Hongkong và chuyến Hoa du "bỏ túi"

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29470)
Hongkong và chuyến Hoa du "bỏ túi"

11-11-96, 8:40 giờ tối - Phi trường Los Angeles

"Kiên nhẫn, tiếng Phạn (Sanskrit) là Ksanti, có nghĩa là sự nhẫn nại và sự yên lặng trầm tĩnh chịu đựng đau khổ và nhọc nhằn. Nhưng thực sự thì nó có nghĩa nhiều hơn thế nữa. Nó chứa đựng ý nghĩa nhìn thấy hoàn cảnh, cảnh ngộ, và nhìn thấy đúng lúc để chịu đựng và khởi sự kiên nhẫn.

"Như thế thì Ksanti còn hàm chứa ý nghĩa thông minh. Không phải như kiên nhẫn của một con thú chuyên chở đầy hành lý đi mãi cho đến khi quỵ chết. Kiên nhẫn như thế là kiên nhẫn không có chân lý, thiếu sáng suốt.

“Ở đây chúng ta nói đến sự kiên nhẫn tỉnh thức, sáng suốt với sức sống, với đôi mắt hiểu biết. Thông thường khi chúng ta nói đến kiên nhẫn, chúng ta nghĩ đến một người đang nhẫn nại, nhưng với ý nghĩa trao đổi (communication). Kiên nhẫn có thể phát triển nếu có kỷ luật và nếu ta biết tạo hoàn cảnh đúng (create the right situation). Như thế, thì ta không phải chịu đựng sự đau khổ hay khó chịu vì ta đã cố gắng vượt qua nó, và có thể khai triển, phát triển sự kiên trì với sự tiếp sức của năng lực (energy). Thiếu nghị lực ta không thể phát triển sự kiên nhẫn vì không có đủ sức mạnh để kiên nhẫn, để chịu đựng, và nghị lực, sức lực đó đến từ sự kiến tạo hoàn cảnh đúng lúc được kết hợp bởi sự hiểu biết.

"Có thể chữ "hiểu biết" hơi mơ hồ, vì nó thường có nghĩa tự giác hay biết mình đang làm gì, nhưng trong trường hợp này cái biết chỉ giản dị khi mình nhìn thấy hoàn cảnh một cách chính xác. Nó không có nghĩa nhìn thấy mình đang nói hay làm gì, mà lại có nghĩa nhìn cục diện một cách tổng quát, giống như cái nhìn từ trên cao xuống cảnh của một thành phố trải rộng ra... Như vậy thì sự kiên nhẫn liên hệ với giới luật phối hợp cùng sự hiểu biết.

"Thế thì giới luật là chìa khóa của tất cả, và đạo đức, phẩm hạnh, là nguồn phát khởi của giới luật và là cơ năng chính của giới luật.

“Ở đây có hai sự suy nghĩ. Một bên cho rằng, giới luật rất cần thiết, và chỉ có qua giới luật người ta mới học và tìm đúng đường. Bên kia cho rằng, mọi việc phải được để tự nó phát triển và nếu ít giới luật, hay mọi việc để cho cá nhân chọn lựa hoặc trực giác, thì họ sẽ phát triển sự quan tâm cá nhân trong công việc và không cần có sự bắt buộc. Cả hai lối nhìn trên đều hơi quá...”

Tất cả những hàng ghế trong phòng đợi chuyến bay tại cổng 105 của hãng hàng không Cathay đã đầy ắp hành khách. Tôi có cảm tưởng như đang ngồi trong một rạp hát cải lương lúc màn nhung vừa buông xuống và đèn phựt sáng. Âm thanh chát chúa vang rền bên tai tôi, nhiều nhất dĩ nhiên là tiếng Tàu, và đông nhất là đàn ông.

Lúc nãy đang ngồi dịch bài "Kiên Nhẫn" của thiền sư Chogyam Trungpa từ quyển Meditation in Action (Hành Thiền), một ông già móm mém thiếu hết răng đến gần đưa tôi một mảnh giấy. Ông hỏi có đúng máy bay Cathay không. Hóa ra một ông già Tàu Chợ lớn. Với tiếng Việt pha giọng Tàu, ông kể lể một hơi, nào ông "chạy Trung cộng qua Hải Phòng, rồi chạy Việt cộng vô Chợ Lớn ở được 30 năm, sau đó lại chạy Việt cộng thêm một lần nữa qua Mỹ 20 năm; và bây giờ thì ông qua Hongkong để trở về thăm Trung cộng và tìm cách đưa cháu qua Mỹ”.

