Buổi Hội hội luận về vai trò của người phụ nữ trong gia đình
trong buổi ra mắt quyển Cô Bé Làng Hoà Hảo
21-3-95
Mọi việc rồi cũng qua đi. Hôm nay tôi lại ngồi đây nhìn mưa rơi. California tuy đã qua thời kỳ hạn hán, bây giờ bắt đầu ngập lụt liên miên. Tôi cứ thường hay nhắc đến mưa, chỉ vì mỗi lần mưa là tôi lại có dịp tạm “nghỉ ngơi”. Đúng hơn là không ra ngoài được vì nhiều việc phải lo ở nhà. Chút nữa đây, mấy ông thợ sẽ đến lột thảm phòng khách nhà tôi lên, vì mấy trận mưa trước ngày ra mắt sách nước đã tràn vào nhà.
Dư vị của ngày ra mắt sách vẫn còn làm tôi cảm xúc. Những khuôn mặt thân quen, những người chưa từng gặp gỡ... họ đã đến và đến rất đông ngoài sự mong ước của chúng tôi. 230 chiếc ghế đã đầy, rất nhiều người phải đứng ở phía sau và ngoài hành lang. Hai vị giáo sư đại học Vạn Hạnh ngày trước đã có mặt với thật nhiều khích lệ, là Phạm Công Thiện và Phạm Cao Dương. Ngoài ra còn có thượng tọa Minh Mẫn, ni sư Như Ngọc, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Thành Long, bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Nguyễn Duy Cung, luật sư Trần Thái Văn, Nguyễn Quốc Lân, ký giả Trần Dạ Từ, Long Ân, Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Sĩ Hưng...
Bài nói chuyện được nhiều người tán thưởng nhất là của Linh mục Trần Công Nghị, trưởng ban điều hành của Hội đồng Hợp tác các Tôn giáo tại Hoa kỳ. Có người lại khen hai người trẻ tuổi Trần Thái Văn và Võ Lệ Hằng nói hay.
Hôm đó tôi bận rộn phía trước phía sau, phần lo tiếp khách, lo ký tặng, phần thì phải tham dự trong phần hội thoại, phần vì... cảm động, cho nên không nghe được kỹ. Hôm qua xem lại video mới thấy hai người trẻ nói chuyện dễ thương. Còn các người lớn thì thật trang trọng và nghiêm túc.
Tôi rất cảm động vì bài phát biểu rất công phu của linh mục Trần Công Nghị, chứng tỏ ông đã đọc rất kỹ tác phẩm của tôi. Điều bất ngờ là một vị linh mục Công giáo lại bỏ thời giờ nghiên cứu kinh nghiệm sống của một người khác đạo. Chính linh mục cũng giải thích điều này: “Một tu sĩ không cùng một tín ngưỡng để chia sẻ mãnh lực Đức Tin của cô, và như vậy cũng chứng nghiệm sức mạnh vô biên giới của Tình Yêu, Từ Bi, Bác Ái và Vị Tha. Những cái đó không phải là thành quả đích thực của tôn giáo và là thước đo lường sự Sống Đạo của bất cứ tôn giáo nào hay sao?” Linh mục Nghị cũng nhắc đến các sinh hoạt cho tôn giáo và thuyền nhân của tôi, mà ông có dịp cùng hoạt động chung hoặc chứng kiến.
Giáo sư Phạm Cao Dương nhìn ở Cô bé làng Hòa Hảo một tầm mức quan trọng khác, vì cuốn sách đã liên hệ và giới thiệu nhiều về một tôn giáo tương đối mới mẻ, chưa được biết đến một cách rộng rãi trong quần chúng Việt Nam. Theo giáo sư tìm hiểu một tôn giáo ngoài việc nghiên cứu kinh sách còn phải nhìn vào cuộc sống của tín đồ tôn giáo ấy nữa. Nguyễn Huỳnh Mai là một tín đồ rất can đảm khi đem cuộc sống ấy vào tác phẩm dưới dạng hồi ký của mình, sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về Phật Giáo Hòa Hảo. Cuốn sách như là biểu tượng của sự tiếp nối hết thế hệ này đến thế hệ khác của người Việt Nam cũng như của Phật Giáo.
