Loi Cà Thon: lễ thả bè cầu nguyện cho người chết

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30915)
Loi Cà Thon: lễ thả bè cầu nguyện cho người chết

6-11-95, 11:00 giờ đêm - Chùa Hoàng gia Cẩm thạch

Ngoài trời pháo nổ liên hồi. Tiếng xe hơi xe gắn máy người đi lại vang rền. Tuy ngồi trong phòng, nhưng tôi hình dung được cảnh tượng rộn rịp bên hông chùa. Dọc theo lề bên kia đường kéo dài theo bờ sông, các ông bà cụ, các thanh niên thiếu nữ, và cả các em bé nhỏ đều đang cầu nguyện. Hai tay họ nâng chiếc bè nhỏ làm bằng một khoanh thân cây chuối, trên có gắn hoa, lá, đèn cầy, nhang hay pháo. Họ thành khẩn cầu nguyện lâm râm xong, cúi xuống đặt nhẹ chiếc bè trên mặt nước cho nổi lên, rồi khoác nhẹ nước đưa đẩy bè trôi ra xa.

Dưới nước nhiều cậu bé Thái, có cả vài thanh niên và một thiếu nữ mặc nguyên cả y phục, đang bơi lội theo các chiếc bè. Khi chụp được bè, họ cho ngón tay vào moi tìm các đồng xu trong đó, sau đó đẩy những chiếc bè nhỏ trôi ra giữa dòng nước. Có những chiếc bè còn nguyên cả hương đèn, có cái sớm bị lật chìm hay tắt ngúm.

Hôm nay là ngày lễ Loi Cà thon, có nghĩa là thả bè để cầu nguyện cho người quá vãng, cho hết vận xui. Tính theo Thái lan là ngày 15 tháng 12 Phật lịch 2538. Mỗi năm đến ngày này là người Thái kéo nhau ra bờ sông cạnh chùa thả bè.

Từ buổi chiều, tôi và Quốc Phong thả bộ xem các bà các cô Thái trải chiếu dài theo lề đường. Các cô gái đôi tay nhanh nhẹn khéo léo, cắt những tấm lá chuối xếp nhọn, ghép lại, rồi dùng kim ghim quanh khoanh chuối. Họ quấn các đóa hoa lên các cây nhọn, rồi cắm lên mặt những khoanh chuối này. Họ dùng đủ loại hoa, như hoa lan, hoa lài, nhiều nhất là vạn thọ, cùng các loại lá cây nhiệt đới nhiều sọc nhiều màu sắc. Họ còn lột những lớp vỏ thân chuối xếp thành nhiều kiểu hoa gắn quanh bè trông rất đẹp mắt. Một bè hoa hạng trung to bằng bàn tay giá 30 baht.

Buổi tối tôi trở ra đi quanh quẩn quan sát, làm quen cùng một cô gái Thái nói chút ít tiếng Anh. Cô giúp tôi hỏi giá mua một bè chuối 35 baht. Tôi nâng bè chuối trên tay, theo các chị em cô gái Thái đến ngồi dọc theo bờ sông cầu nguyện, rồi thả xuống nước.

Tôi lại nhờ cô hướng dẫn tôi mua một đôi chim trong lồng nhỏ, và một con rùa trông mạnh mẽ và cứng cáp. Nó cứ bò lăng xăng trong thau đựng tìm cách leo lên mép thau. Bà bán hàng bỏ con rùa vào bao ny lông trao tôi, cùng lồng chim nhỏ.

Ban chiều tôi đã quan sát người ta thả chim, nên biết phải làm thế nào. Cửa lồng mở ra mà hai con chim vẫn không chịu bay. Cô gái Thái bắt một con, tôi cũng thò tay vào chộp “anh” thứ nhì ra. Có lẽ tôi nắm hơi mạnh tay, nên khi chú chim đập cánh bay lên có một nắm lông rơi lã tã xuống. Ai cũng cười vui vẻ. À, chú rùa giá 50 baht, còn đôi chim 20 baht.

Chúng tôi trở lại bờ sông. Tôi bảo cô Thái cùng cầu nguyện với tôi. Lần đầu thả bè tôi cầu nguyện cho hai bà mẹ, gia đình tôi và các em. Khi phóng sanh chim và rùa, tôi cầu nguyện cho đất nước Việt Nam được tự do ấm no hạnh phúc. Tôi cầu nguyện chư Phật Tổ Phật Thầy phò hộ cho người tị nạn được tự do, tai qua nạn khỏi, thân tâm an lạc, dù có được đi đến nước thứ ba hay phải trở lại Việt Nam.