Mười cô tiếp viên xuất hiện làm đỏ rực một góc phòng. Mỗi cô kéo một cái vali lớn, và cặp một túi xách nhỏ. Không còn một chỗ ngồi, các cô đứng tựa vào cửa kiếng của phi trường nói cười cùng nhau. Tất cả đều người Á Đông, tóc đen nhánh, cắt bom-bê hoặc cột đuôi gà, trước ngực có gắn một cái nơ màu hồng, lộ ra từ chiếc áo sơ mi trắng dưới lớp áo vét màu đỏ thẳm. Tôi liên tưởng đến các cô tiếp viên ở Việt Nam, giờ này càng ngày chắc càng đông, theo lượng du khách vào Việt Nam càng nhiều.

Báo Người Việt mới đây cho biết, cơ quan du lịch nhà nước CSVN dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm du lịch quan trọng nhất trong vùng Đông Nam Á, và thu hút hơn ba triệu du khách mỗi năm vào cuối thế kỷ này. Dự đoán năm 1996 có khoảng 1.5 triệu người đến Việt Nam. Bài báo của hãng thông tấn Reuter cho rằng, du khách điển hình tại Việt Nam vẫn là du khách "ba lô" đi lang thang từ nơi này sang nơi khác, chi tiêu chẳng là bao. Số "du khách" thường xuyên nhất vẫn là "Việt kiều" về thăm quê hương gia đình.

0:45 giờ khuya chủ nhật trên không phận từ Los Angeles Mỹ châu, sang Hong Kong, khoảng cách 7.243 dặm Anh hay 11.656 cây số, bay mất 14 giờ 46 phút. Hiện tại ở Hong Kong là 4:45 giờ chiều thứ hai.

Hành khách đang xem phim Independence Day do Will Smith và Jeff Goldblum đóng. Phim này khởi sự chiếu vào lễ Độc lập của Hoa kỳ và rất thành công. Tài và tôi cũng đi xem, nhưng tôi thất vọng vì giả tưởng quá lố và vô lý. Vật lạ ngoài hành tinh đáp xuống ngay Tòa Bạch cung của tổng thống Mỹ và bắn nổ tung thành phố Washington D.C. Dĩ nhiên là tổng thống và phu nhân đã thoát nạn, và kết cục là người cứu tinh đã bắn hạ được vật lạ chỉ là một anh phi công bình thường. Cuốn phim có lẽ hốt bạc nhờ hào hứng và quấy nhộn. Như hầu hết các phim khoa học giả tưởng khác.

12-11-96 - 5:41 giờ sáng trên không phận Hongkong.

Giờ này là 1:41 giờ trưa thứ hai 11-11-96 tại Los Angeles, California. Chỉ còn một giờ nữa là chúng tôi đến phi trường Sin Tak, sân bay duy nhất tại Hongkong, nơi từng chứng kiến bao nhiêu cảnh vật vã khóc lóc thảm thiết, rạch bụng oằn oại đau đớn của biết bao thuyền nhân, khi bị cảnh sát Tàu lôi kéo, bưng đẩy lên máy bay để cưỡng bách họ về Việt Nam.

Theo bản tin của Reuter đăng trên nhật báo Người Việt ngày 9-11-1996, thì hôm thứ sáu tuần rồi, 8-11-96, Hongkong đã hồi hương thêm 237 thuyền nhân. Họ cho biết hiện chỉ còn 9.924 người. Hongkong dự trù "thanh toán" hết các trại tị nạn trước khi Anh quốc bàn giao hòn đảo tách biệt này cho Hoa lục vào ngày 1-7-1997.

Máy bay Cathay đang ở cao độ 11.900 feet, chỉ còn 385 dặm hoặc nửa giờ nữa, chúng tôi sẽ đặt chân xuống một thành phố sắp rơi vào tay cộng sản. Máy bay đã bay qua thành phố Osaka của Nhật bản, Taipei của Đài Loan, và sắp đến Hongkong.

13-11-96 - 6:00 giờ sáng

Khách sạn Caritas, Hongkong.