Giáo sư Nguyễn Thành Long, thì nhận xét tác giả như đã đi miên man hết lãnh vực này sang lãnh vực khác, đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng xuyên suốt khắp tác phẩm vẫn là ý muốn chia sẻ tình yêu quê hương cho người đọc. Trí nhớ của “cô bé” đã làm sống lại ngôi làng Hòa Hảo, và bằng tình cảm của mình, tác giả đã cho người đọc hiểu về đạo của mình.
Hai người trẻ tuổi đã phát biểu cảm tưởng của mình về tác giả và tác phẩm. Cô Võ Lệ Hằng, phụ trách chương trình phát thanh “Tiếng Nói Tuổi Trẻ” của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam/Nam California cho rằng Cô bé làng Hòa Hảo có một giá trị tài liệu rất cao đối với giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại: Nó cho những hình ảnh về thời Pháp thuộc, về đời sống thôn quê, về Tứ Ân của Phật giáo Hòa Hảo, về những tình cảm hồn hậu của người dân sống với ruộng đồng, những cái tốt đẹp mà cô Võ Lệ Hằng mong mỏi người Việt xa xứ nên gìn giữ và phát huy trong cuộc sống của mình. Luật sư Trần Thái Văn khiến cho bầu không khí nhẹ nhàng khi nhắc đến khía cạnh tình cảm trong quyển sách, và nhắc đến các khoảng trống không đề cập đến trong chuyện... tình của tác giả.
Ni sư Diệu Ngọc cũng có lên tặng hoa cho tôi, và nhắc lại chuyện hai đứa thân nhau khi cùng học chung trường Vạn Hạnh ngày trước, giờ tuy khác nhau cuộc sống, nhưng cùng nhau lý tưởng phục vụ. Anh Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh) tác giả quyển "Hà nội trong mắt tôi" đã viết bài tường thuật hay và đầy đủ, nhờ đó tôi có thể gởi đi các tiểu bang xa phổ biến.
Phần được nhiều người tham dự thích thú nhất, có lẽ là hội luận về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Tham luận đoàn gồm có chị Thái Hà (tức nhà văn Bùi Bích Hà), Bích Huyền, Lưu Kim Chi và Nguyễn Huỳnh Mai. Chị Thái Hà điều khiển chương trình rất khéo léo, thông minh. Sau phần tham luận đến phần thảo luận, được hàng chục người, cả nam lẫn nữ, đóng góp rất tích cực và linh động.
Có lẽ đây là phần khiến tôi phấn khởi nhất, cho dù tình cảm của tất cả mọi người có mặt hôm đó khiến tôi rất cảm kích. Tôi nghĩ, tạo ra truyền thống hội luận như thế này rất hữu ích cho việc đưa tư tưởng có hiệu quả đi sâu vào người tham dự hơn.
Thật sự tôi nghĩ gì sau một buổi ra mắt sách? Chỉ là... mới bắt đầu.
29-3-95
Sáng nay sau khi cúng Phật, tôi ngồi tịnh tâm. Tôi tự đặt cho chính mình nhiều câu hỏi. Tôi có ý muốn gì cho tôi không? Tiền bạc? Địa vị? Danh tiếng? Tôi thật lòng trả lời là không! Tuy nhiên, nhớ lại hôm qua, khi đứng rửa chén sau khi ăn cơm tối, đột nhiên tôi nảy ra một ước muốn. Lúc đó nếu có ai hỏi tôi muốn gì, tôi sẽ đáp ngay “muốn làm một cô thợ cắm hoa”. Dĩ nhiên không phải là một bà chủ tiệm hoa, mà chỉ là một người làm công.
