PGHH trên mạng lưới điện toán toàn cầu

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 34018)
PGHH trên mạng lưới điện toán toàn cầu

23-3-96

Tôi lại vừa mới viết cho tôi một bài "Tự Phán". Tôi hư quá, tôi hèn nhát quá, ù lì quá. Tại sao tôi cứ muốn kềm giữ cuốn sách của tôi, không muốn cho nó ra đời?

Tôi sợ hãi ư? Có gì mà sợ hãi? Tiếng nói của mình tự trái tim yêu thương đất nước quê hương, đồng bào dân tộc và nhân loại đại đồng.

Tôi sợ bước chân ra ánh sáng ư? Tôi còn mê đời sống ẩn dật cô đơn ư? Tôi ẩn dật thật sự cho dù là một nhà báo. Tôi sống trong thế giới riêng mình suốt gần 50 năm. Tôi không muốn vội phá vỡ bức tường đó. Bức tường đã bảo vệ và nuôi nấng tôi để cho tôi là tôi bây giờ.

Tôi chỉ muốn bức tường bao quanh tôi càng lúc càng dầy để che lấp tôi mất hút, cho tôi được trở về nơi chốn khởi hành. Tôi thật là hèn quá. Tâm nguyện phục vụ của tôi ở nơi đâu? Phải chăng tôi bắt đầu muốn hưởng thụ. Tôi chỉ muốn học hỏi và viết lách. Học và viết để làm gì? Đi về đâu nếu những gì mình khám phá ra lại đem đi giấu kín không chia sẻ. Vậy công sức tu tập của tôi để làm gì nếu không chỉ là thủ lợi cho riêng mình.

Vậy những gì tôi học hỏi hấp thụ của ngài Đại sư Milarepa mà tôi ngưỡng phục, của bao nhiêu bậc siêu phàm giáng lâm, trong đó có Đức Thầy của tôi, tôi để làm gì? Đâu có ai ươn hèn như tôi, ôm lấy hưởng thụ một mình. Tôi trốn chạy ư? Thật tôi quá xấu hổ về tôi.

26-3-96

Trong người tôi mỏi mệt. Tôi xếp quyển Adventures on the Internet: a Beginner’s Guide của Don Buché và Angela Satterlee lại.

Bên ngoài nắng ấm, gió thổi nhè nhẹ dù đã gần 12:00 giờ trưa. Ông hàng xóm, chồng của Mary, đang dùng một cây cuốc thật lớn xới đất quanh các cây chuối nhỏ vừa ra lá non. Mary bảo từ hồi hai vợ chồng bà qua làm việc ở Ý thấy không thích hợp trở về đây, ông chồng xin về hưu sớm. Gia đình hàng xóm có vẻ êm ấm, yên lành hơn khi xưa. Mary vẫn đi làm, ông chồng dọn dẹp, quét tước, sửa xe, trồng cây cả ngày. Không thấy Mary ghen tương hay rình điện thoại như xưa. Mary lại hay qua chơi với bà hàng xóm đối diện mà trước kia Mary không ưa, vì bảo chồng bà hay ra sân làm việc để nhìn bà kia cứ mặc quần đùi áo hở ngực hoặc nguyên bộ bikini để rửa xe.

Chiếc xe thơ đến căn nhà đối diện. Tôi bỏ bút xuống để mang hai bao thơ lớn xuống đất, và ra trước nhà đặt trên thùng thơ vì không để lọt vào. Một bao gồm báo Đuốc Từ Bi Xuân gởi qua Dallas Texas cho một đồng đạo để biếu các thân hữu và đồng đạo mới đến định cư từ Việt Nam. Gói kia gởi bác Phạm Văn Chiêu quyển Cô bé làng Hòa Hảo, băng video Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo chủ, và báo Đuốc Từ Bi.

Tôi bảo với mẹ qua điện thoại: “Mẹ ơi, mỗi ngày con thấy con chào con hoài hà mẹ". Vì tôi vừa làm việc bên phòng thờ, vừa sang băng video bên phòng ngủ. Tôi phải vặn nhỏ tiếng và đóng chặt cửa lại để khỏi bị phân tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thấy tôi trong đoạn băng đầu, lúc giới thiệu ngày lễ và Hội quán Phật giáo Hòa Hảo miền Nam California. Cuốn băng này tôi nhờ Đức, chồng của Thu, quay rất đầy đủ từ trong ra ngoài. Giới thiệu về Giáo hội PGHH miền Nam California được ba tôi thành lập từ năm 1981 là một cơ sở tôn giáo được hưởng quy chế của tổ chức bất vụ lợi trong tiểu bang California, và từ năm 1985 được áp dụng cho toàn thể các tiểu bang tại Hoa kỳ.

Hôm đó bàn thờ được trang trí cực kỳ trang nghiêm rực rỡ, lư đồng chân đèn sáng choang. Cậu Sáu Nguyên chưng hoa khéo léo, có cả bản đồ bằng hoa vạn thọ bên cạnh chân dung Đức Thầy.