Tôi ngồi nhìn theo chú rùa bơi lội lòng rất thích thú. Chú rùa lội từ bên này sang bên kia sông chứ không thả theo dòng nước. Chú ngụp lặn thật tài tình. Có lúc lặn khá lâu khiến tôi hơi hoang mang. Cô Thái vỗ vỗ lên đầu gối tôi cười bảo đừng đi vội. Cô chỉ mấy đứa bé đang bơi lội dưới sông và bảo, “Don’t go. They take and sell. No good”. Cô sợ các em lại bắt con rùa lên bán lại. Không biết chúng có bắt rùa không, chứ các bè hoa mà người ta thả sông tôi không thấy em nào mang lên bán lại cả. Cô gái lúc nãy lấy bè chúng tôi mang xuống nước thả dùm trở lên bờ, móc trong túi ra một bọc ny lông nhỏ đựng đầy tiền xu.
Con rùa đã lặn mất dạng. Các em cô gái Thái bu lại vì đã xong việc thả bè. Cô từ giã tôi rồi dẫn các em về. Tôi quyến luyến tần ngần nhìn quang cảnh trên sông đầy các bè mong manh chở hoa lá hương đèn cờ phiến nhiều màu sắc với ánh đèn lấp lánh như ánh sao đêm trên mặt nước phản chiếu ánh sáng. Con sông đào nho nhỏ bên hông chùa này thường ngày nước rất ít, nặng mùi, và đục ngầu vì cống rãnh từ các dãy nhà gần đó thoát ra. Sáng nay, chính quyền theo thông lệ, cho mở thêm nhiều nước chảy đầy lên và nhanh hơn cho dân chúng đến thả bè.

Gần khu tôi ở, cũng trong khuôn viên chùa, có một tòa nhà đang tấp nập khách dự tang lễ của một ông tướng. Các cô gái Thái mặc đồ đen tiếp tân sau khi cầu nguyện ở ven sông và thả bè. Cô nào cũng cao gầy, tóc dài, ăn mặc trang nhã. Hồi chiều đi dạo, Quốc Phong nhận xét gái Thái lan bây giờ đẹp và cao quá, lúc các cô đi ngang qua, đầu cao hơn Phong khá nhiều. Nhạc Thái có tiếng đàn bập bùng vang vọng lại, nghe hơi giống nhạc Cao miên quen thuộc của tôi. Tôi bảo Phong là nhớ Cao miên quá. Nghe nhạc Cao miên là cứ muốn múa “lầm thon”.

Tôi dừng lại ở một xe bán đậu và khoai lang hấp, mua 40 baht khoai lang dương ngọc màu tím. Cạnh đó là một ông bán khô mực, đang nướng khô trên lò than bốc mùi sực nức. Loại lớn 30 baht, loại nhỏ 15 baht. Mực nướng không kịp, ông bán cứ gấp con này cho vào máy quay cho dẹt ra, thì lại phải kẹp con kia cho vào vĩ nướng đặt trên lò than hồng. Quay con khô vài lần, ông lại bỏ vào bao ny lông, cùng với một chén ny lông nhỏ đựng thứ nước sốt chua cay màu đỏ.

Tôi từ từ đi về hướng chiếc cổng nhỏ bên hông chùa vào tòa nhà ba tầng nơi tôi đang ngụ. Dọc đường tôi gặp lại ông bán dừa tươi và nước mía. Lúc nào chiếc xe đẩy của ông cũng có dừa tươi gọt hết vỏ, và đầy ắp những chai nước mía ép sẵn. Mấy lần tôi mua nên ông biết ý. Dừa phải mềm. Ông dùng cây dao phay dài nhọn chặt vòng quanh đầu trái dừa, nạy miếng vỏ dừa cứng lên rất khéo léo. Thịt dừa trắng nõn lộ ra khoảng một phần ba trái. Ông lấy ống hút châm vào đưa cho tôi. Có khi tôi mua dừa dâng quý thầy trụ trì trong chùa và quý thầy cùng phái đoàn. Vị thầy trụ trì còn trẻ, mắt to đen trông hiền hòa và tinh anh, lúc nào cũng mỉm miệng cười, ông có tướng đi rất chậm chạp, như cân nhắc từng bước một.
Buổi tối quý thầy không dùng bữa, vì chư tăng Thái chỉ dùng ngày hai bữa sáng và trưa mà thôi. Do đó đến 6:00 giờ chiều là tôi và Quốc Phong thả bộ đến khu chợ bên kia hông chùa tìm thức ăn. Chợ còn mở nhưng các quầy bán thức ăn uống đều đang được dọn dẹp. Hai cô cháu trở ra. Lúc sắp băng qua đường, chúng tôi hỏi một anh lính Thái lan nơi nào có thức ăn. Anh nói một ít tiếng Anh, và sốt sắng ngoắc chúng tôi đi theo anh. Đến một khu quân đội, anh bảo chúng tôi chờ. Khi chạy xe ra cổng, anh bảo lính gác mở cửa cho chúng tôi lên, và chở đến một khu phố có nhiều xe thức ăn buổi tối bắt đầu bán cho các khách đầu tiên vừa tan sở.

