Những tiếng nói từ trong nước

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 23143)
Những tiếng nói từ trong nước

13-10-97

Chỉ còn 3 tuần 5 ngày nữa là tôi sẽ đi hành hương tại Ấn độ. Sáng nay, tôi và Tina đi tìm mua một túi xách đeo trên lưng, và một cây dù nhỏ, hai ví nhỏ dính liền vào túi. Dịp lễ Columbus đại hạ giá chỉ có 3 tiếng đồng hồ, khách hàng phần đông là các bà các cô người Việt Nam.

Sau đó, tôi dắt Thịnh và Tina đi ăn trưa. Thịnh ngủ quên nên phải "cúp cua" giờ đầu. Chúng tôi ăn trưa ở Olive Garden, tiệm ăn Ý có thật nhiều rau cải và súp, ăn no bằng thích chỉ khoảng 5.5 mỹ kim. Dĩ nhiên là phải uống nước lạnh, uống cà phê hay nước ngọt phải trả thêm tiền.

Thịnh và bạn gái sau đó đi học, còn tôi thì đi châm cứu và hốt thuốc của ông Hoa Đà. Ông đo máu tôi chỉ có 95, ông bảo, tôi vì thiếu máu và yếu trong người nên sinh nhức đầu. Về nhà tôi bắc siêu nấu thuốc. Loại siêu thuốc bằng điện, chỉ cần đổ vào 5 chén nước, 1 giờ sau sẽ còn 2 chén thuốc uống, không cần canh để rót ra rót vào như siêu đất. Nước nhì 4 chén còn lại 2 chén. Tôi còn tiếc thuốc tốt nên nấu luôn "nước ba". Nấu xong, tôi đổ thuốc còn lại vào hộp cất trong tủ lạnh, khi muốn uống mang ra hâm microwave. Mẹ thì thích hâm cách thủy, cho là như vậy tốt hơn.

Mấy hôm nay Tài cũng đau ốm liên miên, nên tôi cũng dắt đi cho uống thuốc ông Hoa Đà. Tài cảm sốt và chóng mặt, yếu trong người, đầu choáng váng không sáng suốt. Chúng tôi thấy bạn bè phía mấy anh đàn ông cứ đua nhau “ra đi” nên cũng hơi lo. Bên xứ này bệnh hoạn bất thường quá, nhất là những người làm việc nhiều.

Dượng Cường dạy chung Võ bị với Tài, đang mạnh khỏe chơi tennis, đột nhiên yếu dần, rồi khám ra bệnh ung thư, mới mất năm rồi. Gần đây đến anh Trác, đang đánh tennis thì quỵ xuống, một đầu gối bị yếu, sang qua đầu gối bên kia, rồi đi lần lên trên. Chỉ vài tháng sau phải ngồi xe lăn. Nay thì vào nằm viện dưỡng lão thở máy như nhà văn Mai Thảo. Mai Thảo xem vậy mà lại thoát lần nữa. Tình trạng ông đang khá dần. Ai cũng đùa, bảo vì anh Phạm Long loan tin nhầm lẫn là ông chết trên đài Little Saigon nên ông lại tiếp tục sống thêm.

Nhóm Văn hóa vụ Võ bị lại thêm anh Tô Thế Liệu cũng bị ung thư, nay đang dùng hóa chất trị liệu chemotherapy. Bác Nguyễn Bảo Trị bị ung thư ruột, nay cắt khúc ung thư, và trị chemo, bắt đầu khá lại, mặt hồng hào. Em rể của một cô bạn, đang mạnh khỏe chơi tennis, bỗng ung thư, sáu tháng thì chết. Cô ấy vừa báo tin là một em rể nữa, và hai em rể con chú và con bác cũng ung thư, một người vừa 50, còn hai người kia dưới 50 tuổi. Trong đó, hai người không hút thuốc uống rượu, cũng không đến những chỗ có nhiều khói thuốc như vũ trường, tiệm cà phê... Họ là con chiên ngoan đạo, chuyên làm việc phước thiện và đi nhà thờ, mà lại bị ung thư phổi. Gần nhất là anh Trần Đại Lộc, báo Người Việt, tuần qua vừa đám tang anh. Anh bị ung thư gan một bên, bên kia là chai gan. Có một dạo anh uống thuốc bắc thấy khỏe ra, người mập mạnh, có thể vì cái gan bị ung thư nên ngày càng nặng.