Sáng hôm qua, sau khi từ giã linh mục Trần Công Vang, chúng tôi đi loanh quanh khu phố gần khách sạn Caritas, nơi cha đưa chúng tôi đến đó trú ngụ. Cha vừa mua một số dây đàn guitar để mang vào cho giới trẻ trong trại tị nạn sinh hoạt văn nghệ. Cha cho biết có một số người Việt Nam được quyền tị nạn hoặc lấy chồng Tàu ra ngoài sinh sống, mỗi ngày thay phiên đến giúp cha mua và gói quà để mang vào trại.

Tài và tôi đi đến ngôi chùa Phật Bà Quan Thế Âm ngang khách sạn để cầu nguyện. Tôi mua bó nhang 20 đồng tiền HK. Một mỹ kim trị giá 7.50 đồng HK. Chúng tôi thắp nhang và cầu nguyện trước Phật Bà, xin phù hộ cho chúng tôi được bình an, dẫn dắt và giúp đỡ chúng tôi đạt thành ý nguyện của chuyến đi, là được vào trại tị nạn thăm viếng, và có thể làm được việc gì giúp đỡ thuyền nhân.

Buổi tối, chúng tôi đến trường trung học La San, nơi cha Vang ở cùng sáu linh mục khác, và làm việc. Tại đây cũng có một nhà nguyện. Tôi nhờ cha đưa vào đó để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tay bế Chúa Giê-su Hài Đồng.

Lời kinh cầu của linh mục nhẹ nhàng trầm ấm đầy tình thân:

"Lạy Mẹ xin hãy che chở thuyền nhân và giúp họ không bị ngược đãi khi về Việt Nam; và xin Mẹ giúp cho họ có một tương lai tốt đẹp.

“Xin Mẹ giúp cho anh chị thực hiện được ý nguyện giúp đỡ thăm viếng an ủi thuyền nhân...”

Tôi nhờ cha xem lại bản tin vừa viết từng đoạn trong ngày, và yêu cầu cha có thể bỏ những chi tiết nào bất tiện cho việc ra vào trại hay giúp đỡ thuyền nhân của cha.

Chúng tôi làm việc đến 12:30 giờ khuya, có cả sự giúp đỡ của anh Phụng, chị Thảo. Sở dĩ kéo dài, vì cha về đến nhà đã 8:00 giờ, dùng cơm rồi soạn thuốc men, tất cả những gì mua dùm thuyền nhân. Chị Thảo giúp cha phân loại hàng đống thư từ gói nhỏ gói lớn, của thuyền nhân các trại gởi cho nhau, gởi cho Cao ủy hoặc luật sư, hay gởi ra ngoài cho thân nhân.

Lúc đang đọc bản tin của tôi, tôi chợt nhớ đến việc nhờ cha tìm các anh trong Hội Văn Bút. Thế là cha ngưng lại, tìm gói đồ gởi lại của trưởng hướng đạo Tai A Chau vừa bị cưỡng bách sáng này. Chúng tôi lại kéo cờ hướng đạo ra chụp ảnh. Nhìn cuộn video sinh hoạt hướng đạo cũ mốc meo, tôi hết sức xúc động, nghĩ đến những lá thư và những tấm ảnh của Khải Hoàn gởi cho tôi nhờ chuyển đến các trưởng hướng đạo khác. Có nhiều thư tôi gởi cho họ, qua sự giới thiệu của Vi An bên Nhật, đã bị trả lại. Nay những người còn lại mà tôi muốn thăm cũng đã bị cưỡng bách hồi hương.

13-11-96 - 12:52 giờ trưa

Tôi chỉ vào miệng rồi quạt quạt miệng bằng tay. Cô xẩm nhìn quanh quất rồi chỉ mấy lon coca trong tủ kiếng. Tôi lắc đầu, nói tiếng Anh từng chữ “hot, hot”. Cô ta gọi ông Tàu đang đứng cạnh thùng nước súp sôi bốc khói nghi ngút. Ông ta gật gật đầu chỉ mấy gói nhỏ bằng ny-lông đựng mù-tạc. Tôi đành gật đầu bảo Tài: "Thôi ăn đỡ đi anh”. Ông ta còn cố đi vào tủ lấy ra loại mù-tạc cay màu xanh trong ống của Nhật bản gọi là Wasabi. Có lẽ họ tưởng chúng tôi người Nhật. Hôm nay tôi quên mua ớt để dành trong bóp.

