Một nửa thế giới “của tôi”

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 32244)
Một nửa thế giới “của tôi”

5-8-95

Ồ lạ thật! Cả một vùng trời trắng xóa. Sương mù! Sương mù phủ kín cả dãy núi đồi “của tôi”. Từ trong câu lạc bộ vắng vẻ nhìn ra, tôi chỉ thấy hàng cây lá xanh dọc ngang qua con đường dưới chân đồi, cột đèn cao màu đỏ chỉ còn lại phần chân lố nhố. Chỉ có thế. Lần đầu tiên ngồi đây mà tôi lại không được nhìn dãy núi trùng điệp thân yêu.

Sáng nay tôi đưa Cường đến trường. Cường thi cuối khóa lớp Macroeconomics. Trên đường đi, tôi nói: “Con à, nên đi dự Hội nghị Praha, con sẽ học được nhiều”. Hôm qua Cường cự nự với tôi, đi nghỉ hè làm gì bên Đông Âu, sao không đi Âu châu. Cường bảo mẹ lúc nào cũng đi vì việc của mẹ.

Tôi không buồn vì cách nói đó, dĩ nhiên do Cường nói tiếng Việt không khéo. Tôi có dịp tự xét lại mình. Tôi có ích kỷ không? Tôi có đi vì tôi không? Đi trại tị nạn? Đi Roma cầu nguyện Hòa Bình cho Việt Nam? Đi Texas ra mắt sách? Tôi làm vì tôi chăng?

Hôm thứ hai tôi vừa nhờ Madela đem sách đi gởi bưu điện cho các báo Tia Sáng, Cánh Én, Thông Tin, Thiện Chí, Dân Chủ Mới, vân vân... ở Đông Âu, thì thứ ba tôi nhận được thư mời của Tổ chức Phục Hưng đi dự Hội nghị Praha vào tháng 9-95. Trước đó tôi hứa với Tài sẽ đi nghỉ hè và không bao giờ vừa đi công việc vừa đi chơi với gia đình. Tài phàn nàn tôi lúc nào cũng lo viết lách, lo công việc; không biết “ngưng” cái đầu.

Tôi thường mong đi Đông Âu để tiếp xúc giới trẻ bên đó, để phổ biến sách, phổ biến đạo PGHH. Tôi thích những người trẻ lớn lên ở miền Bắc, đi du học và thấy sự sai lầm của chế độ rồi tranh đấu cho tự do trên quê hương. Họ hiểu biết nhờ họ từng sống thật, có nhiều kinh nghiệm đau thương hơn những thanh niên lớn lên ở nước dân chủ. Việc tranh đấu cho quê hương không phải là việc làm bán thời gian, mà phải là việc làm toàn thời gian. Đừng xem đó là một nghề tay trái, chỉ làm vào cuối tuần như một trò giải trí khi rỗi rảnh, hoặc làm cho ra vẻ mình yêu nước. Phải xem đó là “sinh mệnh” của mình. Phải sống chết với nó. Phải đem hết năng lực và trí tuệ của mình để phục vụ bất vụ lợi, quên mình. Chỉ xem mình là một hạt cát. Dù cho có lúc vấp ngã cũng phải đứng lên, đi tiếp.

6-8-95

Sống như thế nào cho người khác hiểu mình thì dễ, mà cho họ không hiểu mình biết mình rất khó.

Những người bạn có mối quan tâm đặc biệt đến đời sống tâm linh của tôi thường nhắc nhở tôi nên tự tin hơn, giữ gìn sức khỏe hơn để đừng... chết sớm.

