Batam, đảo nhỏ của Nam dương

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 37787)
Batam, đảo nhỏ của Nam dương

23-11-96

Chúng tôi ngồi đợi bắc (phà) ở bến tàu Singapore để qua đảo Batam, Nam dương. Trị giá của 1 mỹ kim ăn đến 2.260 rubiah của Nam dương. Tài chỉ đổi có 100 mỹ kim mà được cả xấp giấy mười ngàn. Tờ giấy bạc có in hình một ông Nam dương mang kiếng trắng, đầu đội nón vải đen cao. Có hai chữ ký tên Gubenur và Direktur. Giấy bạc có hàng chữ Bank Indonesia và Sepuluk Ribu Rupiah. Cạnh hình ông già mắt kiếng là hình vẽ các sinh hoạt của các em trông giống hướng đạo sinh đang căng lều và nhóm lửa nấu ăn. Mặt kia của tờ giấy bạc là hình cây cỏ núi đồi với nhiều cây dừa. Nam dương đi sau Singapore 1 giờ, giống bên Việt Nam.

Chúng tôi khởi hành từ Singapore Cruise Center gần World Trade Center (Trung tâm Thương mại Thế giới). Nếu muốn qua một biên giới của nước khác, hành khách phải trình thông hành trước một giờ. Batam chỉ cách Singapore 45 phút đường biển đi bằng phà. Nơi đây có nhiều nhất là du khách từ Đài loan (Trung hoa Dân quốc), Hàn quốc, và Nhật bản. Dân Batam đến từ các đảo Nam dương lân cận. Nhờ sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, Batam thu hút thêm dân cư từ 27 thành phố khác của nước Cộng hòa Nam dương.

Phà đi từ bến ra biển lớn. Từ trong ra, bên phải là Singapore. Ở bến phà có nơi dành cho những người đi các quốc gia trên thế giới bằng tàu lớn. Bên trái là đảo Sentosa. Cây cối xanh rì, nơi tập trung tất cả những sinh hoạt đặc biệt dành cho du khách xem như các loại cá, thảo mộc, hoa, sân cù, chim chóc vân vân...

Chúng tôi ngồi trên nóc của chiếc phà. Phà ra biển lớn sóng đánh mạnh ào ào. Xa xa thấp thoáng nhiều hòn đảo nhỏ, vì Nam dương có đến 16.000 đảo. Các tàu lớn đậu rải rác ngoài khơi. Bên trái chúng tôi vẫn còn đảo Sentosa của Singapore với bãi cát sạch và những hàng dừa cùng các khách sạn lớn ngói đỏ hay building hình hộp trắng dài nổi bật giữa màu xanh mướt của cây lá.

Phía sau chiếc phà là một làn bọt nước trắng xóa. Thỉnh thoảng một vài chiếc tàu hoặc ghe nhỏ đen đúa hay chiếc phao đỏ bồng bềnh hiện ra, tôi chợt nhớ đến người vượt biển.

3:00 giờ chiều tại khu du lịch Nongsa Point Marina.

Trong khi các người Mỹ đi cùng khen chỗ này đẹp, thì tôi lại bảo chẳng lẽ đi từ Mỹ qua để viếng nơi du lịch tại Batam thôi sao. Họ bảo, có lẽ nơi này không còn gì để xem hết.

Anh chàng hướng dẫn viên có cái tên dài ơi là dài, Suhendri Joko Saputro Hadining Rat Prayogo. Tên anh cũng bắt đầu bằng chữ Su, như tên của Tổng thống Nam dương hiện nay, Suharto. Vị Tổng thống trước kia đã mất cũng có tên hơi giống là Sukarno.

Anh ta dạy cho tôi vài câu tiếng Nam dương như: "Ông mạnh giỏi không?" là "Apakabar"; "Tôi mạnh - Kabar-baik"; "Chào goodbye - Selamat tinggal"; "Welcome to - Selamat Datang", giống tiếng Mã lai hôm qua cô Molly dạy cho tôi. "Cô đẹp lắm” là "Anda Cantik Sekali"; "Người yêu" là "Sayang". "Tôi yêu cô" là "Saya Aku Cinta pada mu".

Tôi ngồi viết tại một phòng ăn rộng, trước mặt là hồ tắm, bên trái là bờ biển, bên phải là các bàn ping pong và bàn chơi điện tử. Trẻ con người Hoa đang chơi banh, nhạc Mỹ vọng lại inh tai.

