Singapore, thành phố trật tự và an ninh

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31613)
Singapore, thành phố trật tự và an ninh

20-11-96

Tiếng cô xướng ngôn viên của phi trường Kai Tak - Hongkong vang vang một tràng tiếng Tàu, rồi kết luận "Tố chè". Tôi chỉ hiểu được hai tiếng cuối này có nghĩa là cám ơn. Bên Trung quốc thì họ nói là "Xề xề". Lúc nãy cô có dặn dò hành khách bằng Anh ngữ, là đừng để các túi xách không có người trông nom, vì sợ ai đó bỏ vũ khí vào. Khi trở xuống tầng dưới mua thức ăn sáng tại Mc Donald, chúng tôi gặp một người bạn về Hà nội cùng với gia đình. Cô được nghỉ 5 giờ tại đây nên đổi tiền ra phố chơi. Nghe chúng tôi thăm trại tị nạn, cô bảo cô về thăm các viện mồ côi. Cô có mang theo quần áo cho trẻ em.

Sáng sớm khi đi taxi rời khách sạn, trong lòng tôi dấy lên một sự xúc động mạnh mẽ. Tôi muốn khóc như lúc cha Vang nói chuyện điện thoại cùng bà luật sư Pam Baker để giới thiệu tôi. Khi nghe hai người cùng lo cho thuyền nhân tâm sự hỏi han nhau, tôi không cầm được nước mắt. Hôm kia, tôi gặp dì phước Josephine ở bệnh viện Caritas bên đảo Hongkong, khi theo cha Vang đi xin quà cho người tị nạn. Dì già và thật hiền lành dễ mến. Bà Pam cũng gầy ốm, nhưng đầy năng động khi làm việc. Bà Pam người Anh, dì Jo người Ý, sơ Edith cũng người Ý. Tất cả đều tận tâm lo cho thuyền nhân Việt Nam.

Những ngày ở Hongkong chúng tôi thật bận rộn. Đi thật nhiều nơi, về nhà tôi tập trung tinh thần viết bài tường thuật, không có thì giờ biên nhật ký. Sáng nay, khi xe taxi chạy ngang ngôi chùa cạnh khách sạn, tôi chợt nhớ đã quên ghé chùa cảm tạ Phật Bà giúp cho chúng tôi được vào trại thăm thuyền nhân. Hôm từ giã cha Vang, tôi cũng có ghé nhà nguyện để cảm ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Hôm nọ, khi nói chuyện điện thoại với chúng tôi, Thịnh cười khi nghe chúng tôi đi dự lễ rước tượng Đức Mẹ Fatima. Thịnh hỏi sao chúng tôi khác tôn giáo mà lại đi. Tôi bảo Đức Mẹ bên Thiên Chúa giáo cũng như Phật Bà bên Phật giáo vậy.

Nếu tôi không viết thư kể cho cha Vang về giấc mơ của tôi thấy bà phước, sau đó thiên thần có hai cánh bay từ trên trời xuống, và 10 điều “Tâm Niệm”, thì chắc Tài sẽ không tin là sự thật. Tôi bảo với cha Vang là Đức Mẹ cho tôi thấy trước là sẽ gặp Mẹ. Trong tài liệu mà ban tổ chức phát ra tại nhà thờ chánh tòa của đảo Hong Kong, vị thiên thần hiện ra gặp các em bé để thông báo về sự xuất hiện của Mẹ là Thần Hòa Bình...

Cô Tàu dự lễ đứng cạnh tôi hát thánh ca thật hay, thỉnh thoảng cô đưa tay lên lau nước mắt vì xúc động. Khi nghe về giấc mơ của tôi, cô nói như vậy là tôi có "nghĩa vụ rao truyền lời của Đức Mẹ Fatima". Cô bảo vì trường hợp tôi dự lễ rước tượng này rất hi hữu. Tượng Đức Mẹ Fatima được rước một lần qua Hongkong cách đây 50 năm, giờ mới trở lại. Đó là năm 1947, đúng năm tôi chào đời.

Tôi chợt nhớ lại, trước khi đi qua Hongkong thăm thuyền nhân ba tháng, tôi có chiêm bao thấy liên tục ba điều rất lạ. Trước tiên là hình ảnh một dì phước mặc áo dòng đội khăn choàng, in trên bìa sách của Herman Hesse. Sau đó, có một thiên thần từ trên không trung bay xuống. Cuối cùng là dòng chữ "Mười Điều Tâm Niệm" hiện ra trước mắt. Khi thức dậy, tôi lấy "Mười Điều Tâm Niệm" của Hoàng Đạo trên kệ xuống đọc, và thấy thích hợp cho thanh niên vào điểm giao thời trong xã hội Việt nam. Mười điều đó là: 1) Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự; 2) Tin ở sự Tiến Bộ, một ngày có thể một hơn; 3) Sống theo một lý tưởng; 4) Làm việc xã hội; 5) Luyện tính khí; 6) Phụ nữ ra ngoài xã hội; 7) Luyện lấy bộ óc khoa học; 8) Cầu sự nghiệp không cầu công danh; 9) Luyện thân thể cường tráng; 10) Cần có trí xếp đặt.