Đầu năm, trong trụ sở có một đồng đạo cao niên mất. Bác sĩ bảo ông bị cảm, rốt cuộc là cục ung thư tròn chạy dưới xương nách. Ông mời ban trị sự PGHH đến để dặn dò trối trăn, ý của ông là, "Một Đời một Đạo". Ông thu video để lại, vì muốn vợ con làm đám tang theo nghi thức Phật giáo Hòa Hảo.

Trở lại chuyện “phái nam ra đi rất nhiều” đã khiến cho tôi và Tài khá lo lắng khi anh cứ đau ốm liên miên. Một tuần, tôi và Thịnh thay phiên nhau cạo gió cho anh hai ba lần, anh ốm và xanh hẳn đi. Tôi ghét thuốc lá của anh quá, và lên án thuốc lá hại anh. Anh bảo anh sẽ... rán bỏ. Tôi yêu cầu anh đổi bác sĩ vì bác sĩ của anh trẻ quá, chưa có kinh nghiệm nhiều về "mấy ông già Việt nam" mà cứ trị liệu theo từ chương.

Bác sĩ bắt anh uống thuốc trị cholesterol từ sáu tháng nay vì lượng chất béo của anh khá cao. Anh tự ý ngưng vì cho là thuốc hành. Đến bác sĩ thì cứ bắt thử hết đường đến mỡ, từ nước tiểu sang chụp hình phổi vân vân... Rồi bác sĩ bảo anh ngưng thuốc hai tuần. Sau đó, ông bảo, chẳng thấy anh bị bệnh gì hết, ngoài yếu sức, vì anh tập thể thao nhiều quá.

Từ lúc ở nhà cũ, tôi và hai con cứ bảo, sao mỗi lần anh đi bộ trên máy treadmill xong, là mặt mày cứ xanh lè, mồ hôi đầm đìa, cái đầu cứ ngoắc ngoa ngoắc ngoéo như bị kiệt sức. Anh cứ cãi, đi như vậy mới ra mồ hôi, tim mới đập và người mới khỏe. Từ khi đi bác sĩ nói lượng cholesterol cao, anh càng đi tập thể thao và ăn kiêng dữ nữa. Kết quả là anh thêm mất sức, kiệt lực. Quần áo mặc cứ rộng ra, phải lấy dây nịt cho chặt vào. Vai khọm xuống, đít teo lại, má cóp vào, trông già hẳn ra. Cộng vào cứ hết dọn nhà rồi lại công việc làm ăn khó khăn. Cứ thế cặp “Mai Tài" trông ngày một gầy xọm, già háp đi. Tôi trông cũng già sau mấy chuyến chạy ngược chạy xuôi làm sách làm báo, dọn nhà, ra mắt sách. Còn Tài thì... thể tháo gia cuối mùa.

Tôi nghe âm thanh chữ "cholesterol" cứ làm cho người ta e ngại bao nhiêu, thì có một người ngược hẳn lại. Đó là chú của tôi. Chú hay nói với tôi, "Chú cần cholesterol". Mỗi khi tôi biếu chú thức ăn nào mà có e ngại chua thêm câu "Chú à, món này hơi nhiều cholesterol", thì chú cứ sáng mắt lên, và nói, "Tốt, tốt, chú đang cần đây”. Có khi đang ăn cá hay gà, tôi nói phải bỏ da đi, chú lại bảo, “Ấy chết, bỏ thế nào mà bỏ. Chú ăn hết”.

Tôi cứ hay nghĩ, chú như thế mà ngày nào nằm trong tù cứ nhất định không chịu ăn, chúng phải lấy muỗng cạy miệng ra mà đổ sữa cho khỏi chết vạ. Vì thế qua Mỹ, chú cứ nhổ hết răng này đến răng khác, chính phủ chỉ trả y tế phí nếu nhổ hết răng làm nguyên hàm giả, chứ không chịu làm một hai cái đắt lắm. Tuần rồi, Tài chở tôi đi Phước Lộc Thọ. Một anh bạn thân H.O. ngồi nơi quán cà phê. Anh cười ngoắc chúng tôi lia lịa. Tôi nhìn không ra vì miệng anh trống rỗng không có một cái răng. Mấy cụ ở hội quán cũng vậy, họ lười gắn răng, chỉ gắn khi nào có khách, có lễ, bằng không cứ để nguyên vậy cho mát mẻ.

Từ lúc tôi đi Washington D.C. về đến nay mới gặp lại chú tôi. Hôm ở Hoa thịnh đốn, chú đang xem cuốn hồi ký của Vũ Thư Hiên. Chú bảo, viết hay và trung thực. Quyển sách rất thành công. Khi đem Hồn Thiêng Dân Tộc đến in ở nhà in T&T, tôi thấy sách đang tái bản đợt nhì, và nghe nói sẽ in đợt ba.

