Những ngày đầu năm mới

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 23113)
Những ngày đầu năm mới

Mồng một Tết năm Mậu Dần - 28-1-98

11:20 giờ sáng

Mây che ánh mặt trời buổi sáng lúc tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Tôi cố làm nhanh để có thể ngồi viết. Viết ngày đầu năm người xưa gọi là "khai bút", nhưng tôi hầu như ngày nào cũng viết, nên không có gì mới mẻ lắm.

Chỉ có ánh sáng dịu dàng buổi chớm xuân rọi vào căn nhà mở rộng các cửa. Tầm nhìn của tôi thật xa và thoải mái trên các hoa lá xanh tươi sau vườn, suốt đến khu vườn các nhà lân cận. Chậu thủy tiên trên bàn trước mắt tôi đã nở năm hoa. Hoa nho nhỏ trắng trong nhụy vàng tươi, tuy đơn sơ nhưng quý phái. Những đóa hoa cúc vàng, mấy giò lan, và cây mai đều nở hoa tươi tắn khiến căn phòng sáng rực.

Nhà tôi cũng có đầy đủ các món truyền thống của ngày Tết. Mấy trái dưa hấu xanh sọc lớn, hộp mứt trong giấy bóng đỏ, bánh chưng, bánh tét, dưa món, dưa kiệu...

Các món quà Tết của vợ chồng dượng Út, chị Hai bên chồng, Hằng Vân cháu chồng, Hoàng Trang, Long vân vân... đều được đặt trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên đêm giao thừa. Một số bánh mứt khác được đặt trên đầu tủ để qua Tết cúng tiễn đưa ông bà.

Sáng nay, Tài đi làm để lấy ngày tốt và lì xì bao đỏ cho nhân viên. Tài đi xong, tôi ngồi xếp bao lì xì, một bên giấy 5 đồng cho con cháu, còn một bên giấy 1 đồng để lì xì cho các em bé đến chơi Hội quán đầu năm.

Hoàng gọi đến chúc Tết tôi được nhiều sức khỏe, viết thêm vài cuốn sách nữa và trẻ đẹp. Tôi cảm ơn, và nói chắc điều cuối cùng khó thành, vì khi thoáng nhìn vào chiếc gương trên bàn phấn thấy hiện lên một bà già nua mỏi mệt. Trông tôi bơ phờ vì cảm suốt mấy ngày qua, bác sĩ cho thuốc nặng nên suốt đêm tôi không ngủ được phút nào. Hoàng cười bảo, "Vậy thì con chúc mẹ đẹp lão".

Hoàng khiến tôi xúc động muốn rớt nước mắt khi cho tôi hay sẽ vẽ chân dung Đức Thầy thật lớn, cho hai thanh niên khiêng đi trước xe hoa. Hoàng nói có thể vẽ to bằng màn ảnh xi nê, nhưng sợ khiêng đi diễn hành không nổi. Tôi vui mừng quá sức. Thật là một niềm vui lớn lao đầu năm.

Nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ ngay đến cậu Sáu Nguyên đang làm xe hoa. Hôm qua, tôi đến hiệu Mervyn’s mua một bộ quần áo thể thao màu xanh dương đậm mang đến hội quán biếu cậu, làm quà cuối năm. Tôi buộc cậu phải ngưng tay làm việc, và vào tắm thay quần áo mới ngay, tôi mới chịu đưa cậu đi mua bông giả ở tiệm Michael’s để kết lên xe hoa.

Cậu Sáu làm việc suốt mấy ngày đêm ngoài sân sau của Hội quán, không ngủ nghỉ, chỉ ăn uống qua loa. Tắm xong, cậu mặc đồ mới vào, tươi cười bảo, "Khỏe quá, như sống lại!" Cậu còn vui vì nghe một đồng đạo bán được dùm cậu mấy chậu kiểng uốn hình rồng phụng trong chợ hoa ngày Tết.

Cậu kể chuyện, trước 1975 mỗi lần Đại Lễ trong đạo, cậu làm xe hoa đến mấy chiếc một lần. Mỗi xe hoa đều có đến mấy máy phát điện. Cậu còn có sáng kiến làm cả thuyền bát nhã lướt sóng. Cậu mua vải ny-lông xanh làm sóng, có quạt máy thổi cho rung động trông xa như sóng nhấp nhô, còn thuyền thì lắc lư chuyển động được, có người đứng phía sau đẩy lên đẩy xuống như đang nhảy sóng.