Tôi sẽ đến tiệm hoa, làm công việc của một người thợ. Săn sóc chưng bày tiệm hoa, cắm các bình hoa đủ loại, đủ kiểu, đủ màu sắc, đủ giá tiền, đặt vào trong tủ lạnh chờ khách hàng chọn lựa.
Tôi nhớ tiệm Artistry and Flowers, năm 1984, khi tôi mới bước vào nghề cắm hoa. Tôi nhớ những chiếc kệ trên vách có đèn rọi vào các bình hoa lụa màu sắc nhẹ nhàng do tôi cắm mà nhiều khách hàng rất ưa thích. Có lần một bà Mỹ già ôm chầm lấy tôi khi ngắm các bình hoa do tôi cắm. Bà nói: “Tôi thấy sung sướng hạnh phúc quá khi nhìn những bình hoa của cô cắm.” Những bình hoa tôi cắm đượm tính chất Đông phương với dáng vẻ màu sắc thanh nhã và uyển chuyển theo với các đường nét thiên nhiên.
Cứ mỗi mùa tôi lại vào tủ kiếng lớn để thay đổi cách trang trí chung cho tiệm hoa. Mùa đông tôi dùng gòn làm tuyết, cùng các cành cây trụi lá phủ tuyết trắng, hình nộm người tuyết, chen lẫn các cây hoa trắng hoa đỏ, và các tràng hoa tròn đặc biệt của lễ Giáng sinh. Mùa này khi tôi về nhà người đầy cả kim tuyến vì phải dùng các loại sơn màu và kim nhủ bạc vàng đỏ hoặc ngũ sắc óng ánh.
Vào mùa xuân, khi chuẩn bị cho lễ tình yêu Valentine, tôi lại thay tủ kiếng bằng những trái tim thật to. Màu sắc của mùa này là đỏ, trắng và hồng. Mùa này hoa hồng rất đắt tiền. Có những chàng trai tặng cho các nàng bình hoa cả trăm đồng.
Thương nhất là những cảnh vật tôi bày cho tiệm Artistry vào mùa Lễ Phục sinh Easter đầu mùa hạ. Trước hết là giấy dán tường có cảnh rừng cây suối chảy róc rách. Tôi trình bày những con vịt, con thỏ, những nấm rơm to tướng, giỏ trứng, rồi cỏ non phủ trên sàn tủ kiếng lớn như căn phòng nhỏ.
Qua đến mùa thu, lễ Tạ ơn Thanksgiving, là mùa của màu lá vàng đầy thơ mộng, phủ tràn trên khắp các bức tường, tủ kiếng, tràng hoa...
Tôi đang mơ mộng làm cô thợ cắm hoa, gần gủi cùng hoa lá xinh tươi hiền hòa, mang vẻ đẹp thiên nhiên từ hai bàn tay khéo léo biến thành các tác phẩm nho nhỏ làm vui lòng người thưởng thức. Tôi muốn làm những việc tầm thường vụn vặt không suy nghĩ, để khỏi phải đối phó cùng mọi mặt của đời sống, nhất là chính trị, với những trò xảo thuật phù thủy của con người tranh nhau quyền lực, che phủ mịt mùng bằng bao nhiêu mỹ từ trừu tượng. Những mỹ từ mà nhiều khi nghe đến, tôi chỉ muốn tránh xa.
Tình yêu quê hương, đồng bào, đạo pháp. Đối với tôi đó không phải là mỹ từ, mà là sự chân thật tận đáy lòng. Và có sức mạnh quyết định, không cho phép tôi được trốn tránh vào thế giới thần tiên của màu sắc và hoa cỏ trong tiệm hoa. Thế giới mà trong đó dù chỉ làm kẻ quét dọn, rửa hoa, cắm hoa, tay chân trầy trụa bầm dập vì gai góc, tôi vẫn cảm thấy bình an hơn, và ước ao được sống mãi.
