2-10-09 – 10:30 giờ sáng
Vì sao có những người tu thiền đạt trình độ cao lại có lúc họ bị động loạn hoặc trở nên dồn nén sanh ra bất bình thường?
Có phải vì họ chú trọng quá vào “không” nên bị sự đối chiếu (có), khiến đôi khi họ trở nên bất quân bình vượt sự kiểm soát nội tâm lẫn ngoại cảnh.
Khi ta chú tâm vào hữu ta sẽ bị vô, khi đi quá vào vô sẽ bị hữu công phá.
Sự công phá của hai chiều cực hữu và cực vô sẽ vô cùng mãnh liệt, có khi như một cơn lốc, hay một cơn địa chấn bất thình lình mà ta không có khả năng phòng ngừa, kềm chế, hay đối phó.
Sự bình thường hóa chính mình hay tầm thường hóa chính mình thật quan trọng cho một người muốn con đường tu của mình không bị đứt đoạn.
Đi vào cực hữu hay cực vô thường do lòng tham bị lôi cuốn vào một mục đích. Mục đích của không ít người tu là đạt trình độ cao, đạt trí tuệ, đạt thần thông, đạt không tánh, đạt quả vị, được hơn người, được làm sư phụ, được có kẻ ngưỡng vọng, quy phục, quy y…
Có bao nhiêu lý do tiềm ẩn dưới lớp áo, dưới sự trang trọng hay cung cách và phẩm hạnh của một người tu.
Điều nên nhớ là người tu kẻ không đều mang xác phàm, mà xác phàm đều có phàm tánh mà ta có thể vượt, có thể không trong bất cứ sát na nào.
Mỗi sát na có sự biến chuyển liên hồi của vũ trụ bao gồm bầu khí quyển, thời tiết, âm thanh, con người, thú vật, cùng mọi sự vật di hành không ngừng nghỉ.
Từ mọi ảnh hưởng ngoại lai và ngoại tại ta còn bị ảnh hưởng của nội tại tâm thân ý và các xúc giác tạo nên lục căn lục trần.
Mỗi sát na, hay nhỏ hơn sát na, là ta cùng vũ trụ chuyển động trong cái lưỡng cực vô cùng đó. Trong sự hóa hóa sanh sanh của lưỡng cực hữu và vô, sắc giới và vô sắc giới huyền nhiệm liên hồi thì mỗi khởi niệm của ta sẽ ảnh hưởng toàn diện giữa ta và ngoại cảnh cùng người xung quanh để tạo ra đời sống cho chính ta có ảnh hưởng hỗ tương với người xung quanh.
Cái khởi niệm của ta thật vô cùng quan trọng. Nó có thể quyết định cả một cuộc đời ta sẽ đi về đâu.
Điều cần thiết là ta nắm bắt ngay khởi niệm đó với sự không thành kiến về mình tức không cho nó tốt và xấu, mà phải hiểu cho rõ nguyên nhân và hậu quả của khởi niệm đó. Ta không cần ngụy biện cho khởi niệm này mà ta cần biết căn nguyên và hậu quả nếu nó ra đời (cause and effect).
Nếu ta biết hậu quả của nó mà vẫn không vứt bỏ hạt giống có thể tạo nghiệp chướng, thì đó là nghiệp lực mà chính ta muốn mang theo trong cuộc đời.
Có nhiều niệm khởi tuy nhỏ như hạt vi trần nhưng nó có thể sẽ trở nên ngọn núi Tu Di đè nặng cả một cuộc đời của ta và lái ta sang một con đường mà ta không bao giờ muốn.
Cái niệm khởi nhỏ nhoi hơn hạt cát mà ta không đủ sức vứt đi sẽ nảy mầm từ thân khẩu ý đó phát ra bằng lời nói, hành động sẽ làm chủ ta trong mỗi sát na.
Trong mỗi sát na ta có một hạt vi trần niệm khởi và trong suốt cuộc đời ta có biết bao hằng hà sa số hạt vi trần đó.
Ta cần tu tập liên tục để biết các hạt vi trần khởi niệm.
Sea One Seafoods