27-10-04 - 10:00 giờ sáng
Làm sao để tẩy rửa nghiệp lực?
Có phải tẩy nghiệp lực bằng cách trui rèn lục giác, từ đó ta sẽ không nhiễm lục căn tạo lục trần?
Đó là tương lai. Còn làm sao để đối phó với nghiệp lực trong quá khứ? Tức dứt được những thói quen, những sự ưa thích từ sống, ăn mặc, cảm giác, tình cảm thương ghét chiều theo ý thích của mình. Tức là những nhiễm thể đã tạo nên lục trần của quá khứ mà ta vẫn dùng đi dùng lại cho đến hiện tại. Và nếu ta không tìm cách tẩy nó đi thì những sự ưa thích đó sẽ tồn tại mãi cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.
Làm thế nào để ta có thể chuẩn bị cho cái chết một cách chu đáo để khi ra đi ta được nhẹ nhàng không vướng bận và không bị sợ hãi khi buông lìa phàm thân?
Làm sao để biết được ta đi về đâu trước khi lìa đời? Có phải ta biết chắc sẽ đầu thai về đâu khi nghiệp lực vây chặt trước khi ta trút hơi thở cuối cùng?
Những trường hợp chết bất ngờ thì người ra đi có mang theo nghiệp lực để trở lại trần gian tiếp tục hay không?
Vì sao có những người biết trước mình sắp chết và họ đã chuẩn bị sự ra đi? Có phải nhờ họ tu và sáng suốt biết được nghiệp lực đã dứt?
Biết trước mình sắp chết thì có buồn khổ không? Có thấy nhẹ nhàng vì biết mình hết nghiệp lực với những người ở lại không?
Nếu muốn chuẩn bị cho chuyến đi rời xa những người thân yêu và những gì đang ràng buộc mình trong đời sống bao gồm tâm thân ý, ta phải quán chiếu thật kỹ để sàng lọc những gì ta ưu tiên chấm dứt trước và lần lần chỉ còn giữ lại nhu cầu tối thiểu hầu cho ta sống cuộc đời còn lại một cách quân bình.
Sống quân bình là điều cần thiết vì thế ta không nên quá thành kiến đối với chính mình để quá cắt giảm trong khi tâm thân ý, lục căn lục trần chưa được thực tập và được điều động đủ để chịu đựng một cuộc sống trở nên khắc khổ.
Ta phải hiểu rõ chữ tu ở đây là TU TÂM DƯỠNG TÁNH, chứ không phải tu hình tướng. Ta phải tu cho chính mình, rèn luyện tâm thức cho sáng trong để ta thức tỉnh, giác ngộ luôn luôn. Ta không quá chú trọng HÌNH TƯỚNG ở bên ngoài. Khi chú trọng hình tướng thì ta sẽ trở nên dối gạt ta khi mà THÂN và TÂM không có đi song hành.
Thân một đàng mà tâm một nẻo là sự tối kỵ của người tu học. Nó sẽ làm cho hành giả trở đi trở lại, lúc bước tới lúc bước lui. Có lúc như là tu sĩ, có lúc lại giống người thường, còn ham ăn ham uống ham danh ham lợi.
Giữ cho có một cuộc sống quân bình và bình thường là một điều khó khăn nhất cho một người tu học, nhất là người muốn tiến đến giác ngộ, giải thoát.
Tâm luôn luôn phải định, nhưng trí cần phải uyển chuyển theo đời sống và cách sống để ta không vì đời sống vui buồn, thuận nghịch khiến tâm bị động. Tâm bất động nhưng trí phải luôn luôn sáng suốt để đối phó với từng môi trường sống để uyển chuyển theo từng trường hợp.
Tâm định thì trí sáng suốt giúp cho ta hành xử tự nhiên. Khi tâm động trí vẩn đục ta sẽ hành xử theo sự động tâm vui buồn thương ghét, và trí bắt đầu lý luận để biện hộ cho việc hành xử của ta.
Vậy nếu giữ cho Tâm Định thì ta đã dứt với tất cả nghiệp lực vì đó mới thật sự là Làm Mà Không Làm, Nói Mà Không Nói. Nhờ vậy ta mới hiểu được lời của Đức Phật khi Ngài nói là Ngài không nói một lời nào. Lời nói đó của Đức Phật cho thấy Ngài đã không còn nghiệp lực vây quanh dù lúc đó Ngài còn hiện tiền và đi giảng đạo.
Khi hiểu như vậy thì ta không còn sợ nghiệp lực đe dọa xung quanh. Ta sẽ sáng suốt để quyết định từ mọi tư tưởng, hành động, lời nói. Và dù xung quanh ta có tất cả những xáo trộn, và dù đặt ta vào môi trường nào ta cũng vẫn như một trái banh thoa mỡ trơn láng. Trái banh thoa mỡ đó sẽ lăn mãi cho đến hết cuộc đời còn lại, và sẽ ra đi không luyến lưu.
Bây giờ ta mới sực tỉnh giác ngộ là nghiệp lực vây quanh có một tác giả. Đó chính là cái TÂM khúc mắc ràng buộc chính ta với mọi người và vật xung quanh chớ chẳng ai khác hơn.