53. Chánh Đẳng Chánh Giác

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 76308)
53. Chánh Đẳng Chánh Giác

14-10-04 - 11:20 giờ trưa

Tâm nghiệp, khẩu nghiệp, trí nghiệp, thân nghiệp, nghiệp nào nặng, nghiệp nào nhẹ, nghiệp nào khó gỡ, nghiệp nào dễ gỡ?

Nếu nghiệp là một nhân tố của đời sống thì làm sao chuyển hết các nghiệp trên thành nhân tố tốt hầu đạt được kết quả tốt?

Phải diệt ngã chăng? Có phải cái tôi là đầu dây mối nhợ cho sự trưởng thành của nhân tố nghiệp và đưa nó hướng thượng hay hướng hạ?

Hướng hạ là hướng vào cái tôi vị kỷ đầy hỉ nộ ái ố, đầy lòng tham lam ích kỷ chỉ phục vụ cái tôi thấp hèn nhằm hướng vào sự bảo vệ chính mình hay những gì liên quan trực tiếp đến mình.

Hướng thượng là hướng nó đến sự quảng đại khoan dung và đại bác ái, không còn nghĩ đến sự riêng tư. Hướng thượng là biết buông xả, buông bỏ thật sự cho cái tôi và những người và vật liên hệ trực tiếp đến cái tôi đầy vị kỷ.

Hướng hạ là còn cái MUỐN, còn hy vọng cho một mục đích riêng tư. Hướng thượng là buông hết dù là cho một sở thích hay một mục đích chung được gọi là cao đẹp.

Muốn dứt nghiệp xấu cần phải có lòng can đảm để dứt khoát với mọi sở thích, ý thích, ý muốn, dù dưới bất cứ hình thức nào.

Lòng can đảm phải có ý chí và sự quyết tâm hỗ trợ để cắt dứt hết mọi sự liên hệ với quá khứ và những vị lai của  quá khứ đó (nếu ta tiếp tục chưa dứt).

Khi tâm ta dứt được cái tôi thì ánh sáng sẽ lóe ra ở cuối đường hầm. Lúc đó ta mới bắt đầu thật sự sống cho một đời sống vượt được mọi ràng buộc của chính ta đã đa mang trong suốt cuộc hành trình từ khi mới ra đời cho đến giây phút này.

Mỗi con người đều phải nhận chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình trong kiếp hiện tiền. Chính ta đã mở đường cho mọi ràng buộc từ vật chất cho đến tinh thần, thể xác.

Vậy tâm nghiệp, khẩu nghiệp, trí nghiệp, và thân nghiệp là một chuỗi dây chuyền ràng buộc nhau, và liên tục cho đến khi ta thức tỉnh để bứt rời mọi xiềng xích bằng sự dứt khoát quyết tâm chuyển đổi. Ta chuyển tâm, tâm chuyển khẩu, khẩu chuyển trí, và trí chuyển thân. Nếu ta chuyển kịp thời thì bệnh ta nhẹ dễ chữa, nếu ta chuyển trễ thì tâm-khẩu-trí-thân – nhất là thân – sẽ rất nặng nề khó trị.

Có rất nhiều người đến lúc tuổi già sức yếu vẫn còn tự vây mãi với sợi xích xiềng của tâm-khẩu-trí-thân nghiệp. Chỉ uổng một kiếp nhân sinh.

Nếu nhìn được điều này thì còn gì mà ta phải luyến tiếc để không bước ra khỏi tâm nghiệp đầy vọng động, vui buồn, hờn tủi.

Từ nay không những phải quán chiếu, quan sát tâm mình kỹ hơn, mà còn nhìn ra để quán chiếu đời sống xung quanh cho kỹ. Chính đời sống xung quanh biến chuyển và nhờ đó nội tâm của mình mới được soi sáng hơn. Nếu thấy nội tâm ta biến chuyển theo ngoại cảnh thì ta mau mau chỉnh đốn lại, để không tạo thêm những xích xiềng phiền toái của đời sống cột chặt ta. Khi ta biết dừng là sợi dây xích đó đột nhiên bị cắt đứt và buông thả ta ra ngay.

Ta cần có nhiều sát na giác ngộ và ta không thể có một đời sống tự do cho thể xác và tâm hồn nếu ta không thức tỉnh liên tục.

Sự thức tỉnh liên tục còn được gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác .
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880