Thật đúng là một "tài năng xe hoa”. Trong lòng tôi, cậu Sáu Nguyên quả là một ngôi sao sáng. Các xe hoa của cậu trước đây mang lại cho tôi những niềm vui thật khó quên, từ ngày còn bé. Tôi cầu nguyện cho cậu Sáu Nguyên sống thật lâu, thật thọ, để sau này, ngày Lễ Đạo được tổ chức tại quê nhà trở lại, cậu sẽ chỉ huy hướng dẫn cho giới trẻ làm cộ đèn và thủy lục trên sông. Tôi thật mong ngày đó lắm thay. Tham dự được ngày lễ đó, đối với tôi chẳng khác nào như ước vọng của người Do thái hẹn nhau về Thánh địa Jerusalem, họ chúc phúc cho nhau, ước hẹn cho nhau năm này qua năm khác. Sau cùng thì họ đã toại nguyện. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi, những người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lưu vong và bị ngăn trở niềm tin, sẽ quay về Thánh địa sớm hơn, nhanh hơn nhiều...

2:00 giờ chiều

Đầu năm xem báo thấy toàn là tin của đệ nhất nhân trên thế giới, chiếm hết trang đầu, trang giữa. Báo Los Angeles Times đăng hình Tổng thống Bill Clinton đang giơ tay chào, cằm đưa ra, môi dưới bặm lên môi trên, chiếc mũi to dài quặp xuống. Tay trái ông giơ lên chào cử tọa, tay phải đặt bên cạnh quyển tập diễn văn. Bài báo mang tựa thật to "Clinton tries to change image" (Clinton cố thay đổi hình ảnh). Sau lưng ông là Phó Tổng thống Al Gore và Chủ tịch Quốc hội Newt Gingrich đang đứng vỗ tay trước lá cờ Mỹ. Ông Gore tóc đen, mặt nghiêm chỉnh, ông Gingrich tóc bạch kim, mặt có vẻ muốn cười. Đó là hình ảnh của ông Clinton khi ra tường trình trước Quốc hội. Tựa nhỏ có ghi "Clinton cố nhắc người Mỹ họ thích ông vì những gì khiến họ bỏ phiếu cho ông năm 1992 và 1996." Ông không nhắc gì đến những lời buộc tội mà ông đang bị phe công tố viên Kenneth Starr theo điều tra ráo riết.

Bên cạnh tấm ảnh lớn này là hình Phu nhân Hillary Clinton, nơi sát bìa lưng báo. Tóc bà vàng óng ánh, cắt theo kiểu mới ngắn sau cổ, tay phải nâng cầm, bàn tay có đeo chiếc nhẫn ngọc trai lớn, và trên cổ cũng đeo nhiều chuỗi ngọc trai nhỏ quấn lại. Bà nhướng mày, mắt mở to, miệng hé ra như đang nói chuyện. Trông bà có vẻ trẻ trung, chân thành, mà lại tự tin. Dưới ảnh là lời chú thích: First Lady on NBC-TV’s "Today" (Đệ nhất phu nhân trên chương trình Today của đài NBC-TV". Tựa đề bài báo là "First Lady uses familiar tactics to fight back" (Đệ nhất phu nhân dùng chiến thuật cũ để kháng cự) do Melissa Healy viết.

Nhà báo này cho rằng, Phu nhân Hillary Clinton lâu nay giữ im lặng, nhưng khi tình hình căng thẳng cực điểm thì bà xuất hiện. Melissa với kỹ thuật viết lách khéo léo, đã dùng nhiều từ ngữ tả về bà Hillary như: duyên dáng, háo chiến, quá độ, phun ra, bắn ra những lời, vân vân...

Phu nhân Hillary Clinton trả lời cuộc phỏng vấn của đài NBC: "Tôi đã học được trong những năm qua, khi dính vào chính trị, đặc biệt là từ khi chồng tôi lên làm tổng thống, điều tốt nhất trong những trường hợp này là kiên nhẫn, hít thở thật sâu, và sự thật sẽ hiện ra."

Nơi trang năm, đặc biệt về quan điểm của quốc gia, có hình của Tổng thống Bill Clinton đang bắt tay cùng Thủ tướng Nhật Ryutaro Hashimoto, dưới hai lá cờ Mỹ và Nhật bay phất phới. Bài do Jim Mann nhận xét về quan điểm của thế giới dưới tựa đề “Clinton’s Pain Hasn’t Hurt Foreign Policy” (Niềm đau của Clinton Không gây Hại cho Chính sách Ngoại giao).