Băng có thu hết tất cả hình Đức Thầy qua nhiều giai đoạn. Vách bên mặt là hình ảnh của các vị tướng lãnh PGHH, như ông Lâm Thành Nguyên, ông Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, ông Trần Văn Soái tự Năm Lửa, ông Nguyễn Giác Ngộ, và ông Vương Kim Phan Bá Cầm, tổng bí thư VNDCXHĐ. Vách bên trái là hình ảnh các vị lãnh đạo tinh thần, như ông Lương Trọng Tường, ông Huỳnh Văn Nhiệm, ba Nguyễn Long Thành Nam và ông Hồ Thái Ngạn. Tôi quay tất cả phòng ốc dành cho các đồng đạo cao niên thay phiên đến ở và các đồng đạo từ xa về nghỉ ngơi trong các kỳ lễ. Có cả thư viện, nơi để dạy Việt ngữ, và nơi làm báo Đuốc Từ Bi đánh máy lay-out. Phía sau Hội quán có che thêm phòng để có chỗ cho đồng đạo hội họp hoặc dùng cơm trong ngày lễ. Ngoài sân có đặt bàn thông thiên rất đẹp.

Các đồng đạo ở xa, nhất là những nơi tiếp tay với Đuốc Từ Bi, tôi đều gởi tặng video. Các đồng đạo rất vui mừng, vì có một cơ sở khang trang thuộc tài sản của Giáo hội PGHH Hải ngoại. Nhất là trong ngày đại lễ quy tụ được rất nhiều vị cao niên có uy tín với đoàn thể như ông Trần Văn Tươi, bà Trần Thị Hoa tự Phấn tức bác Ba Cụt, ông Bình Tây, mẹ Hòa An, ông Hồng Văn Hoạnh, ông Nguyễn Chánh Đáng, cùng một số các đồng đạo lớn tuổi mới qua như cậu Nguyễn Trung Tánh tự Ba Mận, vân vân... Nhiều đồng đạo mừng vì thấy Đuốc Từ Bi dầy trên 200 trang, bài vở súc tích, nhất là bài đạo, và số đồng đạo, thân hữu càng ngày càng ủng hộ.

27-3-96

Nắng tràn vào khung cửa sổ lung linh qua bóng những tàu cau đong đưa trước gió. Các chùm cau bắt đầu kết trái nho nhỏ. Hoa hồng đua nhau đơm nụ trong vườn nhà, vài đóa hoa đã hé nở, nhưng chưa đủ để được hái vào dâng cúng Phật. Mùa xuân tràn đùa trên cây cỏ...

Tôi ngồi nhìn hoa cỏ nhưng trong tâm lại in rõ nét trang nghiêm thanh khiết của bàn thờ nhang đèn rực rỡ trong phòng. Tấm trần dà màu nhu dịu hòa đồng. Ảnh Đức Thầy hiền hậu uy nghi với chiếc khăn đống, áo dài đen. Bên phải là hình bản đồ Việt Nam do anh Huỳnh Ngọc Trác, ba của Trang, vẽ tặng lúc còn sinh tiền. Cả năm nay tôi đã thiết tượng Phật Bà Quan Thế Âm đứng trước tấm bản đồ này, vì tin là Ngài sẽ chuyển đổi quê hương được thoát khỏi nạn vô thần.

Từ kỳ nhập thất vừa rồi, người tôi dường như chuyển đổi thêm nhiều. Tôi cảm thấy thiết tha hơn nữa với cuộc sống cô đơn, và có ý muốn ăn trường chay. Tôi cảm thấy không còn ao ước gì cho riêng mình, nếu còn sống đây phải chăng chỉ để làm việc và phục vụ dâng hiến cuộc đời còn lại cho quốc gia dân tộc và cho đạo pháp. Nhưng nếu vì phải phục vụ mà bước ra ngoài đám đông, liệu tôi có chịu nổi chăng? Đó là điều khiến tôi đâm ra bối rối, chỉ muốn lùi lại bóng tối, chỉ muốn sống yên lặng cô đơn trau dồi học hỏi. Tôi có nhiều việc phải thực hiện, phải đối diện. Phải chi tôi có ba cái đầu và sáu cái tay để làm việc kịp.

Thịnh đã trả máy điện toán nhỏ cho tôi vì làm bài xong. Cường cũng mang về một máy điện toán lớn vì đã xong khóa học. Thế là tôi phải sắp xếp máy lớn trong phòng để đánh thư tín cho Đuốc Từ Bi số Đặc Biệt Đại Lễ Khai Đạo 18-5, và nhờ Tài tiếp tay làm Bibliography (Thư mục) cho quyển Hồn Thiêng Dân Tộc. Bên phòng thờ tôi đặt máy điện toán nhỏ và máy in nhỏ, vì máy này có vào hệ thống mạng lưới điện toán của America-On-Line. Thế là phòng thờ hay phòng đọc sách của tôi trở thành căn phòng để học và làm việc với mạng lưới Internet.