Chú cho tôi nghe một số băng cassette. Kỳ này chú xấu quá, không cho tôi thâu lại như mấy kỳ chú nói chuyện với Hoàng Minh Chính hay Nguyễn Hộ, Tiêu Dao Bảo Cự... Có mấy lần chú đọc tên hay địa chỉ các cơ quan nhân quyền cho các ông ấy chép. Mấy ông cụ lúc thì đánh vần Ta, lúc theo Tây, khi lại theo Mỹ, cứ loạn cả lên trên điện thoại viễn liên, khiến tôi cười đau cả bụng, cứ chữ “g” mà khi thì "gê", lúc "gờ", khi lại "gà"...

Kỳ này, ông Nguyễn Thanh Giang nói nghe rõ hơn. Ông về hưu lúc 61 tuổi, cao 1 mét 7, nặng 70 ký. Ông bảo, tuổi ông bằng Lê Xuân Tùng, Lê Minh Hương vân vân... nhưng họ thì "cây cải" nên được về trời, còn ông là "rau răm” nên ở lại. Ông có một lối cười "mại hơi", hì hì, muốn gì thì muốn, nhưng em chả em chả đâu.

Khi anh Quang “dụ” để ông cho phỏng vấn và lên tiếng, thì ông bảo, "Nếu cần, thấy có lợi cho hôm nay và ngày mai thì làm, phải có một chút dũng. Chứ nếu chỉ làm một trận rồi thôi thì đừng làm. Anh em chung quanh họ dạy dỗ tôi nhiều lắm rồi".

Ông Giang cho biết, xưa kia từng sống chung với ông Trần Đức Lương. Ông thì biết tiếng Pháp, Anh; còn ông Lương thì chẳng biết gì, sau này ông mới học. Ông Lương biết làm thơ, và trao cho ông Giang sửa để đăng báo. Ông Giang bảo, dư luận ít chịu ông Lương. Có nhiều người giỏi hơn ông Lương, nhưng trong tình huống hiện nay, thì phương án chọn ông Lương là tốt nhất trong các phương án, nhờ sự cải hóa của ban Chấp hành Trung ương mới và Quốc hội. Ông gọi đó là "Phương án Thông minh". Ông dùng chữ hơi lạ tai đối với tôi, khi diễn tả chế độ cộng sản là "Đảng lãnh đạo và Dân chủ Tập trung. Cơ chế này không có điều kiện phát biểu cá nhân. Bao cấp nhân sự, bao cấp kinh tế”.

Anh Quang hỏi ông Giang về tương lai Dân chủ cho Việt Nam. Ông Giang cười hề hề: "Khi nhìn dân tộc thì tôi tin sẽ có dân chủ, nhưng nhìn thực tế thì tôi không tin".

Sau đó, ông Giang đưa điện thoại cho ông Vũ Huy Cương, Nhân Văn giai phẩm. Một phần ông già, ông lại cứ nói chuyện dặn dò anh Quang, như là nói rỉ tai, bí mật, kiểu "nói đủ cho chúng ta nghe thôi”, ông lại cứ kê sát mồm vào điện thoại. Ông như quên bẳng ông đang nói bằng điện thoại. Có lẽ lúc đó ông còn ngỡ là mình rót lời bí mật tâm sự dặn dò vào tai của anh, nên tôi chỉ nghe xù xì, tiếng mất tiếng còn. Anh Quang thì thỉnh thoảng cứ Dạ vâng, Dạ vâng.

Sau khi chú cho tôi nghỉ ngơi một chút vì cứ ngoẹo cổ cố lắng tai mà chỉ nghe được tiếng lùng bùng, chú lại bảo tôi: "Này chú cho nghe cái này cho sướng lỗ tai".

Thế là tiếng của một người đàn bà đại diện Sông Bé vang lên từ máy phát âm nhỏ. Bà nói gằn từng tiếng một, và phê bình cấp lãnh đạo cộng sản rất rõ ràng, khắt khe, dùng rất nhiều chữ mạnh bạo hơn những bài viết hay nói chống cộng trong các buổi mít-tinh, các buổi hội thảo ở hải ngoại. Bà này là cái bà có tiếng vì trong quá khứ, khi đang họp mà tụt quần ra trùm vào đầu một tên bí thư cộng sản.

