ dùng phương thức gì để tránh bài học Thiên an môn tại Trung quốc?

Có lẽ tôi cũng sẽ hỏi ông nếu Việt Nam thay đổi ông sẽ về giúp nước, nhưng sự thay đổi đó ở mức độ nào, cách nào, và ông thích ở đâu và làm gì?

Lúc này chính quyền Hà nội cho phép sinh viên đi du học rất đông - đa phần là con em của các cán bộ và đảng viên CS. Tôi sẽ hỏi ông có nên hy vọng họ học hỏi ở nước ngoài để về thay đổi quốc gia, hay chỉ đi học cho có bằng cấp để về ăn trên ngồi trước những người kém may mắn?

Mải lo viết, nên thùng rác sau nhà nơi nước mưa từ trên nóc nhà tuôn xuống nhiều nhất đã đầy tràn. Tôi lại phải đội nón mặc áo mưa ra sân. Móc rác che ống cống xong, tôi kéo thùng rác không nổi vì thùng đầy nước quá nặng nếu kéo nghiêng nước sẽ đổ vào người tôi. Tôi bèn vào nhà lấy một cái nồi có tay cầm, trở ra múc nước từ thùng đầy đổ sang thùng ít nước. Thế cũng xong.

11-1-95

Bão đang vần vũ trời Cali. Huỳnh Lương Thiện báo Mõ Làng cho biết trên San Jose trường học đóng cửa. Ông Triều Khê đã gửi các bìa sách của tôi lên đó bằng xe đò. Thiện hứa sẽ chở sách xuống vào cuối tuần. Không hiểu sao Cô bé làng Hòa Hảo lại vất vả quá, cứ trễ nải mãi.

Trong tay tôi giờ chỉ có mấy cái bìa. Bìa trước là hình một con bé là tôi vào lúc lên ba, tôi nhìn ảnh mà buồn cười. Sao nó nhỏ nhắn ghê. Khi đứng chụp bức ảnh đó có lẽ nó không sao ngờ có ngày trở thành bìa sách. Nhưng bức ảnh đó như là định mệnh, vô cùng phù hợp với chủ đề. Vừa là một cô bé, vừa mặc áo tràng nâu, đứng cạnh bàn thông thiên, và ở tại làng Hòa Hảo. Như có một sự sắp đặt sẵn. Việc gì cũng đều có vẻ như được sắp đặt sẵn chăng?

Cả cái bìa sau cũng thế. Tôi mặc áo tràng nâu, trên ngực có phù hiệu hoa sen của PGHH, đứng tại thính đường Phao Lồ VI trong buổi dâng thỉnh nguyện thư giúp đồng bào tị nạn Việt Nam lên đức Giáo hoàng John Paul II, La mã ngày 7-10-92. Phía xa có hình ảnh đức Giáo hoàng đang ngồi. Bức ảnh do ký giả Du Miên bên Cao Đài chụp, rất phù hợp với cuốn sách, vì tôi đã nói lên ước nguyện hòa hợp giữa các tôn giáo. Tôi ước mơ các biểu tượng của các tôn giáo sẽ biến thành trái tim, và tôi gọi là Tôn Giáo Tình Thương.

18-1-95

Báo L.A. Times sáng nay đi tít 8 cột “Kobe Paralĩed; Toll Hit 2,014”. Hàng thứ nhì nhỏ hơn “120,000 Seek Refuge, 1,058 Missing in Quake” (Kobe Tê liệt; 2.014 Người Chết - 120.000 Tỵ nạn, 1.058 Mất tích trong Động đất).

Nhật bản bị động đất 7.2 ngay tại thành phố lớn Kobe, khiến cho con số thương vong khủng khiếp, và con số này thay đổi từng giờ từng phút, vì thành phố còn đang chôn vùi dưới đống gạch vụn, người ta đang đào bới để tìm cách cấp cứu nạn nhân. Số người bị thương đã lên đến gần 12.000 người.

Không hiểu chuyện này có liên hệ gì đến cơn nhức đầu khủng khiếp của tôi chăng. Từ 2:30 sáng chủ nhật 15-1-95, khi tôi vừa thức giấc đã chịu một cơn đau đầu không chịu nổi, đến phải nằm suốt mấy hôm, bỏ cả bài tập trắc nghiệm phải làm cùng Dolores. Tôi cố gắng xuống bếp nấu nước sôi, đổ vào túi cao su, quấn khăn lại đặt dưới cổ, và nằm lên trên đó, sau khi uống viên thuốc đau đầu.