Tôi dự định nhờ Tài đánh xong Biography of Prophet Huỳnh Phú Sổ và A Brief History of Hoa Hao Buddhism để tôi làm phụ lục cho sách, và đồng thời phóng lên mạng lưới để giới thiệu Đạo PGHH, chuẩn bị phóng về Việt Nam khi bên đó được tự do và nới lỏng hơn vấn đề kiểm soát. Việc phổ biến và in sách tại Việt Nam do đó sẽ rất dễ dàng và các người Việt khắp các quốc gia - nhất là giới trẻ - cũng có thể hiểu thêm về PGHH.

3-4-96

Mấy ngày liên tục tôi phải vào làm việc trong văn phòng vì tiện nghi hơn công việc mới đi nhanh. Nhiều chuyện xảy ra quá kể từ ngày PGHH lên mạng lưới Internet.

Thật ra phải có Thu thì việc mới có hiệu quả chứ một mình tôi thì không xuể. Từ hôm tôi quảng cáo địa chỉ Phật giáo Hòa Hảo Nam Cali trên mạng lưới thì có ngay hai người trả lời là ông Bình Anson ở Kent, Úc châu; và ông Trần Quốc Sĩ, cựu đoàn trưởng đoàn Thanh niên PGHH miền Đông Hoa kỳ, người có bài đăng trong Đuốc Từ Bi Xuân Bính Tý.

Thu nhất định chỉ thích America-On-Line, dù cho tôi mang vào hãng cả chục trang quảng cáo của các hãng khác đăng trên báo Microtimes. Thu bảo A.O.L. giản dị và bây giờ có up-grade thêm đủ mọi thứ. Tuần rồi tôi có gởi bài tóm lược Cô bé làng Hòa Hảo bằng Anh ngữ. Tôi nhờ Thu lấy thêm địa chỉ và làm luôn trang nhà web page để giới thiệu PGHH.

Tôi dự định ngưng lo Đuốc Từ Bi để soạn sách cho xong, nhưng thư từ tới tấp từ khắp nơi ở Hoa kỳ, và từ các trại tị nạn Hongkong, Sikiew, Galang... Ở Hongkong thì người gia nhập hội Văn Bút Á Châu do anh Vi An ở Nhật giới thiệu. Tôi đã nhận được tin của ông Huỳnh Văn Đền từ Galang, Nam Dương. Các ông được ra tù mỗi tháng để thăm thân nhân. Đồng đạo Dương Hồng Quang bị phổi nặng, người khác bị teo chân vì thiếu dinh dưỡng. Điều may mắn là chúng tôi gởi kịp tiền cho đồng đạo ăn Tết. Tôi cũng bắt liên lạc được với đồng đạo tại Sungei Besi ở Mã Lai, hiện là nơi khắc nghiệt nhất, vì đàn bà bị xúc phạm tiết hạnh nặng nề. Tôi nghe nói họ bắt phải hồi hương bằng cách buộc cổi áo, nấm hai đầu vú kéo ra, khi nào chịu hồi hương thì họ mới buông ra.

Ở California thì nhốn nháo vì sao chỗi Haykutake xuất hiện. Ai cũng chạy đi xem. Cường bảo có thể nhìn không cần ống dòm. Cuối tuần rồi, là buổi đi bộ cho thuyền nhân, có cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mới sang tham dự.

Sáng nay tôi thức sớm để gởi điện thư trên mạng lưới, và đưa ý kiến về buổi đi bộ. Tôi cám ơn giới trẻ, và viết:

"CA 3-4-1996

"Các bạn trẻ thân mến,

"Tôi là một nhà báo tranh đấu cho đồng bào tại các trại tị nạn, rất vui mừng và sung sướng khi gặp quá đông các bạn tham gia buổi đi bộ cho thuyền nhân vào sáng chủ nhật 31-3-1996. Trước đây nhiều năm, khi tham gia các buổi đi bộ này, dĩ nhiên là số người đông hơn, nhưng khoảng 80% là người lớn, năm nay thì có đến 90% là giới trẻ.

"Như vậy chứng tỏ giới trẻ ý thức về thân phận CHÚNG TA ĐỀU LÀ NGƯỜI TỊ NẠN DÙ ĐÃ ĐỊNH CƯ LÂU NĂM CHÚNG TA CŨNG KHÔNG QUÊN ĐỒNG BÀO RUỘT THỊT TRONG TRẠI VÀ DĨ NHIÊN CHÚNG TA CŨNG KHÔNG QUÊN ĐỒNG BÀO CHƯA ĐƯỢC TỰ DO TẠI VIỆT NAM.

"Tôi viết lá thư này để cám ơn các bạn và tỏ lòng quý mến các bạn.

"Thân mến - Nguyễn Huỳnh Mai"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880