29-1-98 (ngày mồng hai tháng giêng), 7:00 giờ sáng - Huntington Beach

Chậu hoa thủy tiên nở thêm vài nụ nho nhỏ xinh xinh. Tiếng chim kêu vang rền ngoài sân vọng vào qua các khung cửa kính, dù bên ngoài trời còn mưa lâm râm. Các tàu lá dừa đong đưa trong mưa gió. Trên trời một màu trắng xám đục. Tin tức buổi chiều cho hay, sóng biển lên cao 30 feet. Các anh chàng chơi lướt sóng đang tha hồ trượt nước trắng xóa trên những miếng gỗ nhỏ bé đầu nhọn.

Tôi gọi Hoàng từ tờ mờ sáng, hỏi con có hay trời mưa không. Hoàng bảo đến khuya mới hay, bước ra ngoài trời tối quá. Tôi lo sợ hình Đức Thầy bị hư. Hoàng bảo không sao. Tôi cũng mong là vậy. Tôi tiếc không biết sớm để báo động về trời mưa, để thay vì đóng bức tranh to phơi sau nhà thì Hoàng đóng trong nhà an tâm hơn. Nhưng Hoàng vẽ bằng sơn dầu, mưa lại nhỏ, chắc là không sao. Tôi mong như thế.

TV cho biết, thứ sáu và chủ nhật trời nắng, nhưng thứ bảy thì trời... mưa. Tôi nghĩ đến cậu Sáu Nguyên và ông Cẩn. Có lẽ mấy hôm nay phải làm việc dưới trời mưa giá lạnh vào đêm. Độc giảng đường đã hoàn tất, đặt trên chiếc xe truck của chú Nguyễn Duy Thanh hội trưởng rồi, và dĩ nhiên là cao, cho nên xe không thể đưa vào nhà để tiếp tục làm việc được.

Số hoa do cậu Sáu và tôi mua hôm Giao thừa được xếp trên bàn. Tôi hỏi cậu Sáu có cần dùng súng bắn keo để dán không? Cậu bảo không cần, vì cậu bắn thẳng vào gỗ của độc giảng đường luôn.

Hôm qua, trên mặt báo chí và truyền hình, thì cuộc diện có vẻ như thay đổi nhờ bản tường trình khá thành công trước Quốc hội của Tổng thống Bill Clinton. Ông cũng rất thành công tại Illinois, Chicago và Wisconsin. Tại Wisconsin, cứ 12 nhà dân có 1 nhà đi đón ông, bày tỏ sự yểm trợ của mình, thật là thành công ngoài sức tưởng tượng.

Sáng nay tôi có xem trên C-Span, buổi nói chuyện của Tổng thống Bill Clinton. Ông Phó Tổng thống Al Gore lên trước, khoa trương mọi thành công từ giáo dục, khoa học công ăn việc làm vân vân... cho sinh viên nghe. Ông còn gằn giọng: "Chúng ta đang đi đúng đường. Chúng ta phải có sự lựa chọn. Chúng ta hãy cùng nhau tiến tới tương lai của thế kỷ 21. Hãy cùng tôi ủng hộ Tổng thống Bill Clinton." Thế là ông Bill Clinton đứng lên, đám sinh viên vỗ tay la hét không ngừng, đến đỗi ông nói không được phải cám ơn lia lịa. Ban nhạc trổi lên chào mừng ông.

Tôi thán phục Bill Clinton quá sức. Thật là một màn trình diễn thật hay, có nhiều tác động. Chuyện của ông đang như thế, mà ông vẫn bình tỉnh, hoạt bát, nhất là tập trung tinh thần để nói đùa, ngợi khen trường Illinois vân vân... khiến cho sinh viên thích chí cứ vỗ tay liên hồi.

Cứ thế mà uy thế của ông lại lên, cho dù phía bên kia vẫn không ngừng cuộc điều tra. Luật sư biện hộ cho Clinton thì cho rằng, cô Monica Lewinsky bị bắt buộc phải nói theo những gì mà công tố viên Kenneth Starr muốn nghe. Cô ta nên bước ra ngoài sự kềm tỏa của những người chung quanh để nói lên sự thật. Trong lúc diễn tiến của vụ án này, các đài truyền hình cứ chiếu liên tục hai đoạn phim lúc chào đón Clinton thì cô Monica đến ôm ông. Lần ôm thứ nhất trong cô trẻ đẹp hơn, lần thứ nhì thì cô mập lên hẳn, mặt tròn to, mắt lim dim nhìn Clinton say đắm. Phim quay thật chậm, cứ đến đoạn chỗ Clinton và Monica ôm nhau thì ngừng thật lâu. Clinton thì chỉ thấy đầu tóc trắng phía sau. Còn phía bên kia là một cô mặt thật to đang tựa cằm lên vai Clinton, có vẻ tê mê sung sướng.

