Tường trình từ Praha

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30259)
Tường trình từ Praha

ă

blank

Trong chuyến đi Đông Âu tham dự Hội Nghị Praha 95 Kinh Nghiệm Dân Chủ Hóa Đông Âu, tác giả có dịp tiếp xúc với tổng thống Václav Havel để trình bày về tình trạng thuyền nhân đang bị cưỡng bức hồi hương tại các trại tị nạn Đông Nam Á. (Từ trái: TT Havel, ông Trần Quốc Bảo, C.T. Tổ chức Phục Hưng, Bà Huỳnh Mai, bà Nguyễn thị Bình, thông dịch viên.

Hotel Pyramida - 4-9-1995

Anh Phạm Việt Hùng, một thành viên năng động của Tổ chức Phục Hưng, đã đón chúng tôi ở phi trường Prague. Anh đưa chúng tôi đến khách sạn Pyramida tại Belohorska 24, Praha 6, Sál Jalta, nơi tổ chức Hội nghị Praha 㥧 vào ngày mai.

Buổi chiều, Tài, tôi, và Cường đi lang thang ngoạn cảnh, nghe những chàng nhạc sĩ kéo vĩ cầm trên các vỉa hè. Đứng trên cao nhìn xuống, cả một thành phổ cổ kính với lối kiến trúc Tây phương thật hùng vĩ và tinh xảo.

Tuy giờ khắc thay đổi, nhưng chúng tôi cũng cố ngủ vào đêm để lấy sức ngày mai tham dự những buổi thuyết trình mà tôi hằng mong đợi.

Hotel Pyramida - 5-9-1995

Phòng họp thật rộng rãi trang trọng. Bàn ghế được xếp thành hình chữ U. Ở giữa, dưới biểu ngữ “Hội Nghị Dân Chủ Hóa Đông Âu”, là bàn của thuyết trình viên. Trong số các khuôn mặt người Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra, phía bên kia, đối diện với chúng tôi có ông... Bùi Tín, nhân vật đã có lúc gây ồn ào tại Little Saigon.

Tuy khác giờ khiến buồn ngủ, buổi tối tôi cũng cố viết hai bài báo cùng lúc, để các anh gởi điện thư về Hoa kỳ cho kịp đăng tải.

Bài I:
HỘI NGHỊ PRAHA 95 - KINH NGHIỆM DÂN CHỦ HÓA ĐÔNG ÂU

Praha, CH Tiệp (05/09/95) - Hội nghị Praha 95 với chủ đề “Kinh nghiệm Dân chủ hóa Đông Âu” đã khai mạc sau nghi thức chào cờ và phút mặc niệm những chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, vào lúc 8 giờ sáng thứ ba 5-9-95, tại phòng họp của khách sạn Pyramida, thủ đô Cộng hòa Tiệp khắc. Sau phần giới thiệu quan khách và các tham dự viên của ông Ngô Quốc Sĩ, phát ngôn nhân Tổ chức Phục Hưng Việt Nam (TCPHVN), là lời chào mừng của ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch TCPHVN kiêm trưởng ban tổ chức Hội nghị Praha .

Chương trình được mở đầu với bài thuyết trình của bà Dana Nemcová, tiến sĩ tâm lý học, nguyên phát ngôn nhân Hiến Chương 77, hiện phụ trách chương trình tị nạn của Ủy ban Helsinki Tiệp. Với lối kể chuyện sống động, bà chia sẻ những kinh nghiệm buồn vui trong cuộc đời đấu tranh cho tự do dân chủ cho đất nước bà, sự ra đời của Hiến Chương 77, và hoạt động của Hiến Chương 77 cho đến ngày Cách mạng thành công. Bà cho biết sau khi ký Hiến Chương 77, bà đã bị cưỡng ép lao động ở nhà ga và sau đó bị kết án tù hai năm. Bà Nemcová thường bị công an làm áp lực qua bảy người con của bà, nhưng bà đã trả lời với họ là vì tương lai của con nên bà đã ký tên vào Hiến Chương 77. Bà cho biết lúc đó bà trông thấy một số người Việt Nam làm công nhân tại các nhà máy. Họ mặc đồ giống nhau và bị cấm không được nói chuyện cùng các người Tiệp. Bà rất vui mừng ngày hôm nay, những sự bắt bớ đàn áp trong nước Việt Nam đã được thông báo ra thế giới bên ngoài, về việc vi phạm nhân quyền của cộng sản.

