13-1-97 - 6:15 giờ sáng
Năm nào cũng thế, tôi tập chấp nhận thời gian ngủ yên, ngủ yên trong bận rộn của đời, của trần gian. Tôi tập không tiếc rẻ thời gian, ngày qua ngày trôi đi trong vòng mấy tháng. Thời gian mà cả nước Mỹ bận rộn, nào quần, nào áo, nào quảng cáo, nào rượu, nào bánh, nào tiệc cưới, nào tiệc hãng, vân vân... và vân vân...
Thời gian của sự đoàn tụ, con cái trở về nhà, anh em chị em ở xa đến. Rồi gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, công ty thưởng nhân viên, gia đình tề tựu, tiệc lễ Tạ ơn, tiệc Giáng sinh, giỗ ba, lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ, vân vân... Năm nay trong đạo lại bận rộn vì việc bầu cử lại ban trị sự... Tết đến, cộng đồng lại sôi động, báo chí đài phát thanh, chợ tết sinh viên, chợ tết cộng đồng, chợ búa quảng cáo...
Càng sôi động về mặt đời, tâm thức tôi càng bải hoải, tinh thần chùng xuống, cảm thấy cô đơn vượt bực. Có những buổi cô đơn cùng cực, nghĩ đến nơi mình đáng ra phải sống. Một nơi cô tịch không người. Thể xác tinh thần bời rời trống rỗng lạc lõng bơ vơ.
Đó là lúc tôi tỉnh thức hơn bao giờ hết, và đặt lại câu hỏi về sự hiện diện nơi đây của mình. Tôi vội vã khẩn cầu ơn trên đừng bỏ rơi tôi mà hãy theo sát tôi, hướng dẫn tôi để tôi không lạc đường. Để trợ lực cho tinh thần, tâm linh và thể xác, tôi lại tập thể dục thật đều để lấy lại sức khỏe, để vận động máu huyết luân lưu chuyển bỏ mọi trược khí đã khiến mình rã rời mệt mỏi, và tràn ngập niềm thất vọng vì biết rằng nơi mình ở và muốn ở thật quá xa xăm dịu vợi. Tôi phải tự thức tỉnh để đừng đi quá xa mặt đất, đừng sống ảo tưởng, và phải chấp nhận sự hiện hữu, cho dù có quá nhiều nghịch cảnh. Nghịch cảnh ở đây không phải là cảnh khổ; mà nghịch cảnh là cảnh khác với sự ước muốn được sống của tâm linh mình. Hai sự sống, tâm linh và vật chất, thật quá khác biệt. Nhưng nếu muốn giúp đời phải làm sao sống cả hai đời sống khác biệt toàn diện MỘT CÁCH QUÂN B?NH. Sự vật vã của nội tâm làm cho thần kinh tôi rũ liệt. Tôi bắt gặp những lúc mình cô đơn cùng cực và nước mắt cứ tuôn tràn.
Tôi cứ nghĩ là nếu mình làm việc cho lý tưởng, mẹ tôi chắc chắn sẽ được mạnh khỏe để có thể trợ lực cho tôi làm việc. Nay mẹ tôi té nằm một chỗ. Tôi chợt thức tỉnh là mỗi người một đời sống, một hạnh nguyện, một lý tưởng, một con đường; tôi không thể cột chặt kết hợp như thế mà phải chấp nhận. Dù là nghịch cảnh, dù là không hài lòng, tôi phải chấp nhận thực tế phũ phàng đó, và phải tiếp tục đi, tiếp tục làm việc.
Sáng hôm nay, tôi biết đã đến lúc mọi công việc đổ ập lên, sau thời gian tôi thanh lọc, trở nên yếu đuối để chuyển tiếp. Tôi đọc lại một số bài đối thoại tâm linh năm 92, 93 trước khi ra sách. Bao nhiêu lời giải đáp nhắc nhở những việc tôi phải làm giúp cho tôi tỉnh ngộ để tiếp tục hành trình.