Cơ thể tôi yếu đuối trước sức mạnh của những cơn biến chuyển tâm linh. Có lúc tôi biết trước để chuẩn bị, có lúc tôi mất thăng bằng trong đời sống với quá nhiều bổn phận phải chu toàn. Tôi nhớ đến những lần phải đứng suốt buổi cắm hoa cho ngày lễ lớn, những lần lái xe cố đi phỏng vấn đúng hẹn, với cơn đau đầu dữ dội, tim đập, mắt mờ. Nhất là hôm đi phỏng vấn bà Mary Nguyễn, chương trình Con Lai ở Westminster, tôi cứ tưởng như bị lạc tay lái phải ngưng bên bờ xa lộ số 5 nghỉ mệt khi trở về. Mọi cố gắng đã trải qua, làm kinh nghiệm cho những ngày tới. Ít nhất là cũng có mình hiểu mình.

Tài nhiều lần chỉ biết lắc đầu cho cái “lì” của tôi. Anh nghĩ tôi cứ lăng xăng không biết ngừng nghỉ, buông việc này bắt việc khác. Internet, E-mail, học Anh văn, viết báo, làm Đuốc Từ Bi, cố vấn cho hội thanh niên, ra mắt sách, viết sách mới vân vân và vân vân...

Có nhiều lúc tôi cãi chàng, có lúc tôi kịp ngưng tôi lại. Hãy để chàng nói cho thỏa lòng, vì chàng chỉ lo lắng cho tôi, và vì chàng chỉ ở một nửa thế giới của tôi. Đủ để giúp tôi đứng vững, làm tròn bổn phận thiên chức của một người đàn bà đối với đại gia đình cha mẹ chồng con.

Còn nửa thế giới kia thì sao?

7-8-95

Hôm nay ngày mồng 12, thứ năm là ngày rằm tháng 7 âm lịch, lễ Vu Lan. Thịnh đang ngồi dò bài thi lớp Việt ngữ cuối khóa. Tôi đổi cuốn tự điển nhỏ có in bìa lá cờ vàng ba sọc đỏ cho Thịnh, và lấy lại quyển tự điển lớn cũ rách có chữ to hơn, tôi mới đọc được. Quyển tự điển cũ này đánh dấu những ngày tháng đầu trên đất Mỹ. Tôi nhờ nó mà đọc hoặc viết tiếng Anh, nhờ nó mà đi học đại học về truyền hình, hay đọc các sách tâm linh, tư tưởng, thời đại mới, thần học, kinh điển vân vân...

Tôi không nói chuyện với Thịnh mà viết giấy dặn Thịnh dọn dẹp phòng ngủ và phòng ăn, dặn Thịnh nếu không có đi làm thì đi biển, nếu có xem tivi thì vặn nhỏ hoặc xem trong phòng. Thịnh biết tôi đang nhập thất, nhưng tôi vẫn phải viết giấy dặn dò.

Thịnh thức dậy, đọc báo, đi tập thể dục ở câu lạc bộ thể thao. Tôi đi dọn dẹp hết các phòng, thay hoa mới cho các bàn thờ Phật, bày xoài mới mua ra cúng, giặt giũ mền gối khăn trải giường. Khi Thịnh về thì tất cả đều xong xuôi.

Tôi cúng lạy, ngồi tham thiền, Thịnh đi ăn trưa với người bạn lai Nhật bản. Tôi đọc sách, Thịnh rửa xe hút bụi. Thịnh đi tắm, mặc áo quần, ngắm nghía, theo khều tay tôi, hỏi:

- Con mặc áo thun bỏ vô quần như vầy hay mặc thêm áo sơ mi ở ngoài, cái nào đẹp hơn?

Thịnh cứ khều hoài, tôi biết tránh không được, nên phải nhìn và gật đầu, khi Thịnh mặc áo sơ mi sọc xanh khoác lên chiếc áo thun đen bỏ ngoài quần jeans.

Cường đi trại hướng đạo với đoàn Lam Sơn hôm qua. Tôi đưa Jonathan về nhà mẹ với Minh Thư, em tôi từ Luân Đôn sang chơi. Ngày mai, Martin, chồng của Minh Thư, đi làm việc bên Nga qua để đưa Minh Thư và con đi chơi hè.

