Cách Mạng Nhung tại Tiệp khắc

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30663)
Cách Mạng Nhung tại Tiệp khắc

blank

Các phái đoàn đến từ nhiều quốc gia tham dự Hội Nghị Dân Chủ Hóa Đông Âu do tổ chức Phục Hưng tổ chức tại khách sạn Pyramide, Praha, để thu thập kinh nghiệm về cuộc Cách Mạng Nhung năm 1987 (7-9-1995)

Chủ nhật 3-9-95

Ngồi ở phi trường Charles de Gaulle đợi chuyển máy bay qua Tiệp khắc, tôi lơ đễnh quan sát cảnh người tới lui tấp nập ở phi trường trong khi Tài và Cường đi tìm mua nước uống. Ở Pháp 3:00 giờ chiều chủ nhật thì bên Hoa kỳ khoảng 6:00 giờ sáng chủ nhật. Theo bản tin của Air France thì 1 mỹ kim trị giá 5.05 đồng francs, nhưng nếu đổi tại phi trường thì chỉ còn 4.53 francs. Một lon coca-cola giá 12 francs tức gần 3 mỹ kim. Một chai nước lạnh cũng thế.

Tôi nhớ năm rồi khi đi Pháp đấu tranh cho thuyền nhân tại Quốc hội Pháp và Âu châu, vật giá cũng đã đắt đỏ rồi, dù chúng tôi dùng thức ăn Việt Nam tại phố Tàu chứ đừng nói gì đến nhà hàng Pháp. Lần đó tôi và Thu cũng có được một buổi tối đi phố. Quần áo trong các tiệm giá đắt đến gấp hai ba lần tại Mỹ. So với lúc tôi đi Pháp năm 1984, thì năm rồi người dân không còn ăn diện đẹp như trước nữa. Tuy nhiên có điều đáng nói, ít ra cho phụ nữ chúng tôi, là ở Pháp và Anh ít người mập như tại Mỹ. Lúc ghé Luân đôn thăm Minh Thư, em tôi, khi đi phố tôi thấy người dân Anh ăn mặc sang trọng tươm tất, người thanh tú và gọn gàng, nhất là giới trẻ tương đối khá đẹp.

Qua bản tin của hãng máy bay thì ở Bắc kinh, tại Huairou, nơi có cuộc họp của phụ nữ thế giới, không khí chính trị căng thẳng và sôi nổi giữa ban tổ chức và các giới chính quyền. Các bà cho chính quyền thời hạn 24 tiếng đồng hồ để ngưng các cuộc kiểm soát và sách nhiễu, nếu không các bà sẽ bãi bỏ cuộc hội nghị. Bà Irene Santiago, giám đốc điều hành của Hội Phụ nữ thuộc các Tổ chức Ngoài Quốc gia, nhất quyết tranh đấu cho dù gặp khó khăn cách mấy. Các bà cho biết được chính quyền Trung quốc hứa trong vòng 42 mẫu của hội nghị, các bà được toàn quyền sinh hoạt tự do, không bị kiểm duyệt, dòm ngó, và kiểm soát an ninh.

Trong khi đó các phụ nữ Tây tạng lưu vong cũng phản đối chính quyền Bắc kinh về tội diệt chủng và cưỡng bách phụ nữ ở Hy mã Lạp sơn phải phá thai. Những phụ nữ hoạt động cho phong trào dành độc lập và các vị nữ tu bị hành hạ và hãm hiếp thường xuyên. Buổi điều trần trở nên ồn ào hỗn loạn khi các phụ nữ Tây tạng phe Bắc kinh dành phát biểu và hô hào giữa hội nghị.

Trên trang nhất báo Le Figaro ngày thứ bảy 2 và chủ nhật 3-9-95 có đăng hình các phụ nữ Tây tạng ly hương theo đức Đạt lai Lạt ma đang xuống đường biểu tình trong im lặng, miệng mỗi người đều dùng khăn bịt lại, tượng trưng cho sự đàn áp tự do ngôn luận của chính quyền Trung quốc đối với người dân Tây tạng.

Cũng trên số báo này, ký giả Robert Lacontre phỏng vấn nữ thủ tướng xứ Cộng hòa Tích Lan với tựa đề “Chandrina Kumaratunga: “Vivre en paix dans un monde pur” (Sống hòa bình giữa một thế giới trong sạch).

Nữ thủ tướng Chandrina phát biểu, “Xã hội Á Đông hình thành hình chế độ mẫu hệ. Nơi đây chúng tôi vô cùng kính trọng hình ảnh của người mẹ. Đó là người quản trị gia đình. Một quốc gia, đó là một đại gia đình.”

Bà Chandrina Bandaraike - Kumaratunga, 50 tuổi, làm thủ tướng tại Tích Lan từ tháng 9-1994. Chồng của bà đã bị những người quá khích ám sát. Bà Sirima Bandaranaike, 78 tuổi, đã là nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới.

Mỗi năm, anh họ Chí Linh của tôi hay qua Mỹ nghỉ hè sau mùa dạy học tại đại học ở Phi châu. Tôi thường hỏi anh vào mấy ngày đầu có mệt vì đổi giờ không? Anh chỉ lắc đầu cười, trả lời, “Sống theo mặt trời mà mệt gì.”

Từ khi nghe anh nói, mỗi lần đi xứ khác tôi không bị mệt vì ngủ sai giờ giấc nữa. Khi vừa lên máy bay, tôi vội sửa lại giờ theo nơi sắp đến, và thức ngủ theo giờ giấc của nơi đó. Khi mệt mỏi, tôi chợp mắt nghỉ một hai tiếng.