Tôi nằm trằn trọc hồi lâu, và chỗi dậy đi thắp nhang và lạy Phật, đọc các bài quy y, Tây phương ngũ nguyện. Cơn đau đầu hoành hành cả ngày chủ nhật, thứ hai. Đến 2:30 giờ sáng thứ ba, tôi thức dậy lúc mọi người đang ngủ say, và đi thắp nhang lạy Phật. Sau đó, tôi ngồi tịnh tâm và viết một số khẩu hiệu, dự định sẽ đăng trên Đuốc Từ Bi và đọc với echo vang lên, trước khi chương trình phát thanh PGHH chấm dứt, đọc lời từ giã, và cầu chúc thính giả.
Ba câu đó như sau:

1. Giáo hội PGHH/HN quyết tâm tranh đấu cho tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.
2. Tín đồ PGHH/HN nhất quyết tranh đấu cho đồng bào và đồng đạo bị đàn áp, bắt bớ, giam cầm tại Việt Nam và tại các trại tị nạn.
3. Tín đồ PGHH, noi gương Đức Huỳnh Giáo chủ, nguyện xả thân vì dân tộc và đạo pháp.

Tôi phải làm các khẩu hiệu này, vì một biến cố vừa xảy ra tại quê nhà cho PGHH. Mấy hôm trước đây tôi có nhờ Trúc, một bạn quen về Việt Nam mua hộ quyển "Dòng sông thơ ấu" của Nguyễn Quang Sáng, phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà xuất bản Kim Đồng - Hà nội xuất bản từ năm 1985, và tờ Tuổi Trẻ ra ngày 11-10-1995. Lý do là tối hôm trước, chúng tôi họp Ban Phát thanh và Ban Biên tập Đuốc Từ Bi đến 1:00 giờ sáng. Chúng tôi cùng đọc các tài liệu kháng thư, gởi cho các giới chức cao cấp CS, cũng như các đồng đạo PGHH về vấn đề cuốn sách mạ lỵ tôn giáo, mà nặng nhất là PGHH, đã được quay thành phim vào ngày 5-10-94.

Tôi trở lại giường nằm trằn trọc và thiếp đi. Lúc 6:00 giờ, Tài thức dậy đi làm, tôi được biết trận động đất lớn đã vừa xảy ra tại Nhật bản. Cơn nhức đầu thật sự đã làm cho thần kinh và não trạng của tôi hầu như tê liệt, người tôi yếu hẳn đi. Mỗi lần uống thuốc đau đầu xong, khi thuốc ngấm bớt đau, tôi lại chỗi dậy, ngồi trả lời thư tín cho Đuốc Từ Bi.

Lúc 1:30 giờ trưa khi lái xe đến Leasure World đi học Anh văn, tôi mới chợt nhớ mỗi lần sắp động đất lớn, tôi cứ hay lên cơn nhức đầu dữ dội.

Tôi mang đến cho Dolores quyển Tự do Tôn giáo tôi mua ở Quốc hội Âu châu tại Strasbourg, cùng quyển White Paper (Bạch Thư), với vài tài liệu về tự do nhân quyền bằng Anh ngữ. Tôi cũng kể cho Dolores nghe chuyện CS viết quyển "Dòng sông thơ ấu" để bôi nhọ các tôn giáo, nhiều nhất là PGHH, và nay còn quay thành phim. Tôi dự định sẽ ra Liên Hiệp quốc để lên tiếng. Tôi cũng cho Dolores biết tôi đang làm hai việc có ích cho việc học Anh văn của mình. Tuần rồi, tôi bắt đầu tập dịch từ Anh văn ra Việt ngữ một bài về sự thiếu hụt máu dự trữ tại quận Cam vì mưa bão, do Hội Hồng thập tự phổ biến. Điểm đặc biệt là tôi dịch thẳng vào máy điện toán để báo chí có thể sử dụng dễ dàng không cần phải đánh máy lại. Việc thứ nhì cũng có liên quan đến việc phổ biến các tài liệu của Hội Hồng thập tự.

Sáng thứ năm tôi sẽ gặp Judy, người lo về truyền thông cho Hội Hồng thập tự, vì tôi có một số đề nghị giúp họ quảng bá về Hội Hồng thập tự, kêu gọi việc hiến máu. Tôi dự định học hỏi thêm những vấn đề có liên quan đến việc phòng ngừa bệnh Aids, cách đối xử với bệnh nhân, vân vân...

