Cường nói với tôi là đã thông báo xin nghỉ việc làm ở K-mart để chuẩn bị đi San Diego học vào tháng tới, còn Thịnh thì dọn nhà vào ngày mai.
Hai năm trước Thịnh ở nội trú trong trường nên có sẵn bàn ghế tủ giường. Năm nay Thịnh và các bạn thuê phòng riêng bên ngoài nên phải sắm sửa đủ thứ. Thịnh nói sẽ chở giường ngủ, bàn học, tủ kệ tivi, tủ sách, vân vân... Hè đã trôi qua thật nhanh. Tất cả học trò lớn bé trong nhà - học trò già Mai và hai học trò con Thịnh Cường - lại chuẩn bị để trở lại trường. Với tôi, lúc nào công việc cũng vẫn là công việc. Người lớn thật sự không có mùa hè.
Trong khi chờ giờ vào lớp, tôi thử kiểm điểm lại những gì đã làm vào mùa hè qua. Điều vui nhất là Thịnh đã thành công trong việc giảm cân, xuống được 40 cân nhờ tập thể dục, chơi banh và ăn kiêng. Thịnh cũng chừa luôn hai món khoái khẩu nhất là thịt nướng Đại hàn và tỉm sấm Trung hoa. Cả mùa hè này Thịnh không đi ăn thịt nướng lần nào, và cũng chỉ ăn tỉm xấm rất giới hạn. Cứ mỗi lần ăn tiệm về là Thịnh phải tập thể dục nhiều và đánh banh để giảm chất béo.
Sinh hoạt mùa hè của gia đình chúng tôi thay đổi. Có nhiều buổi tối cả nhà cùng đi tập ở Holiday Spa. Dĩ nhiên là trừ mẹ chồng của tôi, bà chỉ đi bộ mỗi buổi sáng quanh hồ nước sau nhà. Tài và tôi đi bộ trên máy, Thịnh đạp máy như leo núi, Cường cũng đi bộ và tập các loại máy khác.
Tài thấy Thịnh đến chỗ bán thuốc thiên nhiên mua thuốc uống kèm để tập thể dục cho xuống cân thì không bằng lòng, anh bảo nên để tự nhiên. Còn Cường thì than mệt vì đứng tính tiền một ngày năm sáu tiếng ở K-mart nên đau lưng. Cường nói bác sĩ bảo một chân của Cường dài hơn chân kia nên dễ đau lưng. Cường đã làm niềng răng nên đau và ăn uống không được, tôi phải nấu cháo cho ăn.
24-8-94
Tôi ngồi trong xe nơi bãi đậu phía sau đại học Saddleback nhìn mặt trời đang lên. Mặt trời vẫn rực rỡ trên dãy núi như sáng nào cách đây mười năm, lần đầu tiên tôi đến trường này, sau khi dời nhà từ Long Beach về Mission Viejo.
Lúc đó Thịnh Cường học tiểu học La Tierra, Trang con gái nuôi của chúng tôi học trung học Mission Viejo. Mỗi buổi sáng tôi đưa Trang đến trường bằng chiếc xe Mustang màu đỏ. Giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc mới sang Mỹ tôi lại chọn chiếc xe thể thao hai cửa màu đỏ này, khi Tài dành cho tôi chọn để làm quà đã sinh cho anh thêm cậu con trai Cường. Trong hình chụp, chiếc xe trông rộng mênh mông, nhưng không ngờ nó lại nhỏ và bất tiện, nhất là khi con tôi lớn dần. Mẹ tôi không thích chiếc xe này vì mỗi lần đưa bà đi đâu ngồi phía sau cứ phải chui ra chui vào, và hay bị sút đầu tóc vì xe quá hẹp.
Tuy càng ngày chiếc xe nhỏ hẹp theo với sự tăng trưởng của gia đình và nhất là sức lớn của các con tôi, nhưng tôi cứ ngần ngừ không muốn đổi nó. Tôi thương chiếc xe này như một người thân trong nhà, đã chở theo nó biết bao kỷ niệm dấu yêu thời thơ ấu của lũ trẻ, và những bước gian nan lẫn thích thú của gia đình chúng tôi trong buổi ban đầu nơi quê người.
