57. Cái ngã kéo màn vô minh

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 76504)
57. Cái ngã kéo màn vô minh

20-10-04 - 10:00 giờ sáng

Nếu không muốn uổng một kiếp người thì ta phải biết ta đến mặt đất này để làm gì?

Muốn biết rõ vai trò và sứ mạng cũng như mục đích của sự có mặt của ta, ta phải tu học tức thanh lọc bản thể để tâm linh được sáng suốt mới biết rõ về mình, về tiền kiếp cũng như hiện kiếp của mình phải làm gì.

Biết để không đi sai đường và mất thời giờ về những việc ta không cần cũng như không nên làm, ngõ hầu tập trung vào công việc chính là phục vụ cho mục đích của vai trò và sứ mạng mà ta đã được giao phó để thi hành.

Muốn phục vụ và thi hành sứ mạng thiêng liêng, ta phải hy sinh để làm những điều khó khăn mà ta không muốn. Nếu chỉ làm những việc dễ, việc không nguy hiểm thì đó không gọi là sứ mạng vì ai cũng có thể làm được.

Việc khó nhất là thanh lọc cho tâm trong sáng. Tâm trong sáng để làm gì? Để thấy việc phải làm. Khi thấy việc phải làm thì ta phải thực hiện chứ không trở đi trở lại sự lý luận của người thường tức phàm tâm, còn phân nhân ngã.

Tâm nhân ngã còn xem kẻ trọng người khinh, kẻ cao người thấp, kẻ dốt người khôn, và kẻ ngu dại người thông minh, hay kẻ học thức người thất học, vân vân...

Phải luôn luôn nhất tâm quán chiếu sáng suốt trong từng hơi thở, cử động để cho nhịp tim bình hòa không thay đổi. Khi trí lý luận bước vào thì sự sợ hãi, lo lắng, tức mọi thành kiến đổ vào trí óc làm tâm ta vẩn đục ngay tức khắc. Màn vô minh bao phủ khiến ta không hành xử tự nhiên mà trở nên bất quân bình từ thể xác đến tinh thần.

Sự rối loạn nội tâm khiến cho ta thiếu bình tỉnh sáng suốt, và sẽ không còn biết việc nào đúng việc nào sai cho chương trình phục vụ đóng góp vào đại đạo mà ta nhất quyền muốn thực hiện.

Tâm loạn, thân loạn, trí loạn, thì dù ta có thanh lọc thân tâm bao nhiêu trong quá khứ, ta cũng vẫn sẽ trở nên người mù sờ voi, không biết sẽ làm gì và không nên làm gì.

Vậy thì làm sao để tránh trường hợp Tâm Thân Trí bị rối loạn đưa đến sự vô minh?

Phải quán chiếu hơi thở và thân tâm trí để biết mọi diễn biến từ nội tại đến ngoại tại, nội vi đến ngoại vi. Nội vi là những gì thuộc về ta và liên quan đến ta. Ngoại vi là con người và hoàn cảnh xung quanh.

Ta phải biết rõ ta, rồi đến người, cuối cùng là hoàn cảnh xung quanh. Khi ở ngoại vi này thì thân tâm ta như thế này, và khi di chuyển sang một nơi khác với những người khác thì nội vi ta biến chuyển khác.

Ta phải là một khán giả của chính mình và phải hiểu rõ diễn biến và đột biến của thân tâm. Ta không phán đoán về sự biến chuyển đó, và nhờ vậy ta mới sáng suốt để hành xử đúng từng môi trường để không gây xáo trộn, vì ta chủ động hành vi của mình chứ không để lục căn lục trần chủ động, tức không để những cảm xúc, cảm tính của tánh người hay phàm tánh của ta chủ động mọi hành động đưa đến xáo trộn nội vi và ngoại vi nơi ta đang hiện diện.

Tóm lại, khi ta bị xáo trộn và không biết phải làm gì và không làm gì chính là vì ta để trí đời, phàm tánh kiểm soát và không kềm chế thân tâm ta.

Đó chẳng qua là cái NGÃ vẫn còn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880