Từ Vườn Lâm Tỳ Ni đến Tháp Trà Tỳ

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 24842)
Từ Vườn Lâm Tỳ Ni đến Tháp Trà Tỳ

16-11-97

Chúng tôi rời Varanasi, Ấn độ, qua biên giới Nepal để viếng Lumbini từ 8 giờ sáng, mà mãi đến 5 giờ chiều mới đến nơi. Cũng như trên mọi quãng đường chúng tôi đi qua, đâu đâu cũng chỉ là sự nghèo nàn khô cằn, chỉ thỉnh thoảng nổi lên vài khu chợ sầm uất ở vùng biên giới của Ấn độ và Nepal.

Giữa hai biên giới có một khoảng đất trống chứa đầy rác rưỡi tanh tưởi và bùn đen hôi hám. Thầy Hạnh Tấn nói, thường thì họ cũng làm khó một chút, phải luôn luôn hối lộ chút ít cho họ vui lòng. Các ông lính Ấn độ trông tươm tất hơn thường dân, ông nào cũng mặc đồ ủi thẳng nếp mới toanh bằng kaki màu nâu, đội nón nỉ tròn đỏ, mang giày vải màu xanh sẫm. Ông nào cũng để râu có lẽ cho oai vệ, mặt mày nghiêm nghị vác lên, trên tay lăm lăm khẩu súng lưỡi lê.

17-11-97

Từ khách sạn nhìn ra đầu ngõ, chúng tôi đã thấy ngay những chòi lá nghèo nàn, rách rưới. Tôi không ngờ nơi đây người dân còn nghèo hơn cả bên Ấn độ. Trên đường đi, xe chạy ngang cảnh tượng một gia đình gồm vợ chồng và bầy con nhỏ khoảng năm bảy tuổi, đang chụm lửa nấu cơm ngay trên đống rác.

Xe buýt ngưng trước vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Nơi này trông điêu tàn hơn các nơi chúng tôi đã đi qua. Những sạp dựng lên để bán tượng Phật đủ loại cùng các xâu chuỗi, cũng ít và đơn sơ hơn. Chung quanh là rừng cỏ khô xơ xác. Khí hậu thật oi bức.

Quý thầy hướng dẫn phái đoàn đến thắp nhang đèn nơi trụ đá A Dục. Sau hồi kinh, Quyên và tôi chia ra, không theo phái đoàn, mà cùng nhau dạo bước quanh vườn. Khi nghĩ đến nơi chốn thiêng liêng, hơn 2500 năm trước, Đức Phật Đản Sanh, tâm hồn tôi tràn ngập niềm xúc động dấy lên, nước mắt tuôn rơi mãi, lòng tôn quý và thương cảm dâng lên Ngài thật vô bờ bến.

Lâm Tỳ Ni nằm trên ngọn đồi thuộc chân dãy Hy mã Lạp sơn, ngày nay thuộc vương quốc Nepal. Lâm Tỳ Ni đã được nhà khảo cổ người Đức tên Fuhrer khám phá năm 1895, qua di tích của trụ đá do vua A Dục (Asoka) xây.

Gần trụ đá này là Đền Mẫu Hậu Maya. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm bên bờ Hồ Nước, đánh dấu nơi Hoàng hậu tắm sau khi lâm bồn. Trước khi ra về, chúng tôi ghé vào một đền thờ lễ bái Đức Phật, và chụp ảnh bức phù điêu chạm hình Đức Phật Đản Sanh, Hoàng hậu đang giơ tay vịn cành cây, với Đức Phật sơ sanh đứng trên đài sen với vòng hào quang trên đầu. Bên cạnh là chư tiên đang rưới nước, rải hoa từ các bảo bình dâng cúng dường Ngài.

Tối 17-11-97

Chùa Linh Sơn, tại Kushinaga, Ấn độ

Tôi cảm thấy thật ấm cúng và thoải mái trong một căn phòng nhỏ, trần có quạt máy, nền xi măng. Trong phòng kê hai giường nhỏ cho tôi và Quyên.

