Ra mắt sách tại Dallas

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31975)
Ra mắt sách tại Dallas


Trong buổi ta mắt "Cô Bé Làng Hòa Hảo tại Dallas, tác giả nói về "những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại" tại nhà hàng Công Lý ngày 27-5-95, với sự có mặt của rất đông quý vị đại diện cộng đồng và truyền thông của dallas-Forthworth, Texas.

27-5-95

Điều khiến tôi rất cảm động là cộng đồng người Việt tại Dallas, Texas quả là hiếu khách và nhiệt thành. Gọi là nhiệt cũng phải. 3 giờ giữa trưa hè, trời đổ nắng. Nhà hàng Công Lý đầy nghẹt hơn trăm quan khách. Buổi lễ khai mạc thật đúng giờ, và tất cả mọi việc diễn ra thật tốt đẹp. Không như những buổi họp hành khác. Phần đông người Việt mình hay dùng giờ... dây thun. Như vậy, chương trình khai mạc tính ra cho trễ... 5 phút.

Buổi ra mắt Cô bé làng Hòa Hảo tại Dallas được sự bảo trợ của BTS/GH Phật Giáo Hòa Hảo Dallas - Fort Worth và các vùng phụ cận. Ông Thái Hóa Lộc và Đài Phát Thanh Tiếng Nói VN tại D/F.W. Tạp Chí Thế Giới Mới; Tuần báo Bút Việt; Văn Bookstore; Nhà hàng (phở) Công Lý; Hội Chuyên Gia VN Phân Hội D/F.W.; Nhà Xuất bản Mõ Làng và các cựu SV Viện Đại Học Đà Lạt tại Dallas. Trưởng ban tổ chức là ông Nguyễn Sĩ Đẫu. Có đầy đủ những khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tại Dallas - Fort Worth, từ ông Trần Văn Nhơn, cố vấn trưởng, đại diện BS Trương Ngọc Tích chủ tịch CĐNVQG tại Dallas; ông Sử Chấn Thành, hội trưởng ban trị sự Giáo hội PGHH tại Dallas - Fort Worth; bà Nguyễn Thị Bảo, chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Tôn, ông Cao Chánh Cương, chủ tịch Hội Cựu SV Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt... cho đến giới truyền thông với các nhà báo Trương Sĩ Lương, Thái Hóa Lộc, Mai Văn Đức, Lê Văn Ninh, nhà văn Việt Phương, Phượng Khánh, nhà thơ Thanh Hùng, Nguyễn Thị Ngày Xưa, Nguyễn Trường Hận, Lê Xuân Hảo. Phối trí viên rất duyên dáng của chương trình là cô Nguyễn Thùy Trinh.

Giáo sư Tiến sĩ Đàm Trung Pháp đã giới thiệu quyển sách một cách đầy đủ và sâu sắc. Theo giáo sư Pháp, tác phẩm Cô bé làng Hòa Hảo đã mang đến cho người đọc cảm giác đi ngược lại quá khứ, với mốc thời gian. Ông nói: “Đọc xong những tâm tình của tác giả - trải dài trong không gian (từ Việt Nam qua Cao Miên, về Việt Nam, rồi qua Mỹ) và thời gian từ (1966 đến 1993) - tôi thấy như đã quen Huỳnh Mai từ lâu. Tại một thời điểm trong nhật ký của cô, tôi lại ngưng lại đôi chút đủ nghĩ đến chính tôi lúc đó đang làm gì, ở đâu, và tại sao. Cuốn sách có khả năng làm người đọc và người viết gần nhau như thế đấy.” Theo giáo sư Pháp, tác phẩm có những đoạn trăn trở, đau buồn nhưng không bi quan. Lúc nào tác giả cũng hướng lòng mình về phía trước với đầy lạc quan và tự tin. Ông kết luận, “Cô bé làng Hòa Hảo là một tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị về sử học cũng như về xã hội học.”

Nhà văn Việt Phương phát biểu về đề tài “Gia đình và Xã hội trong Cô bé làng Hòa Hảo”. Theo nhà văn Việt Phương “Không phải một sớm một chiều cô bé làng Hòa Hảo bỗng lớn dậy, cảm chia được nỗi đau của đất nước. Đời sống nhiều khi có quá nhiều những sự bất như ý. Nhưng biết chấp nhận và bước tới là một điều đáng được học hỏi”. Nhà văn Việt Phương kết luận: “Cô bé làng Hòa Hảo là một bài học về gia đình và xã hội giá trị, trong đó chuyên chở cả bài học yêu thương.”

