85. Nhân dân là trụ cốt của Dân tộc

03 Tháng Bảy 200712:00 SA(Xem: 76564)
85. Nhân dân là trụ cốt của Dân tộc

Thứ tư 27-4-05 - 11:45 giờ khuya

Điều gì đã tạo áp lực trong đời sống của chúng ta?

Áp lực lên tâm hồn khiến tâm tánh ta biến chuyển, không bình an và trở nên vội vàng, nóng tánh hơn, hớp tớp hơn, làm việc không nghỉ ngơi khiến thân ta bị đau nhức bệnh hoạn, ta quên ăn và đôi khi quên uống mà ta vẫn không hay biết.

Khi cơ thể ta bệnh hoạn là lúc ta cần nhìn lại những gì ta đang bị lôi kéo khiến thân tâm ta không bình an. Phải chăng ta còn quá bị ảnh hưởng về những gì đã xảy ra xung quanh. Nếu ta vì giúp người mà trở nên bệnh hoạn thì việc giúp người của ta sẽ bị trở ngại, có khi bị đứt quãng và sẽ có lúc ta buồn bực muốn buông bỏ và chán nản.

Mọi việc làm muốn cho có kết quả dài lâu ta phải luôn trụ tâm sáng suốt. Muốn vậy thân tâm ta phải luôn bình an quân bình. Người bất quân bình sẽ không hoàn thành công việc dù lớn hay nhỏ.

Muốn đi xa và thành công trong việc đời lẫn việc đạo, ta phải tập không để xúc cảm trấn áp. Chính xúc cảm đã thúc đẩy và lôi kéo ta khiến ta bị áp lực của công việc trấn áp một cách không có ích cho việc thực hiện những gì ta cần làm để giải quyết vấn đề.

Cái áp lực này phải chăng đã bắt nguồn từ chữ “muốn.” Muốn mau chóng, muốn thành công, muốn đúng giờ, muốn có kết quả. Thế rồi ra dương đông kích tây làm thật nhiều việc trong một thời gian ngắn nhất. Ta làm việc liên miên không mệt mỏi vì lúc đó là không còn là ta. Ta đã trở nên công việc làm. Từ người định đoạt những việc cần làm hay không cần làm, ta trở nên thụ động và chính công việc đã điều khiển, lôi kéo THÂN và TÂM ta. Ta chỉ giác ngộ khi cơ thể ta trở nên yếu đuối đau nhức vì ta đã sử dụng thân và tâm một cách quá đáng.

Chính áp lực của công việc giúp nhiều người thành công nhờ sự thôi thúc khiến ta làm việc nhanh nhẹn, gấp rút, có kết quả mau lẹ. Nhưng chính áp lực đã khiến nhiều người bỏ việc nửa chừng vì không chịu đựng được áp lực này một cách dài hạn. Họ sẽ bỏ dở vì bệnh hoạn, vì đời sống gia đình gặp trở ngại, gãy đổ. Cũng chính áp lực đã khiến nhiều người bị kiệt lực hay thất bại vì không đủ sáng suốt để quyết định trong vội vàng, thực hiện những điều họ không nên làm, để thay vì đi đến thành công lại chuốc lấy sự sai lầm đổ vỡ.

Sự bình tỉnh trước mọi việc xảy ra là một yếu tố đưa đến thành công. Ta phải kiểm soát để thân và tâm không phản ứng một cách máy móc trước mọi sự việc đã đánh động đến lòng từ tâm của mình.

Muốn tránh gặp xúc động và bị phản ứng máy móc, ta cần có một sự hiểu biết tường tận mọi sự việc và phải có một cái nhìn xa thấy trước mọi việc sẽ xảy đến.

Hầu hết mọi việc sẽ xảy ra tùy thuộc vào những việc đã và đang xảy ra. Nếu có chút quán chiếu về sự việc ta phải biết rõ điều đó.