Hai cô cháu không thích đồ xào, nên chọn một xe bán canh và rau cải. Họ chỉ bán có mỗi một món canh mà hai vợ chồng và cô con gái nhỏ lên mười làm không kịp. Quốc Phong đãi tôi ăn, mỗi người chỉ tốn 20 baht mà no bụng - 1 mỹ kim bằng 24.9 baht.
Tôi mua chôm chôm, nhãn và táo tàu. Táo tàu thật to mà chỉ có 13 baht một ký, trong khi đó trái bòn bon đến 112 baht một ký nên tôi không mua. Chúng tôi ăn xong vào khoảng 7:00 giờ tối. Các cô các cậu Thái đứng đợi xe buýt rất đông. Nhiều người ăn xong mới về hoặc mua thức ăn nấu sẵn đựng trong bao ny lông. Tôi thấy nhiều loại chè, và bánh kẹp trong rất ngon lành, nhưng đã no quá. Tôi muốn mua dâng quý thấy, rồi nhớ lại mấy lần Phong mời thầy dùng thức ăn vào buổi chiều hay tối đều bị thầy la nên thôi.

8-11-95

Buổi trưa khi Phong đến tòa lãnh sự Việt Nam để xin giấy về thăm bà ngoại bị đau nặng, tôi cứ buồn và lo lắng cho cháu. Khi cháu lên xe, tôi cứ dặn cháu phải ngồi sát và ôm ông tài xế xe Honda ôm cẩn thận. Ông tài có trao cho Phong chiếc nón sắt đội lên đầu như ông.
Buổi sáng hai cô cháu rất vui. Hôm qua có khoảng mười ông đến tu tập để cầu nguyện cho một người mới qua đời. Khi đến họ đều mặc đồ quân nhân. Có thể là tu để hồi hướng cho ông tướng kia chăng? Người nhà của họ mang đến một nồi cháo thật to. Thầy bảo hai cô cháu múc thêm ra thố để dành trưa ăn.

Quốc Phong đi ra tòa lãnh sự lấy visa xong, đi mua vé máy bay. Lúc về Phong bảo, “Cô ơi họ kẹp bài báo của cô trong giấy thông hành của con. Lúc con lại họ hầm hầm, nạt nộ con. Họ lấy bài báo ra vò xé trước mặt con.”

Tôi mở túi xách của Phong ra, lấy quyển Cô bé làng Hòa Hảo gói trong giấy quà mang trở lại phòng mình. Phong dự định mang về Việt Nam cho bạn bè đọc. Phong bảo, “Có gì họ lấy chớ có sao đâu, con đâu có làm gì mà sợ”. Nhưng tôi không muốn. Tôi muốn chuyến đi của Phong cho suôn sẻ.

Hôm qua hai cô cháu bàn. Tôi dự định để vào phụ lục trong quyển sách sắp ra bài thơ “Tuổi trẻ Việt Nam” do tôi viết năm 1984, và hình ảnh các em bé ở Sikiew và Việt Nam, vì bài thơ tôi nói đến các em bé tị nạn và các em bị đeo khăn quàng đỏ. Các em bé bị gán cho nhãn hiệu chính trị nào đó rồi bị dạy để lớn lên thù ghét nhau, chứ tuổi thơ có hiểu biết gì đâu. Còn tuổi trẻ ở hải ngoại lắm em cũng ở bên ly cà phê hay bàn bi da vì thiếu người hướng dẫn.

9-11-95

Không hiểu con sâu bò vào phòng tôi từ ngõ ngách nào, mà khi thức dậy tôi đã thấy nó nằm gần tôi. Không lẽ nó nằm trong chiếc bình hoa lan mà tôi chưng đặt trên chiếc bàn vuông Nhật bản.

Tôi cứ tưởng hành lý sẽ đầy ắp các món quà, nhưng bây giờ thì va li trống rồi. Áo sơ mi, các bộ đồ bộ, cà vạt... mua ở khu bán hàng trên đường Sukhumvit, và các thứ nữ trang giả mang từ Mỹ sang, đều đã được gói ghém thành từng túi để Phong mang về Việt Nam tặng một số bạn bè cũ của tôi, bây giờ sống chật vật khó khăn.

