Thư hồi đáp từ quê nhà

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31327)
Thư hồi đáp từ quê nhà

An Giang 4 tháng 4 năm 1996

Cháu Năm thương nhớ,

Thơ cháu gởi đúng một tháng cô mới nhận được, đọc thơ xong, cô lấy nón lá và khăn rằn cháu cho đó, đội lên đầu xong kêu xe xuống Bắc An Hòa, qua bắc xong, cô bao một chiếc xe Honda đi Chưng Đùng đến nhà bảo sanh. Cô tiếp xúc với cô mụ, cô nầy sanh năm 1948 ở Vũng Liêm, tên Khoa.

Cô đi tìm những bà cụ chung quanh, có hai bà, một bà 82, một bà 81 tuổi, thì bà nói lúc ông Ba Cụt và thằng Danh đánh nhau, bà có biết lúc đó là cô mụ Ba, ở nhà bảo sanh, sau trận đó không biết cô đi đâu. Còn dinh Ông đã lỡ xuống sông, người ta đem Ông vô đình thờ chung với ông thần đình Long Kiến. Nền nhà bảo sanh cũng lỡ xuống sông. Hiện nhà bảo sanh nay dời vô rạch Chưng Đùng, chợ cũng dời vô chứ không còn ở vị trí cũ vì đất lỡ dữ lắm. Con đường cũ ngày xưa kỳ tôi với cháu về thăm dì Sáu đã xuống sông hết rồi, phải dời đường vô đồng. Từ đình Long Kiến trở vô thì còn, gần Vàm lỡ hết.

Nhà bảo sanh này nghèo, hỏi dân chung quanh vùng họ nói cô mụ mới này làm việc rất tốt, dân đến sanh cho bao nhiêu cũng được, nghèo thì sanh dùm. Ở đây họ ước ao phải có được một cái hồ nhỏ chứa nước để giặt đồ cho sản phụ, chứ giặt dưới sông người ta gánh nước lên xài tội quá. Theo đây cô gởi bức ảnh cô và cô mụ từ nhà bảo sanh Chưng Đùng cho cháu xem, và ảnh vị trí nhà bảo sanh. Xem ảnh cháu, cô thấy cháu khỏe cô mừng, thời gian quá nhanh, mới ngày nào bỏ bom dinh Gia Long, cô bồng cháu Thịnh chun vô cầu thang, mà bây giờ lớn quá rồi, cháu Cường cao bằng ba rồi, muốn cao hơn ba cháu nữa, Huỳnh Mai rất trẻ.

Cô tính từ giải phóng đến bây giờ 20 năm mà gia đình mình chết 10 người rồi đó, cô Mười, Mười Lan, Chín Nga, Antoine, cô Chín, Trát, Tác, dượng Mười Hai, chị Tổng, dượng Năm. Đời là mộng huyễn phải không? Bao nhiêu người thân đã ra đi, cô cũng chờ đi đây. Cô tụng cầu an cho cháu từ rằm tháng chạp đến giờ, hiện nay vẫn tụng, cô tin rằng cháu phải khỏe. Hôm 31 tây cô có gởi cho cậu Út Tông nhờ đem thơ về cho cháu, cô muốn gởi khô bò cho Xuân Mỹ mà cậu không lãnh. Nếu cháu Lệ về, cháu điện cô lên rước cháu về nhà cô chơi, muốn đi Hà Tiên hay Châu Đốc cô sẽ hướng dẫn cháu nhiều cảnh đẹp lắm. Hà Tiên có Thạch Động, lăng Mạc Cửu, chùa Hang, động Thạch Sanh, chùa Phù Dung, bãi biển Bình An rất thơ mộng và sạch sẽ lắm. Rạch Giá bây giờ mở mang nhiều lắm, đền Nguyễn Trung Trực rất là đẹp. Châu Đốc vô chùa Phi Lai có nhà mồ tập thể cả trăm cái sọ người, bị Pol Pot giết, và đi chợ Xà Tón về chùa Bà lúc này rất đông. Nhà bảo sanh ở tổ 3, ấp Long Bình xã Long Kiến, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang (Trạm Hộ Sanh), Chưng Đùng. Phải cô không làm nhà thì cô cho họ 500 ngàn họ làm cái hồ để chứa nước giặt đồ sản phụ rồi, chuyện này cần lắm. Có thể cô sẽ vận động chị em bạn đạo làm việc này. Trạm hộ sinh nền đất vách lá trống trước trống sau thấy tội. Cô có bảo cậu thợ chụp thêm quang cảnh chung quanh, chừng nào cháu Lệ về cô sẽ gởi tiếp.