Cường nghe theo tôi đến dự Đại hội Nhạc trẻ của Liên đoàn Về Nguồn, cùng với vợ chồng tôi, Thịnh, Jonathan, rồi mới lên trại. Đây là lần đầu tiên có một buổi ca nhạc bao gồm nhiều nhóm trẻ có tôn giáo khác nhau như Đoàn Thanh niên Sinh viên Phật tử Bát Nhã, Ca đoàn Dũng Lạc của Công đoàn Công giáo Saint Polycarp, Gia đình Phật tử miền Quảng Đức, Ban Thanh ca của Tổng hội Sinh viên, Ban Tuổi Hoa, Sinh viên Golden West, Liên đoàn Thiếu nhi Thánh thể, Gia đình Tuổi Ngọc, nhóm Nắng Mới của Hồ Văn Sinh... với sự hiện diện và bảo trợ của nhiều đại diện tôn giáo khác nhau. Đó cũng là buổi phát hành tuyển tập 100 Ca khúc Về Nguồn do Nguyễn Ngọc Huy Foundation bảo trợ. Một ngày thật tưng bừng và nhiều cảm xúc, với đám trẻ phối hợp sinh hoạt thật nhịp nhàng và thật chân tình.

Mọi việc ồn ào đều lắng đọng lại. Tất cả mọi việc tôi ước muốn thực hiện, dù không nói ra, nhiều khi như có được một sự sắp xếp trước. Thế là tôi sẽ có một tuần yên tịnh để tham thiền, quán chiếu, đọc kinh, nghỉ ngơi, và làm ít việc nhà. Tuần lễ này tôi nhập thất để cầu nguyện, xem như là một trong hai kỳ nhập thất tịnh khẩu hàng năm của tôi vào rằm tháng hai và rằm tháng bảy âm lịch.

9:30 giờ tối, sau khi cúng Phật xong
Trước kia tôi hay thay đổi vào mỗi chu kỳ nhập thất. Nhưng ngày nay tôi thay đổi từng giờ từng phút. Tôi hòa nhập vào cảnh giới và vô cảnh giới đồng một lúc và phải làm việc uyển chuyển hàng giờ. Hai thế giới hữu hình và vô hình không còn cách biệt. Hai cuộc sống Đời và Đạo chỉ là một. Tôi không còn khó chịu tại sao phải dính líu với đời để tôi không được sống như ý muốn.

Tôi đã sống với Đời để hiểu Đạo. Càng hòa nhập với những nỗi truân chuyên của đời càng hiểu đạo, cảm thông với trời đất, với chư vị thiêng liêng vô hình nhiều hơn. Tôi không còn đứng núi này nhìn núi nọ. Không còn ảo vọng.

Trước kia tôi mơ ước có một cuộc sống nơi chốn thiền môn. Nếu được toại ý, liệu tôi có như là tôi hiện nay không, hay tôi chỉ là cái tôi gò bó chỉ biết mình và đạo mình. Chỉ biết nhìn đời qua một nhãn quan phân biệt của bên này bên kia, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao và thấp. Có thể tôi sẽ cho tôi có một sự lựa chọn trong sạch thanh cao, hữu ích giúp đời, và nhìn chung quanh là những người nhuốm bụi trần; và ngược lại, tôi chưa biết đủ tôi vì tôi đã để quy luật tu viện sắp xếp đời sống và tư tưởng, cách hành xử của tôi ngăn tôi không hòa được với mọi người, và tôi không có dịp phát triển, bộc lộ cái tôi thật sự.

10-8-95

Sáng hôm nay sau khi cúng lạy xong tôi quỳ trước một bàn thờ nhỏ có bông hoa trái cây nhang đèn tại phòng khách hướng ra phía trời cao. Mỗi lần rằm lớn tôi thường hay dọn thêm một bàn như thế để nguyện cầu.

Tôi vặn băng cassette có thu lời tụng kinh của Đại đức Thích Minh Nguyện. Thầy tụng kinh Vu Lan Bồn và Báo Hiếu Phụ Mẫu Chân Kinh. Tâm hồn tôi hòa nhập vào lời kinh và hướng nhiều đến ba tôi.

