10. KỶ LUẬT SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ

23 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 69808)
10. KỶ LUẬT SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ

 

8-5-09 – 11:00 giờ sáng


Đời sống có kỷ luật đi đôi với đời sống phục vụ. Nếu không có kỷ luật thì không phục vụ được.

 

Khi ta thấy đời sống của ta chỉ có ý nghĩa nếu ta phục vụ cho đạo, cho đời, cho lý tưởng, cho một mục đích nào đó có tính cách cao thượng. Hoặc cho dù một mục đích có tính cách nhỏ hơn, gần ta hơn như là gia đình thì ta cũng khó hoàn thành nếu ta sống thiếu kỷ luật.

 

Một con người sống vô kỷ luật là một con người không có hướng đi, sống cho qua ngày tháng, để cho con người mình trôi theo thời gian, chờ ngày ra đi, mà cũng không biết sẽ đi về đâu sau khi hồn lìa khỏi xác.

 

Hai chữ phục vụ càng cao, càng có tầm quan trọng thì kỷ luật càng nghiêm minh, nghiêm túc. Có bao nhiêu người cũng nhắm cuộc đời mình hy sinh để phục vụ, nhưng vì không có kỷ luật với chính mình nên khó hoàn thành những việc đã đề ra nhằm phục vụ lý tưởng của mình.

 

Sống có kỷ luật không có nghĩa là tạo cho đời sống của mình như một người máy. Cái kỷ luật phải nằm trong sự sáng suốt, thức tỉnh luôn luôn, vì kỷ luật của ta luôn song đôi với hoàn cảnh sống và môi trường để ta không vì kỷ luật đề ra mà bị tắc nghẽn.

 

Thí dụ, một trong những kỷ luật là ta phải viết. Nếu hoàn cảnh trong một thời gian nào đó ta không viết được ban ngày, thì ta viết ban đêm. Nếu khi ta viết ta không có loại viết đen, thì dùng viết đỏ hay viết chì. Nếu không ngồi được nơi này thì ta tìm nơi khác…

 

Một thí dụ khác, nếu công việc ta làm cần nhu cầu sức khỏe, trí óc sáng suốt, ta cần tập thể dục, ăn uống sao cho có sức khỏe. Ta cần uyển chuyển theo hoàn cảnh, khi có hồ bơi thì ta bơi, khi có phòng thể dục với đầy đủ dụng cụ, hoặc khi ta không đi đến phòng thể dục thì tập ở nhà, theo sách, theo băng, theo tivi, vân vân...

 

Nói tóm lại, có kỷ luật, giữ đúng kỷ luật, nhưng vẫn không gò bó vào kỷ luật vì ta diệu dụng tùy hoàn cảnh, nhưng không theo hoàn cảnh.

 

Tùy hoàn cảnh là ta tùy cơ ứng biến nhưng không bị ngã lòng, đổi hướng. Không dựa vào cái không có để bỏ dở chương trình và hướng đi. Nếu ta bỏ một lần và tự biện hộ cho hoàn cảnh, cảnh ngộ, ta sẽ có một thói quen buông lơi, tránh né việc đã định làm.

 

Cái lý tưởng, cái mục đích, gần như ai cũng có, nhưng ý chí, lòng kiên quyết, sự kiên trì, và nhất là kỷ luật sống thì có bao nhiêu người có và cố gắng thực hiện.

 

Nếu muốn cuộc đời mình là cuộc đời phục vụ đất nước, đại đồng, phục vụ đạo, ta không thể không có Kỷ Luật Sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880