12-89
*Đạo
Nếu ta tìm thấy Đạo, thấy con đường thì ta có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Tại sao?
Vì Đạo giúp cho ta thấy.
Ta chỉ có thể thấy khi ta không bị ảnh hưởng tình cảm, thành kiến. Ta không bị ảnh hưởng bởi quá khứ hay ảo ảnh của tương lai. Ta không bị ảnh hưởng bởi quyền lợi cá nhân hay một vài cá nhân mà ta nhìn sự việc và giải quyết sự việc cho lợi ích chung. Vì khi ta nhìn sự việc với lợi ích cá nhân hay vài cá nhân ta vẫn còn nằm trong sự vị kỷ. Mà khi ta còn vị kỷ ta còn mù.
Khi ta Mù ta không thấy và khi không thấy ta sẽ giải quyết sai và sẽ có hậu quả sai. Hậu quả này sai sẽ đưa đến sự giải quyết sai kế tiếp và cuộc đời ta sẽ sống mãi trong chuỗi giải quyết sai lầm. Chuỗi giải quyết sai lầm này chẳng những sẽ làm khổ ta mà còn làm đau khổ cho những kẻ thân yêu quanh ta.
Vậy việc trước nhứt để chấm dứt đau khổ là sự tịnh tâm. Đó là việc mà ta phải thực hiện ngay, không chần chờ để thoát khổ.
*Tịnh
Làm sao yên tịnh khi sự động loạn có liên hệ trực tiếp với mình và mình không làm cho người khác thấy được những gì mình thấy?
Sự yên tịnh sẽ có khi mình dùng chơn tâm của mình để giải quyết các vấn đề có liên hệ đến mình. Tuyệt đối không giải quyết vấn đề theo cái nhìn của người khác vì làm như vậy chỉ sẽ tạo sự yên tịnh nhất thời cho cả đôi bên mà lại tạo sự động loạn cho chính mình vì mình hành động sai với chơn tâm. Nguyên lý chính yếu để đạt được sự tịnh tâm là không bao giờ đi ngược lại chơn tâm. Khi hành xử theo chơn tâm mà còn bị động loạn tức là còn bị ảnh hưởng sự suy nghĩ phán đoán của người khác, còn sợ bị phê phán tốt xấu, còn muốn nhận một giá trị giả tạo do người đời ban cho. Con đường tu là đi tìm cho mình một giá trị thật, một giá trị trường cửu không bị thay đổi bởi thời gian, không gian hay vị trí địa dư. Giá trị này đòi hỏi người đi tìm phải tuyệt đối gột rửa chính bản thân mình mới tìm được.
* Nói
Làm sao để ta bớt nói?
Ta phải bớt nghĩ.
Làm sao bớt nghĩ?
Phải bớt động tâm.
Làm sao bớt động tâm?
Phải có tâm không.
Làm sao có tâm không?
Phải không có ngã.
Làm sao không có ngã?
Phải diệt ngã.
Làm sao diệt ngã?
Diệt ngã đúng hay sai?
Ngã là ta mà diệt ngã là diệt ta hay sao?
Vậy nếu diệt ta thì ta ở đâu? mà ta là hiện hữu. Như vậy phải có ta. Cái ta không thể diệt được. Vì nói diệt là nói chuyện không tưởng và ảo tưởng. Việc không tưởng và ảo tưởng là việc không thể thực hiện được.
Như vậy diệt Ngã để ít nói là sai.
Vậy sống trong thế gian ta phải có ngã, cái ngã trực tiếp với con người ở trần gian nên ta phải có nó mới hiện hữu. Sống với trần gian mà đòi diệt ngã là điều sai lầm và chỉ là một ảo tưởng hay chỉ là một sự dối lòng hay lầm lẫn với chính mình. Vì thế nên mới có những hành động sai lầm, lời nói sai lầm và đưa ra những kết quả sai lầm.