Năm mới cô chúc gia đình cháu được vạn sự lành, yên vui, hạnh phúc./.

Cô Út

Theo đây cô gởi cho cháu Huỳnh Mai ảnh cô và Trang chụp hôm Tết. Cô mụ hồi cháu sanh HM là cô Ba Thọ đã chết rồi! Mới có người biết rõ là cô Ba Thọ. Cô gởi cho cháu tổng cộng 9 tấm ảnh.

 

 

 

16-4-96

Câu lạc bộ Đại học Saddleback College

Cặp thanh niên ngồi trước mắt tôi cạnh cửa sổ phá lên cười, Cô nàng cầm chai nước trái cây lên uống, xong đến chàng. Gần đó anh cao lớn tóc quăn, hai cái “pát” tóc kéo dài từ màng tang xuống đến cằm, gục đầu xuống học bài. Anh chàng Mễ tây cơ áo đen lúi húi làm toán, thỉnh thoảng gõ cây bút chì lên đầu suy nghĩ. Cô Mỹ tóc vàng ngồi bên cạnh tôi yên lặng đọc bài, đôi kính lão nhỏ xíu của cô trễ xuống má. Cô mặc áo thun, áo lạnh khoác ngoài, vớ dài, tất cả đều màu hột gà kể cả bông tai và xâu chuỗi hạt trai, chỉ trừ cái váy ngắn màu đen với những sọc ngắn cũng màu ngà. Trong phòng vang lên tiếng nhạc "rap" bập bùng khiến tôi tưởng tượng đến các cô cậu Mỹ đen đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Chỉ có dân Mỹ đen nhảy nhạc “rap” mới đẹp.

Tôi nghĩ đến Mai Thảo ngồi trò chuyện với tôi và Hồng Liên trong căn phòng nhỏ của ông thuê gần nhà hàng Song Long trên đường Bolsa khu Little Saigon. Thỉnh thoảng ông cứ rít lên khe khẽ, hít hà khi kể đến nào cá, nào tôm, nào chuột đồng nướng thơm lừng mà ông đã được ăn ở miền Tây. Ông bảo đó là miền đất tuyệt diệu, bình an. Người dân Hòa Hảo hiền hòa. Họ không được hành đạo nhưng đạo họ không mất. Họ sống đạo.

Mới tuần rồi Mai Thảo yếu quá nên gọi mọi người lại để từ giã. Liên bảo có anh Đỗ Ngọc Yến, Vũ Quang Ninh, chị Nhã Ca, anh Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn, Duyên Anh... Tất cả mọi người hay tin đều chạy đến. Hôm qua thì ông ngồi lai rai ly rượu trước mặt tôi để nói chuyện về miền Tây. Ông thích nhất là nhậu xong rồi ngủ trên ghe, thật tuyệt vời. Mai Thảo bảo ông viết không cần cảm hứng, chỉ một ngọn gió thoảng, một tia nắng rọi qua khung cửa sổ, một chiếc lá non, một ly cà phê buổi sáng, là ông xong một bài. Bây giờ báo Văn của ông vẫn còn, nhưng không đều vì mục Sổ Tay của ông, độc giả không chịu người khác viết.