Kỳ học trước, Dolores bắt tôi phải ngưng viết bài tiếng Việt, và phải suy nghĩ bằng Anh ngữ. Tôi nói không được vì phải viết tiếp theo quyển Cô bé làng Hòa Hảo, và còn ra mắt sách đi nhiều nơi, và dĩ nhiên phải viết nhiều phóng sự. Vả lại, gia đình tôi, cùng các người làm việc chung trong tòa soạn hay giáo hội đều dùng tiếng Việt.

Dolores bảo học như vậy rất khó. Bà đề nghị tôi lập một phòng làm việc bằng tiếng Việt, và một phòng bằng tiếng Anh. Khi nghe điện thoại tiếng Anh thì đi vào phòng tiếng Anh, và cầm điện thoại không dây đi vào phòng Việt ngữ khi phải đối thoại bằng tiếng Việt.

Tôi bị nhức đầu mất mấy hôm nên chưa làm gì theo lời đề nghị của Dolores cả. Muốn bắt đầu viết bằng Anh ngữ thì bị cơn đau đầu hoành hành, và còn phải kết thúc Đuốc Từ Bi nữa. Nhiều lúc tôi cảm thấy sao thì giờ của mình quá ít, nếu kéo dài mỗi ngày ra, hai vợ chồng tôi sẽ làm nhiều việc hơn. Tối qua hai đứa thức làm báo đến 12:00 giờ khuya.

Nhiều lúc Tài bảo tôi:
“Hai đứa mình phải bớt lại em ạ! Riết rồi không có thì giờ cho riêng mình.”

Tôi trả lời:
“Thật ra mình may mắn vì có những việc làm để cuộc đời có ý nghĩa, nếu không sẽ chán lắm. Anh có thích mỗi ngày đi làm về, ăn uống xong, ra ngồi ì trước tivi, rồi đi ngủ không? Anh cũng thấy nhiều khi mình mệt đừ vì làm việc đạo pháp, việc nhân đạo, nhưng sau đó mình khỏe lại, và hăng hái tiếp tục, vì những việc làm đúng đó khiến gia tăng thêm năng lực giúp cho mình tiếp tục hành trình.”

19-1-95

Má chồng tôi rất thích kể chuyện cho tôi nghe mỗi khi tôi ngưng viết, xuống lầu ngồi uống trà hay ăn bánh bagel. Trong khi tôi ngồi ăn, bà kể cho nghe nhiều chuyện cũng hay hay.
Bà thích kể chuyện về Đức Huỳnh Giáo Chủ. Bà cho biết thời còn trẻ, đã từng được đi xem Đức Thầy xuất hiện trên lầu cao hai tầng tại nhà ông bà Ký Giỏi ở Bạc Liêu. Bà nói lúc đó trong sân nhà rất rộng, có cả ngàn người đứng đầy chật, để được nghe và chiêm ngưỡng Đức Thầy.

Bà nói, Đức Thầy bước ra chỉ nói vài lời cùng bổn đạo, và khuyên họ về (vì lúc đó chính quyền Pháp đang lưu tâm đến Ngài). Bà kể lại, khi đó Đức Thầy một tay cầm cái dĩa có cắm cây đèn cầy, tay kia đưa bàn tay thẳng đứng lên phía sau cây đèn cầy, đi qua đi lại, có vẻ như để rọi sáng cho tín đồ đang đứng dưới sân.

Thế là bà đi qua đi lại chậm rãi nơi cuối bàn ăn của tôi, bàn tay trái đưa ngang như đang nâng dĩa, bàn tay mặt đưa đứng lên như che phía sau cây đèn cầy vô hình. Bà nói:

“Thầy cầm đèn đi qua rồi đi lại như vầy nè. Tóc Thầy dài. Thầy mặc bộ đồ bà ba đen như trong hình vậy.”

Tôi hỏi lúc đó má có phải là tín đồ PGHH chưa? Bà bảo lúc đó bà đã quy y theo Bửu Sơn Kỳ Hương, khi nghe người ta báo tin có đức Giáo chủ PGHH đến ở nhà ông bà Ký Giỏi chủ điền thì mau mau thay áo dài đến đó.

Khi má chồng tôi sang Mỹ, bà rất thích phòng thờ của gia đình tôi. Bà hay vào cúng lạy và tụng kinh Phật, nên chiếc bàn nhỏ đặt Kinh lên đọc của mẹ tôi cho, bà rất hài lòng. Bà có tánh rất kỹ lưỡng, và cúng lạy đúng 6:00 giờ chiều.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880