Mấy hôm nay Tài cằn nhằn tôi sao cứ xem chuyện Clinton hoài. Anh đâu có biết tôi theo dõi để viết bài, ghi dấu các diễn tiến của một vụ án lịch sử. Tối qua, anh và Thịnh còn dành TV xem đội cầu Lakers đánh bóng rổ. Tôi giận lên lầu ngủ sớm không thèm rửa chén.

1-2-98 (mồng năm Tết)

Hôm qua, ngày mồng 4 thứ bảy, ngày diễn hành ngoài Phố Bolsa. Buổi diễn hành thật tốt đẹp. Phái đoàn Phật giáo Hòa Hảo Nam Cali đi rất đông, thành một đoạn đường dài đủ cả nam phụ lão ấu. Và đặc biệt có hai Độc giảng đường trong số mười lăm xe hoa diễn hành.

Độc giảng đường của miền Nam Cali đóng bằng gỗ có mái ngói cong, ba mặt đặt hình Đức Huỳnh Giáo khăn đóng áo dài, có kết hoa, và bốn góc xe có chạy dây cờ vàng ba sọc đỏ và cờ dà cho các thanh niên cầm. Thịnh, Cường và Hoài cao lớn nên được sắp xếp, Thịnh cầm cờ Mỹ, Cường cầm cờ Việt Nam, và Hoài cầm cờ dà. Cậu Sáu Nguyên và cậu Ba Nhãn, khăn đống áo dài đen cổ truyền, ngồi trên xe hoa như hai bô lão trông rất đạo mạo. Nhóm thanh niên khoảng năm mươi người diễn hành trật tự trước xe hoa. Còn các cụ mặc áo dài đi sau xe hoa, rồi đến các phụ nữ và thiếu nữ mặc áo dài.

Tôi đứng trước khán đài chụp hình, nghe khán giả ngợi khen xe hoa đẹp, diễn hành đông quá. Cameramen của đài truyền hình Mỹ cũng chạy sát đến để chụp hình quay phim.

Sau buổi diễn hành, mọi người về Hội quán. Thức ăn còn nhiều quá, vì ai cũng lo cho việc diễn hành, nên không màng đến ăn uống, chỉ ngồi xem video buổi diễn hành do anh Nguyễn Văn Dũng trong Thanh niên đoàn thu hình.

Niềm vui luôn luôn đi đôi với nỗi buồn. Mẹ sung sướng khi nghe đồng đạo đi đông và tốt đẹp, nhưng mẹ cho hay, trong lúc mọi người đi diễn hành, mẹ đi chụp hình thì bác sĩ cho hay, mẹ bị nứt ba cái xương sườn vì té hôm trước Tết. Vậy mà hôm mồng hai, mẹ vừa đau vì bị sưng nơi té, vừa lo nấu nướng đủ mọi thứ món chay để cúng giỗ cho ông ngoại.

Ông ngoại tôi chết đêm Giao thừa. Mẹ kể, ông ăn chay trường, tu hành, nên biết trước giờ chết. Ông tắm rửa sạch sẽ, yêu cầu ông bà cố tôi, tức là ba mẹ của ông ngoại, đánh ông ba roi vì tội bất hiếu chết trước. Khi ông lên giường nằm chết thì tất cả bà con họ hàng đứng quanh giường.

3-2-98

"Hãy xoa khắp cơ thể

Bằng hương thơm giữ giới,

Lại mặc cho cơ thể

Bằng y phục thiền định,

Rồi trang điểm khắp cả

Bằng bông hoa tuệ giác,

Thì bất cứ ở đâu

Cũng thường được an lạc.”

Đó là một đoạn trong Kinh Thủy Sám tức “Từ Bi Thủy Sám Pháp”. Sám là phương pháp sám hối. Phương pháp này mệnh danh là "Từ Bi Thủy", gọi tắt là Thủy, tức là Nước Từ Bi.

"Muốn hết tội lỗi thì cần phải sám hối. Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: "Tội từ tâm sanh thì phải từ tâm diệt. Tâm đã diệt rồi thì tội liền tiêu". Đó là lời của thầy Thích Đức Niệm trong lời tựa của quyển Kinh Thủy Sám do thầy Thích Trí Quang dịch. Quyển kinh của mẹ cho tôi đề ngày 17-11-1982. Sau khi nghe mẹ nứt ba cái xương sườn, tôi thường tụng Kinh Sám Dược Sư để cầu an cho mẹ.

