27-2-1996 - 2:00 giờ sáng
Từ nay tôi quyết chọn cho mình một con đường giản dị nhất, bình thường nhất, và nhẹ nhàng nhất để mà đi. Tại sao có người lại phải quan trọng quá về mình, về những gì mình làm. Phải chăng mục đích cứu cánh mới là quan trọng, chứ không phải người thực hiện mục đích cứu cánh đó là quan trọng.
Sự thất bại từ cổ chí kim phải chăng đã nằm tại đó: cái TA. Cái ta quá quan trọng, quá ồn ào, quá năng nổ... mà nội dung giá trị đích thực không có.
Ta chỉ là phương tiện mà tha nhân mới là mục đích cứu cánh để cho ta đóng góp xây dựng. Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại xáo trộn, quốc gia Việt Nam cũng đang xáo trộn, phải chăng rốt ráo chỉ vì cái Ta. Cái Ta quá to lớn chăng?
Tuy là phe này nhóm nọ đảng kia, chung quy lại cũng tụ về có mỗi cái Ta của từng cá nhân. Dù có tập hợp lại cũng chỉ rã rời thành nắm cát vụn.
Phải chăng muốn xây dựng cộng đồng, xây dựng quốc gia, xây dựng đạo pháp, trước tiên phải cố gắng diệt bớt bản ngã vị kỷ. Tất cả những va chạm, bùng nổ từ hải ngoại cho đến quốc nội, phải chăng cứu cánh đích thực là để tiêu diệt cái Ta hợm hĩnh đã tàn phá dân tộc suốt bao nhiêu năm. Cái Ta “Việt Nam tính” đã được học hỏi qua bao nhiêu đắng cay, được trui rèn qua bao nhiêu máu và nước mắt, tang tóc, đọa đày... giờ còn rơi rớt lại trên giới lãnh đạo tham quyền cố vị, trên giới tự nhận là trí thức của cộng đồng trong ngoài nước.
Chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời sắp đi dần vào quên lãng, trong một cộng đồng nhân loại tự do tiến bộ không ngừng. Trong số những kẻ vô thần tôn thờ vật chất sẽ hụt hẫng, mất lý tưởng, không định hướng, bơ vơ lạc lõng không lối thoát; đánh mất niềm tin, biết đâu có người sẽ trở thành tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tương lai, nương vào giáo lý Tứ Ân rõ rệt và thực tiễn, để lập lại trật tự cho Quốc gia, xây dựng lại Đạo pháp và Dân tộc qua nhiều năm bị bật tung gốc rễ bởi chủ nghĩa ngoại lai.
Vài người bạn đề nghị cùng tôi những cái tên cho quyển sách mà tôi sắp phát hành. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ giữ cái tên giản dị nhất mà tôi chọn rút ra từ một bài nơi cuối cuốn sách, là Hồn Thiêng Dân Tộc, vì tất cả những gì tôi viết ra phải chăng là tiếng gọi của ĐẠO PHÁP và DÂN TỘC mà tôi đã chịu ảnh hưởng bởi lòng yêu quê hương dân tộc của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Người Việt Nam phải trở về nguồn gốc của mình, trở về với Hồn Thiêng Sông Núi, với Quốc Gia Dân Tộc, lập lại trật tự của bản thể rồi đến gia đình, xã hội, cuối cùng mới đến quốc gia. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trật tự bên trong trước mới đến trật tự bên ngoài. Đó là ảnh hưởng hỗ tương không thể tách biệt.
Tất cả những xáo trộn của các cộng đồng hải ngoại, của xã hội quốc nội Việt Nam... bắt buộc phải có ngày “hạ màn”.
28-2-96
Tối hôm qua tôi là người cuối cùng rời lớp học nhập môn về mạng lưới điện toán (Introduction to the Internet). Ông Torrell phải nhắc nhở tôi là hết giờ học. Tôi cố gắng in xong bài về các khách sạn tại đảo Maui cho Tài.
Tôi mê và thích thú quá vì tôi đã ngồi tại phòng 306 của trường trung học Laguna Hills mà đi thăm viếng tại hòn đảo tận Hawaii, nơi mà tôi đã biết nhiều lần qua sách của hai nhà tâm linh học Saki Gawan và Dan Millman.