Sau giờ giải lao, các tham dự viên được nghe những kinh nghiệm của ông Jiri Diensbier, chủ tịch đảng Tự do Dân chủ, nguyên phát ngôn nhân Hiến Chương 77, cựu ngoại trưởng Tiệp, về vai trò của các cựu đảng viên cộng sản trong công cuộc đấu tranh chống cộng vào thập niên 1960. Theo ông, nhân quyền không thể được coi là một vấn đề của một quốc gia nữa, mà là một vấn đề an toàn cho cả thế giới. Ông cũng cho rằng một xã hội không có tự do thông tin thì sẽ không tồn tại được. Ông cho rằng qua hệ thống Internet, các bản tin về kinh tế, các bài báo chống đối sẽ làm thay đổi chế độ kềm kẹp độc tài. Người dân sẽ có ý thức vai trò và quyền làm người của mình qua các mạng lưới thông tin từ các nước ngoài.

Vào lúc 2 giờ trưa cùng ngày là phần trình bày của ông Frantisek Stárek về phong trào báo chí ngầm và các phong trào chống đối khác ngoài Hiến Chương 77. Ông Stárek hiện là viên chức cao cấp trong bộ Nội vụ Tiệp, thành viên của Hiến Chương 77, chủ nhiệm tờ báo ngầm “Vokno” dưới thời cộng sản. Trả lời câu hỏi của một tham dự viên, là các tổ chức Tiệp có chống đối nhau không, ông cho biết, tuy khác chính kiến nhưng “chúng tôi cùng đi một con thuyền. Nếu muốn không bị chìm thì chúng tôi phải đồng ý cho con thuyền đi về đâu. Và mẫu số chung là Nhân Quyền.” Ông cho biết, các phong trào đối lập liên hệ với nhau chặt chẽ đến mức bên ngoài đột nhập vào là họ biết ngay. Ông kể, có một lần họ phát hiện một tờ báo đối lập giả hiệu của công an mật vụ làm ra có kỹ thuật rất cao, nên bị họ nghi ngờ. Ông nói rằng, sự nhạy cảm của con người có một vai trò quan trọng trong việc nhận định giữa giả và thật trong khi tranh đấu.

Được biết thành phần tham dự Hội nghị Praha 95 trong ngày đầu tiên, 5 tháng 9-95, gồm có:
Các quan khách người Tiệp; đại diện các tôn giáo Phật giáo và Thiên Chúa giáo; đại diện các đảng phái chính trị: Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam tại Âu châu, Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, Liên Minh Việt Nam Tự Do, Tổ chức Dân chủ Việt Nam, Nghị hội người Việt toàn quốc Hoa kỳ; đại diện các cộng đồng: CĐ người Việt tại Hòa lan, Hội người Việt tị nạn ở Mainz, Đức quốc; phóng viên các cơ quan truyền thông: đài VOA, đài Diễn Đàn Dân Chủ, đài Little Saigon tại Tiệp, báo Cánh Én từ Đức quốc, báo Thời Luận từ California Hoa kỳ, nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai; và các thân hào nhân sĩ từ khắp nơi trên thế giới như: Hoa kỳ, Pháp, Bỉ, Đức, Hòa lan.