Quyên đã xịt muỗi rồi, nhưng chúng vẫn cứ vo ve quanh đây. Lúc nãy hai chị em ra chợ mua khăn tắm. Chiếc khăn vàng quý sư sải bên Thái lan cho tôi dùng để quấn pho tượng Phật do sư trụ trì chùa Nhật bản ban cho. Sáng nay, tôi đã phát tâm cúng dường tượng Phật cho tu viện Bảo Pháp. Tôi nghe Nhật Huệ và Nguyên Liên bảo, thượng tọa trụ trì định thực hiện xây cất bốn chỗ Động Tâm nơi tu viện Bảo Pháp, nên vội cúng dường tượng Phật mà tôi đã mang đến gốc Bồ Đề Đạo tràng cầu nguyện.

Chùa Linh Sơn tại Kushinaga (Câu Thi Na) thật trang nghiêm và rộng lớn. Quả là một công trình thiết lập đầy khó khăn nơi xứ nghèo. Sư cô trụ trì nét mặt thật hiền hậu, tươi sáng. Tôi rất xúc động khi thấy cô quỳ trước chánh điện ngỏ lời khiêm cung cảm ơn chư tăng và Phật tử tụng niệm hồi kinh sau khi đến chùa.

Hầu hết mọi người trong phái đoàn đều ở dãy nhà trước. Thượng tọa ở trên lầu, chúng tôi ở dưới đất phía sau chùa. Tuy những căn phòng nơi chúng tôi ở còn đơn sơ mới cất, nhưng chúng tôi rất thích thú, cứ hát vang lên. Tôi sung sướng vì được đúng hạnh nguyện của mình là ở chùa trong chuyến hành hương. Và lúc nào tôi cũng muốn được ở chùa trong bất cứ chuyến đi nào.

18-11-97 - 8:20 giờ sáng

Quyên nhuốm bệnh. Tối qua, hai chị em đi mua nhang muỗi. Quyên đặt trên cửa sổ, còn tôi thì đặt dưới gầm giường vì sợ cháy chăn.

Ba cô gái trẻ nhất được chùa xếp cho căn phòng gần chúng tôi. Có lẽ những căn phòng phía sau chùa này dành cho những người Ấn độ đến giúp việc cho chùa. Đâu mặt với phòng chúng tôi là một vị sư cô và một bà cụ hiền lành trong đoàn. Bà cụ này mới đầu được xếp chung với tôi, nhưng khi tôi gặp Quyên bé bỏng từ Monterey một mình đến, tôi tự nhiên đến làm quen, và từ đó hai chị em cùng đi bên nhau suốt cuộc hành trình này. Quyên sẽ ở lại đến tháng 1-98 để tu học. Nếu thích hợp thì sẽ trở về thu xếp công việc làm ăn để trở qua tu hành luôn.

Tôi nói với Quyên, quyết định đầu tiên trong đầu mình bao giờ cũng là quyết định đúng nhất. Còn sau đó thường là sự tính toán, suy luận, biện bác, có thể làm thay đổi. Quyên bảo, quyết định thì đã lâu, chỉ có điều là phải thực hiện như thế nào thôi.

Hai chị em cùng tu học và đọc sách, tập thể dục và tai chi như nhau. Cũng như Quyên, tôi đã bắt đầu tu tập trên mười năm theo Tâm Pháp, tức là chuyển hóa tâm thức mình.

Hai chị em chuẩn bị qua chùa ăn sáng và đi thăm chùa Niết Bàn, và nền tháp nơi trà tỳ Đức Phật. Tôi kể cho Quyên nghe, đêm qua tôi thức giấc ba lần, tưởng rằng đã sáng, vì nghe tiếng tụng kinh và chuông mõ bên chánh điện vang lên.

Từ chùa Linh Sơn đến chùa Niết Bàn phải đi qua khu chợ nhỏ. Nơi đây cũng tỉnh nghèo, hàng quán giống như các túp lều. Tiệm vải trông sạch sẽ nhất, những tiệm khác bán bánh, trà sữa, vân vân... Trẻ con cứ chạy theo chúng tôi để bán hột bồ đề.

Trong chùa Niết Bàn có an vị tượng Phật dài sáu mét, trong tư thế nhập Niết Bàn, do nhà khảo cổ Carlleyle phát hiện năm 1876. Nơi lòng bàn tay và bàn chân của tượng Phật đều điêu khắc các biểu hiện hảo tướng và vẻ đẹp của Ngài.

Chúng tôi cũng đến chiêm bái và cầu nguyện nơi tháp Trà Tỳ cách đó khoảng một cây số, đó là nơi hỏa táng nhục thân của Đức Phật.