Vu Lan năm 1989, tôi có viết bài Mẹ là Quê hương nói lên tâm sự đối với mẹ và quê hương. Tôi chưa viết gì về ba cả, và tôi không có cơ hội để viết gì về ba cho ba xem. Khoảng thời gian ba gần ngã bệnh, tôi có đưa ba xem bài Xin Mở Rộng Trái Tim. Ba hài lòng ra mặt. Bài đó tôi viết về tinh thần Bát Nhã, đăng báo Thế Kỷ 21. Khi ba bắt đầu vào bệnh viện, tôi về ở với mẹ tại khu Little Saigon và khởi sự đưa tập Tình Người cho anh Khải Sơn đăng. Anh ấy cắt bỏ những câu nói về nhà báo, thầy thuốc và các đảng phái. Tóm lại là những câu có thể khiến người khác phật lòng. Tôi viết tập Tình Người năm 1982, khi tôi đang thất vọng và chuyển hướng về sự đào sâu tâm thức, tìm hiểu về mình, về Đạo.

Tối hôm qua, sau khi cúng rằm xong, tôi đi tìm băng Kinh thì gặp tấm thiệp của ba viết cho tôi vào Tết Mậu Tuất 1958 từ Nam Vang. Lúc đó tôi ở Sàigòn đi học trường Lamartine gần nhà. Có lẽ lúc đó tôi học lớp nhất. Ba viết:

“Ngày 30 Tết Năm Tuất 1958
“Con Ngọc Thu yêu dấu của Ba,
“Ba viết cho con mấy hàng này trong lúc má con đang làm lễ Rước Ông Bà trước bàn thờ đèn nhang nghi ngút. Ba nghĩ đến con nhiều nhứt trong giây phút này, bởi vì chung quanh ba, chỉ có các em con mà không có mặt con. Ba buồn lắm. Năm ngoái, đi lại dễ dàng, con lên ăn Tết với ba, ba đưa các con đi Kép chơi. Năm nay đường đi trắc trở, con lên không được, ba nhớ con vô cùng.

“Tết này ba không vui, phần ba lại vừa bị đau phải vô nằm nhà thương mới được ra có vài bữa rày. Đã vậy sự vắng mặt của con lại càng làm cho ba buồn thêm. Ba viết mấy hàng này cho con mà nước mắt muốn rơi.

“Ba chắc giờ này con gái của ba dưới đó cũng khóc đỏ mắt vì phải ở dưới đó một mình, không được gần ba má và các em trong mấy ngày Tết.

“Nhưng thôi, con ạ, hoàn cảnh khó hãy tập khó cho quen. Con là con gái lớn của ba, ba nhớ thương con nhưng cũng phải nghĩ đến tương lai con, cho con ăn học, chớ để con ở trên này, sau này con dốt thì ân hận lắm. Ba muốn ngay từ bây giờ đào tạo cho con đức tánh tốt của một con người biết làm người. Con vốn tánh hay buồn dễ tủi. Con hãy tập quên cái buồn đi, để lo nhiệm vụ. Con còn nhỏ, nhiệm vụ con là lo học tập. Học cho giỏi, tập cho được các tánh tốt. Ba ở xa con, ba dặn con cần nhứt phải lánh xa các bạn xấu, phải dứt bỏ các thói quen nào không được tốt. Phải tập cho mình luôn luôn tốt, phải thành thật, phải quen làm việc tốt, việc phải. Cái gì xấu, cái gì người ta chê cười, cái gì trái lương tâm, nhứt định không làm.

“Con của ba phải nhớ lời ba dặn. Đó là những lời đầu năm ba gởi cho con, cùng với tấm lòng thương nhớ của ba đối với con.
“Ba hôn con rất nhiều, nhớ con và nghĩ đến con luôn luôn.

