24. Vượt cơn quốc nạn (26-6-08)

05 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 73654)
24. Vượt cơn quốc nạn (26-6-08)
26-6-08 – 5:00 giờ sáng

Khi tâm con người hướng thượng thì càng bị chận tâm càng phát, càng lan rộng theo nhiều cấp số nhân. Vì thế Đại Lễ 69 năm Đức Thầy lập Đạo năm nay, số người trong đó tín đồ đã về Thánh Địa trên 500.000. Con số đó sẽ gia tăng càng lúc càng nhiều. Hơn ai hết chánh quyền địa phương và nhà nước Việt Nam biết rõ về nhân lực và tiềm lực của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Tâm lực và nội lực của tín đồ sẽ càng lúc càng cao, và càng ngày sẽ càng vượt quá tầm kiểm soát của chánh quyền địa phương. Vì thế họ luôn đề phòng những đợt sóng ngầm.

Ở một khía cạnh nào đó, khuôn khổ nào đó những người đang sống dưới mỗi chế độ đều có những khó khăn riêng mà người hiểu đạo phải nhìn thấy, hiểu biết và cảm thông cho họ. Trong công có tội và trong tội có công, mà sự tồn tại của ngôi Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo nơi Đức Thầy ra đời và lập đạo, và ngôi Chùa Thầy An Hòa Tự, mới là giá trị trường tồn cho lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo.

Ngoài ra, việc chận đứng sự trở về của tác giả là có điều tốt để cho tư tưởng phục vụ đạo, phục hưng đất nước được âm thầm lan tỏa ra càng lúc càng nhiều. Như các đồng đạo trẻ tuổi cho biết đọc được các sách tâm linh, nhất là hai cuốn Thầy Không Vắng Mặt và Tiếng Chuông Thiên Niên Kỷ, đã rất tâm đắc. Sách đến với họ như thêm dầu vào lửa đạo, họ càng có thêm tâm lực, và ý chí, lòng tin càng gia tăng đối với Đức Thầy, đối với đạo.

Hiện nay sự phổ biến, sự hiện diện của các cuốn sách có ích lợi và quan trọng hơn sự trở về thăm viếng làng xưa, vì không tạo sự chú ý.

Vun bồi tâm lực và ý lực của đồng đạo cần được đặt lên hàng đầu. Dù không về Thánh Địa mấy chục năm nay nhưng tâm thức và tâm đạo luôn luôn hướng về hoặc hiện diện nơi đất Phật, nguồn gốc phát khởi Đạo.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần thành đi đến đâu thì ngôi Tam Bảo, tấm trần dà hiện diện nơi đó. Vậy thì tấm trần dà ở đâu? Thánh Địa ở đâu? Có phải luôn ở trong ta. Thế thì việc ngăn trở về Thánh Địa chỉ là mặt hữu vi. Mà hữu vi càng chận thì vô vi càng phát.

Càng bị ngăn chận trở về Thánh Địa thì sự hiện diện của Cô Bé Làng Hòa Hảo lại càng sâu đậm đối với đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây.

Mỗi giai đoạn thời thế đều khác nhau. Lúc tiến, lúc lùi, lúc ẩn, lúc hiện. Lúc cần ẩn mà  hiện là gây trở lực cho việc đạo. Sự hy sinh vì đạo cần thiết cho việc phát huy đạo pháp. Càng lùi xa thì lực phản hồi càng mạnh, nên khi tiến thì lại tiến xa hơn.

Tâm bình tịnh được thì trí huệ. Đó là lời dạy của Đấng Tôn Sư phải luôn ghi nhớ. Tránh động tâm, buồn phiền, hờn giận vì nó sẽ khiến ta sống trong tâm cảm của địa ngục tâm.

Cần quán chiếu, bình an nội tâm thì sẽ thấy rõ con đường đi tới hơn. Việc hiện tại là sửa cho xong bản thảo của quyển Tâm Đạo Dân Tộc. Đó là quyển sách không những có lợi cho tín đồ đồng đạo mà cho dân tộc, đất nước, giúp cho những người có trách nhiệm và ưu tư đối với đất nước mở mang tầm nhìn, cải sửa tâm thức để nhìn rõ hơn vận  nước ngõ hầu tìm ra phương thức hữu hiệu sửa chữa con tàu Việt Nam có khả năng vượt những đợt sóng mạnh của kinh tế chánh trị trong những giai đoạn chuyển thể cực kỳ khó khăn, sao cho nước yên, dân không loạn trong cơn quốc nạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880