Như vậy ta phải đối đầu với cái NGÃ to lớn của ta và ta làm sao sống với cái NGÃ to lớn đó mà không đi vào sai lầm dối trá chính mình và dối trá người khác để trở nên những mô hình bằng cát có đó mà vỡ tan bất cứ lúc nào.
Có thể nào ta đi ngược lại hết những gì ta đã đi qua, phá vỡ hết tất cả các phương trình xây dựng hay tự mình khỏa lấp cái thấy của mình?
Ơ mỗi trình độ tu học sẽ có những trình độ thấy. Cái thấy mỗi lúc mỗi tinh vi hơn, mỗi gút mắc hơn. Mới nhìn thì thấy nó ngược mà không ngược vì nếu có trình độ hiểu biết sâu rộng thì tất cả nằm gọn trên bản đồ. Ta đứng trên cao nhìn nó thì ta sẽ thấy mọi đường ra. Còn đứng trong bản đồ thì chỉ thấy một vài đoạn đường ngắn ngủi mà thôi.
Nếu đứng trong bản đồ ta cứ cố công tìm kiếm, lần hồi các đường đi ta có thể biết nhiều hơn, có đường ngắn, đường dài và đường đi tắt. Không có đường nào sai cả mà chỉ có đường đi mau đến đích và đường đi lâu đến đích. Lại có những con đường đi mãi cứ vòng vo đi qua rồi trở lại. Vì vậy ta cần có sự kiên nhẫn bình tâm để đem cái nhìn, cái biết đó để đi đến cái thấy. Cái thấy giúp cho ta lấy quyết định đi con đường nào để chỉ có tiến mà không lùi, thẳng chứ không quanh co, đi tới là đi tới đích chứ không phải đi tới mà cái tới đó lại nhằm con đường quẹo lại chỗ đã "khởi hành."
Như vậy thì nói diệt ngã mà không diệt. Tâm không mà có tâm. Diệt ngã mà không diệt, tâm không mà có tâm là ta phải biết lúc nào cần có ngã mà ta vẫn biết hành xử của một người có Ngã mà đã diệt ngã, có tâm mà vô tâm.
Nếu ta sống giữa con người, giữa xã hội mà hành xử theo tâm không hay vô ngã thì ta sẽ không hiểu người và ta sẽ đưa ta đến bất quân bình trong cuộc sống và có xáo trộn giữa ta và người.
Nếu ta vô ngã và tâm không mà hành sử theo có ngã và có tâm thì ta sẽ có sự sáng suốt vì nhìn được việc gì có lợi ích chung chớ không phải cho riêng cá nhân ta và nhờ thế sẽ tránh sai lầm thất bại.
Như vậy nói ít hay nói nhiều, không quan trọng mà điều quan trọng là nói cái gì. Cái gì cần nói và cái gì không cần nói. Cái gì nên nói ít và cái gì nên nói nhiều. Cái gì nên nói lúc này mà không nên nói lúc khác. Cái gì nên nói ở chỗ này và không nên nói ở chỗ khác. Như vậy điều quan trọng phải chăng là ta biết khi ta nói.
* Vượt Sợ Hãi
Làm sao để thoát khỏi trạng thái không chế ngự, không kềm hãm? Làm sao để phân biệt giữa hành động bốc đồng và hành động theo tâm thức, theo cái thật mà mình thấy phải làm? Làm sao để phân biệt giữa hành động ích kỷ bảo vệ mình với hành động theo đúng lương tâm có lợi cho cả hai bên? Làm sao để biết hành động đó là hành động giác ngộ cho chính mình và người (hay thức tâm)?
Có phải tất cả các câu hỏi đã có sẵn câu trả lời vì có biết trả lời thì mới có khả năng hiểu câu hỏi và đặt lại câu hỏi cho chính mình. Có phải câu hỏi đã cho ta thấy ta đã nhìn thấy vấn đề và đặt vấn đề và biết vấn đề nằm tại đâu. Có phải là có lạc đường mới biết tìm đường đi hay ở giữa hỏa mù mới biết thế nào là ánh sáng?
