14-9-09 – 1:00 giờ sáng
Trung Cộng muốn chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sai lầm lớn, vì việc này đã giúp Việt Nam rất nhiều trong việc nâng cao tinh thần dân tộc.
Việc bắt các bloggers và nhà báo viết về Hoàng Sa, Trường Sa, và bauxite Tây Nguyên là một nước cờ cao của cơ quan đầu não Việt Nam. Họ đã tạo nên sự lưu tâm và đẩy mạnh phong trào giữ nước chống ngoại xâm một cách tài tình và tạo được sự hợp tác với cộng đồng hải ngoại.
Bằng chứng là các ngày qua họ đã cho đăng hồi ký của một nhân chứng về trận đánh hào hùng với Trung Cộng của hải quân miền Nam trước 1975 để bảo vệ hai đảo trên.
Việc đăng tải tài liệu về trận chiến bảo vệ đảo của quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã được nghiên cứu từ lâu, chứ không phải một ngày một giờ. Và các bloggers cũng được thả sau một thời gian giam giữ chỉ nhằm tạo tiếng vang đối với cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại và cho các nước trên thế giới có cơ hội quan tâm hơn về việc Trung Cộng muốn chiếm các tài nguyên và đất đai Việt Nam. Một nhà báo ngoại quốc William Choong, cũng đã có nhận định chính xác khi viết bài Enmeshing the dragon in a web of ties (Bũa vây bắt rồng trên mạng lưới). Ông là chủ biên báo The Straits Times. Tác giả viết “Với chính sách liên kết lưỡng cực của Việt Nam và gài Trung Quốc vào mạng lưới, người khổng lồ Trung Hoa vấp phải hòn đá Việt Nam đang là một hiện thực về lâu về dài.”
Muốn biết đường đi nước bước của chính quốc gia mình phải có cái nhìn tổng thể, không hô hào, chống báng một mù quáng. Nếu chỉ biết “hùa” và “ăn theo” thì chỉ làm trò hề cho chánh trị bộ Việt Nam hiện nay mà thôi.
An ninh quốc phòng Việt Nam hơn ai hết họ biết rõ thế yếu của Việt Nam, từ quân sự, số quân, cho đến vũ khí. Một trận nội chiến thua thắng đều theo quy luật của các nước ngoại bang sắp xếp theo quyền lợi của họ mà ngày nay không thức tỉnh sẽ mất nước bất cứ lúc nào. Trên 80 triệu người không phải ai cũng tham nhũng, ham quyền ham lợi mù quáng như nhau, mà lúc nào cũng có những tấm lòng yêu nước chân thật, có thể quên mình và hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ quốc gia.
Một trận chiến mù quáng đem bom đạn giết nhau là một kinh nghiệm đau thương tủi nhục vô bờ. Người Việt Nam nay đã trưởng thành trong máu và nước mắt.
Ta không thể nhìn Việt Nam hiện nay bằng hình tướng, bằng những việc xảy ra hàng ngày, hàng giờ, mà hãy nhìn kỹ những thế cờ sống còn của họ.
Ghi chú: Trang phóng sự và ký sự của báo Tuổi Trẻ ngày 8-9-09 đăng bài Hoàng Sa – tường trình 35 năm sau. Bài đăng lại lời kể của chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sàigòn. Có đăng sự vụ lệnh điều động ông ra đảo. Ông sưu tầm tài liệu và trao cho báo Tuổi Trẻ.
Ngày 14-9-09, Tuổi Trẻ đăng hồi ký của ông Lữ Công Bảy, thượng sĩ giám hộ trên chiến hạm HQ-4, tường thuật trận hải chiến Hoàng Sa, một câu chuyện đầy máu và nước mắt của những người quyết chiến đấu để bảo vệ đất mẹ.
Ngày 11-9-09, báo Người Việt đăng bài “Sức mạnh Trung Hoa tan vỡ khi đụng phải hòn đá Việt Nam” do Triệu Phong phỏng theo bài “Enmeshing the dragon in a web of ties” của William Choong, chủ biên báo The Straits Times.