“Ba của con.
(Ký tên)
T.B. Viết thơ cho Ba.”
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Ba muốn đào tạo cho tôi đức tánh tốt của một Con Người Biết Làm Người, biết lo nhiệm vụ, học tập, bỏ thói quen xấu, tập tánh tốt, tập thành thật, làm việc phải, không làm điều trái lương tâm.

Tấm thiệp tôi để luôn luôn ở đầu giường và dù đọc đi đọc lại nhiều lần trong suốt 37 năm, tôi thấy như ba vừa mới nói với tôi hôm qua. Tôi nghĩ rằng ba hiểu được con gái của ba, luôn luôn cố gắng sống sao cho đầy đủ bổn phận của một CON NGƯỜI.

11-8-95

Ánh sáng tràn ngập căn nhà. Tôi ngồi nơi bàn ăn bằng gỗ trắng Tài vừa mới mua để thay thế bộ bàn ăn bằng mũ chúng tôi mượn tạm của sân sau từ khi Thịnh dọn ra nhà riêng ở San Diego.

Những chậu cây xanh treo trên mái hiên sau nhà tươi mát lắc lư theo chiều gió. Hai bụi trúc gần hàng rào lá đùa xào xạc theo cơn gió thoảng. Sân trước, sân sau đều sạch sẽ ngăn nấp nhờ sự chăm sóc của Tài. Hình như từ lâu rồi anh sống gần với những chậu hoa chậu kiểng và khuôn cỏ nho nhỏ trước nhà nhiều hơn cả tôi.

Tôi đã chọn nhiều loại hồng khác nhau mua về trồng xuống đất hoặc để nguyên trong chậu cho Tài thưởng thức. Anh thích nhất là những đóa hồng nhung đỏ thẵm. Trừ mùa hè, tôi thường mua hoa pensée hay forget-me-not trồng vào các chậu nhỏ trước nhà, hoặc trồng dọc theo đường đậu xe dưới mấy gốc hồng. Những loại hoa này mong manh khó trồng mau chết, và tôi cứ phải mua thay đổi luôn luôn. Anh thích nhất những loại hoa li ti màu tím thẵm.

Chúng tôi quen nhau trước năm Mậu Thân 1968, Tài viết thư làm quen với tôi sau khi Tú Linh, cô bạn cùng lớp đệ tam trường Trần Hưng Đạo giới thiệu. Lúc đó anh gọi tôi là Bích Hà, tên giả của tôi. Anh tả cảnh Đà lạt vì nghe nói tôi muốn lên đó học. Anh nói anh thích hoa pensée và tả những cánh hoa bé bỏng dễ yêu làm tôi không quên được.

Thế mà đã 28 năm rồi. Chúng tôi quen nhau và yêu nhau 7 năm. Ba muốn tôi học ra trường mới lập gia đình để sau này không sống lệ thuộc vào chồng. Nay Thịnh đã 21 tuổi, và Cường 19 tuổi.

Dolores, bà thầy Anh văn, bảo tôi có một cuộc sống lý thú. Nhiều khi tôi thấy bà vui lây mỗi lần tôi hăng say kể những việc tôi đã, đang và sẽ làm. Bà không thấy những lúc tôi buồn phiền, sắp ngã quỵ. Những lúc đó Tài hoặc mẹ tôi thường hay đỡ tôi lên. Đó là những khi đối diện với đời sống bên ngoài. Nhưng những giây phút nghiệt ngã trong đời sống tâm linh thì sao? Tôi đã vứt bỏ hoặc xé bỏ bao lần những gì đã viết để dứt khoát với những điều đã biết. Nhưng tâm thức mình liệu có xóa bỏ được không?

Thứ sáu 11-8-95

Anh,
Em liệng mấy bông tơ lụa cũ và làm lại mới cho đẹp. Anh làm ơn lau dùm em cửa sổ phòng khách rồi đặt chậu bông lớn vô dùm. Giỏ bông trong nhà tắm có phải lớn quá không? Hôm nào em sửa lại.