Phát biểu của Nhân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hồng Liên đặc biệt về khía cạnh tôn giáo. Ông khiến tôi cảm động khi nhắc đến thành quả của ba Thành Nam, giọng ông đầy xúc động khiến những người có mặt không khỏi bồi hồi.

Tiến sĩ Đỗ Đình Phong phát biểu cảm tưởng về đề tài “Tuổi Trẻ Giữa Hai Nền Văn Hóa”. Ông chia sẻ với khán giả những kinh nghiệm học tập và hội nhập văn hóa xứ người cùng những cảm thông với tuổi trẻ giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ.

Bà chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Tôn, Nguyễn Thị Bảo (phu nhân ông Đỗ Trang Phúc) đã lên tặng tôi một bó hồng với những lời lẽ thật thiết tha. Một buổi lễ tròn đầy với các chân tình đẹp như các đóa hoa hồng của các “chủ nhà” miền Dallas!

28-5-95

Điểm đặc biệt ở Dallas là tôi được gặp nhiều người rất chân tình trong giới truyền thông. Một trong số đó là anh Thái Hóa Lộc, giám đốc đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam tại Dallas Fortworth, đồng thời cũng là Tổng thư ký tờ Thời Báo. Anh cho biết căn cứ trên số máy thu thanh dành riêng để nghe đài của anh bán ra, thì nơi đây có khoảng 100.000 người nghe.

Chương trình phát thanh kéo dài 24 trên 24. Hôm tôi mới đến, anh đã thông báo ngay trên đài về buổi phỏng vấn vào lúc 6:00 giờ chiều. Thính giả gọi vào hỏi những câu rất mộc mạc, hiền lành. Một anh chàng được sanh ra tại Mỹ, nói tiếng Việt lưu loát, rất cảm động về những sinh hoạt cho thuyền nhân của tôi. Một cụ lớn tuổi thắc mắc quyển Cô bé làng Hòa Hảo có phải là cốt chuyện có khởi đầu có kết luận không. Tôi bảo đây là chuyện thật ghi lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi nên chưa có kết luận, vì tôi đang tiếp tục viết trong quyển kế tiếp tên là Lên Đường.

Một thính giả hỏi tiền tôi bán sách có giúp tị nạn không. Tôi bảo có nhiều việc làm chỉ có ý nghĩa khi mình không nói ra. Tuy nhiên, để đáp tạ sự hưởng ứng gọi vào của thính giả này, tôi tỏ thật là số tiền ra mắt sách kỳ đầu tôi đã gởi về giúp những người nghèo và nạn nhân nạn lụt miền Tây cũng như người trong trại.

Sau buổi phỏng vấn, anh chị Nguyễn Sĩ Đẩu đưa chúng tôi đến nhà hàng dùng bữa theo lời mời của bác sĩ Trương Ngọc Tích. Bác sĩ Tích là người Bắc nhưng lại nhiều chất Nam, có tinh thần cương quyết chống cộng. Bà bác sĩ ngồi cạnh Thịnh tặng Thịnh một cây bút và $20 mỹ kim để khuyến khích Thịnh. Bà cho đó là hành động khuyến khích thực tế nhất.

Anh chị Trương Sĩ Lương, chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Thế Giới Mới phát hành 5000 số, đưa chúng tôi về nhà vùng Arlington. Đó cũng là văn phòng để anh viết văn làm báo. Anh là đại diện của Lý Tống, người phi công đã rải truyền đơn xuống Việt Nam hiện đang bị câu lưu trong nước. Anh than phiền về việc một đài truyền hình Việt Nam ở California đã ghép những lời không đúng sự thật về đoạn video khi Lý Tống bị đưa ra tòa xử án tại Việt Nam.

Căn nhà anh chị ở giữa khu vườn cây lá thơ mộng, với nhiều cửa sổ nhìn ra vườn, thật dễ cho tâm hồn lắng đọng để viết lách. Trên vách treo đầy các tấm poster hay hình ảnh của ban hợp ca nữ nổi tiếng trong nhiều video, trong đó có hai cô gái rất xinh là con của anh chị.