Kinh Sám Dược Sư do thầy Thích Phước Bổn trụ trù Phước Huệ Đạo tràng cho tôi năm 1988. Thầy có viết trong “Lời Tâm Niệm":

"Do nghiệp lực thắt buộc mà có thân thể, thì chưa ai thoát khỏi khổ lụy của hình hài, hay nói cách khác, nghiệp là một trong những sức mạnh lớn nhất, nên gọi là "Nghiệp Lực"; hễ có nghiệp là có thân, có nỗi khổ của thân, và vì thân nói chung là cái lụy của hình hài. Muốn vượt thoát khỏi hệ lụy ấy duy chỉ cải hóa chính mình. Nhưng, thương ôi! biển nghiệp mênh mông sức cuốn hút mãnh liệt, nếu không nhờ thuyền từ đại nguyện, oai lực nhiếp thọ của Tam Bảo thì khó mà thành đạt”.

Thầy có giải thích phương pháp sám hối mệnh danh là "Đạo Tràng Dược Sư" cũng là phương pháp sám hối "tiêu tai diên thọ".

Kinh và Sám là hai thuật ngữ. Kinh có nghĩa là thường pháp hay khế pháp. Thường pháp là pháp của Chư Phật trong mười phương ba đời thường nói, hoặc Bồ tát nói được Phật ấn chứng. Khế pháp là pháp hợp với chân lý, thời tiết, nhân duyên, và căn tánh của chúng sanh.

Sám là sám pháp - phương pháp sám hối, cung cách thú nhận những lỗi lầm đã gây tạo chừa bỏ không tạo tác (tái phạm) thuộc về "tu pháp".

10-2-98 (mồng 14 tháng giêng)

Ngày mai là ngày rằm tháng giêng, đến kỳ nhập thất đầu năm của tôi, thì tôi bị bao vây bởi quá nhiều việc. Tôi biết rằng những gì tôi suy nghiệm và viết ra đều sẽ có lúc phải thực hiện. Tuy nhiên, tôi vẫn còn luyến tiếc những ngày mình có thể sắp xếp để có thì giờ một mình, yên lặng trước ngoại cảnh. Vì dù sao, ngoại cảnh cũng giúp ngược lại cho tâm hồn tôi rất nhiều.

Mẹ té hơm 29 Tết, đến hôm nay là được nửa tháng. Mẹ vẫn còn yếu, ngồi dậy khó khăn, đau nhức nơi ba cái ba sườn bị nứt và hay nhức đầu.

Mẹ sợ lạnh nên tôi mang thêm một máy sưởi nhỏ về đặt trong phòng ngủ Cường dành cho mẹ. Loại sưởi dầu mẹ thích vì hơi ấm tỏa ra từ từ. Còn dưới đất phòng gia đình thì tôi đặt loại sưởi thổi quay qua quay lại.

Nửa đêm thức dậy, nhiều khi tôi cảm thấy ngộp và chóng mặt vì hơi nóng và thiếu thoáng khí. Mẹ hay bị nhức đầu. Tối qua, hai giờ khuya, hai mẹ con tôi lục đục xuống nhà bếp. Tôi nấu nước nóng pha muối đổ trong chiếc thau nhỏ cho mẹ ngâm chân. Chiếc thau có máy điện vặn lên làm thư giãn chân và thần kinh, của chị chồng tôi biếu mẹ. Sau đó, tôi nướng bánh mì cho mẹ ăn lót dạ để uống thuốc nhức đầu.

Tôi hay nói với mẹ, trong nhà có sưởi, lại có thêm máy sưởi nhỏ, khiến mẹ thiếu dưỡng khí nên sinh nhức đầu. Nhưng mẹ không đồng ý, mẹ cho rằng vì trời lạnh và thời tiết xấu nên mẹ nhức đầu.

Cả tuần nay thời tiết xấu thật. Mưa bão liên miên. Xem truyền hình thấy sóng lớn làm sập những căn nhà ven biển. Nhiều nơi ngập lụt chết mấy mươi người.

Mẹ bớt đau nên bắt đầu theo dõi đài BBC và RFI, tiếp vận vào buổi sáng trên đài Little Saigon. Sáng hôm qua, mẹ con tôi nghe đài BBC có Xuân Hồng phỏng vấn cựu tướng Trần Độ, lý thuyết gia hàng đầu của chế độ cộng sản Hà nội.