Cuốn băng này ghi lại một buổi họp của Câu lạc bộ Kháng chiến cũ. Qua lời các thuyết trình viên, thì có Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu nữa. Phần nhiều đều là người miền Nam. Có một ông đại diện Ủy ban Truyền bá Quốc ngữ cho rằng, sau 15 năm cách mạng thành công, mà sao số người mù chữ lại gia tăng. Đặc biệt, có ông Sáu Chuẩn ở Bến Tre nói thật hay. Ông còn thách thức nhà nước bắt ông nữa. Ông không đồng ý với ông Trần Văn Giàu về câu "cộng sản càng già càng hư", theo ông thì "gừng càng già càng cay mới phải". Cộng sản phải càng già càng giỏi càng cương quyết mạnh tiến hơn để làm gương cho tốp trẻ.

Chú bảo, khi nghe họ tập trung lực lượng để lật đổ chính quyền Sàigòn, thì chú biết sẽ thất bại, vì lẽ ra nông thôn phải bao vây thành thị mới thành công. Sau đó, cộng sản có mời chú, và họ dằn mặt chú. Họ nói, họ biết nhóm người đó có mời chú mà chú không tham dự nữa. Thế là sau đó, nhiều đợt bị vào tù. Rồi cũng đến lượt chú...

14-10-97

Ai cũng bảo không có thì giờ đọc sách báo. Quả thật là vậy, vì sách báo Việt Nam hải ngoại ra nhiều quá. Sáng nay tôi đi bác sĩ Nguyễn Xuân Lan chích ngừa viêm gan Hepatitis A; sau đó đến Người Việt đăng bài nói chuyện của cậu Nguyễn Minh Thiện về quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực. Tôi lấy vài số báo Người Việt. Anh Đỗ Quý Toàn cho tôi mượn quyển Công Lý Đòi Hỏi của Nguyễn Minh Cần, cựu đảng viên cộng sản Việt Nam đến từ Mạc tư khoa, quyển sách sẽ được ra mắt vào cuối tuần này; và quyển Cuộc Cách mạng nhung Tiệp Khắc năm 1989. Ký giả Lý Kiến Trúc tặng cho tôi tờ Văn Hóa do anh làm chủ nhiệm, số đặc biệt có hình bìa Cựu hoàng Bảo Đại. Tôi mượn thêm của anh hai tờ Xây Dựng của cô bạn Thụy Giao, vì tôi dọn nhà mà chưa cho cô địa chỉ mới. Sau đó tôi viếng Việt Báo Kinh Tế và có thêm 5 tờ báo tuần qua cộng với tờ hôm nay là 6 tờ. Tôi về nhà, để đống sách báo mới trước cửa phòng làm việc, để khỏi lẫn lộn với sách báo cũ đang hoặc chưa đọc.

Mỗi lần tôi muốn cho đầu óc thoải mái vài hôm, là y như sau đó bị ngộp trong đống sách báo chưa kịp xem, chưa kịp duyệt các tin tức quan trọng. Tôi cần giữ làm tài liệu đối chiếu, khi viết Lên Đường và làm phụ lục cho Lời Thầy Dạy, về chế độ cộng sản sau 20 năm trong các mặt văn hóa kinh tế xã hội... mà tôi định sẽ xuất bản.

Tôi phải đọc nhiều sách đồng lúc để khỏi chán. Thí dụ như trước khi đi ngủ tôi phải đọc quyển Xứ Phật Tình Quê để biết những di tích Phật giáo mà tôi sắp viếng thăm, buổi trưa có khi tôi đọc Nửa Đời Nhìn Lại của Tiêu Dao Bảo Cự.

Tôi không lo sách bán nhiều hay ít, có được độc giả thích hay không. Tôi chỉ lo tôi không có đủ khả năng sáng tạo. Tôi muốn nói sáng tạo trong chiều hướng khai phóng tâm linh, như loạt bài viết trong Hồn Thiêng Dân Tộc. Vì thế, dù bận thế nào tôi cũng luân phiên đọc các đoạn sách nào giúp khai triển tâm thức mình, như trong những quyển Creativity, Flow and the Psychology of Discovery and Invention (Sáng tạo, Thông suốt, và Tâm lý của sự Khám phá và Sáng chế) của Mihaly Csikszenmihalyi. Tôi phải đọc lại quyển Intellect, Mind over Matter (Thông minh, Tâm óc vượt trên Vật chất) của Mortimer J. Adler; và quyển Mind, our Greatest Gift (Tâm, Tặng phẩm Lớn nhất) của nhiều thiền sư Ấn độ nổi tiếng.