Mỗi đứa một chén cơm ăn với dĩa thịt đùi heo quay. Ông Tàu sớt phân nửa dĩa cải làn nhúng vào nước sôi, chế dầu hào lên trên, và ôi thôi, cho thêm một muỗng lớn dầu ăn. Tôi nhăn mặt, nhưng đã trễ rồi. Tôi sợ dầu mỡ quá rồi, mấy hôm nay cái gì cũng ướt cả dầu mỡ. Nhưng lạ một điều, chung quanh tôi ai cũng ăn dầu mỡ, đồ xào, thịt heo, thịt gà, đủ các loại thịt thà lòng da... thế mà hầu hết đều gầy ốm. Tài ngoắc cô xẩm chỉ nơi dầu còn đọng lại lênh láng, xoa xoa tay. Cô ta gật đầu, đem vào bên trong, nghiêng dĩa cho chảy bớt xuống đất, rồi mang trở ra. Vẫn còn dầu, nên chúng tôi ra dấu nhờ cô làm lần nữa. Cô mang dĩa rau vào trong, tôi ngó theo, rồi hốt hoảng:

"Cô ta bốc tay ra rồi anh ơi!"

Thật vậy, cô xẩm một tay cầm dĩa, lấy bàn tay kia kềm mớ rau chắt cho hết dầu xong, lại mang trở ra. Thấy khách vào, cô mang ly trà cho ông già Tàu ốm nhom. Sau khi ông gọi một tràng thức ăn, cô đợi cái ông Tàu đứng bên trong quầy chặt chặt lùa lùa, sau "tấm màn" bằng gà vịt thịt heo quay xá xíu mỡ chảy nhỏ giọt. Ông này nhanh tay đưa cho cô dĩa cơm trên có xếp thịt gà luộc và xá xíu ướt tươm dầu mỡ, thảy đều xắt nhỏ khéo léo. Cô xẩm đón chiếc dĩa bằng tay trái, bàn tay mặt còn ươn ướt vì khi nảy "vịn" rau của chúng tôi thì cho vào tém cơm trong dĩa cho gọn lại, xong đặt nhanh lên bàn trước mặt ông già Tàu. Ông già cúi đầu xuống ăn thật nhanh thật ngon lành, với hàm răng xếu xáo cái còn cái mất.

14-11-96, 8:00 giờ sáng thứ năm - Trên xe buýt đi Trung Cộng

Nếu không ghi trên đường đi thì tôi sẽ không có thì giờ viết nhật ký. Tối qua chúng tôi từ nhà tù Victoria đảo Hongkong về đến nhà lúc 10:00 giờ đêm. Tôi thức dậy vào lúc 2:00 giờ sáng để viết bài về chuyến thăm nuôi thuyền nhân trong trại tị nạn.

Đến gần 5:00 giờ tôi nằm một chút, rồi dậy tập thể dục. Anh Tài mang bài dùm xuống văn phòng gởi fax về cho đài VNCR, cho Thắng và cha Vang để cha đọc khi thức giấc. Chắc hôm nay cha phải thức lúc 6 giờ sáng, vì máy fax đặt sát đầu giường của cha.

Hôm nay chúng tôi đi tour tức tốc sang Tàu chỉ trong nội một ngày "cho biết". Cô hướng dẫn viên xinh xắn thông báo chúng tôi sẽ phải ghé qua hai cổng lo thủ tục nhập cảnh. Thành phố đầu tiên sẽ đến là Shenzhen và sau đó là Quangzchou (Quảng Châu).

Thành phố Shenzhen ở duyên hải trung nam của tỉnh Quảng Đông và gần biên giới miền Bắc của Hongkong. Shenzhen là vùng kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung quốc chấp nhận sự đổi mới và chính sách cởi mở đối với thế giới bên ngoài. Với diện tích 2020 cây số vuông, thành phố phong phú với tràn đầy thắng cảnh, di tích lịch sử. Rất nhiều hồ núi thiên nhiên xinh đẹp chen cùng đập nước vĩ đại, và các di tích lịch sử của nền văn minh hóa cổ thời “Tân Thạch Đại" (New Stone Age).

Quangzchou là thành phố hải khẩu lớn nhất thuộc miền Nam của Trung quốc, thủ đô của tỉnh Quảng Đông trù phú. Diện tích của Quangzchou là 43.000 cây số vuông, dân số có 6 triệu mà có đến 7 triệu chiếc xe... đạp. Quangzchou nằm ở vùng nhiệt đới, khí hậu rất tốt, núi đồi cây cỏ xanh tươi, thành phố cổ mà khang trang. Có rất nhiều chùa cổ, kiến trúc xưa, chen chúc bên cạnh các cơ xưởng to lớn cùng các tòa cao ốc tân kỳ. Đường phố lúc nào cũng đông nghẹt người và xe cộ các loại. Các đại lộ có màu sắc thành phố tân thời.