Mỗi giai đoạn chuyển tiếp khi bắt đầu một cuộc hành trình mới, tôi cứ mong mình được thêm tay thêm chân thêm đầu để làm việc. Làm sao tôi có thể thực hiện cùng một lúc những việc tôi thấy mình cần phải làm?
Chuẩn bị những bài Việt, Anh, hình ảnh, bản đồ, sách, băng miễn phí, sách ba, sách tôi để đưa vào mạng lưới qua Little Saigon Net.
Chuẩn bị bài vở cho Đuốc Từ Bi Xuân, trả lời thư tín, giới thiệu sách mới vân vân... Có lẽ phải ra công ty để lo việc trình bày với Thu.
Chuẩn bị lay-out lại toàn bộ cuốn Hồn Thiêng Dân Tộc. Và việc gia đình. Chúng tôi chuẩn bị bán căn nhà này để đi tìm nơi nào Tài lái xe đi làm gần hơn, không xa khu Bolsa để má chồng tôi thấy thích hợp hơn để bà ở đây thay vì về Việt Nam, và gần nhà mẹ tôi ở khu Little Saigon hơn...
15-1-97
Thư đầu năm gửi GS Nguyễn Ngọc Bích.
Anh chị kính mến,
Tối hôm qua em được nghe chương trình hội luận về đài Á Châu Tự Do. Má chồng em 83 tuổi, bà khen anh Bích nói chuyện hay quá, hỏi tới đâu là trả lời đầy đủ hết.
Lúc trước, đôi khi vợ chồng em có gởi đài VOA băng phát thanh của chương trình Phát Thanh Giáo Lý PGHH trong những dịp lễ đạo. Em dự định sẽ gởi một chương trình đã phát trên Little Saigon cho anh nghe. Tết xong em sẽ gởi cho anh để tùy nghi sử dụng. Chương trình Phổ Thông Giáo Lý PGHH mỗi tháng ba lần, một lần đầu tháng do Cao Đài phụ trách, phát mỗi sáng thứ bảy, từ 7:00 giờ đến 7:30 giờ, trên băng tần 106.3, chia giờ lại của Saigon Radio Hải Ngoại.
Kính thưa anh, ngoài ra em cũng đưa PGHH lên Internet vào đầu tuần qua kể từ ngày 15-1-1997. Em sẽ đăng trong Yahoo để người ngoại quốc xem được. Em đã đăng Biography and Teachings of Prophet Huỳnh Phú Sổ, A Brief Description of Hoa Hoa Budhism. Em sẽ đăng Guide à lUsage du Fidèle de la Cummunauté Bouddhique Hòa Hảo cho những người bên Âu châu đọc, và dự trù đăng bài Religious Leaders Imprisoned or under House Arrest in Vietnam do Nguyễn Đình Thắng gởi qua.
Kính thưa anh, nhận thấy 4 bài sau đây có ý nghĩa và đáng được nêu lên trong phần phụ lục của quyển Hồn Thiêng Dân Tộc, nên em xin gởi lên anh xem dùm có phù hợp không.
1. Giáo Phái Miền Nam Nhìn Qua Lăng Kính Xã Hội. Chương dẫn nhập quyển khảo luận "Les Sectes Politico Religieuses au Sud Vietnam, une Approche Sociologique" của giáo sư Nguyễn Văn Trần, Paris, Pháp.
2. Tôn Giáo Việt Nam: một Vấn đề cần có Giải pháp. Nguyễn Long Thành Nam.
3. Tây Phương Hiểu Sai Nghĩa Chữ Nationalism Thế Nào. Nguyễn Long Thành Nam.
4. "Mái Chùa Che Chở Hồn Dân Tộc" hay Việt Tính trong Phật Giáo Việt Nam. Tham luận của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tại Đại hội Thế giới Cư sĩ Phật tử Việt Nam tháng 9-1996 tại Hoa Thịnh Đốn.