Cái bình sứ Tàu có hai quai phải của anh Trần Thành Long tặng anh không? Em chọn hoa anh thấy có đẹp không? Em định chưng bên cạnh bàn của em trong sở gần vách kiếng. Chắc đẹp lắm, trông sang nữa. Nếu anh thích chưng trên bàn ăn ở nhà thì ít bữa em làm cái khác. Còn cái giỏ em để phòng khách anh thấy được không?

Sáng mai thứ bảy, em hết tịnh khẩu, em mời anh và Thịnh đi ăn tiệm mới mở trên đường Margerite Parkway, cạnh California Kitchen Pĩza. Chiều mai 4 giờ em dạy 20 em gái khác nhóm Tuổi Ngọc làm hoa gắn áo tặng mẹ các em nhân lễ Vu Lan. Chỉ độ 2 giờ thôi. Em nhờ anh gọi dùm bà Từ Dung nói bà dặn mỗi em mang theo một cây kéo và một cây dao nhỏ nhé.

Cám ơn anh,
Mai
TB: Nếu Cường về kịp thì mình đợi Cường cùng đi ăn. À anh có đưa mấy bài em soạn tiếp cho chương trình phát thanh Giáo lý PGHH cho anh Nguyễn Thanh Giàu chưa?

25-8-95

Sáng nay sau khi lạy Phật, dù muốn đến bệnh viện Fountain Valley thử máu trước khi chụp hình mammogram, nhưng tôi thấy sự cần thiết của việc ngồi thiền. Tôi thấy mình bận rộn, hấp tấp, bỏ ăn trưa hai hôm vừa qua, cứ hay để cho mình đói để lo việc nọ việc kia.

Khi tôi cảm thấy thân tâm bình an dưới ánh nắng mặt trời, hơi ấm, không khí trong lành buổi sáng tràn vào người tôi, hòa lẫn vào hơi thở. Tôi cảm dần đến sự trống không, trở về với chính mình và gần gũi cùng thiên nhiên vũ trụ.

Lời thầy Minh Mẫn lại đến với tôi: “Trước khi phải đi nói chuyện trước nhiều người, con nên tránh tiếp xúc bên ngoài, lo tu tập đọc kinh, trụ tâm lại mới tinh tấn, sáng suốt”.

Tôi đã làm như thế trước hai lần ra mắt sách, và trình bày trong các buổi hội luận về vấn đề phụ nữ tại Cali và Texas. Còn lần này thì sao?

Tôi sẽ phải gặp gỡ và mở tâm trí ra để học hỏi, nghe những người đã đấu tranh cho tự do xứ sở của Tiệp khắc. Tổ chức Phục Hưng mời tôi tham dự phái đoàn tiếp xúc cùng chính quyền Tiệp khắc, và yêu cầu tôi trình bày về tình trạng của thuyền nhân Việt Nam. Nguyễn Đình Thắng, giám đốc SOS, có gởi một e-mail yêu cầu tôi xin visa cho một số người đang bị cưỡng bách hồi hương ở Hong Kong.

Thắng có gởi luật lệ của Hong Kong cho tôi xem, và cho biết nếu Tổng thống Václav Havel cho visa thì Hong Kong sẽ ngưng cưỡng bách hồi hương những người được visa, dù là visa tạm thời.

29-8-95

Sáng sớm ngồi vào máy điện toán, tôi nhận e-mail từ các nơi gởi về. Cảm ơn hệ thống Internet vô cùng. Sau chuyến đi này tôi sẽ liên lạc được với nhiều nơi bên Đông Âu qua Internet.
Việc Hà nội bắt giữ và xử án các vị lãnh đạo tôn giáo, những người tranh đấu cho nhân quyền, và các cựu đảng viên cảnh tỉnh, đúng vào thời kỳ chuyển đổi của Việt Nam. Họ vô thần, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, do đó tham lam và bất an, nên đã làm các việc nghịch lý và thiếu công pháp như vậy, chỉ tổn hại thêm cho địa vị hiện tại của họ đối với cả trong lẫn ngoài nước.