Chúng tôi gặp anh Ngô Quốc Sĩ, tổ chức Phục Hưng, đến phi trường Charles de Gaulle từ San Jose. Khi đến phi trường Prague, ra đón chúng tôi có anh Hùng thuộc ban tổ chức và một tham dự viên khác từ Đức sang. Các người bạn trẻ này vất vả và rất tội nghiệp. Nghe nói nhiều người không đến được vì con cái nhập học và bận nhóm họp như tiến sĩ Âu Dương Thệ, nhóm Diễn đàn Dân chủ.

Phi cơ vẫn nhẹ nhàng lướt giữa không trung, trên đường đến một quốc gia với dân số chỉ 15 triệu, nổi tiếng trên thế giới vì đã làm một cuộc “Cách Mạng Nhung” khiến chế độ CS của thế kỷ 20 đã sụp đổ chỉ trong 21 ngày, và sang đến ngày thứ 43 họ đã có được một Tổng thống dân chủ: Tổng thống Václav Havel.

Ngày 9-11-89, bức tường Bá Linh ngăn đôi Đông và Tây Đức sụp đổ, thì ngày 17-11-89, dân Tiệp khắc bắt đầu giở một trang sử mới.

Tôi xúc động khi theo dõi những ngày mà quốc gia này chuyển đổi nhanh chóng từ chế độ cộng sản kềm kẹp qua một chế độ tự do dân chủ.

Mỗi năm, chính quyền Tiệp khắc cho tổ chức lễ kỷ niệm ngày Jan Opletal, đại diện cho phong trào sinh viên bị Đức quốc xã bắn khi biểu tình chống Phát xít vào ngày 17-11-1939.

Cũng ngày 17-11, đúng 50 năm sau, 1989, sinh viên Tiệp khắc đã biến buổi mít tinh thành cuộc xuống đường chống đối với 10.000 người. Họ đã thắp nến làm thành một hàng rào giữa họ và cảnh sát. Sau khi bị đàn áp bằng xe tăng và dùi cui, các cuộc biểu tình cứ đông dần lên mỗi ngày, cho đến 750.000 người tham dự, thì các lãnh tụ cộng sản phải chào thua.

Điểm đặc biệt, theo báo chí Tiệp khắc, thì các phương tiện truyền thông tại Việt Nam hoàn toàn bưng bít tin tức các buổi biểu tình cũng như các yêu sách của người dân Tiệp khắc: Người Việt Nam lao động, sinh viên, học sinh tại Tiệp khắc đã bị cấm không được tham gia biểu tình, bãi công...

Theo Bạch Thư của Ủy ban Vận động đòi Tự do Tôn giáo tại Việt nam, có khoảng 200 công an đã được đi thụ huấn về công tác “tôn giáo vụ” tại Tiệp khắc hầu đảm nhận công tác xóa bỏ và vô hiệu hóa các cơ sở tôn giáo tại Việt Nam.

Trước ngày lên phi cơ, tôi được biết chính quyền Hà nội chính thức gởi kháng thư chiều ngày 30-8-1995 cho Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Tiệp phản đối việc Tổng thống Václav Havel nhận tiếp kiến phái đoàn người Việt hải ngoại vào chiều thứ ba 5-9-1995 sắp tới.

Trước đó, để gây áp lực, CSVN đã đặt vấn đề với chính phủ này, và phản ứng mạnh bằng cách quyết định đóng cửa văn phòng Thông tin Văn hóa Việt Nam tại Praha vào cuối tháng 8-1995 vừa qua. Sự căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia và việc tiếp xúc của chính quyền Tiệp với người Việt tị nạn cộng sản được báo chí Tiệp đăng tải rất nhiều, vì từ trước đến nay, chính quyền này chưa bao giờ tiếp kiến đại diện của chính phủ Việt Nam, mặc dù trong quá khứ đã có nhiều phái đoàn cao cấp CSVN sang viếng thăm Tiệp. Chẳng hạn như vào tháng 8-1994, phái đoàn phó thủ tướng Trần Đức Lương qua vận động thương mại, hay phái đoàn của Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc hội CSVN, cũng qua thăm viếng năm ngày vào tháng 3-1995.

Theo ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch tổ chức Phục Hưng, phái đoàn người Việt hải ngoại chánh thức sẽ tiếp xúc với phái đoàn Tiệp gồm đại diện các đoàn thể chính trị, tôn giáo, cũng như đại diện giới truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại.

Ông cho biết thêm, ngoài việc gặp Tổng thống Václav Havel, phái đoàn còn có buổi gặp gỡ với phó Thủ tướng Josef Lux vào ngày 7-9-1995, bộ Ngoại giao, bộ Nội vụ, và chủ tịch Quốc hội Milan Unde vào chiều 8-9-95.

Tổ chức Phục Hưng sẽ tổ chức Hội nghị Praha 95 với chủ đề “Kinh nghiệm Dân chủ hóa Đông Âu” vào ba ngày 5, 6 và 7 tháng 9-1995 tại thủ đô Praha, với các diễn giả Tiệp, là những người đã trực tiếp tham gia phong trào tranh đấu trong cuộc Cách mạng Nhung tại Đông Âu. Họ sẽ chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong việc chuyển hóa từ chế độ độc tài chuyên chế, qua chế độ dân chủ tự do.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880