Ngoài ra trong tài liệu viết tay em đã gởi có nói đến trường hợp ông Năm Liêm ở tù, nay em được tin ông đã về và chết rồi, vậy thì có nên bỏ ra không? Sau 1975, PGHH có tổ chức kháng chiến, trên mười người bị bắt và đã bị xử tử hình. Có một người trong tổ chức qua Cali được ba tháng. Vậy em có nên yêu cầu họ viết lời khai không? Ông ta tên là xx, và đang lo giấy tờ cho 5 đứa con qua Mỹ nên có lẽ phải giấu tên.
Kính anh Bích, theo tin từ các đồng đạo về Việt Nam trở qua, giới cao cấp Hà Nội nhiều lần về Miền Tây mời các vị có uy tín trong đạo đến hỏi ý kiến, thì tất cả đều từ chối không nhận hợp tác, nhờ thế đến hôm nay PGHH vẫn chưa có Giáo Hội Quốc Doanh.
Đó là điều đáng hãnh diện cho tín đồ PGHH, những người mà trong quá khứ đã bị các tôn giáo khác và giới trí thức xem là ít học hoặc nhà quê. Anh có đọc thấy một quyển sách lịch sử Phật giáo nào mà nói đến PGHH, hay Đức Phật Thầy Tây An, Bửu Sơn Kỳ Hương không? Một thân hữu bên Úc có gởi cho em 2 tài liệu. Một cái là định nghĩa Phật giáo Hòa Hảo trong Tự điển Phật Học do nhà nước CS xuất bản. Họ dùng chữ "nó" để gọi PGHH, và cho rằng "Hòa Hảo chịu ảnh hưởng Phật giáo", trong khi đó PGHH chính là đạo Phật. Họ còn cho rằng, "trong thực tế Hòa Hảo thiên nhiều về mê tín dị đoan” và "làm nhiều việc xa lạ với Phật giáo".
Tài liệu thứ nhì là một đoạn sách tựa đề “Thiền sư Việt Nam” do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản (PL 2535-1992). Anh đọc để thấy họ có cái nhìn như thế nào về phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Họ cho rằng "BSKH có sinh hoạt khác với Phật giáo thuần túy".
Em bận quá nên viết thơ cho anh chị mấy ngày mới xong. Em sẽ đăng hai bài thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ do GS Huỳnh Sanh Thông dịch lúc ba còn sanh tiền. Đó là bài Tình Yêu và bài Bánh Mì lên trang nhà của PGHH.
Trước khi dứt lời vợ chồng em xin kính chúc anh chị một năm mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc, đạt được nhiều thành công và kết quả trong công cuộc tranh đấu cho quê hương thân yêu của chúng ta. Có rất nhiều người vẫn thường xuyên liên lạc e-mail với những người trong nước anh chị ạ. Nếu trang nhà PGHH vào Việt Nam, các sinh viên, giáo sư và cán bộ (người có học) đọc được sẽ hiểu về PGHH chính xác hơn là do cộng sản tuyên truyền từ trước đến giờ.
Kính mến
NGUYỄN HUỲNH MAI
27-1-1997 - 04:10 giờ sáng ngày thứ hai
Tôi nhớ có lần năm 1982, em nuôi tôi, một người hay nghiên cứu về đạo học và khoa học, đã nói rằng, Việt Nam với hình thể chữ S, như lằn ranh chia đôi trong Thái cực đồ, tích tụ giữa âm và dương, hữu thần và vô thần, tích cực và tiêu cực. Khi một chủ nghĩa lên cao điểm thì bắt đầu quân bình lại để hướng về Trung Đạo, giải thể hai chủ nghĩa để đưa ra chủ nghĩa Quốc Gia Dân Tộc thật sự phục vụ cho người dân.