Chuẩn bị đi Texas
19-4-95, 2:03 giờ chiều
Trước mắt tôi là một tòa nhà đổ nát và bốc cháy hiện trên màn ảnh truyền hình. Hàng trăm người bị thương và khói đang bốc ngùn ngụt che kín cả một vùng.
Hết cảnh tôn giáo thần bí giết người bằng bom hơi độc ở Tokyo Nhật bản vừa xảy ra, thì nay lại đến cảnh khủng bố đặt bom sụp đổ tòa nhà Liên bang tại Oklahoma. Có 40 người lớn, và 20 trẻ em còn bị mất tích trong đống gạch đổ nát. 19 người chết trong đó có đến 17 trẻ em trong một ký nhi viện nằm trong tòa nhà. Người ta ước lượng có trên một ngàn tấn bom đã đặt trong tòa nhà của chính phủ. Đau lòng nhất là hình ảnh các trẻ thơ nhỏ bé vô tội máu me đầy mình, tuổi của các em chỉ từ lên một đến lên bảy, con cái của các nhân viên đang làm việc tại đây.
Xướng ngôn viên nói chuyện cùng đại diện Hội Hồng thập tự tại quận Cam, và họ cho biết khi nào Oklahoma cần máu, Hồng thập tự sẽ chuyển ngay máu đến nơi này.
11-5-95
Chương trình ra mắt sách Cô bé làng Hòa Hảo tại Dallas và Houston ở tiểu bang Texas xem như đã tạm xong. Anh Nguyễn Sĩ Đẩu vì đã quen tổ chức các sinh hoạt cộng đồng tại Dallas nên hoàn tất sớm hơn. Có lẽ anh đã in thiệp, chỉ chờ bươm bướm do Huỳnh Lương Thiện, nhà xuất bản Mõ Làng, gởi xuống, là anh sẽ phổ biến thiệp mời.
Anh Đẩu cho biết giáo sư tiến sĩ Đàm Trung Pháp sẽ giới thiệu tác phẩm; nhà văn Việt Phương nói về khía cạnh gia đình và xã hội; ông Hồng Liên, phó hội trưởng Ban trị sự PGHH miền Nam Hoa kỳ sẽ phân tích khía cạnh tôn giáo; và tiến sĩ Đỗ Đình Phong sẽ nói về tuổi trẻ giữa hai nền văn hóa qua tác phẩm.
Anh Đẩu yêu cầu tôi có một bài nói chuyện, vì tôi ở xa anh không tổ chức hội luận cho phụ nữ được. Tôi chọn đề tài: “Những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại”.
Tại Houston, ba anh Tạ Duy Phong, Lê Cảnh Thạnh, Hội Ái hữu Chính trị Kinh doanh, và Nguyễn Anh Dũng, hội trưởng PGHH tại Houston, Texas, đứng ra tổ chức.
Chương trình bắt đầu bằng lời giới thiệu tác phẩm của thầy Doãn Quốc Sĩ; nhà văn Trần Hồng Văn chủ tịch hội Văn bút Hoa kỳ nói về vấn đề xã hội và gia đình; anh Nguyễn Anh Dũng phát biểu về khía cạnh tôn giáo; và kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, chủ tịch hội Văn hóa Khoa học Việt Nam sẽ nói đến tuổi trẻ giữa hai nền văn hóa qua tác phẩm.
Tại Cali, cộng đồng đang trải qua nhiều sôi động vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư sau 20 năm quốc nạn. Biểu tình rầm rộ khắp nơi. Biểu dương khí thế, xuống đường tuyệt thực, đêm không ngủ... Các đài phát thanh, truyền hình chiếu lại các hình ảnh đau thương của đất nước, phát lại các bài nói chuyện của các nhà lãnh đạo miền Nam vào giai đoạn cuối cùng trước khi cộng sản xâm chiếm toàn lãnh thổ. Tất cả đã đưa khí thế của người dân trong cộng đồng lên cao độ. Tâm tình cũng dễ xúc động khác thường, buồn, giận, hăng say. Kết cuộc là những cuộc họp các lãnh đạo cộng đồng chống đối một đài phát thanh, vì một số câu nói đụng chạm đến tự ái những người đã từng hy sinh xương máu và đời sống trong cuộc chiến.
