Khi ta quyết định làm một việc gì mà ta cho là đúng, là hữu lợi cho tha nhân, trong đó cũng có ta, mà có lúc ta lại thắc mắc khi nhận được phản ứng hay phê phán bất lợi, ta lại tự nghi ngại, thắc mắc hay buồn bã. Đó là vì tâm ta bị rối, bị tự kỷ ám thị, chưa đạt được lòng tin đúng mức, hoặc chính các cảm quan, giác quan, chủ quan đã che mờ căn trí.
Ta cần tập cho mình từng bước một phải có nhận định khách quan khi phải quyết định hay giải quyết một vấn đề gì, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả cũng như phản ứng của nó. Không phải quyết định nào cũng xuôi chèo mát mái dù việc đó nhằm hữu lợi cho tha nhân, cho đất nước, cho đạo nói chung, và cho đại gia đình hay tiểu gia đình của ta.
Có những quyết định quan trọng ở cấp cao cho một tổng thể, nhiều khi ta phải trả bằng máu và nước mắt, huống hồ chi là những thị phi cho một cá nhân nhỏ bé là ta.
Nếu ta không chịu đựng nổi phản ứng bất lợi của một tiểu gia đình, một cộng đồng của đạo hay đời, thì ta làm sao đeo đuổi được sự nghiệp quyết tâm phục vụ tha nhân, đất nước, dân tộc.
Nếu không có khả năng để làm để chịu đựng gánh nặng thị phi của một việc nhỏ, thì đời ta kể như uổng một kiếp lai sinh, chỉ sống, hiện diện và an hưởng rồi ra đi, chẳng đem lại lợi ích gì cho hậu thế, trừ còn lại một chút phân nuôi cho cây cỏ.
Ta cần tập luyện nhiều hơn để cho ý chí thêm bền vững, tâm lực thêm mạnh mẽ, trí tuệ thêm sáng suốt, sắc bén, quyết định nhanh nhẹn, và một nội lực và khí lực tràn đầy không bao giờ vơi để chịu đựng lực cản hay trở lực trên con đường ta đi.
Tâm trí lực phải luôn mạnh, nghị lực, thân lực bền bĩ, ta há không chịu đựng nổi những tảng đá, những ghềnh thác mà ta phải đối phó để tiến bước, để học hỏi trong mỗi chặng đường tiến hóa.
Khi tâm động là lúc ta cần học hỏi về ta về người và ngoại cảnh. Động càng nhiều thì học càng nhiều để thanh lọc những rác rưởi của tự ái, tham sân si, hỉ nộ ái ố thất tình lục dục của tự thân.
Có va, có chạm mới bật ra những trở ngại chất chứa sâu dầy trong tâm khảm, mà ta vì cạn cợt, yếu đuối nên không có khả năng quán chiếu thẳng vào nội tâm sâu kín vì con người thường che đậy thói hư tật xấu và khoe cái hay cái đẹp, cái hào hùng, khả ái, khiêm nhường, vị tha, từ bi ra ngoài.
Khi ta dở được lớp sơn đẹp đẽ che đậy một cái tôi đầy bụi bặm, mốc meo ra, thì một vừng trí tuệ sáng lòa bừng dậy.