49. Hát Phật

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 76248)
49. Hát Phật

2-9-04 - 10:00 giờ sáng

Người ta thường nói “diệt khổ” nhưng ít khi nói đến “diệt khoái lạc.” Nhưng chính khoái lạc mới tạo nên mọi sự khổ vì con người đều hướng đến khoái lạc nên mới đi tìm kiếm những việc, những điều tạo nên cảm giác sung sướng từ thể xác đến tâm hồn.

Tìm sung sướng khoái lạc của tinh thần bằng cách tranh đua tạo danh lợi bằng tiền của mưu mô, đè người khác nhóm khác xuống để đưa mình hoặc nhóm mình lên. Muốn được sung sướng là kẻ thắng trận, nổi danh trong cộng đồng, hãnh diện với gia đình, bè bạn. Muốn có tiền để được giàu sang, quần áo xuê xoang, nữ trang đầy cổ đầy tay, hột xoàn to hơn kẻ khác.

Muốn sung sướng thể xác thì tìm gái đẹp, trẻ, dùng tiền của và mánh khóe để thỏa mãn dục tính, thỏa mãn tự ái, vân vân...

Khoái lạc từ thể xác đến tinh thần là điều mà người muốn tu sửa cần quán chiếu nhiều nhất về mình. Thích tu để làm gì? Để được “đạt đạo”? Được “thành Phật”? Được đắc trí tuệ? Được giải thoát? Được lên “Niết bàn”? Được thoát cảnh “địa ngục”? Được có trình độ cao hơn người khác hay được làm “Thầy” làm “Giáo Chủ”? vân vân... và vân vân...

Hầu hết người muốn tu đều quên mục đích chính là “sửa” chứ không phải để “đóng tuồng hát Phật.” Muốn bắt chước Phật nên mặc áo giống Phật, đi đứng giống Phật, ăn nói theo Phật. Vì đóng vai Phật nên quên đi “Con Người Thật” của mình với tất cả tiềm ẩn Tánh Người chìm sâu trong tâm thức.

Vì thế những người đóng vai Chúa, vai Phật, vai Giáo Chủ các tôn giáo đều bắt chước lời nói của các vị này, nhưng lại hành xử và tâm địa theo tánh người của mình, trong những khoảng thời gian nghỉ đóng tuồng.

Cái mâu thuẫn giữa vai trò mà mình muốn đóng để về cõi cực lạc và cái con người thật của mình càng ngày càng gia tăng, nếu ta không quán chiếu, suy xét kỹ xem ta là ai, và muốn gì.

Ta phải là ta cần tu sửa chứ không phải là vai trò con vẹt mà ta đang đóng hầu đạt được khoái lạc thành Phật thành Chúa mà ta đang đóng.

Ta phải rũ bỏ các vai trò, áo mão, chức vụ, danh vọng, tiếng tăm, lòng ngưỡng mộ của người đối với ta, như rũ bỏ một xác người hôi hám, mục nát, tanh tưởi đáng cho ta gớm ghê và không muốn đến gần.

Nếu không can đảm để nhìn ta thật sự và chấp nhận ta thì cho đến lúc ta trút hơi thở cuối cùng ta vẫn chưa tỉnh ngộ, vì chính ý muốn sung sướng và đạt khoái lạc để bước vào đường tu của ta chỉ là một hoài công thất bại não nề và thật uổng thay cho một kiếp người.

Hãy can đảm lên để “buông” tất cả lòng ham muốn khoái lạc diệt khổ, để trực diện với cái khổ và chấp nhận cái khổ. Những gì ta trốn chạy thì nó càng đeo đuổi. Cái gì ta cố bao trùm bằng lời nói, hành động, việc làm thì nó càng chìm sâu vào tâm thức, khiến cho ta cứ quên nó đi và tưởng nó đã được “tận diệt” rồi, và mình đã “đạt đạo, đạt được không tánh và tâm bình an, nhẹ nhàng như Tâm Phật.”

Ta càng đè nén cái TA thật sâu chừng nào, khi có cơ hội nó sẽ bùng vỡ trỗi dậy nói năng hành động mạnh chừng đó. Không có điều gì bất ngờ đáng ngạc nhiên khi con người “tưởng là lạ mặt” xuất hiện. Đó mới là cái ta thật sự.

Con đường tìm cho được cái ta thật sự quả có nhiều khó khăn và chông gai. Nó đòi hỏi một sự chân thật (honesty) không dấu diếm, không xấu hổ với chính mình.

Con đường “tu sửa” là đi tìm “con người thật” của chính mình. Khi tìm được “chính mình” thì ta mới khởi sự bắt đầu khởi hành đi tìm con đường giải thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880