Tôi ngưng bút để ra ngoài rửa trái cây sắp vào dĩa đặt sẵn trên bàn. Hôm nay quý thầy và quý ông thường dân Thái vào chùa tu đông quá, nên mới 5:00 giờ sáng tôi thấy chiếc kệ gần phòng tôi đã trống, chỉ còn lại vài bình bát. Tôi phải đợi quý thầy vào ngồi ăn lúc 7:00 giờ, rồi lấy một mảnh khăn vàng dài trải trên bàn, đặt món gì mình muốn cúng dường lên một đầu khăn. Quý thầy kéo khăn một chút rồi nhận. Các thức ăn gì tôi mang về để tủ lạnh hoặc để trên bàn thì quý thầy không đụng tới. Khi có ai cúng dường thì quý thầy mới dùng.

Thức ăn dùng xong, quý thầy dọn dẹp đặt vào một nồi hấp, để dành ăn buổi trưa. Có khi Phật tử đến dọn dẹp rồi mang thức còn lại về, vì không còn ai ăn buổi chiều. Thỉnh thoảng trẻ em hoặc người nghèo đến xin ăn.

Nếu không ở đây lâu quen mặt, chắc tôi không được biết thầy nào tu lâu thật sự và thầy nào chỉ đến tu theo ngắn hạn. Với phương thức tu hành theo Phật giáo Thái lan này ai cũng có thể được tu dù cho có gia đình. Một vị thầy cho biết có nhiều người xin vợ cho tu một hoặc hai năm rồi trở về gia đình. Có người tu luôn. Thầy nói có các buổi lễ hoàn tục. Các gia đình đưa các cô gái đến ngồi một hàng nơi các ông thầy đến đứng. Ông nào chọn đứng trước cô nào thì sẽ cưới cô đó làm vợ. Cô nào hên thì gặp ông đẹp trai, nếu gặp ông xấu thì cũng phải chịu.

Ở Thái lan, người dân quý trọng chư tăng vô cùng. Hôm chúng tôi đến viếng chùa Grand Palace, nơi nhà vua tu trước đây, đi đến đâu chư tăng cũng đều được trọng vọng cung kính. Chư tăng trao cho món gì thì các quân nhân cũng kính cẩn chấp tay cúi đầu xá. Có khi họ buồn phiền hoặc kém may mắn thì xin thầy ban cho một vật gì để lấy hên.

Tôi đợi 7:00 giờ quý thầy dùng điểm tâm thì mới cúng dường trái cây và kẹo tối qua vừa mua ở World Trade Center của Bangkok. Thật là may mắn khi cô nhân viên ngân hàng Quân đội cho tôi địa chỉ viết bằng chữ Thái, khi tôi hỏi thăm nơi bán quà bằng tơ lụa. Khu World Trade Center bán hàng hóa miễn thuế cho người ngoại quốc. Tôi mua được một quyển tự điển Thái-Anh và Anh-Thái, quyển The Buddhist Saints of the Forest and the Cult of Amulets của Stanley Jeyaraja Tambiah.

Quyển sách sau tôi định biếu cho thầy Anan Chaiasa, vì thầy thích tu trong rừng. Thầy tu ở trong rừng Sutsan (hay Pà xa) Trailac Lampan, gần một vị thầy nổi tiếng tên Kasam. Hôm qua thầy kể cho tôi nghe khi thầy đi khất thực thì một người khác tôn giáo hỏi thầy ở đâu, ông ta vỗ vai thầy thay vì cung kính chấp tay xá, rồi ông ta bỏ vào bình bát của thầy hai đồng xu Thái. Lúc đó câu chuyện thầy và tôi đang thảo luận là thiền quán, và cho rằng điều quan trọng là phải tỉnh thức thường trực hơn là các phương pháp dùng để vào thiền. Nhờ tỉnh thức mình mới hiểu được nguyên do các hành động của người khác. Họ đối với thầy như vậy vì không hiểu tôn giáo của thầy. Hiểu được như vậy thầy thương họ và không phiền trách.

Thầy Anan có nước da đen của người Thái, mắt thầy to và sáng, nụ cười tươi tắn, và thầy hay cười lớn tiếng. Thầy kể chuyện vị thầy Kasam tu ở trong rừng, nơi người ta hay mang xác đến để hỏa thiêu. Thầy không màng gì cả dù tiếng tăm. Nhiều người nghèo đến đánh cắp mùng của thầy, thầy chỉ bảo lấy mau mau đi kẻo dân làng bắt được.