Năm nay 1997 con trục bắt đầu quay càng ngày càng mạnh để thanh lọc từ cộng đồng Việt tị nạn trên thế giới lẫn trong nước. Người tu học trong nước cũng như hải ngoại phải bắt đầu bước ra làm việc nắm lấy vận mệnh của đất nước.
Con trục Việt Nam xoay vần thu hút và lan rộng ra thế giới bởi chủ nghĩa tình thương xóa bỏ hận thù trong quá khứ cùng nhau xây dựng đất nước cho tương lai thế hệ trẻ.
Các cơ quan truyền thông có sứ mạng mang tư tưởng tự do dân chủ cho người dân Việt Nam, giáo dục họ về quyền làm người mà các thứ chủ nghĩa đã không phục vụ cho đúng mức, nhất là chủ nghĩa lừa dối họ bằng các thứ danh từ như "cách mạng".
Dù muốn hay không muốn, những người có sứ mạng phục vụ đạo pháp và dân tộc phải bước ra ánh sáng trong chu kỳ chuyển đổi nhằm phổ biến ĐẠO PHÁP phục vụ con người, quốc gia dân tộc và hòa bình thế giới. Càng nhiều người biết tu, biết thật sự thương người, biết tha thứ ta và tha thứ người, thì họ sẽ có tâm từ bi. Tâm từ bi càng nhiều họ càng tha thứ, yêu thương tha nhân, sẽ dẹp được hận thù dĩ vãng.
Phật giáo Hòa Hảo đã đến thời kỳ cực thịnh vì phục vụ con người, quốc gia dân tộc và tình thương nhân loại, tiến tới thế giới đại đồng, cùng sống trở lại thời thượng ngươn ở thế kỷ 21. Thế giới không có thế chiến thứ 3. Thế chiến thứ 3 là danh từ để con người dùng nó để đe dọa nhau, để kềm chế, lấn áp nhau trong sự cạnh tranh quyền lực chính trị và kinh tế.
Người dân trong nước đã chuyển sang tu học rất đông trong hoàn cảnh đau khổ từ vật chất đến tinh thần. Tư tưởng hướng thượng, sự khát khao tình thương, và tâm từ bi của họ sẽ đẩy mạnh con trục âm dương của Việt Nam sẽ xoay mạnh với sự phụ lực của tư tưởng, tình yêu dân tộc thật sự của người Việt quốc gia tại hải ngoại càng làm cho sự chuyển đổi Việt Nam nhanh chóng hơn.
Những người mang tư tưởng tham lam, độc ác, ích kỷ, tham quyền cố vị, chỉ biết gây chia rẽ và hận thù sẽ bị tống khỏi vòng quỹ đạo hoặc bị triệt tiêu trong chu kỳ thanh lọc. Họ sẽ được tồn tại nếu biết hồi tâm, hướng đến tu tập, chuyển đổi kịp thời, dù trễ trong thời hạ ngươn mạt kiếp này.
Hạ ngươn không phải để đi đến tiêu diệt, triệt tiêu như sự hiểu biết thông thường, mà Hạ ngươn là thời kỳ chuyển biến, thanh lọc cực mạnh, để chuyển đổi qua chu kỳ Thượng ngươn Thánh đức, tiến tới thế giới đại đồng, ngỏ hầu quân bình lại trái đất không bị bất quân bình, triệt tiêu, bởi sự chuyển đổi, bất quân bình của bầu khí quyển do lòng ham muốn, hiếu kỳ của các khoa học gia được hỗ trợ của các nhà lãnh đạo thế giới muốn tranh dành quyền lực với nhau.
Các quốc gia thiên về quyền lực sẽ đi ngược lại chu kỳ tiến hóa tiến tới tình thương đại đồng của Việt Nam. Các lãnh đạo sáng suốt biết hồi tâm, kềm chế các áp lực của các trung tâm quyền lực của họ thì dân tộc của họ được may mắn thoát nạn diệt vong. Các lãnh đạo mù quáng tham lam sẽ đưa người dân của nước họ đi đến đau khổ, bệnh tật, nạn tai, chết chóc, vân vân...