8:30 AM. Xe buýt chúng tôi đã vượt từ Cửu Long (Kowloon), qua khu Tân Giới (New Territory), và đến biên giới Hoa lục. Nhà cửa hai bên đường bắt đầu biến đổi, có vẻ cũ kỷ, lụp xụp, không còn những chung cư cao ngất như tại Hongkong.

Cô hướng dẫn viên dặn dò chúng tôi nhớ đừng chụp hình ở các cổng làm thủ tục di trú, nhất là đừng chụp những người mặc đồng phục, đừng mang theo sách báo. Cô khiến tôi chợt nhớ là sắp đến một nước cộng sản. Tôi chợt nhớ hôm qua khi vào nhà tù Victoria thăm những người bị cưỡng bức, lính canh tù cũng ném hết báo Đuốc Từ Bi và sách vở. Cô còn dặn Tài nhớ coi chừng bị móc túi, vào chùa nhớ đừng bỏ giày dép ra coi chừng phải đi chân không mà về Hong Kong.

8:45 AM. Theo đúng lời cô dặn, chúng tôi phải vào Happy Room hay phòng vệ sinh trước khi xếp hàng qua hàng rào sở di trú. Chỉ còn một cái cầu dài nữa là qua đến Tàu. Tài nhắc tôi thành ngữ "five- star shoplifter" tức là bàn tay năm ngón nhám nhúa có thể cho nhẹ vào túi mình bất cứ lúc nào không hay.

Lúc nãy, cô hướng dẫn viên có dạy chúng tôi hai câu tiếng Hoa để xã giao: "Xê xê" là cám ơn, và "Nỉ hào ma" là mạnh giỏi không.

9:10 AM. Xe đang chạy qua cầu. Mọi người mừng vì có hai ba người bị kẹt vừa làm xong giấy tờ. Một ông Ấn độ và hai vợ chồng có lẽ người Iran. Cô hướng dẫn viên chỉ hàng rào chặn ngang biên giới dưới cầu, nói rằng, hàng rào đó sẽ được dở bỏ sau tháng 7-1997. Xe lại vào sở di trú của Trung quốc.

12:45 PM. Xe buýt rời thành phố Shenzhen, nơi được mệnh danh là Economic Zone (vùng Kinh tế), và qua một trạm kiểm soát thứ nhì. Cô Shi, hướng dẫn viên nói khi về có thể chụp hình được. Hai bên đường có nhiều nhà máy làm đồ điện, may quần áo, giày.

Qua một đoạn đường thì đến các dãy ruộng nương xanh mướt. Cô Shi nói bên Tàu trồng rau cải, lúa gạo để bán qua Hong Kong. Trên các ngọn đồi cao trồng đầy cây ăn trái. Bây giờ là mùa quýt bắt đầu vàng ươm. Chen lẫn là các cây nhãn bắt đầu ươm trái. Cô Shi cho biết, các người làm ruộng rẫy tại đây phải mướn đất của nhà nước 50 năm, con cái không được hưởng.

Chúng tôi đi ngang qua các hồ nuôi cá. Chung quanh là nhà chung cư của chủ ruộng cá nước ngọt. Chúng tôi lại đi qua sông Trân Châu (Pearl). Cảnh nơi đây đẹp đẽ êm đềm. Tiếp nối theo là các cánh đồng với những thủa ruộng nhỏ nằm lẫn lộn bên các rẫy rau. Cánh đồng vàng đầy lúa chín. Cô Shi nói mỗi năm có ba mùa lúa. Bây giờ là mùa lúa thứ ba trong năm.

1:45 PM. Khi đến cổng trả tiền để qua Quảng Châu, chúng tôi tò mò nhìn qua các xe đò xếp hàng dài bên cạnh. Trên tầng trên của xe đò, hành khách nằm còng queo. Chiều cao xe không đủ ngồi, và chiều dài không đủ nằm ngay chân. Tuy nhiên họ nằm trông có vẻ thoải mái và vương giả, dù mặc đồ đơn sơ không kiểu cọ gì. Xe vừa chạy 5 phút là đến một cổng thứ nhì để nộp tiền (toll free). Các căn nhà bên xa lộ trông quá nghèo nàn, vách lá rách che tạm bằng mấy tấm ny-lông, mái nhà cũ nát. Có những ngôi nhà đang đổ nền xây cất, xen kẽ với nhà lợp tôn. Lại thêm các rẫy trồng rau bắp sắn khoai...