Có phải đã từng tự kềm chế an tâm cho chính mình để tạo cho mình một người bao dung rộng lượng rồi sự giận buồn mới cho ta thấy chỉ có hành động theo sự chân thật mới cho ta một sự an tâm thật sự, một sự bình an thật sự. Sự an tâm giả của ta cũng là sự an tâm bình an giả của người. Hạnh phúc giả của ta cũng sẽ là hạnh phúc giả của người vì chỉ có cái THẬT mới bền và trường cửu. Những gì ta bôi son trét phấn, phủ lên những ngôn từ hành động giả tạo đều không trường cửu.
Việc làm theo bốc đồng là việc làm quyết định không có lý do hay quyết định trong một trạng thái giận dữ, buồn bã, tức là trong một trạng thái xúc động mãnh liệt không lý trí. Và, những việc làm đó thường không đo lường hậu quả và trách nhiệm. Còn hành động theo sự chân thật là việc làm trong thức giác trong những giây phút không có xúc động xô đẩy để quyết định đưa đến hành động, và người hành động đã đo lường được hậu quả và sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm do hậu quả hành động của mình.
Hành động nhằm thức giác cho cả đôi bên, phải là hành động vượt sợ hãi. Người còn sống trong sợ hãi mới phải lo bảo vệ mình bằng những tư tưởng đẹp của mình cho mình, bằng cách tạo tư tưởng cảm tưởng đẹp của người cho mình. Và tất cả hành động của mình chỉ có một mục đích tô điểm bảo vệ và đề cao cho cái TÔI của mình.
Muốn thức giác và có ích cho cả hai phải thật sự quên mình, quên đi điều lợi hay hại cho mình lúc đó ta mới vững tâm hành động mà không bị ràng buộc bởi sự phê phán của người khác. Lúc đó ta làm việc hành động trong thức giác.
* Nhỏ Hay Lớn?
Ta có nhỏ bé không?
Thế nào là to lớn và thế nào là nhỏ bé?
Khi tâm đã vững, trí lực đã có thì cần sự quyết tâm, cần một ý chí cực mạnh thì khó có gì cản trở nổi để có thể tạo thành cơn bão hay giòng thác lũ. Tất cả mọi cuộc cách mạng thật sự đều thoát từ sự nhỏ bé, cô đơn nhưng dũng mãnh, kiên trì, chứ không thoát từ sự vĩ đại, từ đám đông. Vì từ sự nhỏ bé cô đơn mới có sự thanh lọc, thực chất. Từ đám đông chỉ có đàn áp, sô bồ, hô hào, bị ảnh hưởng mà kém suy tư.
Tư tưởng cách mạng phải thoát thai từ sự cô đơn nhỏ bé trước rồi mới có đám đông hỗ trợ để thực hiện. Đám đông hỗ trợ cho cuộc cách mạng cũng không phải là đám đông xách động, ồn ào, từng hô hào mà là đám đông của sự im lặng. Đám đông của sự chờ đợi. Đám đông của những kẻ đứng nhìn, biết, thấy, chờ đợi, âm thầm suy nghĩ. Đám đông đó chỉ chờ đợi một con đường sáng, một lãnh tụ đúng nghĩa để họ đáp ứng.
Tất cả mọi việc đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều nằm trên một bàn cờ của vũ trụ. Không có điều gì mới hoặc cũ. Không có điều gì hay hoặc dở mà nó chỉ nằm vào sự vận hành của vũ trụ và tùy theo con người có thật sự muốn xây dựng lại thì nó sẽ chuyển theo chiều hướng đó.
Phải làm việc không ngừng nghỉ, không chểnh mảng. Phải dẹp mọi cá nhân ích kỷ, thủ lợi để góp công xây dựng ráo riết và mạnh mẽ để tái lập lại sự quân bình của vũ trụ nhằm bảo vệ sự trường tồn của nhân loại.