Tại Nam dương có năm đạo sống chung hòa bình. 60% theo Hồi giáo, bốn tôn giáo còn lại là Công giáo, Phật giáo, Ấn độ giáo và Tin lành. Họ có đến 175 thổ ngữ (dialect). Đó là ngôn ngữ chánh của từng địa phương, nhiều vùng người dân không hiểu dân vùng khác nói gì. Ngôn ngữ thứ nhì là Bahasa, và thứ ba là Anh văn. Nam dương có 192 triệu dân theo chế độ Cộng hòa Dân chủ. Năm hòn đảo chính của họ là: Sumatra gần Singapore, cạnh đảo Batam; thứ nhì là Java; đến Kalimantan chia chung với đảo phía đông của Mã lai; Sulawer và chót hết là Irian Mya. Chữ "Indonesia" có nghĩa là Nhiều Đảo.

Batam là một trong nhóm ba ngàn đảo của tỉnh Riau Archipelago được xem như là ổ nữ trang để đầu tư. Phía nam của Batam là đảo Pulau Bidong, là nơi của các trại tị nạn vừa bị dẹp, và tất cả mấy ngàn thuyền nhân Việt đều bị lính Nam dương vất hết lên tàu.

Henri, tên Mỹ của hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đến một chùa Tàu có hình Phật Bà ngàn cánh tay, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, cả hình của Lão Tử. Trên vách chùa bên ngoài có vẽ chuyện của Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh.

Nam dương nằm giữa Á châu và Úc châu, chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa. Xe buýt chạy ngang Lady River. Con sông này được lưu truyền là các cô gái đến tắm sẽ được lấy chồng. Sau đó đến Nagoya Town - trước kia do lính Nhật đóng nên có tên Nhật. Nơi đây có hai loại hàng được miễn thuế là thuốc lá và bia con cọp; chuyên chở cũng được miễn. Tuy nhiên, du khách chỉ được mua hai gói thuốc lá và hai lon bia. Mua nhiều hơn sẽ bị đánh thuế nhẹ.

Xe nhập cảng 85% từ Singapore, và không đem ra khỏi đảo được. Cả đảo chỉ có năm ngọn đèn đường xanh đỏ. Taxi vàng dành cho thường dân, và đỏ cho chính phủ. Xe cũng chạy bên trái như Singapore, Hong Kong hay Mã lai.

Phố Nagoya trông như một tỉnh lẻ ở Việt Nam, bụi bặm và nghèo nàn. Chợ nhà lồng ngộp và hôi. Rau cải trái cây héo hon. Có nhiều xe gỗ bán xoài chín và sống, một ít măng cụt. Các loại trái cây khác như nho, táo, cam thì được bán trong tiệm. Tôi thấy một xe bán dạo chất đầy sầu riêng.

Một tiệm bán bàn ghế trên cửa sổ có chữ Open - Buka. Ghế salon đỏ bọc trong bao ny-lông. Một tiệm hớt tóc có các ông đang nằm dài. Ông thợ cạo râu cho khách đang quẹt dao vào miếng giấy nhật trình.

Người Nam dương cũng như Mã lai, da đen và trông đăm chiêu, không tươi đẹp. Đàn trẻ con chạy theo xin tiền, các bà các ông tàn tật ăn xin nằm dài hoặc ngồi ngủ gục trước các cửa tiệm mà không bị đuổi.

Đảo Batam và Pulau Bidong đều thuộc tỉnh Riau. Tôi nhớ mỗi lần viết thư cho các ban trị sự tại Nam dương đều có ghi chữ Riau rồi mới đến chữ Indonesia. Henri giải thích theo tiếng thổ ngữ thì chữ Riau có nghĩa là Hạnh phúc. Thật tội nghiệp cho người tị nạn mình bị đàn áp đánh đập bắt bớ tù đày sau các hàng rào kẽm gai ngay trên hòn đảo Hạnh phúc này.

Đàn ông Nam dương cũng như Mã lai theo Hồi giáo có quyền có đến bốn vợ. Nhìn căn nhà có thể đoán biết họ có bao nhiêu vợ. Nếu nhà hai cửa thì có đến ba vợ. Trên tờ giấy bạc 1000 rupiah một mặt là hình núi và biển, mặt kia hình một chú rể ăn mặc truyền thống đang nhảy qua một vách đá. Anh ta đã nộp cho nhà gái một con trâu. Nếu nhảy qua được vách đá, anh không cần nộp thêm, bằng không phải đưa cho bên vợ thêm năm con nữa.

Henri bảo, Nam dương có nhiều truyền thống văn hóa khác nhau. Có đảo thì đàn bà cưới chồng bằng 250 gram vàng. Nhiều nơi trâu của cô dâu và chú rể phải chọi nhau, vân vân... Và 125 thổ ngữ thì có đến 125 văn hóa khác nhau. Hiện nay dân số trên đảo Batam có vào khoảng 300.000 người.