 

 

 

 

 

 

Tháp Trà Tỳ

19-11-97 - 3:00 giờ sáng

Xe sẽ khởi hành đi thành Xá Vệ vào lúc 5:00 giờ sáng. Thầy Hạnh Tấn cho biết, những ngày sắp tới hơi cực khổ, cuộc hành trình sẽ kéo dài khoảng 12 tiếng.

Tối hôm qua, sư cô trụ trì, trong buổi lễ giã từ, đã tặng cho quý thầy những tấm hình Đức Phật Thích-ca màu vàng in nổi trên tấm lá bồ đề lớn như cây quạt. Cô tặng chư Phật tử trong phái đoàn mỗi người một tượng Phật nằm mạ vàng nhỏ có thể đặt gọn trong lòng bàn tay. Sư cô dáng vẻ tinh anh, nói năng nhỏ nhẹ, có tài quán xuyến mọi việc trong chùa một cách có tổ chức nhịp nhàng.

Phái đoàn hùn góp lại tặng cho chín ông Ấn độ phục vụ công tác mấy hôm qua, mỗi người 100 rupi. Các ông Ấn độ này đều biết niệm Nam Mô A Di Đà Phật để thay lời cám ơn Phật tử. Người Ấn độ phần nhiều ăn chay. Sư cô cho biết, nhiều ông muốn ở chùa luôn không muốn về nhà. Cũng có một ông trẻ sắp lấy vợ.

Buổi sáng hôm qua, sư cô cho ăn cháo trắng và củ cải mặn. Ai ăn cũng thấy ngon miệng. Buổi trưa thì ăn canh cải, bí luộc và đậu hủ kho. Buổi chiều ai cũng mê món canh bún tàu nấu với cà chua và nấm mèo, đậu hủ. Có cả món đậu đũa kho và đồ chua. Đồ chua làm rất công phu, với ớt xanh, cải bắp, củ cải trắng, bông cải, lại thêm đậu phọng và hạt điều, ăn lạ miệng và "bắt" cơm.

Buổi sáng khi đi viếng chùa Niết Bàn và tháp Trà Tỳ, Quyên làm tôi đang xúc động rơi nước mắt cũng phải buồn cười, khi nhắc nhở đến gương mặt của tôi lúc đó. Khi hai đứa rời đám đông đi quanh tháp kỷ niệm nơi hỏa táng nhục thân của Đức Phật, tôi bước đến đặt tay trên vách tháp để cảm nhận sự hiện hữu thiêng liêng của Đức Phật ngày nào. Bỗng Quyên bảo tôi dừng lại, và "đừng mếu nữa” để cô chụp cho tôi bức ảnh làm kỷ niệm. Nếu "mếu hoài" cô sẽ không chụp được bức ảnh nào cho tôi hết.

Tôi nhớ lại buổi trưa hôm qua, Quyên xinh xắn trong bộ đồ Ấn độ màu trắng. Áo dài khỏi đầu gối, và ống quần hơi túm. Một bộ đồ chỉ mất có 11 mỹ kim. Tiền công may một bộ đồ chỉ mất có 50 rupi. Một mỹ kim đổi ngoài chợ được 37 đồng, ở đây họ đổi đến 37,5 đồng. Giấy 100 mỹ kim họ thích lắm, và giá cao hơn, như ở Việt Nam bây giờ.

Chiều hôm qua, sư cô Trí Thuận và thầy Hạnh Tấn đưa chúng tôi đi phát chẩn ở trường tiểu học Linh Sơn. Khi chúng tôi đến thì các em đang xếp hàng ngồi dưới đất, một bên con trai và một bên con gái. Đứa nào da cũng nâu sậm, nhưng nét mặt sáng sủa lanh lợi, mắt thật to đen lánh, và miệng cười tươi vì răng trắng bóng.