Khổ nỗi thấy mình bắt đầu già, trang điểm mấy cũng giống như hoa héo, cho nên tôi phải lục tìm quyển Facercise (Thể thao Mặt) của Carole Maggio mà tôi mua lâu lắm. Tôi cứ tự hứa sẽ chăm sóc cho mình, chịu khó tập thể thao mặt cho tươi trẻ hôn một chút, nhưng mỗi lần lấy sách ra vài trang rồi lại cất vào. Trong sách bà có đăng một tấm ảnh lúc 36 tuổi, trông không tươi bằng sau những năm bà tập môn thể thao cho mặt lúc 45.

Tóm lại, ngày hôm nay, điều khiến tôi vui nhất khi đọc báo, chính là bản tin cho biết, tháng 11-1997 này, cộng sản cho nối liền Internet của Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình bé bỏng, chân phương, và thần phục trước ngôi Tam Bảo rực rỡ hương đèn. Hôm nay lạy Phật tôi không khoác áo tràng nâu bên ngoài, mà chỉ mặc bộ đồ vải lam của Phật tử. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng thư thái hơn lúc nào hết, mặc dù mới tối hôm qua lòng tôi nặng trĩu.

Tôi thường nghĩ là mình không lo đủ cho mẹ vì quá bận rộn. Trong Tứ Ân, ân nào nặng, ân nào nhẹ. Làm sao cho tròn được hết cả trong khi mình chỉ có hai cánh tay nhỏ bé. Công ơn mang nặng đẻ đau, tạo nên hình hài cho mình, để mình có nó mà tu hành, thực hiện những bổn phận của con người ngỏ hầu tiến đến trí tuệ, giải thoát.

Hôm qua, anh Hoàng Khởi Phong đăng bài "Tuổi Trẻ Việt Nam" trên trang Văn Học Nghệ Thuật. Hôm tôi đến tòa soạn đưa bài "Quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực" của cậu Nguyễn Minh Thiện, anh Phong có nói là sẽ bỏ đoạn nói về Quốc gia và Cộng sản của bài thơ "Tuổi Trẻ Việt Nam" ra, vì đoạn đó làm giảm giá trị của một tác phẩm văn học nghệ thuật. Tôi đã đoán trước được những đoạn nào sẽ bị cắt nên vui vẻ đồng ý. Việc này cũng xảy ra trước đó, khi một nhà thơ ngâm bài "Tuổi Trẻ Việt Nam" tại nhà anh Đỗ Tiến Đức hôm ra mắt sách của một nhà thơ nữ.

Tôi vẫn ngồi đây, tại bàn ăn cạnh nhà bếp nhìn ra sân sau nắng ấm. Hùng kiến trúc sư nói, sân sau tôi sẽ biến thành sân trước. Hôm qua chúng tôi đã chọn nơi đặt bàn thông thiên. Bên góc phải của tôi, hướng Tây, là cây bồ đề do thầy Thích Phước Huệ tặng. Dọc theo vách tường, các anh “amigo” (bạn Mễ) đã xây xong một vách thấp để chúng tôi có chỗ đổ đất trồng hoa. Bên trái sân sau, sẽ là hòn non bộ.

Hôm nay là thứ hai, các amigo làm sân đã thấm mệt nên nghỉ dưỡng sức. Họ làm việc thật siêng năng giỏi giắn. Nếu không có những người Mễ này (một phần là ở lậu "illegal") thì nước Mỹ giờ ít ai chịu khó làm việc lao động. Người Việt Nam sang đây lanh lợi, buôn bán khá nhiều, và bắt đầu thuê người Mễ giúp việc. Đa số họ thật thà và rất muốn giữ công việc khó tìm.

Hôm họ khởi công đào đất làm vườn quanh nhà, tiếng cuốc đất khua lên vang động cả sân sau nhà. Lúc tôi đang lâm râm đọc kinh Tây Phương Ngũ Nguyện trước bàn thờ, tim tôi đột nhiên thắt lại khi chợt nhớ đến những công nhân Việt Nam đang làm việc cực khổ tại các hầm mỏ Cốc Sâu, Cẩm Phả, nơi hố đào than rộng 2,2 mét, công nhân phải xúc than bằng dụng cụ tay. Giới phụ nữ chiếm một phần ba con số 5300 công nhân làm việc tại đây. Dù vất vả họ cũng phải làm. Chưa kể tai nạn chết người, các chứng bệnh hô hấp, lao và phong thấp là chuyện thường thấy.

