Trong mỗi con người có dòng điện âm và dương để điều hòa, vì thế nên ta cần cả hai cực âm dương.
Bản tính của con người có thiện và ác. Ta có cần cả hai tính chất này không? Ác quá hay thiện quá có làm cho ta bất quân bình không?
Vì sao ta phải khai triển từ bi tâm? Từ bi quá có sanh ra mù quáng và yếu đuối hay yếm thế không?
Ác tính giúp ta gì? Và thiện tính giúp ta gì? Có phải sự tranh chấp giữa thiện tính và ác tính khiến ta bị bất quân bình? Có khi kềm chế dồn nén ác tính hoặc thiện tính cũng gây trạng thái bất an, lúc muốn làm như thế này, lúc muốn làm như thế khác tạo nên một sự mất hướng đi hay còn gọi là mất phương hướng.
Có phải điều quan trọng nhất là ta nhận biết, bắt mạch được khi nào ác tính nổi lên và khi nào thiện tính hay lòng từ bi nổi lên để biết cách quân bình khi hành xử như thế nào cho cuộc sống được quân bình không tạo xáo trộn giữa ta và người xung quanh.
Con người luôn luôn có hai bản chất hay hai bản tính đối nghịch. Kẻ có thiện nhiều và người có ác nhiều. Thiện quá hay ác quá đều khiến cho con người thiếu sáng suốt.
Mấu chốt của vấn đề là ta cần tu tập để theo dõi và học hỏi về chính bản chất thật, tức bản lai diện mục của ta. Nếu không ta có thể lầm lẫn về chính mình. Có khi mình tưởng mình thiện mà hóa ra ác. Mà có lúc tưởng mình ác hóa ra đang thiện, đang giúp người vươn lên, tự túc, tự sống hơn là sống dựa vào lòng tốt của mình, và họ trở nên kẻ xấu khi lợi dụng lòng từ thiện, lòng tốt của mình.
Có nhiều người đầy thiện tính, đầy lòng từ bi rồi trở nên một con bù nhìn, một người máy để chỉ giúp người, làm theo ý người khi họ đánh đúng vào lòng từ tâm của mình. Đó phải chăng là sự u tối, vô minh, chưa lượng định được thế nào là từ bi thật, từ bi trong sáng suốt, từ bi với trí tuệ.
Từ bi với trí tuệ là lòng từ bi vượt hai từ ngữ thiện ác, tức vượt lẽ thường tình của một con người. Từ bi với trí tuệ nằm trong sự sáng suốt, nằm trong cái thấy bất khả phân giữa ác thiện, giữa âm dương để chỉ còn một thể - tức không còn đối nghịch có cái này không có cái kia.
Mỗi một việc làm mà ta còn phân hai để lý luận là khi ta còn chưa thấy cái đúng cái chân thật – chân lý. Chân lý vượt thiện và ác.
Người sáng suốt nhận chân được chân lý không lý luận theo người đời. Con người khi còn lý luận là còn phân biệt hơn thua, còn bị ảnh hưởng tình cảm, lý luận phải trái, còn bị ảnh hưởng dư luận. Tất cả những ảnh hưởng đó đã làm mờ đi sự quyết định. Cái mù sương che mờ phán quyết và sự quyết định của ta, đó gọi là samsara (luân hồi) – thế giới trầm luân bể khổ.
Khi ta sống, ta còn bị ảnh hưởng bởi mù sương của cõi ta bà – cõi trầm luân hay samsara, ta chưa biết ý nghĩa tối thượng của Từ Bi Tâm.
Từ Bi Tâm Tối Thượng vượt sự phân hai của thiện ác và bao gồm thiện ác nhưng không bị thiện ác ảnh hưởng.