Con người và thiên nhiên là sự liên hệ chặt chẽ, vì thế nên sự sai lầm của chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa người dân đi đến nhiều bệnh tật nạn tai dồn dập. Nạn tai càng nhiều, đau khổ càng nhiều, người dân ở các tầng lớp càng thức tỉnh. Sự thức tỉnh nội tâm là tiềm lực đưa đến sự bùng nổ về chính trị, đưa đến sự “chuyển đổi”. Sự “chuyển đổi” chứ không phải “thay đổi” như sự mong ước của những người mang đầu óc chỉ muốn trả thù, lấy lại những gì đã mất như tài sản, quyền lực. Những người này không phục vụ dân tộc thật sự khi quyền lực vào trong tay họ. Họ sẽ làm những gì mà chế độ độc tài đang làm, và Việt nam sẽ không có Hòa Bình Dân Chủ thật sự.
Các chủ nghĩa đã không phục vụ Dân tộc thật sự, không mang đến sự no ấm cho toàn dân, sẽ đi đến triệt tiêu, để cho một Chủ Nghĩa Mới ra đời: đó là Chủ Nghĩa Tình Thương Đại Đồng. Một chủ nghĩa phải gắn liền với ĐẠO PHÁP và DÂN TỘC.
4:55 AM - Thứ Hai 27-1-1997
14-2-97
Chánh Đạo
Nghĩ sao, nói vậy tức là chánh tâm và chánh ngữ phải đi đôi thì từ đó sẽ chuyển đến chánh hành.
Có nhiều lúc chánh tâm và chánh ngữ của mình làm cho người khác hiểu lầm.
Vậy là lỗi của ta hay lỗi của người?
Đức Thầy có nói về tùy phong hóa dân sanh phù hợp.
Đó là vấn đề lập đạo và truyền đạo cho con người ở mỗi thời đại, mỗi nơi chốn, và mỗi tầng lớp kiến thức khác nhau để đưa ra tư tưởng, ngôn ngữ và cách hành đạo cho họ.
Nhưng khi hành đạo ta vẫn phải luôn luôn giữ chánh tâm và chánh đạo. Với chánh tâm và chánh đạo, ta nghĩ như thế nào thì nói như thế đó. Nếu có vì lời nói của ta mà người khác hiểu lầm, nghĩ quấy cho ta, thì đó là điều ta phải chấp nhận. Khi họ tiến hóa trên đường tu học, khi họ thức tỉnh, và dùng chánh tâm để nghĩ đúng nói đúng thì họ sẽ hiểu ta.
Trên đường tu tập ta phải chấp nhận sự tiến hóa tâm linh của mình, và những trở ngại thử thách tùy giai đoạn. Không vì người chung quanh mà ta phải dừng bước hay đi lùi lại, vì sự tiến hóa của ta sẽ giúp cho số đông quần chúng. Ta tu cho ta và cho tha nhân, không phân biệt người thân kẻ lạ hay chủng tộc màu da. Ta phải định tâm tiến bước, kiên nhẫn chịu đựng dù có đau khổ cũng phải buông bỏ mà tiến tới. Con đường hành đạo dài của ta sẽ chứng minh những gì ta nghĩ và ta nói. Như vậy mới là tri hành hiệp nhất. Ta không vì muốn người khác hiểu mà phải nói khác đi. Khi ta nói mà ta còn sợ người khác hiểu lầm, ta tìm cách nói như thế nào cho phù hợp với ý người để họ không hiểu lầm ta thì ta sẽ bước vào sự lý luận, nghĩ suy cao thấp, lợi hại. Ta sẽ không còn chánh tâm và chánh ngữ nữa.
Nếu muốn làm vui lòng người khác hay tìm cách cho họ hiểu ta thì làm sao ta giúp được quần chúng vì quần chúng gồm nhiều tánh nết, nhiều hoàn cảnh, trình độ trí thức khác nhau. Vậy ta muốn làm vừa lòng người này thì người khác sẽ bị mất lòng.