Bài II:
TỔNG THỐNG CỘNG HÒA TIỆP VÁCLAV HAVEL TIẾP PHÁI ĐOÀN NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI

Praha, CH Tiệp (05/09/95) - Trong không khí trang nghiêm nhưng không kém phần thân mật và cởi mở, Tổng thống Cộng hòa Tiệp Václav Havel đã tiếp phái đoàn người Việt hải ngoại vào lúc 2 giờ chiều ngày 5-9-1995 tại phòng khánh tiết của Phủ Tổng thống. Với sự khiêm nhường và hòa nhã, Tổng thống Havel nói: “Tôi không ngờ trở thành người lãnh đạo đất nước Tiệp, và cũng không ngờ ngày hôm nay tôi lại tiếp chuyện cùng những người Việt chống lại chế độ cộng sản.”

Khi chia sẻ kinh nghiệm về việc tranh đấu cho cuộc Cách Mạng Nhung, Tổng thống Havel nói: “Lúc đầu trong nước cho rằng chúng tôi là những người không thực tế, nhưng chỉ một thời gian ngắn, cả xã hội Tiệp đã đứng về phía chúng tôi. Chủ yếu là cần thời gian chín mùi, tuy nhiên không thể biết trước được bao lâu. Khi tranh đấu, chúng tôi thấy việc đúng thì làm, không tính toán trước là phải hiệu quả ngay tức khắc.”

Theo Tổng thống Havel, thì lúc đầu thế giới cho rằng đó là sự chống phá, nhưng sau đó họ có cái nhìn khác, và đã giúp đỡ rất nhiều cho công cuộc dân chủ hóa Tiệp. Ông cho rằng trong nước có những biến chuyển ngầm mà mình không thể biết được. Ông cười khi cho rằng sự đổi mới của ông Gorbachev thúc đẩy sự thay đổi từ Nga và các nước Đông Âu. Ông nói: “Ông Gorbachev khi mở nắp nồi hơi để đổi mới, thì không ngờ nắp nồi không thể mở phân nửa được, mà phải mở tung ra.”

Sau cùng, Tổng thống Havel cho rằng sự hy sinh nhỏ bé sau này sẽ nhân lên rất nhiều, và nếu nghĩ rằng các nước ngoài đang giúp làm mạnh CSVN cũng chưa hẳn là đúng. Họ có thể quay ngược lại chống đối nhờ sự mở cửa. Riêng việc Tổng thống Bush định đến thăm Việt Nam chưa hẳn là một điều xấu, mà vấn đề quan trọng là ông ấy sẽ “nói gì.”

Nhân dịp này, ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, đã ngỏ lời cảm ơn Tổng thống Havel và chính quyền Tiệp đã tiếp nhận người Việt Nam xin tị nạn tại quốc gia này, đồng thời ông trình bày về sự đàn áp tôn giáo, nhân quyền gần đây tại Việt Nam, và tình hình tổng quát tại các trại tị nạn Đông Nam Á.

Ngoài ra, Thượng tọa Thích Minh Tuyên đã trình bày thêm về tình trạng của các Giáo hội Cao Đài giáo, Phật giáo Hòa Hảo bị giải tán; Phật giáo bị giải thể để lập Giáo hội Quốc doanh; Giáo hội Công giáo, Tin Lành bị kiểm soát chặt chẽ. Thượng tọa cũng nhấn mạnh về việc quý vị lãnh đạo tôn giáo cao cấp bị kết án tù.

Khi được Tổng thống Havel đặt câu hỏi về vấn đề thuyền nhân, ký giả Nguyễn Huỳnh Mai đã trình bày nguyện vọng tranh đấu cho tiếng nói của thuyền nhân tại các nhà tù trong các trại tị nạn, và tình trạng bị cưỡng bức hồi hương, đàn áp, nhất là đối với các vị tu sĩ, cựu quân nhân, các nhà tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt là đàn bà trẻ em. Tổng thống Havel cho rằng lên tiếng hỗ trợ là bổn phận của những người tranh đấu cho nhân quyền và tự do. Ông hứa sẽ hết lòng can thiệp cho những người trong tù tại Việt Nam lẫn các trại tị nạn.