Đức Phật Thầy Tây An cũng có bài kệ "Mười Điều Tâm Quyết" khai ngộ Tâm Phật cho người. Mười điều đó là: 1) Trung kiên cùng lý đạo; 2) Chân thật trong ngôn ngữ; 3) Giữ gìn đức hạnh; 4) Giữ pháp môn quy luật; 5) Tránh sân nộ; 6) Chuyên trì học đạo công phu; 7) Gia tăng công quả; 8) Trọn lòng hy sinh cho Phật Đạo; 9) Trưởng dưỡng lòng từ bi; 10) Giữ trọn Tứ Ân.

Tuy nhiên, vì hình ảnh của bà phước và thiên thần, tôi nghĩ có lẽ mười điều trong chiêm bao cũng là "Mười Điều Răn” của Chúa Trời trên tảng đá, do Thánh Moses lấy từ trong sa mạc.

Lúc tôi có giấc chiêm bao lạ đó là vào thời điểm sôi động của thuyền nhân bị cưỡng bức tại Sikiew, Thái lan. Tôi cứ đinh ninh là sẽ đến viếng một cơ sở Thiên Chúa giáo nào tại đó, như nhà thờ St. Mary của cha Nam Vong. Không ngờ giấc mơ này lại ứng hiện với đầy đủ các nhân vật và biểu tượng, trong chuyến đi bất ngờ, “tháp tùng" Tài ghé Hongkong, trước khi đến Singapore hội thảo.

Ngày đầu tiên đến Hongkong, khi vào văn phòng linh mục Trần Công Vang, thấy quyển Trái Tim Đức Mẹ, nguyệt san truyền bá mệnh lệnh Fatima, tôi chợt liên tưởng đến giấc mơ của mình. Nơi trang mục lục, góc trái có in hình Đức Mẹ choàng khăn giống hình dì phước mà tôi đã thấy.

Cuốn báo TTĐM tháng 11 năm 1996, số 227, có chủ đề “Mười Điều Răn: Mến Chúa Yêu Người". Bài mang tựa này nơi trang 3 do T.T.D.M. viết. Trang 4 có bài "Mười Điều Răn: những giới luật của tình thương" do L.M. Inhaxiô Hải Dương, CMC. Trang 16 có bài "Tổng kết Mười Lời kêu mời của Thiên Chúa" do L.M. Hoàng Minh Thắng viết từ Roma.

21-11-96

Tài đang vào phòng điều chế của công ty Hanjin với John và Eddie. John là thương gia tại Mỹ thường buôn bán với công ty của gia đình tôi. Họ đã từng ngồi cùng bàn với nhau khi chúng tôi đi hội thảo về hải sản tại Las Vegas tháng trước. Công ty của Eddie chuyên xuất cảng, còn công ty chúng tôi chuyên phân phối sỉ lại các công ty buôn lẻ cho nhà hàng hay siêu thị.

Thành phố Singapore nhỏ bé, tươm tất, không khí khác hẳn cảnh náo nhiệt, ồn ào, có nhiều rác của đường phố tại Hongkong. Ít màu sắc và mùi vị (hôi) hơn. Bước xuống phi trường, chúng tôi đã có được cảm giác tươi mát của cảnh vật với nhiều cây cỏ, tuy không khí hơi ẩm ướt và nóng như ở Việt Nam. Phi trường trưng bày hoa miền nhiệt đới, nhiều nhất là hoa lan.

Trời lất phất mưa khi taxi đưa chúng tôi về khách sạn. Chỉ cách Hongkong có ba giờ bay mà khí hậu đột nhiên khác hẳn. Mưa phùn làm không khí thoáng mát, nắng dìu dịu.

Lúc nãy, John đưa chúng tôi đi ăn sáng theo đúng kiểu người Singapore. Tiệm ăn ở tầng nhì của khu chung cư. Bữa ăn sáng thịnh soạn nhiều món “chắc bụng”, gồm có một chén cơm, một tô canh cải, một tô canh sườn hầm với tiêu và gia vị, một dĩa đậu hủ kho nguyên miếng vuông lớn, một tô giò heo kho, một tô gan và cật trụng nước sôi. Mâm dọn lên có cả ớt tươi, ớt satay và nước tương.

Cũng giống như bên Hongkong, trước khi ăn phải tráng chén đũa bằng nước trà, nhưng hai cách có hơi khác. Bên Hongkong thì nhúng đũa muỗng vào ly trà, đổ trà vào chén tráng qua, rồi đổ xuống một thùng hay ống nhổ đặt dưới bàn. Còn Singapore thì cạnh bàn có ấm nước sôi. John mở bao trà lấy ra một nhúm bỏ vào bình trà nhỏ bằng nắm tay, sau đó mới chế nước sôi vào. Xong lại rót ra một tô lớn có nắp đậy đặt trên bàn. John đổ nước sôi vào muỗng, chung trà để sẵn trong đó, tráng qua tất cả mọi thứ, rồi trao cho mỗi người một cái muỗng, một cái chung. Sau hết, John nhúng đũa ăn vào trà rồi trao cho chúng tôi, kèm theo miếng giấy mỏng mà John mang theo dành để lau đũa, chung và muỗng.