Ông tổng giám đốc độc quyền khai thác than đá Vinacoal tên Đoàn Văn Kiếm, cho biết trong 70.000 công nhân của họ, có đến 60.000 sống ở Quảng Ninh. Theo viện Khoa học Khoáng sản và Kỹ thuật, bụi bậm tại hầm mỏ than gần Vịnh Hạ Long mười lần cao hơn tiêu chuẩn quốc tế, và vệ sinh gây cho 80% công nhân bị bệnh hô hấp.

Hôm trước, báo Người Việt đăng tin, tệ nạn mới “mẹ bồng con đi ăn xin”, hoặc “dịch vụ cho thuê con nít đi ăn xin”. Thuê bao tùy theo tháng tuổi để định giá. Nhiều gia đình cha mẹ không làm gì, hoặc hút xách, cho thuê con mình đi “hành nghề" một cách rất thản nhiên.

Báo chí Việt Nam gần đây thường hay loan tin tức về các vụ buôn lậu và tham nhũng tại Việt Nam. Báo Người Việt, theo nguồn tin từ báo trong nước, đã loan tải: "Giới chức chính phủ, công an, quân đội đều buôn lậu”. Ở các vùng biên giới thật dài hay dọc theo ven biển khó kiểm soát, là nơi rất thuận tiện cho việc buôn lậu. Ước lượng năm qua có đến 240 triệu bao thuốc lá, 25 triệu chai rượu, 70 triệu mét vải, và các sản phẩm điện tử đủ loại.

Trong năm qua, cũng theo báo Lao Động, ngày 2-10-1997, “Việt Nam: mở 1336 cuộc điều tra, bắt 81 vụ tham nhũng”. Tổng số tiền tịch thu trong các vụ hối lộ khoảng 51 tỷ đồng Việt Nam và 270.000 mỹ kim. Riêng ngành xây cất, các vụ vi phạm liên quan đến 38 tỷ đồng tại 91 nơi. Có 9 công ty quốc doanh và 9000 hãng xưởng, dịch vụ làm ăn tư nhân thiếu thuế nhà nước.

Tôi đặc biệt lưu tâm đến bức ảnh đăng trên Việt Báo Kinh Tế số ngày 13-9-97. Đó là hình 250 con em chế độ Hà nội đang chào cờ trước khi biểu tình tuyệt thực 70 giờ, đòi Tự do Tín ngưỡng cho Việt Nam tại công trường Fonteney, trụ sở UNESCO, ngày 27-8-1997. Các em này là con em của chế độ đương quyền Hà nội, đến từ Đức, Ba lan, Tiệp khắc, Hung gia lợi, Nga. Họ đại diện cho hơn 300.000 anh chị em sinh viên, chuyên viên và công nhân tại các nước Đông Âu cũ. Sau một đêm ngồi dưới cơn mưa, họ kéo về quãng trường Trocadero, Paris, giương cao ngọn cờ vàng ba sọc đỏ và các khẩu hiệu đòi hỏi Nhân quyền và Tự do cho Việt Nam.

21-10-97 - 7:30 giờ sáng

Tối hôm qua, tôi chiêm bao thấy ba dắt mẹ và tôi đi mua sắm. Tôi tha hồ muốn chọn món gì cũng được. Lúc 12:00 giờ trưa hôm nay, tôi sẽ đưa mẹ đi mổ con mắt trái. Mẹ nói mắt bên đó mẹ không thấy gì cả. Tôi nói với mẹ, má chồng tôi may mắn quá, nhờ qua Mỹ nên được mổ cả hai mắt thấy đường. Còn tôi, lúc già muốn về ở Việt Nam, không biết khi đó y khoa quê nhà đã giỏi chưa.

Tài ăn sáng bánh mì và uống thuốc bắc thay cà phê xong đi làm, đến phiên tôi uống. Trước khi đi, anh bảo, hôm qua có “thơ tình" và người gởi kỳ này có sắm luôn máy fax cho tiện việc. "Thơ tình" là tiếng chúng tôi dành để gọi cho loại thơ rơi nặc danh hay thơ chửi bới có danh vô nghĩa, cứ tung ra như bươm bướm. Các thơ này thường nhắm vào đả phá Giáo hội PGHH miền Nam Cali nói chung, và gia đình tôi nói riêng.

Chúng tôi ít quan tâm đến loại thơ này, vì có nhiều quá, đọc mất thì giờ, kẻ viết lý luận hết ngược rồi xuôi, mâu thuẫn lung tung, và cũng không biết dựa vào căn cứ nào nữa. Người nào cũng thích đem giảng và giáo lý ra để nói là mình đúng và phê phán kẻ khác sai.

