102. Sự thành đạt của người tu đem lợi ích cho tha nhân (15-12-08)

05 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 73915)
102. Sự thành đạt của người tu đem lợi ích cho tha nhân (15-12-08)
15-12-08 – 1:00 giờ sáng

Muốn được học hỏi, hấp thụ Phật pháp thiêng liêng từ các nơi thờ tự của chùa chiền, trí tuệ của hàng giáo phẩm, các vị Phật Sống Tây Tạng hay Tứ Động Tâm nơi có sự hiện diện của Đức Phật, ta cần thanh lọc tâm thân ý sao cho trong sáng.

Ta cần củng cố những giây phút thức giác, gia tăng sự nhạy bén nắm bắt được những lầm lỗi từ tư tưởng cho đến hành động để kịp thời hóa giải và hòa giải nhanh chóng thì mọi việc, mọi người, và mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu cũng sẽ thông qua một cách dễ dàng.

Chuyến đi cần thiết để học hỏi tu tập từ các vị sư bất phân trẻ già vì họ là những bậc chân tu trở đi trở lại học hỏi, tu tập để giúp thế gian, vì thế có những người trẻ lại già hơn những người có tuổi. Ta cần biết điều này để không có thành kiến về tuổi tác hay cấp bậc.

Đức Thầy là kiếp thứ tư của Đức Phật Thầy Tây An. Ngài tái sanh vào một thanh niên trẻ lập đạo lúc hai mươi tuổi, nhưng ta phải tính từ ngày sanh của Đức Phật Thầy để biết số tuổi của Đức Thầy.

Đã là một vị Phật thì không thể kể trẻ hay già vì Đức Phật Thầy lại có những tiền kiếp của Ngài từ vô lượng kiếp.

Thiền sư Krishnamurti đã nói: “Muốn đi xa phải mang hành lý nhẹ.” Hành lý đây là vật chất lẫn tâm linh, vì cả hai có ảnh hưởng hỗ tương. Khi đi xa ta mang hành lý cồng kềnh đã tạo ra nhiều trở ngại, nhất là chuyến đi Vatican cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam năm 1992 và chuyến đi vận động cho thuyền nhân tại các quốc hội Pháp và Âu châu năm 1995.

Muốn tiến hóa, tiến bộ, ta phải học và phải nhớ những bài học trong quá khứ. Nhớ để tránh không lặp lại chứ không phải chỉ nhớ và nhắc suông. Càng giản dị chừng nào, càng nhẹ nhàng chừng nào càng tốt chừng đó. Ngay cả các vấn đề ứng xử và liên hệ, nhất là có liên quan đến lập trường, tư tưởng, chánh trị, ý thức hệ. Ta càng sống kín càng tốt, và luôn nhớ điều gì nên nói và điều gì nên làm để tránh chấn động não bộ của kẻ đối diện dù thân quen hay người lạ mới quen biết.

Vì sao ta cần cẩn trọng trong lời nói và hành động?

Người tu chỉ giúp người trong khả năng của mình, đem lợi lạc cho chúng sanh nếu có thể. Ta không tạo những gì cho kẻ khác để họ phải suy nghĩ, khổ tâm hay không lối thoát. Nếu ta nói hay làm những điều không giúp cho họ mà còn tạo cho họ sự đau đớn, buồn tủi, không lối thoát là ta tự tạo nghiệp xấu cho mình, cho người, và tạo mâu thuẫn cho cả hai, và ta vô tình đặt họ vào thế đối nghịch.

Người tu, biết đạo không nói không làm những điều để hủy hoại những gì ta thấy không đúng mà ta chỉ cố giúp việc đó thay đổi nếu được.

Cái sai lầm, mâu thuẫn giữa người với người là cho ta đúng còn người sai. Đó là điều chặt đứt sự cảm thông, mối dây giao hảo trong mọi môi trường sống giữa con người không phân biệt tôn giáo, màu da, hay phái tính.

Mọi việc xung quanh tốt xấu đều do ta chuyển tâm. Tâm ta càng lành, càng nhẹ nhàng, luôn sống thường trực với sự hòa giải và hóa giải, thì bất cứ ở cảnh nào, với ai, mọi sự cũng đều thành đạt tốt đẹp.

Sự thành đạt trong mọi công việc, sứ mạng của người tu đều đem đến lợi lạc cho mọi người, nhất là cho đồng đạo trong tôn giáo mình, đất nước nghèo nàn của mình, và cho cả tiểu lẫn đại gia đình mình.

 

Ghi chú: Đang soạn hành lý cho chuyến đi Ấn Độ. Đồng đạo ở Việt Nam lại gởi lại hình Đức Phật Thầy qua e-mail một lần nữa nhưng vẫn hư, không mở ra được. Có lẽ Ơn Trên chưa cho phép đăng trên Việt Báo Xuân năm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880