Thứ ba tuần rồi, chú tôi có điện thoại dặn chúng tôi vặn BBC để nghe, không ngờ hôm ấy BBC lại không phát gì cả. Hóa ra bộ Ngoại giao Anh đã can thiệp hoãn lại buổi phát thanh ấy, vì không muốn làm mất mặt ông Nguyễn Mạnh Cầm, phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Hà nội đang có mặt tại Luân đôn.

Lá thư "Phản kháng" của tướng Trần Độ đã được phóng trên hệ thống Internet từ thứ hai tuần rồi, và báo L.A. Times cho rằng, đó là một "biến cố" chưa từng có cho chế độ Hà nội.

Trần Độ viết: "Cần thấm thía lời nói của chủ tịch Hồ Chí Minh là: "Độc lập mà không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng không có ý nghĩa. Muốn có tự do, hạnh phúc, phải có dân chủ”.

12-2-98 - 2:30 giờ trưa

Tôi đưa mẹ đi “Đảo Thời trang" (Fashion Island) về. Tôi chọn cho mẹ hai bộ đồ len xám nhạt ở Macy’s, rất ấm áp và nhã nhặn.

Mẹ tôi thích ngồi trên xe, đi đây đi đó, ngồi ăn ở tiệm ở quán. Lúc ngồi trên xe, tôi bảo: "Mẹ là người thích phiêu lưu, đi đây đi đó”. Mẹ cười. Thỉnh thoảng mẹ nhăn mặt, ôm nơi hông, chỗ xương sườn nứt. Tôi biết mẹ còn đau, nhưng nếu nằm một chỗ thì sẽ lâu lành và tinh thần xuống dốc.

Tôi với mẹ càng ngày càng hòa hợp hơn. Tôi để ý thấy mẹ lắng nghe tôi nhiều hơn. Hễ mẹ nói điều gì hay rầy tôi, tôi im lặng, đợi khi nào mẹ vui hay vài tuần vài tháng trôi qua, có dịp tôi mới góp ý. Hôm thứ hai, tôi cắt đoạn viết về “Nhập Thất Trong Tâm” trước đây, và trao cho mẹ, rồi rủ hai mẹ con cùng nhập thất trong tâm.

Tánh mẹ tôi rất kỹ, nên mỗi lần mẹ đến là tôi lo giặt giũ khăn mền, chùi rửa nhà tắm cho sạch sẽ, dọn dẹp rác rưới và bỏ báo trong phòng tắm mẹ dùng chung với Thịnh.

Tôi tự nghiệm là mình có nhiều may mắn và hạnh phúc mới được săn sóc cho mẹ khi còn sanh tiền. Hôm thứ ba, tôi đưa mẹ đi tiệm sách Barnes & Noble ở Huntington Beach. Tiệm sách mênh mông, có thang cuốn lên lầu. Tôi chọn mấy tạp chí có hình của Công nương Diana và mấy cô trượt băng đang thi tài ở Thế vận hội tại Nhật bản. Xong, tôi mua cà phê và bánh ngọt cho mẹ ngồi vừa ăn uống vừa xem tạp chí. Còn tôi thì lên lầu chọn mua mấy quyển sách về Đức Phật và Phật giáo cho Hòa Nam, cậu em út của tôi. Cậu muốn tìm hiểu về Đạo. Cậu nói với mẹ: "Con muốn tu, nhưng con có gia đình nhe mẹ". Mẹ tôi bảo: "Thì ba con tu mà cũng có vợ con vậy".

Hôm qua ngày rằm, mẹ mua bông trái chè xôi đến hội quán cúng Phật và cúng tổ tiên. Mẹ thích đi đây đi đó cho chóng khỏi đau. Mẹ nói, kỳ này, nhờ ở gần tôi, hai mẹ con chia sẻ và trao đổi quan sát kinh nghiệm tu tập và những sai lầm, cho nên chắc là tiến bộ hơn.

Tôi biết có một điều cản trở khiến tôi khó sống trong hiện tại. Tôi luôn luôn cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai. Tôi biết là mình có nhiều bổn phận quá. Khi không sống gần mẹ, thì tôi thấy áy náy vì tôi lo cho mẹ không đủ, tuổi mẹ ngày lại càng già. Còn khi mẹ đau, tôi dành nhiều thì giờ chăm sóc cho mẹ, thì lại thấy không đủ thì giờ lo cho Đạo.

