11. Cần ý chí kiên nhẫn quyết tâm đổi nghiệp để chuyển và giải nghiệp (5-6-08)

05 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 75066)
11. Cần ý chí kiên nhẫn quyết tâm đổi nghiệp để chuyển và giải nghiệp (5-6-08)
5-6-08 – 11:00 giờ sáng

Con người sống phải có nghiệp. Nghiệp bắt đầu khi ta hiện diện trong bào thai và ra đời.

Nghiệp tăng dần theo ngày tháng, gồm thuận nghiệp hay nghiệp tốt, và chướng nghiệp hay nghiệp xấu.

Cuộc sống của ta biến chuyển theo sự tăng trưởng của  thuận nghiệp hay chướng nghiệp.

Ta có chấm dứt được nghiệp không?

Khi còn hơi thở ta không dứt được nghiệp. Có rất nhiều người ra đi vẫn để lại cho con cháu nghiệp của mình. Vì vậy ta không những cần chuyển nghiệp dữ hay chướng nghiệp cho cuộc đời này của ta, dù nó chỉ còn ngắn ngủi, mà ta cần chuyển hay trả dần nghiệp dữ và tạo nghiệp lành hay thuận nghiệp cho con cháu đời sau.

Muốn chuyển được nghiệp dữ tạo nghiệp lành, ta cần có khả năng chuyển nghiệp.

Chuyển nghiệp dễ hay khó?

Rất khó. Vì ta cần có khả năng đầu tiên là khả năng tự kiểm, quán sát chính mình. Từ những bản tánh đến cách cư xử vì bản tánh và cách cư xử từ lời nói việc làm vô tình hay cố ý là mấu chốt để tạo nên nghiệp dữ hay lành.

Quán sát ta hiểu ta chưa đủ, mà phải quán sát người mà ta liên hệ trực tiếp hay gián tiếp, và có cái tâm kiên nhẫn và từ bi để hiểu họ.

Chuyển nghiệp là một công trình lớn trong việc tu học, vì đó là sự thực tập những gì ta học hỏi trong kinh sách, trong tôn giáo, giáo dục căn bản của con người, trong gia đình và xã hội

Ta càng tu càng tiến trên con đường sống đạo, ta càng thấy chiếc gương phản chiếu con người ta và sự vật trước mắt ta càng rõ càng sáng, càng nhiều chi tiết với chiều sâu. Chiếc gương này sẽ giúp ta thấy.

Ta nhìn rõ cái gương soi rọi mọi người mọi vật quanh ta là nhờ ở đôi mắt nội tâm trong sáng và một trái tim đầy thương yêu từ ái của ta.

Ta không thể nào nhìn thấy mọi sự việc giữa ta và người và chuyển được nghiệp chướng sang nghiệp lành nếu ta vẫn còn đầu óc hận thù, ghen ghét, hủ lậu, và một trái  tim khép kín đầy vị kỷ, đầy lòng sân hận và không biết đau trước nỗi đau của kẻ khác và cũng không biết rung động trước cảnh khổ của người.

Muốn bước khỏi bóng tối ra ánh sáng. Muốn rời khỏi con đường lầy lội bùn sình để bước ra đại lộ thênh thang không thể một sớm một chiều mà ta có thể làm được.

Tu học không phải để đạt được một cây đũa thần để hô biến trong một khắc để từ địa ngục bỗng bay lên niết bàn, phủi sạch bụi trần  hôi hám.

Tu học để biết rằng càng tu càng khó, càng đi càng thấy con đường xa xôi vạn dặm. Ta cần sự kiên  nhẫn trì tâm để thay đổi, để gột sạch từ lớp bụi trần. Có lúc lột bụi trần đau đớn như lột lớp da sần sùi, lỡ loét, máu chảy rát da, để được một lớp da mới dần dần sạch sẽ hơn, mịn màng hơn.

Cái phép lạ là ta có được sự kiên nhẫn và nội lực để trì chí tu tập chớ không phải phép lạ là “hô biến” để được từ nghèo khó thành giàu sang, mâm cao cỗ đầy, đang nợ nần thành dư giả, đang cực khổ bỗng chốc rảnh rổi  thênh thang được thong thả đi chơi.

Càng tu học càng thấy rõ bổn phận của một người phải làm trong hoàn cảnh hiện tại.

Tu học không phải để đi trốn tránh nghiệp mà ta phải trực diện với nghiệp của mình để hành xử như thế nào mà nghiệp dữ thành nghiệp lành, để từ đau khổ trở nên hạnh phúc.

Càng tu học càng thấy rõ là phải đứng vững trên mặt đất bằng đôi chân của mình.

Càng tu học càng thấy rõ trốn nghiệp là một điều sai lầm. Vì càng trốn nó càng đeo và trở nên nặng cho nội tâm và bí lối ở ngoại cảnh.

Sự quyết tâm tu học không thể thiếu ý chí, kiên  nhẫn, và sự quyết tâm đổi nghiệp để chuyển nghiệp hay giải nghiệp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880