Tôi hỏi sao nhiều khi tôi thấy Mai Thảo đi ngoài phố, mặt lạnh lùng như ở một thế giới nào. Ông nói có một cô túm ông hỏi sao ông không cười. Ông bảo "Đời có gì để mà cười?"

Mai Thảo bảo tôi cửa nhà ông mở rộng, tôi có thể đến bất cứ lúc nào. Ông không kiểu cách lễ nghi...

1:30 giờ trưa - Tiệm cà phê Tôk

Khúc bánh mì tây và ly nước giúp tôi tỉnh người lại. Tôi dở, tôi yếu, hay tôi già? Tôi cảm thấy người mệt, mắt mỏi, sau nhiều tiếng đồng hồ phấn đấu cùng máy điện toán. Khi ghi lại những dòng chữ này, tay tôi hãy còn run run.

Tôi chép câu thơ trong "Deteriorata". Mỗi lần tôi vào Telnet để thực tập là máy điện toán lại cho tôi một câu hay hay.

Whether you can hear it or not

The universe is laughing behind your back.

(Dù bạn có nghe hay chăng

Vũ trụ vẫn đang cười sau lưng bạn).

- National Lampoon "Deteriorata".

Tôi cứ phải sống như thế này đến bao lâu giữa hai thế giới? Tôi cứ phải mang tôi về từ cõi bềnh bồng vô tận với cuộc sống bận rộn hàng ngày của bao nhiêu việc đời đạo. Tối hôm qua, hai đứa đi họp ở Hội quán đến khuya về việc giáo sự.

Đồng đạo Nguyễn Đắc Thắng, bặt tin cả năm nay, liên lạc cho chúng tôi biết tình trạng của đồng bào ở Mã lai không được lễ bái, và đến nơi chùa chiền thờ phượng. Ông Ishamel, một giới chức cao cấp Mã lai đã đánh đập thuyền nhân buộc hồi hương. Hôm 18-1-96, có 4000 cảnh sát tấn công bằng vòi rồng và lựu đạn cay, làm một người chết và bảy người bị thương; hai phụ nữ xảy thai ba và sáu tháng. Hiện số đăng ký hồi hương là 1000 người. Tất cả radio cassettes đều bị tịch thu để họ không còn nghe được tin tức qua đài VOA hay BBC. Ông Thắng cho biết, hôm 20-4-96, sẽ có 250 người bị hồi hương bằng tàu. Ông kết luận:

"Tất cả nhà thờ, chùa chiền đều bị ngăn cách không còn tín đồ đến nơi được nên chỉ cầu nguyện trong lòng. Sắp đến ngày lễ Đức Thầy Thọ Nạn mà anh em không họp mặt được ở văn phòng Giáo hội, thật đau lòng, giống hệt như cảnh ở Việt Nam mà tôn giáo mình bị đàn áp thẳng tay dưới mọi hình thức."

Vi An, Văn bút Á châu bên Nhật, gửi thêm hồ sơ hội viên đang ở Galang, Indonesia, và thư của bà Sarah Whyatt, hội International Pen, Writers in Prison Committee, hỏi thăm về hai thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương từ Hongkong, cùng một lượt với thuyền nhân Đỗ Mạnh Tuấn ở Hongkong bị hồi hương lần thứ hai. Bà hứa sẽ theo dõi khi anh về tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Hữu, giám đốc Hội Cứu trợ các em tị nạn không thân nhân gửi cho tôi dĩa điện toán bài của ông và James Freeman, giáo sư dạy Nhân Chủng học tại đại học San Jose, viết về thảm trạng các em bị hồi hương và lá thư của em Hoàng thị Xuân Thanh. Em Thanh đã bị ở tù tại Victoria hồi 30-11-1995, và bị cưỡng bức về Việt Nam ngày 13-12-1995. Em phải vào viện mồ côi và bị lính cộng sản hãm hiếp.