Như thế nếu muốn giúp đám đông, quần chúng, ta phải giữ chánh tâm và chánh ngữ ta mới tiến đến chánh tinh tấn và đi đến tri hành hiệp nhất, nghĩ sao, nói và hành vậy.
Giữ như thế ta đi đúng vào Chánh Đạo vậy.
5:00 giờ sáng - Ngày Valentine 14-2-1997
20-2-97 (14 tháng giêng)
Trong khoảng thời gian gần đây, công việc của tôi càng lúc càng nhiều, từ đời lẫn đạo. Năm nào cũng vậy, từ khoảng lễ Tạ ơn đến qua Tết, công việc dồn dập.
Năm nay thêm hai việc được xem như nặng. Một là mẹ tôi bị té và phải nằm một chỗ, sau đó đi bằng hai nạng. Hôm nay thì mẹ đã bớt, chỉ còn đi một nạng và có thể vịn vách tường hoặc ghế để đi lần lần.
Việc thứ hai là báo Đuốc Từ Bi càng ngày càng thiếu người tiếp tay, nhất là về vấn đề trình bày. Dũng bận vì có thêm con, Hăng dọn qua New Mexico, chỉ còn Ky giúp đánh máy và lay-out một số bài nằm. Thu gặp nhằm lúc phải làm sổ sách cho công ty, chỉ còn Sang và anh Tài giúp.
Thế là tuần rồi tôi đến lớp học cho người lớn để học Windows 95 và chạy xuống tiệm Peerless Computer để học trình bày lay-out. Mấy hôm nay thì mẹ tịnh khẩu nhập thất ở nhà tôi. Tôi vừa săn sóc mẹ vừa lay-out báo.
Gần đây tôi suy nghiệm, tự tìm phương cách chữa bệnh nhức đầu. Hôm qua, tôi xuống khu Bolsa để nhờ anh Gi chỉ cách xếp trang, chừa trang giữa bài, để làm hình, cách đóng khung; và ghé Việt Báo Kinh Tế nhờ anh Trần Dạ Từ làm bìa hộ. Trong lúc lái xe, tôi nhận thấy, nếu không bị thôi thúc bởi công việc, và biết giữ tâm không, không nghĩ đến việc khác khi đang làm việc này, thì thần kinh tôi sẽ đỡ căng thẳng.
Lúc ra xe, tôi đã ghi tất cả việc tôi phải làm, những nơi tôi phải ghé, và cả những gì tôi phải nhớ mua để nấu thức ăn, đồ chay cho mẹ, đồ mặn cho anh Tài, cho đến cuối tuần, vì tôi dự trù ở nhà để lay-out. Đang cố nhớ để ghi, tôi bắt đầu có cảm giác bị nhức đầu; tôi liền ngưng lại, thở sâu và nhẹ nhàng, thư dãn, và cũng tập yên tĩnh trong lúc lái xe.
Tôi tập làm việc nhanh nhẹn trong lúc không bị thúc bách do chính tâm trí mình. Tôi biết khi thư dãn và tịnh tâm, thời gian sẽ trôi thật chậm, và mình sẽ làm được nhiều việc trong một thời khoản ngắn. Tôi biết như vậy qua nhiều lần nhập thất. Thứ bảy này mẹ dứt nhập thất thì thứ hai 24 đến 28-2-97 là đến lượt tôi. Ngày mai là rằm tháng giêng.
Mọi năm tôi luôn luôn nhập thất vào lúc rằm, nhưng năm nay phải dời lại vì Đuốc Từ Bi chưa xong, và tôi phải ở ngoài để có thể lo cho mẹ và trả lời điện thoại cho người này người kia giùm mẹ khi cần.
Trước kia, tôi tập nhập thất trong tâm, nay tôi tập nhập thất trong mọi hành động.