Hôm nay thì tôi thử đọc một loạt bài của một loại "thơ tình" chuyên đánh phá PGHH có quy mô, mệnh danh là "Diễn Đàn PGHH", chua thêm hàng chữ "Cơ quan Thông tin Nghị luận của Tín đồ Ưu tư về Đạo pháp và Dân tộc". Người viết có vẻ dành nhiều thì giờ để đọc tất cả tài liệu từ sách báo đến thơ rơi có liên hệ đến PGHH, nhằm đánh phá và vô hiệu hóa tất cả các tổ chức tại hải ngoại, bôi nhọ, nói xấu tất cả các vị cao đồ, và chụp mũ Giáo hội PGHH/miền Nam là Giáo hội thứ ba.

P.A.T. là người từng đến tạm trú tại Hội quán Nam Cali khi mới sang Mỹ, và sau đó sang Washington mở màn cuộc đánh phá Giáo hội. Đọc xong xấp tài liệu dày cộm fax từ tiểu bang Washington qua, tôi ghi lên trang đầu mấy hàng chữ: "Tìm cách vô hiệu hóa tất cả cơ cấu của Giáo hội PGHH tại Hải ngoại".

Sáng nay, tôi nguyện cầu Cửu huyền Thất tổ phò hộ cho tôi có sức khỏe để làm việc bảo vệ Phật Pháp trước những âm mưu tấn công phá hoại của cộng sản vô thần. Hơn lúc nào hết, tôi hiểu rõ lý do tại sao tôi chọn ngành truyền thông. Hơn lúc nào hết tôi càng phải có mặt có tiếng nói nhiều trên diễn đàn tự do của người Việt Nam.

Để cho công việc hữu hiệu hơn, và ít vất vả hơn, chủ nhật vừa qua tôi đi học lớp “trang nhà" (web page) tại Vinet. Không ngờ khi bước vào lớp học mới biết giảng viên của mình là cậu sinh viên báo chí có dáng dấp thư sinh ngày nào tại tòa soạn báo Người Việt. Trong khi các học viên khác "già" hơn cả tôi, gọi kỹ sư Vũ Quốc Dũng, tác giả quyển Cẩm nang lên Lưới là "thầy", thì ông thầy lại "thưa cô" với tôi. Lúc giảng bài, thầy Dũng Bắc kỳ cứ hỏi là "phải không ạ?" làm cho tôi cứ gật mỏi cả cổ.

21-10-97, 12:30 giờ chiều -

Clinic trên đường Magnolia

Mẹ mở cửa phòng gọi tôi lại nói: "Con cắt cái này dùm mẹ. Cô y tá này khó hơn các cô kia."

Thường thì tôi được theo mẹ hoặc má chồng vào phòng chuẩn bị mổ mắt. Tôi được vào cả phòng tắm để cầm quần áo cho hai bà, rồi đưa áo choàng và cột dây sau cổ. Sau đó, tôi còn được dắt các bà vào giường nằm, rồi ngồi kế bên cho các bà yên tâm. Mẹ tôi hay lạnh, nên thường nhờ tôi xin thêm mền. Hôm nay, mẹ nhức đầu quá, mẹ lo không biết gây tê mê có sao không? Mẹ dặn tôi đừng đi đâu vì hôm nay bà mổ mắt và cắt miếng mây thịt làm mắt bà nhức nữa.

Khi đưa mẹ đi giải phẫu, tôi đeo sợi dây chuyền có miếng mề-đay tròn, ở giữa có khung vuông, trên đó có khắc bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” giùm mẹ. Nếu người thật tâm vì Đạo, hay từng sinh hoạt lâu trong Đạo, sẽ hiểu được gia đình chúng tôi, không ai làm điều gì nhằm đạt danh lợi, tiếng tăm, mà chỉ có một mục đích là phục vụ Đạo Pháp. Đức tin là một hạnh phúc an lạc quá lớn lao trong cuộc sống.

Trong khi chờ đợi, để cho mẹ bớt căng thẳng, tôi chỉ mẹ hình bà Hillary Clinton trên bìa báo Time. Số báo đặc biệt có tựa đề, Hillary bước vào tuổi 50. Mẹ chỉ vết nhăn hai bên đuôi mắt và khóe miệng của bà. Tôi nói, bà bằng tuổi tôi. Mẹ nhìn tôi rồi bảo, tôi ít nếp nhăn hơn.