20-4-96

Cả tuần nay trưa nào tôi cũng ra sau hè tiệm hoa Conroy’s để ăn trưa cùng các người bạn Mễ. Cô Mễ đầu tàu cho nhóm đàn bà là Maribel. Nhóm của cô gồm có mẹ cô, chị, dì và bạn cô, người nào trông cũng tròn trịa, nước da họ đen hơn cả Madela, thư ký của Tài. Tên của các bà là Reyna, Eva, Josefina... Bên đàn ông có Alfredo điều khiển Santos, Adan, Isui và nhiều người Ấn độ khác nữa. Các cậu ở đây lại gầy.

Tất cả đều làm việc như máy. Sáng nay, ông chủ Deru khám phá ra là có nhiều thùng hoa trong kẹt chưa rửa nên quát rầy. Vậy mà tất cả đều xúm lại dọn dẹp, xong rồi vui vẻ làm việc tiếp. Có lẽ một phần họ không hiểu rõ Deru nói cái gì trong khi giận. Vậy cũng hay.

Maribel và các bà làm việc quanh một cái bàn lớn gần lối ra phía sau tiệm hoa. Các cô thợ chánh cắm một giỏ hay một bình làm mẫu, các bà cứ thế làm theo hàng trăm cái. Dĩ nhiên là giá thành của món hàng bán ra hẳn là rẻ, và chủ tiệm lời nhiều. Các cậu trai làm việc sau hè, cạnh chiếc xe hàng lớn có chạy máy lạnh để trử hoa, và các giỏ hoa làm sẵn chờ đem bán vào những ngày cuối tuần, thứ sáu hay thứ bảy, vì chủ nhật là Lễ Ngày của Mẹ (Mother’s Day).

Lúc ăn xong, Maribel dạy tôi vài câu tiếng Mễ, như Cám ơn là Gracias; Mạnh khỏe không? là Como estas?; Tôi mạnh là Yo estoi bien; Thức ăn Mễ là Comida Mexicana; Cô đẹp thì là Tu eres bonita o (hay) hermosa...

Hồi tháng giêng, tôi trở lại làm trong tuần Lễ Tình nhân (Valentine), mỗi lần tôi ra ngồi ăn trưa chung, họ hơi ái ngại vì sợ tôi nhìn thức ăn của họ, nhưng bây giờ thì quen rồi nên nói cười vui vẻ. Maribel từ Mễ qua được bảy năm; dì của cô có tật đi khập khễnh; em trai cô bị hư một mắt vì té lúc lên tám. Ở California đã thông qua dự luật không cho thẻ Y tế cho dân di cư bất hợp pháp, nên chắc họ không có tiền đi bác sĩ. Tôi thấy họ ăn tortilla (bánh tráng dày tròn) bằng bột mì hay bột bắp, quấn với thịt gà hay bò hầm. Có khi họ chỉ quấn chút phó mát hoặc thịt heo hay một chút đậu đỏ. Hôm nọ tôi thấy Alfredo hâm microwave mấy khúc bánh mì trét chili (đậu nấu với ớt).

Lúc nãy Deru khênh đến cạnh tôi một chiếc ghế đẩu lắc lư, rồi nói, cô thợ người Anh ngồi hoài nên lung lay. Tôi hỏi Vicky bao nhiêu cân anh. Deru bảo chắc trên 400.

Trưa nay, Deru nói nhỏ khiến tôi ái ngại cho Vicky. Deru bảo cô ta làm giỏi, nhanh, nhưng không đi tới lui nhiều vì nặng nề. Deru định sẽ giảm giờ của Vicky. Tôi thương Vicky vì thấy cô ta đứng làm việc mà không dám ăn uống gì nhiều. Tôi nghĩ cô đứng làm chắc mỏi chân lắm. Có khi đi qua sau lưng Vicky để lấy hoa, tôi ôm choàng cô ta, và ngả đầu lên lưng cô thật êm ái như tấm nệm, mặc dù tôi dang thẳng hai tay vẫn không ôm hết người cô được. Chả bù hôm nọ xem hội thoại trên truyền hình, họ phỏng vấn các anh chàng ốm nhom chỉ thích có bồ hoặc có vợ mập vì êm ái. Có ông ly dị bà mập này thì lại cưới bà mập khác.