Khi đi qua các ngôi làng tạm trú, Henri giải thích, có nhiều người từ các đảo khác đến đây, tìm không ra việc, chính phủ cho họ cất nhà trong làng này 20 năm. Khi có việc làm phải mướn nhà hay phòng mà ở.

Trước giờ ăn trưa, Henri đưa chúng tôi đến xem múa vũ điệu Nam dương. Các cậu trai đeo ngựa giả giống loại chưng bày ở Viện bảo tàng nơi Mã lai. Một anh khác biểu diễn lột dừa khô bằng răng. Tôi rất lo cho hàm răng của anh. Sau đó anh còn nuốt than đang cháy. Một anh nữa bẻ bóng đèn ra nhai, rồi nhảy qua lại vòng lửa.

Chúng tôi ăn trưa tại một nhà hàng cất trên mặt hồ giống như bên Thái lan, tên Terima Kasih. Kế bên là tiệm bán quà có vẻ Nhật bản tên Toko Yohan. Tôi thấy có nhiều cây chuối giả bằng gỗ sơn màu, loại chưng nhiều ở khu Phước Lộc Thọ tại Little Saigon. Cây chuối lớn giá đến 155.000 R, cây nhỏ xíu giá 18.000 R. Hoa sen giá 30.000 R, và một cái bóp nhỏ 40.000 R.

Tôi không hài lòng về chuyến đi này lắm, vì không thấy gì đặc biệt về Nam dương, nhất là không thấy ai mặc đồ truyền thống Nam dương cả, trừ mấy người nhảy múa. Bên Mã lai còn có người đội khăn, ở biên giới nhiều cô gái thon gầy mặc đồ tơ lụa vẽ tay, đầu đội khăn trông rất xinh.

24-11-96

7:00 PM. Trên phi cơ Cathay Pacific, từ Singapore qua Hong Kong.

Tờ Sunday Morning Post hôm nay có nguyên một trang báo nói về người tị nạn trên thế giới. Trên trang 11 có đăng ảnh thật lớn của bà Cao ủy trưởng Tị nạn Liên Hiệp quốc Sadako Ogata. Sau lưng bà là hình ảnh hàng ngàn người tị nạn, kẻ đội những túi đồ lớn, người đội thau hoặc bưng thùng, đang lặn lội trên các con đường đá sỏi.

Bà Sadako Ogata, 69 tuổi, tóc hoa râm, kiếng trắng xệ xuống má, đang nói chuyện với bàn tay đưa ra và ngón trỏ cong lên. Ống nghe của bà đã được lột ra, vẫn còn gác trên vai sát cổ áo.

Nữ ký giả Joanna Pitman đặt câu hỏi là, người đàn bà có giọng nói nhỏ nhẹ và tự làm mờ nhạt này, sẽ là người lo cho 27 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh, bị đàn áp hay thiên tai của hàng trăm nơi trên thế giới?

Trong 205 người thì có 1 người tị nạn bị dời chỗ ở trong chính xứ sở của họ hay bị đuổi ra khỏi xứ vì chiến tranh, nạn đói kém hay bị đàn áp. Từ 1991 con số người tị nạn đã gia tăng từ 17 triệu lên đến 27 triệu. Có khoảng 12 triệu người ở Phi châu.

Năm 1955, bốn năm sau khi Cao ủy Tị nạn được thành lập, quỹ hàng năm là 2.5 triệu mỹ kim. Nay đã có hơn 1 tỷ mỹ kim, 95% số tiền do sự đóng góp tự nguyện. Liên Hiệp quốc làm việc tại 200 vùng trên bốn đại lục, có văn phòng tại 115 quốc gia, và được giải Nobel Hòa bình hai lần.

Từ khi bà Sadako Ogata, người gốc Nhật, nhậm chức vào năm 1991, số tiền đã được sử dụng tại các nơi sau đây: Kurdistan, Ethiopia, Somalia, Nam Tư, Rwanda, Zaire, Afghanistan vân vân...

Sau ba ngày bà đến Liên Hiệp quốc, quân đội của Saddam Hussein đóng cửa trại miền Bắc của Iraq, và 1.5 triệu người Kurd trốn chạy giữa ban đêm. Phần lớn chạy qua Iran và Turkey. Phí tổn giúp họ tạm cư cho mùa đông đầu tiên là 220 triệu mỹ kim. Người Turkish và Kurd tiếp tục chiến tranh 12 năm đòi độc lập, và các trại tị nạn Liên Hiệp quốc vẫn còn tại đây.