Người hầu bàn bưng một mâm ra đủ các thức ăn có cả cơm cho mỗi người một chén nhỏ. Ở đây khách không cần gọi cơm như bên Hongkong. Bên Hongkong, có lệ ăn vã các món ăn một lúc, rồi mới gọi cơm. Mỗi người chỉ dùng một chén cơm nhỏ.

Người Hongkong rất thích ăn uống, họ ăn suốt ngày đến cả nửa đêm. Các đường phố Hongkong đầy các cửa tiệm ăn, hàng quán, chợ búa. Phố xá lúc nào cũng tấp nập người, chợ búa ồn ào giống như ở Việt Nam, có các sạp bán hàng tươi hàng sống, thịt cá rau cải trái cây đủ loại, cũng có cả các xe đẩy rong ngoài đường phố. Ban đêm gần khách sạn Caritas, nơi chúng tôi tạm trú, gần đường Nathon, lớn nhất ở Cửu Long (Kowloon). Cứ mỗi lần đi bộ trên đường Nathon là Tài than bị chóng mặt vì quá nhiều hơi khói phà từ các thứ xe buýt, xe taxi xe hơi đủ loại. Họ chạy xe rất sát nhau. Khi ngồi trên tầng lầu xe buýt, chúng tôi rất sợ vì xe buýt luôn luôn thắng sát xe trước mặt, cách không đầy một gang tay.

Điểm đặc biệt ở Hongkong, tức là Hương Cảng, là câu chuyện truyền thuyết về mùi hương thơm từ các cây trên núi rừng từ xưa; thế nhưng ngày nay lại hôi hám vì mùi cống rãnh hoặc tiểu tiện bay ra từ nhiều nơi, nhất là các công viên và đường hẽm nhỏ. Các vách tường thường ẩm ướt vì khách đi đường nếu thấy cần cứ ghé lại một cách rất tự nhiên. Mùi hôi có lẽ còn đến từ các hàng quán ban đêm. Khu chợ Đêm gần khách sạn có bán đủ loại quần áo. Gần đó có chợ Đàn ông và chợ Đàn bà. Đồ đạc ở đây trông gần giống khu Phước Lộc Thọ và Bolsa, vì người Việt hay sang Hongkong mua đồ về bán - rồi từ đó người Việt tị nạn lại mua gởi về Việt Nam.

Tôi cũng có đi chợ Cẩm thạch tại Hongkong. Cẩm thạch đầy từng sạp nhỏ, đổ thành từng đống mà tôi không dám mua, bởi vì đồ giả và đồ thật lẫn lộn. Họ nhuộm hoặc chích vào trông như thật.

Ở Singapore có luật cấm làm đồ giả. Nếu bán đồ giả sẽ bị phạt nặng. Cho nên du khách đến đây thích mua sắm các món đồ thường bị giả như đồng hồ hoặc nữ trang. Thành phố thật sạch sẽ, ngăn nấp. Nếu bỏ rác bậy sẽ bị phạt 1000 đồng tiền Singapore, lần thứ nhì ngoài bị phạt tiền còn phải mặc đồng phục đi quét rác ngoài đường nửa ngày. Nếu bán ma túy sẽ bị xử tử. John cho biết thành phố rất yên lành, an toàn, không có bạo động, giết người, giật bóp, vân vân... Ban đêm phụ nữ có thể đi ngoài đường lúc 3:00 giờ khuya. Như vậy nơi này cũng an toàn như tại Nhật bản.

Singapore là một quốc gia bao gồm nhiều sắc dân. 76% là người Hoa từ Trung quốc, 15% Mã lai theo đạo Hồi giáo, 6.5% là người Ấn độ. Số còn lại là người Âu châu, với các cộng đồng như Bồ đào nha, Ả rập, Do thái, Armenian vân vân... Dân Singapore có bốn ngôn ngữ chính là Anh ngữ, Quan thoại, Mã lai và Tamil. Mỗi người dân biết ít nhất là hai thứ tiếng, một trong hai là Anh ngữ.

Ông Stanford Raffles người Anh đã thành lập Singapore vào năm 1819, chiếm từ đất của Mã lai. Nhưng từ 1942 đến 1945, Singapore bị người Nhật chiếm đóng, được biến thành 1 trong số 14 tiểu bang của Mã lai vào năm 1963. Đến năm 1965 mới hoàn toàn độc lập. Đây là một bán đảo nhỏ xíu từ cực nam của Mã lai, diện tích chỉ có 618 cây số vuông. Dân số chỉ trên 3 triệu người - vì số sanh kiểm soát kỹ lưỡng, giảm nhiều từ năm 70-80, nhất là ở cộng đồng người Hoa. Nhờ tài quản trị khéo léo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã biến thành một con hổ Á Đông, giàu có phồn thịnh và an ninh trật tự nhất. Mỗi năm có khoảng 7 triệu người đến viếng đảo này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880