Tôi nhìn vào một lớp học đang có mấy người thợ làm khung cửa sổ. Tôi hơi ngẩn người vì sự nghèo nàn của lớp học. Nền nhà bằng đất nện chỗ lồi chỗ lõm, nhưng láng bóng. Trên đó đặt nhiều túi xách nhỏ của các em học sinh làm bằng loại bao gạo ny-lông mà chúng ta hay vứt bỏ ở California. Không có bàn ghế. Cảnh bần hàn này cũng giống như những cảnh bần hàn khác mà tôi được chứng kiến suốt mười ngày qua, đột nhiên làm tôi rơi nước mắt, vì nơi đây tập trung toàn là các em bé ngây thơ vô tội. Tôi bồi hồi đứng tựa người một lúc lâu vào chiếc cửa chưa có khung. Tôi đang thương xót cho các em học sinh nghèo nàn nơi Ấn độ hay đang tưởng nghĩ đến các trẻ em lang thang thất học tại Việt Nam. Giờ đây, ở quê hương tôi, sau hơn hai mươi năm “độc lập tự do”, chỉ có trẻ em nhà khá giả mới có tiền đi học. Thật chua xót!

Chúng tôi phát 180 áo len cho các em. Sư cô nói, áo con trai con gái gì chúng cũng mặc được, không sao. 80 cái khăn cho các em trải trên đất để ngồi học. Còn quần áo đồng phục thì một tháng rưỡi nữa mới may xong. Thầy Hạnh Nguyện nói, với số tiền chúng tôi đóng góp, còn xây được một bức tường chắn để các em không chạy ra đường lộ, sợ xe cán, và đóng thêm được 10 cái bàn dài cho các em ngồi học, mỗi cái 20 mỹ kim.

Sau đó, chúng tôi đến chùa Thái lan. Chùa này thật vĩ đại, vì tuy của tư nhân, nhưng do chính phủ Thái hỗ trợ. Chùa Nhật bản thì nay do một vị sư Tích lan điều hành. Chùa Miến điện nghèo nhất và cũ kỷ âm u.

Chúng tôi cúng dường tất cả 15 ngôi chùa ngoại quốc, và 4 ngôi chùa Việt Nam. Chùa Linh Sơn ở Lâm Tỳ Ni, chúng tôi chưa được viếng, vì không đủ giờ.

20-11-97

Tại Taj Mahal Hotel, thành phố Lucknow.

Tự dưng hai chị em tôi trở thành hai cô Ấn độ. Sau khi chia phòng xong, anh Nhật Toàn tiếp tay xách dùm tôi một túi đồ. Nhưng rồi không biết anh ở phòng nào để lấy lại, nên tôi đành phải mượn bộ đồ Ấn độ Quyên vừa may mặc tạm.

Xe rời chùa từ 5 giờ sáng, đến trưa ghé vườn Kỳ Viên, có cây bồ đề do ngài A Nan trồng để đệ tử đỡ tưởng nhớ khi Đức Phật khuất bóng. Mọi người ăn cơm do thầy Hạnh Tấn và ni cô vắt sẵn tối hôm qua mang theo. Sau khi tụng kinh trên tháp, và đi kinh hành, mọi người đi đến Lucknow.

Khi đến nơi, cả bọn đều bàng hoàng, vì khách sạn Taj Mahal cao lớn như hoàng cung, còn đoàn hành hương thì lôi thôi chẳng khác nào đám người du mục. Ai nấy quần áo xốc xếch, đầu đội nón lụp xụp, lưng đeo bị quảy túi. Tôi và Quyên còn xách theo cả bao gạo do cậu bán vải cho hồi tối qua.

Vào phòng một lát, tôi phải lo cạo gió cho Quyên, và cho cô nàng uống một ly trà nóng tạm vì không có thuốc. Thầy Viên Lý tối hôm qua cũng đau rồi, không thấy thầy xuống dùng cơm tối. Sáng ngày mai, chúng tôi còn phải thức thật sớm để tiếp tục đi.

Viếng Đền Taj Mahal và Tân Đề Li

8:15 giờ sáng chủ nhật - Phi trường Singapore

Chúng tôi cùng về từ New Delhi, nhưng qua đến phi trường Singapore thì chia tay, mỗi nhóm đi về một thành phố, ở nhiều tiểu bang khác nhau. Phái đoàn Pháp và Quyên đã ở lại chùa Nhật để đi các chuyến phi cơ khác, còn phái đoàn Mỹ thì mua sắm, ăn chiều, rồi lên phi trường ngay.

Những ngày cuối cùng, chúng tôi được viếng một kỳ quan thế giới là đền Taj Mahal, ở cách thành Agra gần hai cây số. Đền này do vua Shah Jahan xây cất để tưởng niệm hoàng hậu Mumtẵ-uz-Zamani, người vợ quá cố yêu quý của ông. Được biết, công trình xây cất kéo dài hai mươi năm, và sử dụng đến 20.000 công nhân. Các vật liệu vô cùng quý giá, từ cẩm thạch, vàng, pha lê, đá hoa, gỗ quý, và nạm đính nhiều loại bảo thạch, kim cương... chở về từ Tây tạng, Trung quốc, Tích lan, Ả rập...