Tôi đã soạn xong 15 hồ sơ của người tị nạn, trong đó có bản tin của hội Human Rights Asia Watch, trình bày các sự bắt bớ gần đây; hồ sơ tài liệu chính xác về sự hối lộ, bất công trong việc thanh lọc tại Galang, Indonesia, Phi luật tân; bản điều trần trước Quốc hội của hội đồng luật sư nhân quyền tại Quốc hội Hoa kỳ; bản tường trình tổng quát của SOS; quyển A Cry for Humanity do các tổ chức giúp thuyền nhân ấn hành vân vân...
Tôi nhìn ba quyển sách mới mượn ở thư viện về một cách thèm thuồng. Một quyển của Václav Havel et al tựa đề là The Power of the Powerless (Sức mạnh của Kẻ yếu); một cuốn gồm 22 bài của ông mang tên Václav Havel hay Living in Truth (Sống trong Sự thật), ấn hành nhân dịp ông được giải Erasmus.
Hai quyển trên đều có chân dung của ông khi còn trẻ. Quyển thứ ba mang tên là After the Fall, the pursuit of democracy in Central Europe (Sau Sụp đổ, sự theo đuổi dân chủ tại Trung Âu) của tác giả Jeffrey Goldfarb.

Ngoài ra tôi còn chụp được bản sao một số bài báo viết về Václav Havel và Tiệp khắc trên các tuần báo lớn, cũng như tiểu sử của ông đăng trên các tờ Current Biography Yearbook 1995...

Tôi thích nhất là bài trong Architectural Digest viết về đời sống của Václav Havel, trong đó có ảnh của bà Olga Havel đang ngồi xem các tranh thiếu nhi của hội do Tổng thống Havel thành lập cho các em đau bệnh bất trị và tật bẩm sinh.

29-8-95

Cả nhà đều đi vắng, buông trả cho tôi sự yên tĩnh quý báu cần thiết. Tôi ngồi nơi bàn nghỉ mát dưới hàng hiên sau nhà. Những chậu hoa buông thõng cây lá chung quanh tôi không buồn lay động.

Trời mấy hôm nay nóng bức lạ thường. Trong nhà có nhiều kiến. Người ta cho hay đó là dấu hiệu không tốt báo trước thiên tai, động đất... Các chú kiến nhỏ rức như vậy mà nhạy cảm hơn con người.

Tôi cầu nguyện nơi bàn thông thiên sáng nay, xin ơn trên phù hộ dẫn dắt tôi đi đúng đường. Hơn lúc nào hết, tôi cầu xin cho có sức khỏe và luôn giữ được sự khiêm cung, vì nhờ nó mà tôi học hỏi.

Đối với tôi, sự học được còn khó hơn là dạy được. Sự dạy chúng ta có thể tập luyện, nhưng sự học đòi hỏi một tinh thần quên mình, quên đi cái biết, cái tôi, bằng cấp, chức vụ, và khả năng của mình.

Muốn học được ta phải trút bỏ kiến thức và thành kiến chủ quan do sự giáo dục, kiến thức của quá khứ, cộng thêm kinh nghiệm bản thân. Cái ly chỉ có thể đựng nước mới khi nào ta trút bỏ hết nước cũ. Nếu giữ nước cũ mà đổ thêm nước mới vào thì một là nước mới tràn ra ngoài, hai là có chút hòa lẫn trong đó nước cũ và cặn bã vẫn còn nhiều hơn nước mới tươi mát.

Tôi cũng cầu xin ơn trên giúp cho mình học hỏi từ những bậc tiền nhân, thánh nhân, nhưng đừng bắt chước y như họ, vì mình có làm cách gì đi nữa thì mình vẫn là mình. Những gì bắt chước rập khuôn chỉ là “cái tôi của ảo ảnh”; và cái tôi đó chỉ là một bóng ma mà thôi. Thật sự không hiện hữu, không ích lợi cho ai, mà trái lại còn hại lấy chính bản thân, vì mình không sống thật chính cuộc đời mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880