Sau cùng, phái đoàn người Việt hải ngoại đã trao cho Tổng thống Havel một thỉnh nguyện thư, và tặng ông một bức tranh của Họa sĩ Vũ Hối.

6-9-95

Hôm qua khi chúng tôi lội bộ đến dinh Tổng thống, thì Tài và Cường cùng với phái đoàn khác đi thăm viếng đài Âu Châu Tự Do và thư viện lưu trữ tài liệu sách báo cấm dưới thời CS.
Sáng nay, sau khi nghe thuyết trình buổi sáng, buổi trưa mọi người được chia thành nhiều nhóm đi thăm viếng, tiếp xúc với bộ Ngoại giao, bộ Nội vụ, và Quốc hội Tiệp.

Đến chiều, chúng tôi được hướng dẫn lội bộ ra bến tàu để du ngoạn bằng thuyền trên sông Ultava cà cầu mang tên vua Karel IV, mà người Việt tại đây gọi là “Cầu Tình.”

Buổi tối, khi mọi người ngủ yên, nhà báo lại phải phóng bút cho kịp gởi tin sốt dẻo về California.

Bài III
TỔNG THỐNG VÁCLAV HAVEL ỦNG HỘ NGƯỜI VIỆT LƯU VONG

Praha: Báo chí, truyền thanh, và truyền hình tại Cộng hòa Tiệp đã đồng loạt loan báo tin Tổng thống Václav Havel tiếp kiến phái đoàn người Việt hải ngoại trong ngày 6-9-95.

Đặc biệt hơn hết là ba tờ nhật báo: Mặt Trận Trẻ Ngày Nay MLADA FRONTA ONES, Dân Báo LIDOVÉ NOVINY, và Tiếng Nói Tự Do SVOBODNÉ SLOVO đều đăng hình và bài nơi trang nhất do Thông Tấn Xã Tiệp cung cấp.

Ủng hộ người Việt lưu vong
Nơi trang nhất của tờ Tiếng Nói Tự Do, với bức ảnh Tổng thống Václav Havel bắt tay Thượng tọa Thích Minh Tuyên với sự giới thiệu của ông Trần Quốc Bảo, Tổ chức Phục Hưng, có tựa đề là “Tổng thống Havel ủng hộ những người Việt Nam lưu vong.”

Bài báo có nội dung như sau:
“Bảo vệ quyền con người tại Việt Nam và vấn đề của người Việt lưu vong là đề tài chính của cuộc tiếp kiến của Tổng thống Cộng hòa Tiệp Václav Havel và đại diện các hội đoàn cùng phong trào của người Việt tị nạn tại hải ngoại.

Những cuộc trao đổi này được thực hiện trong dịp tổ chức một hội nghị lấy tên Hội nghị Praha 㥧: Kinh nghiệm Dân chủ hóa tại Đông Âu cũ.

Mục đích của hội nghị này là phối hợp những người Việt hải ngoại trong cố gắng dân chủ hóa và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Tổng thống Havel quan tâm trước hết đến số phận thuyền nhân Việt nam đã phải sống 15 năm trong điều kiện khắc nghiệt của các trại tị nạn tại các nước Á châu. Phái đoàn đã thông báo cho Tổng thống Havel về tình trạng hiện nay tại Việt Nam; trong khi đó Tổng thống Havel đã đánh giá rằng Việt Nam tham gia khối Hiệp ước các Quốc gia Đông Nam Á và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ có chiều hướng thuận lợi, vì theo ông, nó có thể dẫn đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và tạo điều kiện cho sự trở về bình yên của những người Việt tại hải ngoại.”

Đặc biệt hơn, trước trụ sở đảng Tự do Dân tộc Xã hội, bên cạnh cửa hàng Kotva lớn nhất tại trung tâm thành phố Praha, có SVOBODNÉ SLOVO trình bày tờ báo trên vách nơi cửa ra vào.