Một trong những người hăng say giúp tôi phổ biến những bài viết nói về Cô bé làng Hòa Hảo nhiều nhất, là nhà báo trẻ tuổi Mai Văn Đức, chủ nhiệm tuần báo Bút Việt. Báo dày gần 50 trang, mỗi tuần ra đến 17 ngàn số phát hành tại Dallas, Fortworth, Austin và Houston thuộc tiểu bang Texas. Các tiểu bang khác nơi anh gởi báo đi là Chicago (Illinois), Oklahoma City (Oklahoma), Atlanta (Georgia), Charlotte (North Carolina), Washington D.C. và Arlington (Virginia), New Orleans (Louisiana), Orlando (Florida), Fort Smith (Arĩona) và Albuquerque (New Mexico). Ngoài ra còn có tờ Vietnam Weekly News của anh Trần Lộc cũng phát hành rộng rãi tại nhiều tiểu bang miền Nam Hoa kỳ.

Albuquerque là nơi anh chị họ tôi đang ở. Anh Nguyễn Thành Long mang dùm tôi ba quyển Cô bé làng Hòa Hảo về Việt Nam. Một quyển tôi nhờ anh giao cho một địa chỉ tại Sàigòn để chuyển cho các đồng đạo tại đây. Hai quyển kia anh nói sẽ mang về Tân Châu và Thánh Địa Hòa Hảo. Như thế là tại Việt Nam hiện đang có gần 10 quyển.

29-5-95

Tối thứ sáu tôi được gặp gỡ quý vị trong ban trị sự PGHH tại nhà hàng Caravelle; thứ bảy ra mắt sách; chủ nhật hôm qua tôi lại được gặp thêm nhiều đồng đạo tại tiệm cơm chay Vạn Thọ và các đồng đạo ở vùng Arlington tại nhà hàng Thanh Thanh.

Sau bữa ăn, chúng tôi quy tụ lại để nghe phóng sự phát thanh do anh Thái Hóa Lộc thực hiện. Anh soạn chương trình rất đầy đủ, súc tích và công phu. Anh phát lại gần hết bài nói chuyện của tôi về những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại.

Ngồi trong quán ăn, tôi nghe tôi nói về người phụ nữ Việt Nam sống cơ cực nơi quê nhà. Các quả phụ tử sĩ không trợ cấp phải sống ở vỉa hè, ở các vùng kinh tế mới. Các vợ cựu chiến binh bị tàn tật phải nuôi chồng con. Các bà vợ của tù cải tạo buôn tão bán tần thăm chồng nuôi con. Nhiều người phải cải táng mộ chồng để xem có phải chính thật là xác chết của chồng mình không. Tôi nhắc đến trường hợp Bích Huyền đã ngất xỉu khi trông thấy kỷ vật của chồng.

Tôi chia sẻ cảm nghĩ của riêng mình là xã hội Việt Nam đã thiếu công bằng với giới phụ nữ vì dù cho chịu trăm cay ngàn đắng, âm thầm nuốt tủi nhục đến đâu, mà có khi vì hoàn cảnh khắc nghiệt khiến phạm lỗi lầm gì thì bị kết án, phê bình, chỉ trích chứ không được sự cảm thông bao dung tha thứ. Người phụ nữ Việt Nam ít được cho cơ hội làm lại cuộc đời như xã hội Tây phương.

Sau 1975, những người phụ nữ Việt Nam được ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn đè nặng trĩu đôi vai, về mặt vật chất, tinh thần, lẫn tình cảm. Dù cho đời sống vật chất có đầy đủ mọi tiện nghi, mọi việc đều phải tự làm lấy.

Nào là đi học, đi làm, tranh đấu với đời sống với ngôn ngữ lạ. Nhờ tánh chịu đựng nhẫn nhục, nhiều người rất thành công, lại gặp khó khăn trong gia đình khi chuyển đổi từ vai trò thụ động sang năng động, từ vai phụ đổi thành ngang hàng hay vai chánh trong việc gánh vác tài chánh sinh kế cho gia đình.

Về mặt truyền thống văn hóa thì một đằng phải bươn chải làm việc cho có hiệu năng để so vai với các đồng nghiệp ngoại quốc, lại vừa phải giữ cho tròn vai trò làm vợ, làm mẹ, và cả làm con, theo đúng tập tục Á Đông.

Họ vừa phải học hỏi để phù hợp với xã hội Tây phương, nơi mà con họ trưởng thành, vừa phải đóng đúng vai trò của mình trong gia đình để không bị người lớn tuổi phê phán, người trẻ tuổi cho là hủ lậu kém văn minh.

Ngoài ra, còn có những khó khăn về mặt giáo dục con cái và việc nội trợ, phải chạy theo thời gian vì vừa săn sóc, theo dõi con cái, vừa phải lo chợ búa, bếp núc, dọn dẹp nhà cửa... mọi thứ đều phải tự làm lấy.

