Nếu biết thiên cơ, việc xảy đến mà mình là một nhân tố, mà không quyết chí thực hiện, góp tâm góp sức vào việc hình thành mọi yếu tố để tạo dựng thời cơ cho đúng thời, đúng lúc là lỗi của mình.
Vậy thì tâm nguyện, ý nguyện của mình là gì? Phải chăng là đóng góp cho đạo pháp và dân tộc?
Vấn đề là ta có đủ đức tin, niềm tin vào đấng thiêng liêng không?
Muốn giữ vững niềm tin vào đấng thiêng liêng thì trước nhất phải có niềm tin vào chính mình.
Biết bao nhiêu người, bao nhiêu tín đồ đặt niềm tin vào tôn giáo, vào giáo chủ, vào đấng tối cao, nhưng họ không có và cũng không củng cố niềm tin và nghị lực vào chính mình. Vì thế nên cho đến cuối cuộc đời, họ chỉ là một tín đồ ngoan đạo, nhưng họ không bao giờ thành công hay làm những gì mà đấng tối cao, giáo chủ đó đã dạy.
Thay vì đặt niềm tin nơi đấng giác ngộ, đấng giáo chủ, đấng chí tôn, thì họ chỉ tôn sùng, ca ngợi, suy tôn.
Tôn sùng, ca ngợi, suy tôn khác với đặt niềm tin. Họ hiểu lầm là suy tôn, ca ngợi, tôn sùng là để được cứu rỗi, được lên thiên đàng. Họ tưởng rằng tin là ngoan đạo, là đọc kinh, là cầu nguyện, và đó là hành đạo.
Hoàn toàn sai. Đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng là phải học cho hiểu lời dạy và giáo lý của bậc thầy, rồi phải quán chiếu xem xét tự ngã để cải sửa, rồi tuân hành, thực hiện lời dạy đó.
Tôn giáo càng ngày càng gia tăng, càng ngày càng tăng tổ chức tôn giáo, giáo hội tôn giáo, nhưng tín đồ càng giảm. Tại sao?
Vì kẻ cho, người nhận đều giả. Kẻ có phận sự truyền giáo tin mừng, lời vàng của các đấng giác ngộ thì mải lo củng cố quyền thế, quyền lực, tài lực, địa vị, tiếng tăm. Họ muốn củng cố thế đứng nên thay vì hành đạo, phục vụ đạo, thì họ tạo điều kiện hấp dẫn và thuận lợi để lôi kéo tín đồ, hay lấy đạo tạo đời.
Tín đồ thay vì lo tu tập, học đạo, để đi đến sáng suốt, thì lại bị thu hút vào hào quang giả tạo, bị thu hút vào đám đông, vào quyền lực tôn giáo, chạy theo các nhóm tôn giáo có tiếng tăm, có vị thế vững chắc, có cơ sở và tài lực đồ sộ.
Kẻ cho và người nhận đều lạc đạo, tạo sự cạnh tranh giữa những người cùng một tôn giáo, và giữa tôn giáo này với tôn giáo kia.
Tôn giáo là một giá trị tâm linh tinh thần tối thượng. Nhiệm vụ, sứ mạng là đưa con người thăng tiến vượt nhân ngã, vượt đời sống trần tục để được giải thoát sự khổ. Đi ngược lại, đưa con người đi xuống hạ tầng của tâm thức là tội đồ của tôn giáo.
Nhà ngủ Bellagio, Las Vegas, Nevada