Trước khi ra phi trường, chúng tôi còn được đi chợ dưới hầm Palika Plẵa tại Connaught Place, Tân Đề Li. Nơi đây có hàng trăm tiệm buôn bán lớn nhỏ. Khu chợ xây cất dưới lòng đất theo hình vòng cung. Chúng tôi cứ lạc nhau mãi, nhưng đi vòng vòng rồi cũng gặp nhau.

Gần Connaught Place có Bengali Market, hay Khan Market, có bán trái cây vùng nhiệt đới, và nhiều quà lưu niệm đặc biệt của Ấn độ.

Mặc dù thầy Hạnh Tấn có dặn dò là người Ấn độ bán hàng nói rất thách, vậy mà hầu hết đều bị hố giá, hoặc mua lầm đồ giả. Có một chị mua nữ trang đến 1000 đô bị của giả, trong khi người khác chỉ mua có 100 đô mà lại đồ thật. Tôi thì bị lố áo quần bằng tơ. Tôi thấy mỗi bộ khoảng 8 đô, so với giá bên Mỹ thì rẻ, nên mua đến 15 bộ. Một đồng mỹ kim lúc đó là 37 rupi. Tôi trả 8 đô hay là 290 rupi; trong khi đó các chị trong đoàn qua nơi khác mua giá chỉ có 120 hay 150 rupi.

Tối hôm đó, tôi rủ Quyên và các chị khác xách đồ đi trả. Mấy chị em lặn lội đường phố ngoằn ngoèo chỗ nào cũng như chỗ nào, cho nên cuối cùng đành quay về khách sạn.

Lý do tôi và Quyên tìm tiệm không ra, vì khu bán đồ cạnh khách sạn nằm phía bên phải. Trong khi đó, tôi bị anh chàng xích lô dụ đi chợ chỉ tốn 5 rupi. Không ngờ anh chàng chạy bên trái rồi vòng vo tam quốc 20 phút mới đến tiệm bán quần áo. Thấy anh chàng chạy xa quá, tôi tội nghiệp nên đưa cho 10 rupi. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy mình thương người một cách sai lầm, vì anh ta sẽ được tiền huê hồng số tiền mình mua quần áo giá gấp đôi do chủ tiệm đưa. Thêm nữa, anh chủ tiệm đòi tôi trả giấy 100 đô mới chịu bớt giá. Thế là anh đổi ra sẽ lời thêm vài trăm rupi nữa.

Trên máy bay đi từ Singapore đi Nhật bản.

Tôi quên cả ngày giờ vì hiện tôi đang sống trong ba thời khoản khác nhau. Đồng hồ đeo tay tôi chỉ 11 giờ trưa Ấn độ. Bây giờ ở Cali là 9:30 giờ tối, còn ở Singapore thì sai biệt với Ấn độ khoảng một tiếng.

Phái đoàn tách ra làm nhiều nhóm tại phi trường Singapore. Một số người qua Hongkong để về Việt Nam, một số đi New York, Florida, San Jose... chia nhau tứ tán. Tôi tự trách mình sao không để ngoài hành lý một số tràng chuỗi để gởi về Việt Nam cho má chồng, nhân khi chị Diệu Hằng về Việt Nam. Tôi gởi chị tiền nhờ đi phát gạo, quần áo cứu nạn lụt bên nhà.

Trên máy bay, giờ này trông ai cũng có nét bơ phờ mệt mỏi, tóc tai rũ rượi. Khi nãy vào nhà tắm, tôi giật mình thấy mình già đi khoảng mười tuổi. Mái tóc bạc nhiều mà không chải tử tế trông thật là bết bát.

Vài Phật tử lo đọc kinh trong quyển Cẩm Nang của cuộc hành hương. Ông bà cụ ngồi cạnh tôi thật tài, đi suốt cả đoạn đường hành hương dài đăng đẳng mà vẫn khỏe. Giờ thì bà cụ đang ngồi đọc báo, còn ông thì đọc quyển sách viết về các thắng tích hành hương nơi đất Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880