Tóc bà Hillary vàng ánh, lúc nào tôi cũng thấy bà tươi cười trên truyền hình hay báo chí. Nhiều khi tôi thấy bà rất đẹp tóc bới cao và mặc áo dạ hội trông cũng sang lắm. Bình thường thì trông bà hơi thô và hơi nặng. Cô con gái Chelsea vừa vào đại học Stanford. Cô gầy đi nhiều, mái tóc gọn ghẽ, và nụ cười tươi hơn vì gỡ niềng răng. Tuy nhiên trông cô vẫn hơi thô vì giống cả ba lẫn mẹ. Ông Bill Clinton thì lúc này đã đi đứng bình thường. Ông té nặng phải giải phẫu hôm tháng 3, mới có 7 tháng mà đã lành lặn, chắc nhờ có người tập luyện thường xuyên.

Tôi đọc báo phụ nữ cho mẹ nghe đỡ buồn. Có bài viết về chứng ăn uống lộn xộn hoặc sợ ăn của phụ nữ trên thế giới vì sợ béo không đúng thời trang (Eating disorder going global). Phụ nữ Hàn quốc cũng là nạn nhân của thời trang này. Một cô gái Nam Hàn chết vì chứng thở không được sinh từ bệnh Anorexia Nervosa. Cha mẹ cô đều là bác sĩ mà không biết, cho đến khi cô chết không còn cứu kịp.

Anorexia là tình trạng tâm lý bị xáo trộn vì sợ ăn sẽ mập, còn được gọi là "golden girl syndrome" (hội chứng gái giàu), vì đó là chứng bệnh của phụ nữ Tây phương trẻ, giàu và da trắng. Nhiều cô đào và người mẫu trẻ nổi tiếng hiện nay mắc chứng này. Có khi chết người, như trường hợp của nữ danh ca trẻ Carpenter ngày trước.

Theo các bác sĩ tâm lý, thì trong năm năm qua, hiện tượng sợ ăn này đã ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội, từ Tây phương lây lan sang Á Đông như Nhật bản (1% gái Nhật bị tình nghi mắc bệnh này), Nam Hàn, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Ngay cả những nước nghèo hơn như Trung quốc, tại các thành phố lớn Bắc kinh, Thượng hải... cũng mắc chứng nhịn đói này. Bệnh này cũng có tại các nước đang lâm vào tình trạng đói, như Phi luật tân, Ấn độ và Pakistan.

Ngoài ra còn chứng Bulimia (the binge-purge syndrome) cũng gia tăng, tức là chứng bệnh khiến cho phụ nữ ăn xong móc cổ cho ói ra, hoặc dùng thuốc xổ, để đỡ mập. Công nương Diana cũng từng mắc chứng này. Cả phu nhân Jackie Kennedy Onasis cũng từng bị.

Ở Hàn quốc người ta bắt đầu đi hút mỡ rất nhiều, hoặc uống bột “diet”, loại bột pha uống thay cho thức ăn. Thuốc viên, kem thoa tan mỡ, trà giảm cân, hoặc các loại thảo mộc khác. Hong Kong có đến 30 loại thuốc viên diet, trong đó có fen-phen, là thuốc mà chính quyền Hoa kỳ cấm bán từ tháng 9-97 vì làm hư tim.

Tại Nhật, vấn đề ăn kiêng không mạnh bằng các nơi khác, nhưng các bà muốn làm cho khuôn mặt thon nhỏ lại. Kem thoa bóp, kem rong biển, máy xoa nắn, máy xông hơi, máy rung cho đổ mồ hôi... Nam Hàn thì vào thập niên 1970 thích khuôn mặt đầy đặn phúc hậu của phụ nữ, thập niên 1990 cũng chuyển sang thích khuôn khổ sắc đẹp của Tây phương. Các cuộc nghiên cứu cho thấy 21% phụ nữ Nam Hàn cân dưới cân lượng trung bình.

Park Sung Hye, chủ bút nguyệt san thời trang Ceci cho rằng, phụ nữ trẻ nghĩ khác hơn người lớn thời thế chiến II. Lúc đó, mập mạp là thể hiện sự giàu có; còn ngày nay, thì gầy ốm là giàu sang, vì có thể ăn ngày ba lần.

Rất nhiều bác sĩ tâm lý cho rằng, truyền thông và quảng cáo thương mại của thế giới đã tạo nên tình trạng trên, bằng cách dùng người mẫu ốm nhom, hay giới ca sĩ tài tử cũng gầy gò, để quảng cáo cho một sắc đẹp không thực tế trên quả địa cầu, hầu có thể đẩy mạnh các sản phẩm. Họ cho rằng, làn sóng đó khó mà ngăn được.

Riêng bác sĩ Sing Lee, đại học Hong Kong, thì cho rằng, có nhiều lý do khác nhau tùy theo trường hợp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880