22. Người Minh Triết của mỗi thời đại

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 74307)
22. Người Minh Triết của mỗi thời đại
26-5-04 - 11:30 giờ trưa

Muốn cho tâm bình an ta phải chấm dứt phê phán. Ta cần nhìn thẳng vào thực tại trong giờ phút này. Ta cần quán chiếu về sự hiện diện của ta trong hoàn cảnh mà ta đang sống, đang thở cùng với những người xung quanh. Ta cần quán chiếu khả năng của mình, xem mình có thể làm được gì và không làm được gì, mình nên làm gì và không nên làm gì. Làm cũng không động, và không làm cũng không động.

Hãy quán chiếu xem tình trạng miễn nhiễm của ta đến đâu hay ta đã quá yếu đuối để bị ảnh hưởng của sự giận hờn, thương ghét xung quanh.

Hãy quán chiếu nội tại lẫn ngoại tại. Không tiếc quá khứ và mong ước cho tương lai. Tất cả đều nằm trong giây phút, sát na hiện tại. Nội tại, ngoại tại đều nằm trong hiện tại, và ta nên chấp nhận hiện tại khi hiện tại đó trống không và phải giữ nó kéo dài trong miên viễn suốt cuộc đời mình.

 Nếu làm việc đó xem như ta đã đạt được một đoạn đường dài chông gai vô cùng khó khăn mới đến. Đó là đạt được cái KHÔNG CÓ. Cái không có trong sáng và tuyệt diệu biết bao. Hạnh phúc và êm đềm biết bao. Cái không có đó không có ta và không có người, và dĩ nhiên là không có xung đột, trước nhất là xung đột với chính mình. Một cuộc chiến nội tâm đã chấm dứt. Thật êm đềm như dòng sông trôi nhè nhẹ, lặng lẽ. Nước cứ trôi theo mọi hoàn cảnh, và mọi hình dáng của dòng sông, lớn, rộng, nhỏ, hẹp, ngắn hay dài. Nước vẫn trôi và ta trôi theo dòng đời với sự tĩnh lặng của  tim mạch. Ta không còn sôi động theo thời cuộc, thời thế, vận nước và con người.

Ta là người nhìn, biết. Khi đó ta mới thật sự nói như không nói, làm như không làm, và thở như không thở. Đó là vì ta không còn vướng mắc vào cái ăn, cái mặc, cái cư xử với người xung quanh và với chính bản thân mình.

Nội tại và ngoại tại phải hòa hợp, phải đồng điệu, nhịp nhàng. Ta cần trụ tâm, để trụ tánh, mới đạt được “tánh không” hay “không tánh.”

Tánh không là đạt mà không đạt vì tánh không chẳng có gì để đo lường được hay xác định theo ngôi thứ hay cao thấp được. Tánh không hoặc là có hoặc là không có chứ không thể có ít hay có nhiều, cao hay thấp. Nó chỉ có một Thể, đó là thể “Không.”

Khi ta trình bày được không tánh thì không tánh chẳng còn nữa, vì khi có người khác thấy ta không tánh thì ta kẹt vào một mẫu mực hay công thức nào đó mà con người đặt ra cho không tánh. Mà đã là mẫu mực hay công thức là ta đi ngược về hữu mà không tánh phải là trung tánh, giữa hữu và vô.

Đó là một sự gặp nhau kỳ diệu giữa hai sự đối nghịch mà con người cứ chạy qua đầu này hoặc hay qua đầu kia để tìm, để đạt.

Ta phải dừng lại ở điểm giữa thì không còn mãi kiếm tìm, động loạn, xáo trộn, vì sự mưu cầu. Vì vậy ta thường thấy nhiều người đã buông bỏ rồi lại bắt, sau khi bắt rồi lại buông. Tìm thầy này bỏ thầy kia, buông kinh buông kệ rồi đi đến chới với không điểm tựa lại trở về ôm kinh kệ. Vì cái mà họ tìm trong kinh họ lại không thấy, và khi không có kinh kệ họ lại cũng chẳng thấy gì.

Khi đã không thấy thì dù có đọc kinh cũng không thấy, mà khi đi vào vô thì họ cảm thấy trống rỗng cô đơn không biết đi về đâu.

Tu tập chính là đi tìm lại sự quân bình giữa nội tâm và ngoại cảnh. Tâm bất loạn thì trong hoàn cảnh nào ta cũng định.

Có định tâm ta mới sáng suốt. Người đạt được không tánh mới là người minh triết của mỗi thời đại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880