Không gặp khó khăn
Ngoài ra, tờ Dân Báo với tựa đề “Tổng thống Václav Havel tiếp người Việt lưu vong”, có cho biết thêm, phát ngôn viên phủ Tổng thống trả lời nữ ký giả báo này là: “Tổng thống Havel tiếp kiến bàn về việc nhân đạo, quan tâm vấn đề thuyền nhân.” Khi được hỏi có gặp khó khăn về ngoại giao với CSVN không, ông trả lời là không nhìn thấy lý do gì để gặp khó khăn.
Riêng phát ngôn viên bộ Ngoại giao cho rằng: “Những tổ chức lưu vong đến Tiệp để tìm hiểu về kinh nghiệm đấu tranh về dân chủ hóa Đông Âu. Họ đến để gặp gỡ các viên chức Tiệp.”

Ông cũng cho biết thêm, chính phủ Tiệp đã nhiều lần đặt vấn đề nhân quyền với các phái đoàn CSVN sang thăm viếng nước này.

Giáo hội ngầm
Cũng trong ngày thứ tư 6-9-95, Hội nghị Praha 㥧 được tiếp tục với đề tài “Vai trò của Giáo hội ngầm trước cuộc Cách mạng Nhung” do linh mục Odilo Stampach trình bày.

Linh mục cho rằng Giáo hội Công giáo là một tổ chức đại chúng duy nhất bên cạnh đảng cộng sản Tiệp. Tuy rằng sách báo hạn chế nhưng cũng đem đến cho dân những tin tức khác hơn là tiếng nói của đảng. Nếu không có Giáo hội thì người dân Tiệp tưởng chỉ có cộng sản là con đường duy nhất.

Linh mục cho rằng, tuy Giáo hội có thế đứng quan trọng, nhưng hoàn toàn độc lập, giữ vai trò trung lập giữa các đảng phái, không đồng ý sự vi phạm nhân quyền, và không đứng sau chế độ độc tài. Giáo hội còn phục vụ người nghèo, người già, giúp xây dựng xã hội công bằng, đạo giáo hướng con người đi đến chống sự bất công đàn áp.

Linh mục chia sẻ kinh nghiệm về Giáo hội ngầm, và sự kết hợp sau này giữa Giáo hội ngầm và Giáo hội chính thức cùng các trường hợp học đạo, phong chức ngầm cho các linh mục, hồng y...
Linh mục Odilo cho rằng, đạo đức hướng con người đi đến công bằng, tự do. Đạo đức mở rộng, đánh đổ nguồn dư luận một chiều của cộng sản. Theo ông, người Thiên Chúa giáo đã góp phần chống cộng sản độc tài không bằng võ lực. Ông khuyên các tôn giáo tại Việt Nam nên liên kết với nhau, và ông hứa sẽ ủng hộ Hội đồng Liên Tôn.

Người Tiệp lưu vong
Đề tài “Vai trò người Tiệp lưu vong đối với cuộc đấu tranh chống cộng sản” được ông Ivan Medeck trình bày thật cặn kẽ. Ông Ivan hiện là cố vấn Tổng thống Havel về các vấn đề quốc nội, thành viên Hiến Chương 77, nguyên trưởng ban Tiệp ngữ đài VOA.

Ông cho rằng việc tạo liên lạc giữa người Việt lưu vong và các nhóm chống đối trong nước rất quan trọng và hữu ích. Tin tức trong nước đưa ra hải ngoại và phát qua các đài phát thanh như VOA, BBC hay đài Tiếng Nói Tự Do, đóng góp rất quan trọng trong việc dân chủ hóa đất nước này. Khi người dân biết thế giới quan tâm đến họ, họ không còn sợ hãi. Việc này làm yếu đi chế độ. Ông cho rằng chế độ độc tài thua vì đánh giá thấp mối liên hệ giữa các viên chức cộng sản đối với người dân. Khi các đài phát thanh hải ngoại nói đến việc làm xấu xa của các viên chức cộng sản thì hôm sau người dân phản ứng ngay. Họ sẽ cho tù nhân lương tâm ăn đủ hơn nếu nghe đài nói đến tình trạng mất nhân quyền của người tù này. Tuy nhiên, tin từ hải ngoại phát về phải chính xác.