Muốn nhìn xa biết rộng không có con đường nào khác hơn là phải sử dụng Lục Thông. Tức nhìn kỹ và nghe kỹ, quan sát kỹ với các giác quan đã được thanh lọc qua tiến trình tu học và tu tập quán chiếu.

Thanh lọc lục căn lục trần để tiến tới lục thông là làm sao?

Ta phải trả lại sự độc lập của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Tức là ta phải trở về với Phật tánh sáng trong gột rửa mọi thành kiến chủ quan và hoàn toàn độc lập với mọi áp lực của thành kiến chủ quan từ bên ngoài, tức ngoại tâm của ta. Nội tâm ta phải luôn vững vàng để ngoại cảnh không xâm lấn tạo ảnh hưởng toàn diện đến Thân-Tâm ta.

Ta phải trở nên một người độc lập để nhìn xa hiểu rộng. Phải có một cái nhìn trong sáng nhưng thấu đáo từng vấn đề từ tôn giáo, gia đình, đến xã hội, quốc gia, và sự liên hệ đến thế giới.

Muốn đưa Việt Nam ra khỏi cánh cửa nhược tiểu, ta phải có tầm nhìn cho cuộc diện chung.
Không nên lấy thành kiến cá nhân của ta bao trùm mọi sự việc và muốn mọi việc chỉ xảy ra theo ý mình muốn. Nếu làm như thế thì ta đã tự đào mồ chôn mình vì kiến thức chủ quan chỉ là loại kiến thức vứt đi. Không có ích gì cho ta lẫn nhân quần xã hội.

Khi đã nói đến quốc gia thì phải đi đôi với hai chữ Dân Tộc. Quốc gia và dân tộc phải đứng cùng nhau. Nếu chánh phủ nào, nhà cầm quyền nào chỉ biết đến quyền lợi quốc gia mà quên đi quyền lợi dân tộc sẽ đi đến THẢM BẠI, chứ không phải chỉ thất bại.

Thảm bại là vì họ không đáp ứng quyền lợi của nhân dân mà nhân dân là trụ cốt của dân tộc, mà dân tộc mới đưa quốc gia đó đến tiến bộ phú cường.

Quốc gia dân tộc Việt Nam có một lịch sử hào hùng đầy nghĩa khí, có bao vị anh hùng dân tộc đã dày công dựng nước và phục hưng đất nước để rồi ngày hôm nay đất nước đi đến cảnh tan hoang tràn đầy tệ đoan xã hội, kém xa những nước láng giềng khi trước còn nghèo nàn hơn ta.

Việt Nam cần nhân tài yêu nước, yêu dân tộc, không thành kiến chủ quan, để xây dựng lại mảnh đất thiêng hình chữ S. Muốn xây dựng lại đất nước phải có tâm hồn đại hùng đại lực đại từ bi. Đại từ bi để yêu thương và tha thứ. Đại hùng là không sợ trước sức mạnh của kẻ cầm quyền. Và đại lực để có một tâm lực mạnh mẽ, một ý chí can cường không sợ hãi hay bị khuất phục trước khó khăn.

Các anh linh chiến sĩ, những người của cả hai phía quốc gia lẫn cộng sản sẽ hỗ trợ cho những người thật lòng yêu nước để cho họ có hoàn cảnh, phương tiện, và mọi hỗ trợ hầu hoàn thành sứ mạng xây dựng lại cơ đồ của tổ tiên để lại.

Ghi chú: Suốt ngày liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Thế Giới Hoa Kỳ, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Sàigòn, về việc hai tín đồ bị án tù và bị phạt về tội phát hành băng giảng không có giấy phép. Soạn xong bản tin tiếng Mỹ và tiếng Việt để phổ biến khắp nơi. Đài Á Châu Tự Do và Chân Trời Mới đều phát thanh về Việt Nam. Cụ Trần Hữu Duyên P.G.H.H. tại Sàigòn cho biết có nghe đài.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880