Hôm thứ ba Rick qua tiếp tay vì quá nhiều hàng. Rick to cũng xấp xỉ Vicky, nhưng trông gọn gàng, mau mắn, và "chắc thịt" hơn. Rick hỏi tôi có làm toàn thời gian ở nơi khác không. Tôi bảo không, tôi chỉ làm vào dịp lễ vì "nhớ hoa". Buổi trưa, lúc Vicky vào, thì tiệm hoa trông sống động và chật hơn, vì có hai người to quá cùng vào một lúc. Tôi hơi lúng túng nhìn đồng hồ nói, “Tôi sắp đến giờ về rồi.” Những lúc cắm hoa là giây phút thư dãn nhất của tôi. Tôi như được trở về cùng một không khí ấm cúng, quen thuộc thân thương.

Trên đường về nhà hôm nay, các thính giả gọi vào đài VNCR bày tỏ về vụ ông Nguyễn Văn Thiệu hết sức sôi nổi, nhân chuyện ông cựu tổng thống này trả lời bản phỏng vấn của ông Nguyễn Kỳ Phong, cộng tác viên của Thế Kỷ 21, trên mạng lưới điện tử (e-mail). Các ông thì giận dữ vì cả đời họ và con họ đã hy sinh. Các bà thì xúc động và run, nhưng lý luận lại hay hơn. Người nào cũng bày tỏ ý muốn ông Thiệu phải nhận lỗi và giận câu nói của ông trả lời với báo chí Hongkong về vấn đề người tị nạn ở trại, là ông không dính líu gì.

Tôi vừa nghe má chồng nói, vừa miên man nghĩ về "Ngày của Mẹ", và định chọn mua hai lẵng hoa thật đẹp mang về cho các bà mẹ của mình. Hay là sẽ hỏi mẹ thích gì? "Ngày của Mẹ" tại đất Hoa kỳ này tuy đã bị thương mại hóa nhiều, cho việc bán hoa (145 triệu mỹ kim hàng năm), gởi thiệp (150 triệu mỹ kim) và các món quà cáp. Tuy nhiên, cũng vẫn là một ngày không sao bỏ quên được.

"Ngày của Mẹ" phát xuất từ câu chuyện cảm động của cô Anna Jarvis ở Grafton, phía Tây Virginia. Cô Anna Jarvis là một cô giáo thông minh chăm chỉ, vì quá thương mẹ là bà Anna Reeves Jarvis, cô đã bỏ ngang việc học hành tại trường cao đẳng để dạy học gần nhà hầu được sống gần mẹ.

Năm 1905, sau khi mẹ chết, Anna luôn cảm thấy có lỗi vì còn nhiều việc cô chưa làm được cho mẹ. Đến ngày giỗ mẹ lần nhì, Anna viết thư kêu gọi Thượng viện Hoa kỳ thông qua quyết định tổ chức “Ngày của Mẹ" trên toàn quốc. Tuy được nhiều người ủng hộ đề nghị hay ho trên, nhưng mãi đến bảy năm sau, năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson mới ký một văn bản công nhận “ngày chủ nhật thứ nhì của tháng Năm” là "Ngày của Mẹ".

Câu chuyện "Ngày của Mẹ" này tuy không cảm động và sâu sắc bằng chuyện mùa báo hiếu "Vu Lan" với đức Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ; cũng không trường tồn và thiêng liêng như ý nghĩa "Tứ Ân" do Đức Thầy nhắc nhở; nhưng dù sao cũng là cách bày tỏ tình cảm của những người con phương Tây đối với mẹ của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880