Lúc mới qua Mỹ, nghe gia đình bên nhà cho hay chiếc xe Volswagen của chúng tôi bị cộng sản trưng dụng. Tôi cũng thương nhớ chiếc xe đó và buồn vì nó đã chuyên chở bao nhiêu kỷ niệm đầy ắp yêu thương của đôi vợ chồng trẻ ở Đà lạt với đứa con trai đầu lòng Cu Thịnh.
18-9-94
Trong bóng đêm tôi nhìn đôi mắt con tôi long lanh. Khi thằng bạn Dan lùi xe ra tôi nhìn thấy Cường đưa ngón tay lên quẹt nhẹ ngang dưới mắt.
Hai vợ chồng tôi đứng trước cửa nhà nhìn theo cho đến khi chiếc xe truck màu trắng của Dan khuất dạng.
Hôm nay xem như Cường chính thức xa nhà để vào đại học San Diego. Hai vợ chồng tôi lững thững đi vào nhà. Tài nhẹ nhàng hỏi: “Em cảm nghĩ như thế nào?” Tôi lặng im nhớ đến những cảm giác buồn buồn thời gian gần đây khi biết đứa con thứ nhì của mình cũng lựa chọn sự ra đi như đứa đầu. Biết rằng dùng quyền cha mẹ để giữ con lại nhà và buộc nó học trường đại học ở Irvine cho gần nhà cũng được nhưng chúng tôi cho con đi vì quan niệm khi con sống xa cha mẹ và biết tự lo thì sẽ trưởng thành nhanh chóng hơn.
Hôm qua, vợ chồng tôi đã thuê xe dọn đồ đạc cho Cường vào trường. Trước kia Cường nói không muốn đi UCI vì gần nhà và có nhiều người Á Đông quá rồi. Lúc dọn xuống San Diego chúng tôi chọc quê Cường bởi vì gần 60% sinh viên đến ở nội trú đều là Á Đông, nào là Hàn quốc, Nhật bản, Trung hoa, Ấn độ, và dĩ nhiên có cả Việt Nam. Phòng bên cạnh Cường là hai sinh viên Hàn quốc. Hai sinh viên trông nom khu học xá của Cường có lẽ cũng là người Á Đông. Cường dùng bữa ở câu lạc bộ rộng rãi ngay dưới lầu khu học xá. Cạnh đó có cả tiệm Deli bán đồ nguội, tiệm cà phê, nhà hàng ăn...
Sau khi dọn nhà xong, xin số điện thoại, và làm vài thủ tục, chúng tôi đưa Cường về nhà nghỉ ngơi để hôm sau còn tham dự lễ tấn phong Hướng đạo Phượng Hoàng.
Vào buổi trưa nay là lễ tấn phong của Cường và các bạn trong đoàn Hướng đạo, Larry con anh chị Tuân, Paul con anh chị Đào, Michael con Hải Liên và Johnny con anh chị Quý ở tận Los Angeles.
Buổi lễ diễn ra thật long trọng, có cả sự hiện diện của thị trưởng Westminster Chuck Smith, và giám đốc công ty Unisus nơi trưởng Trí làm việc, lên đọc diễn văn. Ngoài ra có rất nhiều đại diện của hướng đạo Hoa kỳ và Việt Nam tham dự.
Tôi cảm nhận khi đứng trước 200 quan khách Việt Mỹ trong buổi lễ trang nghiêm long trọng để nhận bằng Hướng đạo, con tôi đã thấy một cách thấm thía sự cố gắng và tình thương sâu xa của vợ chồng tôi dành cho nó. Và có lẽ đây là một kỷ niệm khó quên trên những bước đường kế tiếp của Cường. Thịnh cũng có dắt ba người bạn Mỹ đến tham dự lễ của em mình.