16-11-05 - 11:30 giờ trưa
Muốn tâm bình an mà không đủ lực đối kháng với ảnh hưởng bên ngoài, ta nên tránh tiếp xúc. Nếu vì hoàn cảnh của đời sống thường thì tâm thức luôn luôn trụ vào không tánh.
Không tánh giúp lục giác ở thể bằng an không biến chuyển theo cá tính của mình hay cá tính của người xung quanh lúc tiếp xúc. Không tánh là một bàn cân nằm ngang, không bên nào nặng hay nhẹ tức tánh không bị biến chuyển thành vui lẫn buồn.
Ở thể bình thường của một con người không trụ tâm, ta luôn luôn biến chuyển, bất quân bình, vui buồn thương ghét lẫn lộn, và lúc vầy lúc khác.
Tâm thức ta bất quân bình, không trụ tâm như thế thì dù ta có tu nghìn kiếp vẫn không bao giờ đến đích, hay đến bến bờ giác ngộ.
Ta cứ như chèo thuyền sắp đến bến rồi thì sóng vỗ đẩy ta ra. Sống như thế ta cứ như con thuyền không bến trôi nổi bềnh bồng trên mặt nước. Lúc sóng lặng gió yên, ta có cảm giác bình an. Khi mưa to gió lớn, bão tố cuồng phong nổi dậy, ta quay cuồng trồi lên hụp xuống. Khi thuyền yếu quá, cơn gió to hay đợt sóng lớn có thể lật úp xuồng, rồi ta lại ngụp lặn chơi vơi giữa biển cả.
Hãy có sự quyết tâm đi cho đến bờ giác ngộ. Ta không nên chểnh mảng ngủ quên, ham chơi, hay nhiễm vào đời sống vật chất tiền tài danh vọng, để rồi bao lần thuyền quay ngược lại ra khơi. Thật uổng phí bao nhiêu công trình tu tập. Hiện kiếp này ta còn bị lạc lõng, đắm mê, thì làm sao có thể thanh lọc cả bao tiền kiếp.
Nếu ta không trụ tâm để ở trạng thái miễn nhiễm của không tánh, thì tất cả những bản tánh, thói quen của ta đã kết tập từ tiền kiếp lẫn kiếp này sẽ đứng ra để điều khiển thân tâm ta.
Lúc đó không phải ta đi đứng nằm ngồi, nói năng vui buồn, mà chính cái người quá khứ, với đầy đủ nghiệp quả mà họ đã tạo ra, đứng ra lèo lái thân tâm ý của ta. Và tất cả nghiệp quả của quá khứ, của hiện kiếp đang tạo ra nghiệp quả của ta trong tương lai.
Như thế, nhìn một người trong hiện tại, ta phải biết ngay quá khứ, và tương lai của họ một cách chắc chắn trăm phần trăm dù họ là một tu sĩ, người thường, hay một ông thầy.
Nếu trong cuộc đời ta phải sợ, thì ta nên sợ một điều là lập lại những điều sai quấy mà ta đã và đang làm.
Phải có một con dao sắc bén của Nhất Tâm để tiêu diệt các con vi khuẩn đã đục rữa thân tâm ý của ta. Nếu muốn giác ngộ và đến bờ giác ngộ, luôn luôn ta phải có con dao sắc bén đó, và hãy giữ vững lấy nó và luôn hùng dũng chặt cho đứt những bản tánh đã khiến ta ươn hèn trong quá khứ.
Ta chỉ không nên sợ những bản tánh nhút nhát, biếng lười đã khiến bao lần ta chùn chân lỡ bước, và nên sợ mình không đủ quyết tâm để chặt bỏ nó.
Cái sợ đưa ta lên, và chính nó cũng diệt ta. Cái sợ đúng thì giúp ta đến bến bờ giác ngộ, và cái sợ sai sẽ khiến ta chết trước khi giác ngộ.