Khởi đầu, tôi muốn xem quảng cáo của tiệm rửa hình “free doubles” tức là rửa một tặng một, cửa tiệm CPI Photo. Trên bức ảnh đó nếu đưa mũi tên lại chỗ nào và bấm con chuột tức thì máy điện toán sẽ cho ta biết tất cả mọi tin tức về chỗ đó.
Tôi bấm cô Sharon Yoshimoto, giám đốc của hệ thống Fox Photo tại Hawaii. Cô này hiện ra và giới thiệu về hòn đảo, các tiệm rửa hình, và nguồn gốc Nhật bản của cô, cũng như cô từng sống tại Hàn quốc, Okinawa, Mã Lai, và Nhật trước khi cô qua sống tại đảo này.
Qua máy điện toán, tôi đã có bản đồ của đảo Oahu và Maui cùng địa chỉ các tiệm hình. Khi tôi chọn Hawaii Visitors Bureau hay Văn phòng Dịch vụ dành cho Du khách của Hawaii, thì cả một bản chỉ dẫn bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật (tùy chọn lựa) hiện lên. Có thể biết các tiết mục như: lịch sử hòn đảo, sinh hoạt, nơi nghỉ mát, lịch trình lễ hội, những gì liên hệ đến đảo, và góp ý kiến cho họ. Phần Nhật ngữ do Akira Chino Shinjo biên soạn. Mỗi đề mục đều có địa chỉ riêng trên mạng lưới.
Mục khiến tôi quan tâm nhất tại đảo Maui là hình ảnh thắng cảnh và bản đồ, nhất là các khách sạn. Họ mô tả Maui Dream Cottages (Lều Mộng Maui) có vẻ thơ mộng, nào là nhìn ra biển, có trái cây như dừa, bơ, chanh, bưởi, đu đủ, nhãn, xoài, ổi vân vân... và các loại hoa nhiệt đới (tropical flowers) mà tôi thích, nên cho in ra. Cái tên có vẻ là mái nhà tranh với hai quả tim vàng, nhưng giá lại là vàng thứ thiệt, 490 mỹ kim một tuần, cộng thuế 10.17%
Tôi bèn xem qua những nơi khác như Garden Gate Bed&Breakfast. Có phòng sang trọng gọi là “Garden studio”, giá 95 mỹ kim cho hai người, có vườn hoa, nhà tắm, nhà bếp, tivi, VCR, máy lạnh, quạt, điện thoại và... thư viện vân vân. Phòng gọi là “Molokai room” có phòng tắm rời, máy lạnh, quạt, nhưng dùng điện thoại và tivi chung. Phòng dành cho người “tiền ít” và chỉ cần chỗ để “máng nón” giá 55 mỹ kim.
Tại Blue Horĩons Bed& Breakfast có rất nhiều tên phòng thật kêu như Kapalua suite, Lahaina suite, Lanai room, Orchid room, Ginger room... giá từ 95 mỹ kim đến 75 mỹ kim. Có nơi rẻ nhất là Aloha Pualani gần phi trường, với giá 39 mỹ kim, nhưng tối thiểu phải đặt trước ba ngày.
Lúc tôi du lịch đảo Maui qua máy điện toán, trong đầu tôi hiện ra những gì tôi có thể làm về Làng Hòa Hảo. Buổi tối tôi kể cho Tài nghe:
“Em sẽ để bức ảnh “Cô bé làng Hòa Hảo” bìa tựa cuốn sách. Khi người ta bấm mặt cô bé sẽ có tiểu sử cô bé. Bấm bàn thông thiên sẽ hiện ra lời giải thích về bàn thông thiên là cái gì, trưng bày cái gì lên trên đó và ý nghĩa ra sao. Bấm áo tràng sẽ có giải thích áo tràng nâu để mặc lúc nào, vân vân...”
Tôi không nói hết nhưng trí óc tôi đã đi xa quá rồi. Người ta có thể bấm lịch sử Phật giáo Hòa Hảo bằng Anh ngữ hoặc Pháp ngữ, như thế tôi sẽ tìm người giỏi để sửa hoặc viết cho ngắn lại. Cả giáo lý Tứ Ân ra sao, và cách hành đạo của một cư sĩ tại gia thế nào.
Đó là một chương trình nhằm phổ biến cho giới trẻ Việt Nam, và xa hơn nữa, cho thế giới biết đến một ngôi làng nhỏ bé tận cuối trời Nam nước Việt nơi khai sinh ra một nền tôn giáo chân chánh, tinh hoa của một dân tộc có nền tảng về chánh pháp, nhân bản và đạo đức.