Truyền thông hải ngoại
Đề tài “Vai trò truyền thông từ hải ngoại đối với cuộc đấu tranh chống cộng sản” do diễn giả Pavel Pechacek, trưởng ban Tiệp ngữ đài Âu châu Tự Do trình bày.

Ông Pavel cho biết, trước kia ông là chủ tịch đài Âu châu Tự Do, và sau đó ông làm trưởng ban Tiệp ngữ của đài Tiếng nói Hoa kỳ VOA. Khi làm cho VOA, ông không giữ đúng nguyên tắc là thông tin về cuộc sống Hoa kỳ, mà lại cố ý thông tin nhiều hơn về những việc xảy ra trong nước Tiệp.

Ông Pavel là người tường thuật tại chỗ việc thay đổi tại Mạc Tư Khoa năm 1989. Ông cho rằng các đài phát thanh tại hải ngoại đã giúp rất nhiều cho việc dân chủ hóa quê hương ông. Trong dịp này ông cũng chia sẻ cách thức liên lạc chuyển tin từ trong nước ra để phát trở về qua làn sóng phát thanh cho toàn dân Tiệp nghe. Việc này tuy nguy hiểm khiến nhiều người bị bắt, nhưng đã đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc cách mạng tại quê hương ông.

Hotel Pyramida - 7-9-95

Suốt mấy ngày qua, tôi cứ lo cố gắng thu thập dữ kiện về các kinh nghiệm quý báu của những người giàu kinh nghiệm đấu tranh cho cách mạng xứ sở họ.

Ban tổ chức có cả một đoàn thanh niên nam nữ nhanh nhẹn, giỏi giắn, và hoạt bát, như cô Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Đức Trung, Nguyễn Nam thông dịch từ tiếng Tiệp sang tiếng Việt.
Đề tài sáng thứ bảy này là “Giải quyết những vấn đề quá khứ của cộng sản để lại” do ông Václav Benda, dân biểu Quốc hội, phó chủ tịch đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, giám đốc viện Lưu trữ Hồ sơ Tội ác CS, trình bày.

Tiếp theo là ông Josef Katrba, hiện là dân biểu Quốc hội thuộc đảng Liên Minh Dân chủ Công dân, nói về đề tài “Cải cách Hệ thống Chính trị và Kinh tế sau Cách mạng.” Ông đã nói về kinh nghiệm tư hữu hóa.

Trong lễ bế mạc, ông Ngô Quốc Sĩ, phó chủ tịch kiêm phát ngôn nhân nhân Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, duyệt qua các thành quả Hội nghị Praha 95. Các thành viên tham dự đã cùng ông đưa ra một bản thông cáo chung.

Ngay trước lễ bế mạc này là cuộc họp báo để tường trình kết quả Hội nghị Praha 95 với giới truyền thông Tiệp. Trong gần một giờ, đại diện các đoàn thể Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của các ký giả đại diện cho hai thông tấn xã và bốn tờ báo lớn của Tiệp. Một buổi tiếp tân thịnh soạn cũng diễn ra sau lễ bế mạc để khoản đãi các diễn giả và báo giới Tiệp. Đồng thời, trong ngày 8 tháng 9, mặc dù Hội nghị đã kết thúc, nhưng ban tổ chức vẫn thực hiện thêm hai buổi thăm viếng với bộ Nội vụ và bộ Ngoại giao để bàn thảo công tác xây dựng một cộng đồng Việt Nam lành mạnh tại Tiệp.

Được biết các hành động và thành quả trên của Hội nghị Praha 㥧 đã được các đài VOA Tiếng Nói Hoa Kỳ của Mỹ, RFI Radio France International của Pháp, Diễn Đàn Dân Chủ và Chân Trời Mới loan tải trong nhiều buổi phát thanh về Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880