Tôi rất mừng khi gặp tiệm sách Asia. Tôi lật sơ qua quyển sách tôi mua dâng thầy, thấy nói về lịch sử và cách tu khổ hạnh của chư tăng Thái lan tu trong rừng. Sách nói rằng khi chư tăng đắc quả sẽ đem lại ảnh hưởng tốt cho cả vùng, có khi cả quốc gia của họ.

Tôi cũng chọn cho mình quyển The Book of Tea của Kakuko để tìm hiểu nghệ thuật uống trà Nhật bản, và quyển sách tôi rất thích là The Art of War của Sun Tzu do Thomas Cleary dịch, để dành tặng Quốc Phong khi Phong từ Việt Nam về lại Hoa kỳ. Hai quyển sách xinh xắn, chỉ bé bằng bàn tay. Quốc Phong thông minh, tôi nói điều gì cũng hiểu rất nhanh. Tôi bảo, cô phải học lại từ những người trẻ, vì một số điều cô biết đều đã lỗi thời rồi.

9-11-95, 5:45 giờ chiều - Chùa Hoàng gia Cẩm thạch

Tiếng hô biểu tình chống chính phủ của khoảng 100 người dân Thái lan vang vọng từ ngoài đường vào đến tận chùa, hòa lẫn trong tiếng động cơ xe hơi, xe gắn máy, hay xe ba bánh tuk tuk.

Tôi vừa ăn chiều xong ở khu bán hàng bên kia đường, thì thấy một số dân Thái đang ngồi chồm hổm ở một góc đường, chung quanh họ cảnh sát Thái vây đầy. Tôi hỏi thăm một quân nhân trẻ đứng trước cơ quan quân sự gần đó, kề bên hoàng cung. Anh cho biết dân ở nơi xa cất nhà tại đất chính phủ. Nay chính phủ cất chung cư cho ở, họ không chịu dời về đó.

Mọi người đứng dậy la ó. Thấy đèn chụp hình chớp lia lịa, tôi chen vào xem. Một số người thì đang vạch áo một em bé trai khoảng mười hai tuổi, người lấy dầu xoa, người chỉ chỏ la hét. Em bé khóc lóc mếu máo. Một ông già lột luôn áo của em ra cho dễ chụp hình. Họ xúm lại thoa bóp em bé làm như em sắp chết. Ngang em, nhóm khác cũng đang đấm bóp cho một cô gái nằm dưới đất. Cô này khóc bù lu bù loa. Có người lại bấm bấm huyệt đạo nơi lưng và cổ của cô ta.

Bên ngoài cũng có người tủm tỉm cười. Có lẽ họ nghĩ rằng mấy người này đang nằm vạ chính phủ. Biểu tình khá quen thuộc với người dân Bangkok. Ở vòng ngoài, có nhiều quân nhân mình đeo đầy lon lá, hoặc mấy ông lớn mặc đồ vét đi tới đi lui ra vẻ xem xét tình hình. Nhiều cảnh sát liên lạc với nhau bằng máy cầm tay.

Tôi rời đám biểu tình trở về con đường quen thuộc. Hai bên đường các xe thức ăn đang chờ đón tôi. Tôi chỉ tìm ông bán dừa tươi. Tôi chỉ giơ một ngón tay. Ông ta gật đầu. Hôm nay ông lựa trái dừa hơi non mỏng cơm. Ông chặt xong thì nó vỡ ra chảy nước. Ông vội đặt ống hút vào cho tôi. Tôi bẻ miếng dừa ra, ăn xong thịt dừa ngọt mềm, lại dùng miếng vỏ cứng để nạo phần dừa non còn lại. Ôi ngon tuyệt! Bên trong chánh điện có lẽ quý thầy đã tụng kinh xong và quay về phòng. Cửa chánh điện đóng chặt im lìm.

Trời bắt đầu tối. Tôi ngồi nơi băng đá cạnh bờ hồ. Gần đó một cặp tình nhân đang ngồi sát vào nhau thủ thỉ. Các nhân viên bán vé, bán nước của các cửa tiệm vừa kéo cửa sắt xuống khóa lại. Tiếng chim ríu rít trên cành bắt đầu nghe rõ. Chỉ còn hai tiếng nữa tôi lại rời chùa lên sân bay. Tôi cảm thấy quyến luyến nơi này một cách lạ lùng.

Phố đã lên đèn. Tiếng kèn báo chiều tối của quân đội Hoàng gia Thái lan vang lại, từ phía hoàng cung và các cơ quan tổng hành dinh quanh khu vực nhà chùa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880