Càng tu tập, càng thanh lọc, càng thanh nhẹ ta lại trở nên nhạy cảm, sắc bén, nhanh nhẹ trong cái nghe, thấy, biết.
Làm thế nào để ta không kẹt vào cái nghe, thấy, biết đó dù ta không động để có phản ứng trong mọi hành vi, tư tưởng và hành động?
Đó là một câu hỏi hốc búa cho những ai đã tu tập, tu chứng rốt ráo để có thể bình an tự tại trong đời sống thường nhật và không bị xáo trộn trong cuộc sống.
Thân thể ta là sự phối hợp của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tạo hóa đã tạo ra ta, ra một bộ máy người, đầy đủ cả hai phần tâm linh và vật chất.
Sự tu tập càng rốt ráo, bộ máy càng tinh vi, hữu hiệu trong mọi biến động của cuộc sống con người. Trong ta có một bộ máy tự động ghi chép thật tinh vi.
Nhưng bộ máy người tinh vi này cần một chủ nhân ông sáng suốt biết sử dụng các khả năng của nó sao cho hữu ích cho cá nhân đó lẫn loài người. Một chiếc xe tự động, một chiếc máy bay tự động, hay một chiếc tàu tự động theo sự sáng chế của kỹ thuật và khoa học, nhưng nó có lợi hay hại là do người cầm tay lái.
Có biết bao thuyền trưởng đã ngủ quên để máy bay hay chiếc tàu lạc hướng đi.
Sự tỉnh thức hay giác ngộ luôn là một nhu cầu không thể không có cho một chủ nhân ông của bộ máy người. Tu tập dù đạt ở trình độ nào, thăng tiến đến đâu cũng phải sử dụng bộ máy người tự động mà ta cần kiểm soát luôn luôn.
Nhưng hình ảnh, âm thanh, sự việc xảy ra xung quanh đều được bộ máy người ghi nhận, dù ít, dù nhiều tùy theo sự lưu tâm hay không của ta. Tất cả là một tràng dữ kiện được ghi nhận vào bộ nhớ tinh vi của ta, nhưng có sử dụng hay không là do ta quyết định.
Ta sẽ không kẹt vào những gì mắt thấy tai nghe, những gì được ghi nhận qua bộ máy người, khi tâm ta lúc định lúc không, lúc không tánh lúc trược tánh đầy hỉ nộ ái ố. Ta cần hiểu rõ bộ máy người tự động của mình, biết sự ghi nhận đó như là, không cảm thấy khó chịu vì nó ghi nó nhớ những gì mình không muốn nhớ, vì mình là chủ nhân ông của bộ nhớ đó, để chỉ dùng nó vào những việc hữu dụng cho ta và tha nhân.