Xe đi vào Quảng Châu, đến thành phố Canton. Từ đây đi Bắc Kinh 48 giờ. Chinese Airline Always Crash (CAAC). Công an ở đây mặc đồ màu xanh cứt ngựa, đầu đội kết trắng.

Cô Shi nói thành phố Canton cũng có 6 triệu dân, mà có 7 triệu xe đạp. Những người đi xe buýt nhìn chúng tôi. Mặt họ buồn, xanh, phần đông gầy gò tiều tụy. Người ngoài đường mặc áo quần cũ màu sắc xám, trắng, xanh dương. Các cô quét đường mặc đồng phục đỏ, đội nón lá nhọn. 95% dân nói tiếng Quảng Đông (Cantonese). Trung quốc có cả trăm loại thổ âm khác nhau. Ở trường học thì dùng chung tiếng Quan Thoại (Mandarin), là ngôn ngữ của quốc gia để mọi người trò chuyện với nhau. Viết chữ đều giống nhau nhưng nói khác và đọc khác, cho nên chính họ cũng gặp khó khăn khi truyền thông với nhau, dù tất cả đều là người Tàu.

Căn nhà cao nhất của thành phố này có 80 tầng. Cao ốc ở Shenzhen có 81 tầng, cao nhất nước Tàu.

Chúng tôi đi ngang qua vận động trường của nhà nước. Cô Shi nói ở đây họ thường chơi đá banh, đánh bóng bàn, vũ cầu. Cô nói có xem nhiều phim Mỹ ở Shenzhen, chứ không xem ở đây. Thật ra, cô xem qua truyền hình Hongkong.

2:30 PM. Buổi trưa dân tại đây vì uống nhiều bia nên thích ngủ trưa. Miền Bắc người ta thích uống nhiều rượu đế (rice wine) vì trời lạnh, còn ở đây thì chuộng uống bia vì khí hậu nhiệt đới. Shi nói đàn ông miền Bắc là vua trong gia đình. Ở Shenzhen thì khác, đàn bà rất tự lập, vì rất đông, một đàn ông thì năm đàn bà. Các nơi khác của Trung quốc thì đàn ông đông hơn. Tại đây, học đại học thì chính phủ lo học phí, cư xá, và y tế phí, sinh viên chỉ lo tiền ăn. Khi tốt nghiệp ra trường phải làm việc cho chính phủ năm năm. Sau đó có quyền đổi nghề. Shi cho biết người Tàu quen "Dạ" (Yes). Dạ với cha mẹ, với nhà nước. Không ai có quyền lựa chọn.

Sau khi ăn cơm trưa tại nhà hàng Star, chúng tôi đi xem Sở thú. Đường phố nhỏ hẹp với hàng quán nghèo nàn như bên Mễ tây cơ, vùng ngoại ô, chứ không phải thành phố biển Ensinada hay Tijuana.

4:30 PM. Chúng tôi xem Sở thú xong rồi đến đài kỷ niệm nhà cách mạng Tôn Dật Tiên (Sun Yat-Sen). Tôn tiên sinh là cha đẻ của Cách mạng Trung hoa, sinh trưởng tại Quảng Đông năm 1866, mất tại Bắc Kinh năm 1925. Ông là nhà cách mạng kêu gọi tái thiết Trung quốc theo thể chế dân chủ, trừ bỏ chế độ phong kiến, thành lập đảng cách mạng từ năm 1894, đến năm 1905 kết hợp thành Đồng Minh Hội, sau đó năm 1912 chuyển thành Quốc Dân đảng. Năm 1911, sau cách mạng dân chủ, ông được bầu làm Tổng thống tại Nam Kinh, nhưng sau đó nhường cho Viên Thế Khải, về Bắc Kinh. Ông kết hợp được cả hai đảng Quốc dân lẫn Cộng sản Trung hoa, trước khi qua đời năm 1925. Vì vậy mà cả hai nước Hoa lục và Đài Loan đều tôn trọng ông. Đài tưởng niệm ông có nhiều học sinh, cũng từ bên Sở thú đến viếng như chúng tôi. Các em mặc đồng phục mang khăn quàng, rất vui mừng khi gặp người ngoại quốc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880