Tôi quyết định phải thay đổi “cái đầu” tôi lại để có thể sống được những ngày như ý. Mỗi năm hai lần tôi đều nhập thất và sắp xếp chương trình cho sáu tháng hoặc một năm. Những gì đề ra hầu như tôi thực hiện được gần đúng. Tuy nhiên, cũng có khi tùy hoàn cảnh mà thay đổi.

Từ hôm đi Ấn độ về, tôi đã ghi nhận và đọc đi đọc lại một đoạn trong sách Phật giáo Tây tạng “The Mahamudra: Eliminating the Darkness of Ignorance" (Kinh Mahamudra: Diệt Bóng tối Vô minh):

"Hãy đưa ra những chương trình ngắn hạn làm như là bạn không có nhiều thì giờ và thực hiện cho xong. Hãy làm cho xong những gì bạn đã bắt đầu. Đừng để bị ảnh hưởng bởi những lời khen làm cho người khác hài lòng, để được ân huệ hoặc để cứu danh dự của mình".

Trong quyển Kinh đại thừa Tây tạng này, cũng có dặn dò:

"Đừng bị ám ảnh hoặc ôm chặt lấy những kinh nghiệm huyền diệu tâm linh, bạn sẽ hủy diệt chúng".

Tôi lấy đoạn “Nhập Thất Trong Tâm” do tôi viết ra đọc lại:

"Mình vẫn có thể sống "một mình" khi có người và chỉ nói những gì cần nói. Không nói những lời thừa và phải "biết rõ" những điều mình làm, và "sống trên" những gì mình "phải sống" hàng ngày".

Tôi thấy rằng những điều mình nhận biết chưa hẳn mình đã làm được ngay, mà phải thực tập nhiều lần, có khi cả cuộc đời. Chỉ còn một tháng nữa thì những gì tôi viết trên đó, đã qua sáu năm. Vậy mà tôi vẫn còn ngồi đây suy nghĩ lôi thôi.

Hôm qua, trên đường đến hội quán, tôi nói với mẹ, nhiều lúc tôi viết ra những gì tôi nghĩ để làm cho mình mắc kẹt vào những gì mình phải làm, phải thực hiện cho dù có khó khăn. Nhất là viết vào sách thì phải thực hiện cho bằng được. Chẳng hạn như khi viết trong Cô bé làng Hòa Hảo là tôi sẽ về Việt Nam, thì dù khó khăn cách mấy, tôi nhất định sẽ phải về.

Tôi nói nửa đùa nửa thật cùng mẹ: "Mẹ thấy không, về bên đó làm sao con có thuốc nhức đầu loại đặc biệt như con đang uống. Rồi làm sao có tiền mua kem thoa mặt?"

Mẹ cười bảo: "Thì lấy hột gà đánh ra thoa".

Hai mẹ con tôi cùng nhau cười quá. Bao nhiêu kỷ niệm lại về. Tôi nhớ ở làng Hòa Hảo, các cô gái thường có cái gương soi nho nhỏ để trong túi áo. Tóc các cô dài và mượt, có cài lược đồi mồi trên trán để tóc khỏi rớt che mặt, hoặc kẹp túm lơi ở phía sau lưng. Các cô mặc áo bà ba, quần đen, đi chân không. Còn xà bông thì tắm gội, giặt giũ, rửa chén chi chi cũng đều một thứ xà bông đá. Sang một chút là có xà bông Cô Ba thơm phức. Đâu có lỉnh kỉnh đủ thứ nào là thuốc gội đầu, rồi thuốc xả cho mượt, xong còn sấy khô, bôi kem bôi gel cho tóc nhiều, tóc mượt, hay tóc cứng, tóc ướt như mới gội... tùy ý thích. Xong xuôi hết lại còn phải xịt keo lên cho gió khỏi bay. Vậy mà tóc vẫn khô và hay rụng, đủ thứ bệnh tóc và đầu hói...

13-2-98

Sáng nay trong lúc mẹ còn đang nằm trùm mền theo dõi đài BBC, thì tôi tập một số động tác cho giãn cổ và vai rồi ngồi tham thiền.

Mẹ nói, anh Phan Văn hay Phan Bá Bách, con chú Phan Bá Cầm Văn Kim, cố Tổng bí thư Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng, đang đọc tin các nước Á châu khủng hoảng kinh tế cho đài BBC Luân Đôn. Rồi nơi thì cháy rừng mấy trăm chỗ, nơi thì biểu tình, chỗ thì phải mượn vàng của dân để tránh phá giá đồng bạc, như Thái Lan hay Mã Lai Á.

Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào. Tôi biết ngày này sẽ tới, khi các chính quyền của các quốc gia có thuyền nhân cư trú đã tấn công người tị nạn bằng chó, bằng dùi cui, lưu đạn cay, hãm hiếp, làm tiền, tống tình những kẻ đã vào tuyệt lộ...

Còn Việt Nam thì sao. Tôi kể cho mẹ nghe chuyện anh tù cải tạo tên Đức bị nhốt ở trại Thanh Cẩm. Anh chỉ mặc một cái quần đùi vào mùa đông ở ngoài Bắc trời rét căm căm. Khi cai tù đi ngang qua, anh kêu gọi, thì họ dừng lại tưới nước lạnh trên người anh. Anh van xin họ thả anh ra thì anh sẽ nghe lời họ. Cán bộ cộng sản bảo, anh uống hết nước đái và ăn hết cứt của anh thì họ sẽ thả. Anh cố gắng ăn hết phân của mình mà họ vẫn không thả. Sau cùng thì anh chết. Hai mẹ con cùng rơi nước mắt. Tôi bảo họ không có trái tim.

Hôm nọ, tôi đang ngồi ăn cơm, mẹ vặn đài Little Saigon, Anh Dũng và Thúy An đang điểm báo. Anh Dũng đọc một bài báo nói về một nơi dân cư sống quanh đống rác ở ngoại ô Sàigòn, mùi hôi thối nồng nặc. Ban đêm ở xa nhìn như một thành phố lên đèn. Đến gần mới nhận ra, người già con nít mang đèn trước trán đang đua nhau bươi rác. Tôi ngừng ăn cơm, trái tim tôi bị siết mạnh, và nước mắt trào tuôn, lòng tê tái.

14-2-98 (Ngày Lễ Tình Yêu)

Tôi chợt thức dậy vào lúc 3:30 giờ sáng. Thấy đèn phòng Thịnh còn chiếu sáng dưới khe cửa, tôi mở cửa bước vào. Tôi hỏi, sao con chưa ngủ. Thịnh bảo, ngủ không được. Tối hôm qua Thịnh đi làm cho hãng điện thoại Sprint PCS khu rạp hát lớn có đến 24 phòng chiếu 24 phim khác nhau.

Tôi còn nhớ thuở mới về Mission Viejo năm 1983. Mỗi tối hai anh em nó đi cúng với tôi và Trang, có khi cả nhà. Một hôm, có bạn là vợ chồng anh Nguyễn Đức Quang và vợ chồng anh Phạm Ngọc Bích, cựu sinh viên Chính trị Kinh doanh Đà lạt, đến thăm. Hai con tôi xin đi cúng một mình để ngủ sớm. Thịnh thay nước cúng cho ba chung nước. Thịnh rót vào chung này nhiều, nên sớt đều qua chung khác. Chị Thông vợ anh Quang nghe hai anh em đọc bài Quy Y và Tây Phương Ngũ Nguyện. Chị bảo, sao hai đứa giỏi quá, rót nước cúng còn biết chan cho đều nữa.

Tôi nhắc nhở Thịnh: "Con à, con phải biết trách nhiệm của con là người trong gia đình thuộc Phật giáo Hòa Hảo. Từ 1975, CSVN không cho Giáo hội hoạt động, không cho làm lễ, bắt tất cả tín đồ cao cấp vào tù. Họ tổ chức kháng chiến giả để gài bẫy rồi bắt bỏ tù nhiều người trong đạo chạy qua Cao Miên".

Thịnh nói: "Họ làm bộ để biết ai là Phật giáo Hòa Hảo". Rồi Thịnh hỏi tiếp: "Ba có khỏe không?"

Tôi trả lời: “Ba mới đi bác sĩ chiều qua. Ba lo nhiều mà nghỉ ngơi không được. Công ty đang gặp khó khăn. Nhân viên thì thằng Joe nghỉ việc, nó làm hãng khác rồi qua hãng mình học cho biết mọi chuyện, xong trở về hãng cũ làm lại. Con rán đừng làm ba buồn hay bực mình. Ba còn phải lo tiếp bên Giáo hội nữa".

Rời phòng Thịnh, tôi sang phòng thờ thắp nhang, cầu nguyện ông bà và Trời Phật Đức Thầy xin hướng dẫn cho con tôi. Tôi đã khấn nguyện tại Bồ Đề Đạo Tràng, và các nơi động tâm khác, xin cho toàn thể gia đình tôi hướng tâm phục vụ đạo pháp và dân tộc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880