Một số việc mà họ chưa từng đối phó khi còn ở Việt Nam là phụ giúp gia đình còn kẹt lại, và vấn đề đoàn tụ gia đình. Hai vấn đề này đã làm bao gia đình tại hải ngoại đổ vỡ.

Tôi đã đưa ra một số đề nghị về các phương thức cụ thể tích cực mà tôi từng áp dụng để có được một đời sống an vui quân bình. Đó là sự tu tập để giúp cho nội tâm vững mạnh, sống yên lặng, tĩnh tâm để giúp cho đời sống vật chất và tâm linh được quân bình. Tôi đề nghị phụ nữ nên tập thể dục, ăn uống điều độ để có sức khỏe vì thể xác khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, sẽ vui với người chung quanh hơn. Ngoài ra, người phụ nữ nên tạo sự cảm thông trong gia đình bằng cách nói chuyện cởi mở, thảo luận, lắng tai nghe nhiều hơn là tranh cãi hơn thua, để tránh hiểu lầm.

Điều quan trọng là hai vợ chồng phải có thì giờ riêng tư, nên tin cậy lẫn nhau, cảm thông hiểu biết nhau, mới vượt qua được khó khăn.

Phần kết luận, tôi nói rằng sự khó khăn của người phụ nữ còn nhiều hơn nữa, nhưng nếu kiên nhẫn, có ý chí phấn đấu, thì “khả năng, năng khiếu tiềm tàng” sẽ được phát triển. Người phụ nữ Việt Nam sẽ đóng góp cho việc xây dựng cộng đồng, cũng như giáo dục con cái như thế nào để chúng thành công trong vấn đề học vấn, và sau này chúng sẽ đem tài năng về xây dựng quê hương.

 

31-5-95

Máy bay chuẩn bị cất cánh. Lúc nãy anh Tài phải gọi qua Houston cho anh Phong hay là máy bay đi trễ 45 phút. Vài giờ nữa tôi sẽ gặp những người bạn mới lẫn cũ, những người sẽ giúp cho buổi ra mắt sách tại đây.

Tôi để lại Dallas nhiều quyến luyến, nhiều ân tình. Tôi gởi anh chị Nguyễn Sĩ Đẩu quyển sách ghi tặng Thy Lan. Hôm qua đến nay, tôi nghe cuộn băng ghi âm bài Thy Lan đọc lá thư tôi viết cho Trang nhiều lần. Giọng Thy Lan thật truyền cảm, thật xúc động.

Các bạn ở đây đã làm quá nhiều việc giúp tôi. Anh Thái Hóa Lộc, giám đốc đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam tại Dallas đã thực hiện nhiều chương trình, nào là phỏng vấn, phóng sự, đọc bài rồi thông báo liên tục trên đài. Anh Mai Văn Đức liên tục đi bài nhiều kỳ, quảng cáo sách và in thơ mời.

Hồi sáng khi tôi nhờ anh gởi bài qua Việt Nam Thời Báo ở Seattle, anh bảo “đi” phóng sự và hình ảnh, bài Việt Phương, tiến sĩ Nguyễn Đình Phong... đến năm trang, trong khi người khác anh chỉ “đi” có một trang. Anh gởi “modem” cho Việt Dũng (Hồn Việt, Diễm) ở Nam Cali, cho báo Mõ của Huỳnh Lương Thiện ở Bắc Cali, Phố Nhỏ của Nguyệt Ánh ở Washington D.C. và Việt Báo Kinh Tế của anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca.

Anh Mai Văn Đức sẽ “đi” hình và bài trên Bút Việt và anh Thái Hóa Lộc sẽ viết cho Thời Báo của anh, và Việt Nam Weekly News của anh Trần Lộc.

Kỳ trở lại Dallas lần này, tôi rất ngạc nhiên vì báo chí ở đây phát triển quá mạnh, chiều dày và trình bày không thua gì nhật báo Người Việt và Việt Báo Kinh Tế ở Cali.

Thịnh chắc là vui lắm. Lúc ra đi cứ hỏi tôi con của các bác đó có chơi với con không? Tôi bảo chắc có. Thịnh có thêm bạn mới, Hoàn 20 tuổi, Titi 16 tuổi đều vui vẻ đi chơi cùng Thịnh. Còn Tuấn thì dễ thương nhưng còn bé, chỉ mới 10 tuổi thôi.

Tối nay Thịnh lại sắp có thêm các bạn mới nữa. Chắc thích lắm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880