Nạn đói của Ethiopia chỉ là sự khởi đầu của các vấn đề nan giải. Tình hình chính trị đã lộn xộn từ trước khi chính quyền Mengistu bị lật đổ, và hàng triệu người đã bỏ chạy. Liên Hiệp quốc đã dành một ngân khoản 50 triệu vào năm 1991, khi gần 90.000 người bị đói trong chỉ một thành phố. Tình hình ngày càng bi thảm khi chính quyền Somalia bị lật đổ, khiến hàng trăm ngàn người Somalia phải chạy sang Ethiopia.

Từ 1991, mỗi ngày có đến 1000 người tìm cách chạy trốn. Liên Hiệp quốc đã đến vì có nhiều phúc trình với hàng trăm người chết vì tình trạng quá tồi tệ của trại tị nạn. Có khoảng 19.000 quân Liên Hiệp quốc đến để giúp đỡ trong gần hai năm, phí tổn mỗi tháng là 120 triệu mỹ kim. Họ rút quân vào năm 1995. Hàng năm, nửa triệu người Somalia vẫn tiếp tục đến trại Ethiopia và Kenya.

Ở Nam Tư thì sao? Vào năm 1994, có gần bốn triệu người đã sống nhờ vào sự cứu giúp của Liên Hiệp quốc. Ngân quỹ năm 1993 là 420 triệu. Vùng an toàn của người Serbrenica rơi vào tay của quân Bosnia-Serb vào tháng 7-1995, 40.000 người làm việc cho Liên Hiệp quốc đã bị kẹt lại không tin tức.

Tại Rwanda và Zaire. Các trại tị nạn được thành lập vội vã tại Zaire với phí tổn điều hành mỗi ngày 1 triệu mỹ kim, đã tràn ngập người vào năm 1994 vì nạn diệt chủng tại Rwanda. Cao ủy Tị nạn phải điều hành phi trường, cung cấp nước sạch, lo y tế và chôn cất người chết. Chiến tranh lan rộng sang Zaire. Mặc dù có giờ đình chiến nhưng các trận đánh nhau ác liệt đã khiến các người đến cứu trợ phải rút khỏi Goma, khu các trại tị nạn thuộc Zaire. Liên Hiệp quốc hiện đang mong rằng họ có thể lợi dụng các cuộc đình chiến và các vùng an toàn từ Goma tới Zaire để đưa họ đi tản cư.

Tại Afghanistan, luật lệ hà khắc đối với đàn bà là một trong các nguyên nhân khiến hàng ngày có khoảng 900 người bỏ xứ trốn đi. Hiện có khoảng gần 3 triệu người đã chạy trốn đến Iran và Pakistan. Một số các phẩm vật tiếp tế của Liên Hiệp quốc đã được đưa vào Kabul. Nhưng Liên Hiệp quốc cũng không làm gì được hơn là theo dõi tình trạng tại đây.

24-11-96 - 5:00 PM giờ California

Trên phi cơ Cathay đi từ Hongkong đến Los Angeles.

Nơi trang 10 của tờ báo này là trang tin tức thế giới. Một tấm ảnh lớn khác cũng liên quan đến một người đàn bà trẻ đẹp. Bà cựu Thủ tướng Benẵir Bhutto, đầu choàng khăn trắng mỏng, đang tươi cười, tay mặt giơ cao chào dân chúng đang chào đón ủng hộ bà. Tòa án Tối cao của Pakistan đã từ chối thỉnh nguyện của bà chống Thủ tướng Farooq Ahmed Leghari. Hình chụp ngày thứ bảy 23-11-1996, trong chuyến vận động của bà tại Rawalpindi.

6:10 PM chủ nhật. Vẫn trên phi cơ.

Còn 20 phút nữa là tôi sẽ gặp lại Thịnh tại phi trường Los Angeles. Hôm chúng tôi gọi từ Singapore về nhà gặp Thịnh, Thịnh bảo là rất lo vì thấy trên truyền hình chiếu tại Hongkong có đám cháy lớn.

Thật vậy, trên tờ Sunday Morning Post có trang đặc biệt nói về trận hỏa hoạn tại đường Nathan, đúng nơi chúng tôi đã ở mười ngày tại khu Cửu Long. Chúng tôi rời khách sạn vào sáng thứ tư 20-11-96 lúc 7:00 giờ sáng thì ngay chiều hôm đó lúc 5:37 giờ chiều, lúc phi cơ trực thăng đến chữa, thì ngọn lửa đã cháy ra cửa sổ, khói đen mù mịt 3 tầng cuối của khu thương mại 16 tầng trên đường Yau Ma Tei. Có 39 người chết, 81 bị thương, và 90 người được cứu thoát tại tòa nhà Garley, số 233 đường Nathan.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880