Mặt trận truyền thông báo chí của cộng đồng càng ngày càng nở rộ. Viễn Đông Kinh Tế bắt đầu in lên ba số một tuần. Thời Luận cũng giữ nguyên được một tuần ba số. Trong khi đó Việt Báo Kinh Tế từ ba số một tuần đã trở thành báo hàng ngày.
Hiện nay mỗi ngày có chương trình đài Little Saigon Radio từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng là đài Tiếng Nói Việt Nam (The Voice of Vietnam hay đài VOV) do Tường Thắng làm giám đốc. Thứ bảy chủ nhật có đài Văn nghệ Truyền thanh của Lê Phú Bổn, Nguyễn Hữu Chung. Ngoài ra còn có các chương trình nhỏ chuyên biệt, như Hương Sen của Phật giáo; Ánh Sáng Niềm Tin của Công giáo; có cả chương trình Tao Đàn của Hoàng Oanh, vân vân...
Người Việt Nam thật là giỏi, tiến triển không ngừng, không may một trong những tài đó lại là đả kích lẫn nhau!
22-5-95
Tôi bước vào văn phòng của hội Thanh niên Bách Việt do Lê Nguyên Phương, chủ tịch hội sinh viên Orange Coast College chủ trương. Tất cả chỉ mới là khởi đầu. Rất nhiều lần tôi đứng ngoài khung cửa kính nhìn vào thấy Phương đang tận tình chỉ dẫn cho đám con em của các cựu tù nhân chính trị mới qua.
Sao Phương lại làm một việc mà tôi hằng mơ ước? Nhưng Phương lại bảo:
- Con mê ý tưởng của cô là thành lập một trung tâm cho thanh niên.
Phương còn bảo:
- Người ta cho là những đứa trẻ băng đảng đa số là con của những người qua trước là sai. Bây giờ rất đông những đứa trẻ bỏ nhà, băng đảng, trộm cướp, bắn nhau là con em của những người mới qua. Chúng đã học hỏi hư hỏng ngay từ chế độ hiện hữu của Việt Nam.
Phương cho biết hội Tương trợ Văn nghệ sĩ VAALA của anh Lê Đình Điểu hứa sẽ giúp các em bằng cách mở lớp dạy viết văn làm báo. Tôi bảo:
- Vậy là cô lại “bị” dạy rồi.
Phương cười:
- Sao cô lại nói “bị”?
- Hôm qua cô vừa có ý nghĩ nhưng không biết có thì giờ thực hiện không. Cô định mở lớp cắm hoa để giúp các em nữ sinh viên có việc làm bán thời gian ở các tiệm cắm hoa.
Phương cười tán thưởng. Tôi hỏi quỹ của hội có được bao nhiêu. Phương lại cười: “Một trăm đồng”.
Trở về nhà, thay vì chuẩn bị bài nói chuyện buổi ra mắt sách và các buổi “bị” phỏng vấn trên đài phát thanh tại Dallas và Houston, tôi lại cứ muốn đọc sách của thầy Doãn Quốc Sĩ. Trong lúc đọc sách của thầy, trí óc và bàn tay tôi cứ thường xuyên muốn viết mỗi khi tôi gặp được những gì thầy nói giống ý của tôi.
Tôi không còn cảm thấy bồn chồn, ưu tư như những lúc sắp phải dạy lớp báo chí hoặc “bị” phỏng vấn trên đài phát thanh, dù là đề tài tị nạn mà mình gần gũi nhất. Tại sao có sự thay đổi đó? Sự vô tư lự đó hình như bắt nguồn từ hôm ra mắt sách lần đầu tiên tại quận Cam. Bầu không khí náo nức với thật nhiều người tham dự và bày tỏ ý tưởng về đứa con tinh thần mình đã bỏ biết bao công sức, trái lại, đã không làm cho tôi xao xuyến, mà một sự bình lặng chợt đến bất ngờ. Cũng không phải do tôi đã soạn bài hội thảo Người vợ là bạn của chồng trước.
