15-9-09 – 11:30 giờ tối
Sự chân thật và chính xác của một tác phẩm là những điều kiện tiên quyết để có giá trị hữu dụng lâu dài. Nhưng cũng không vì thế mà ta không có can đảm mài giũa, tỉa hoa lá cành cho nó được gọn gàng, để nổi bật những gì cần thiết cho người đọc muốn tìm hiểu về một quá trình làm việc và tu học, phục vụ của một con người qua tác phẩm của họ.
Phải có can đảm xem tác phẩm do chính tay mình viết không còn là của mình. Phải cần đọc lại nó một cách khách quan. Những gì không cần thiết dù là những chi tiết ghi lại các giai đoạn thăng trầm của đời sống thật ta cũng nên cắt bỏ khi nó không giúp gì cho tha nhân. Một viên đá nó vẫn là viên đá. Nếu không chùi rửa, mài giũa những bợn nhơ đóng bên ngoài thì giá trị của viên ngọc quý sẽ không lộ diện.
Giai đoạn tìm tòi, sản xuất đã qua, nay phải bước qua giai đoạn trình bày những viên ngọc quý mà ta đã khám phá ra để chia sẻ sự hiếm quý đó cho tha nhân thưởng thức.
Đọc một cuốn sách hay 100 trang không bằng ta tóm tắt nội dung của nó sao cho đầy đủ, nổi bật những điểm chính trong 10 trang mà không thay đổi nội dung và mục đích của nó. Bút ký Tiếp Tục Hành Trình cần được cắt gọn. Khi muốn cắt ta chỉ cần đặt mình vào vị trí người đọc của 5, 10, 20 năm sau. Một đứa cháu ta năm nay 5, 10 tuổi. 20 năm sau khi cầm cuốn sách ta lên nó đọc những gì? Nó cần tìm hiểu gì? Cái gì đủ, cái gì đọc sẽ thấy chán, mất thời giờ? Đứa cháu này thuộc loại độc giả nào, nó sẽ tìm hiểu về Phật Giáo Hòa Hảo, hay tìm hiểu về người Việt Tị Nạn lưu vong sống như thế nào? Ta cần đặt thật nhiều câu hỏi cho chính mình.
Muốn cho cuốn sách hữu ích thì ta cần đặt mình vào vị trí độc giả khi quyết định cắt xén. Nếu ta viết với mục đích vinh danh ta, biện hộ cho ta, hoặc viết để tự bào chữa rằng mình đúng, người khác sai, và tìm cách bôi nhọ người này, mạ lị người khác để chứng tỏ mình đúng người kia sai – thì tác phẩm này không còn là tác phẩm mà nó là một giỏ rác đầy độc tố thật tai hại cho mầm non tương lai dân tộc.