Lần này, tôi quyết định không viết bài nói chuyện. Thứ nhất tôi thấy những gì tôi sắp nói ra đây cũng chẳng quan trọng, vì những gì tôi nghĩ, tôi viết, tôi nói, đã có người khác nghĩ trước và có khi còn hay hơn tôi, có điều họ chẳng nói ra. Như vậy thì tôi chỉ nói dùm người khác thôi.
Quyển Mình lại soi mình của thầy Doãn Quốc Sĩ viết thật đầy đủ và súc tích. Một bài học cho giới trẻ, vừa văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội, lịch sử và nhất là đạo học.
Tôi đọc nó như ngày nào từng đọc quyển Câu chuyện dòng sông của Herman Hesse. Lúc đó tôi đọc một mạch, vì đó là thời còn là một sinh viên trẻ không bị ràng buộc bởi đời sống gia đình. Đọc sách của thầy, tôi chợt nhớ lại thời tuổi trẻ, dưới mái trường. Câu chuyện cùng Phương và Thanh niên Bách Việt lại trở về. Tôi cảm thấy mình có thật nhiều điều phải làm cho giới trẻ Việt Nam. Đột nhiên lòng tôi dấy lên một tình thương miên man.
Má chồng tôi từ Việt Nam về đã hai hôm. Bà tuy đã 83 tuổi nhưng còn đầy sinh động, thích thú kể chuyện quê nhà không ngừng. Mọi người đi rước bà, tôi ở nhà nấu giỗ cho ba chồng. Cũng như lần trước bà về Việt Nam trở qua, tôi cũng nấu mâm cơm cho bà cúng tạ ơn ông bà và đất đai vương trạch thần hoàn bổn cảnh thổ thần thổ địa.
Bà không than mệt hay trái giờ buồn ngủ như người khác đi từ xa về, cúng xong, bà vui vẻ ăn cơm chuyện trò, rồi đi ngủ. Sáng dậy, bà theo chúng tôi đến Hội quán dự lễ 49 ngày ra đi của anh Trác, ba ruột của Trang, con gái nuôi của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đưa hai bà mẹ đi dự ngày Lễ Phật Đản tại chùa Huệ Quang.
Chùa đông quá, hàng ngàn người tham dự lễ, đa số là các người lớn tuổi, nhưng cũng có rất nhiều thanh thiếu niên, đa phần mặc đồng phục hay lễ phục, của các lớp Việt ngữ. Mẹ tôi mắt đã kém, bà đang chuẩn bị đi mổ trong một ngày gần đây.
Thỉnh thoảng mẹ đưa tay lên che một bên mắt để có thể nhìn rõ hơn. Bà bác sĩ cho mẹ một miếng kính rời sậm màu gác lên trên kính thường mang cho đỡ chói mắt. Tôi không xem văn nghệ, tôi nhìn mẹ nhiều hơn, và lắng nghe mẹ nói chuyện cùng bà bên cạnh về bác sĩ mổ mắt. Bà cụ này đã mổ mắt một năm, và cho biết là mắt sáng hơn xưa. Mẹ mừng rỡ hỏi từng chi tiết xem có đúng là bà bác sĩ của mẹ hay không. Hai bà lục bóp tìm danh thiếp ra so lại. Đúng y chang. Có lẽ mẹ vui mừng và yên tâm yên chí.
Tôi chụp ảnh cho hai bà mẹ đứng trước cổng chùa có treo bong bóng nhiều màu sắc. Mẹ tôi muốn chụp thêm ảnh, nhưng chiếc máy hình tự động quay phim lại, vì đó là tấm cuối cùng.