21-8-97 - 9:40 giờ sáng
Làm thế nào để Tâm và Trí làm việc song đôi?
Khi tâm và trí làm việc song đôi, sự đau khổ mất vì tránh đi qua tiến trình từ đau khổ đến sáng suốt suy nghĩ và có hành động. Dù cho có hành động thì đã có tiến trình làm cho ta giảm nghị lực có khi bị mắc kẹt bởi những quyết định trước đó theo Tâm mà không đủ Trí Tuệ nhạy bén để ứng phó kịp thời.
Khi đã kéo dài giai đoạn giữa tâm qua trí là đã có sự trì trệ, ù lì, kém thông minh, kém bén nhạy.
Muốn tránh đau khổ, muốn có sự sáng suốt nhất thời Trí và Tâm phải hòa hợp đồng nhất cắt bỏ tiến trình chuyển từ Tâm mới có phản ứng rồi Trí mới nhảy vào quyết định. Sở dĩ trí trì trệ vì phải qua tiến trình tính toán. Ta phải thay sự tính toán bằng sự sáng suốt. Sự tính toán là bộ óc của đời, đó là nguồn gốc của đau khổ. Trí minh mẫn là ứng phó trong sáng suốt của sự nhạy bén nhìn, thấy, nghe không chủ quan, không thành kiến và không tình cảm.
Trí và Tâm hòa hợp chỉ có khi ta sống trong cái LÝ TỰ NHIÊN. Việc đến như thế nào ta phải hành sử như thế đó. Hể có ứng thì có đáp, như một trái banh dội ngược tức thời khi va chạm vào một vật thể, đó là trái tim ta.
Khi banh bị ném mạnh, nó sẽ va chạm mạnh và dội ngược mạnh. Khi va chạm nhẹ thì nó dội ngược nhẹ. Đó là Lý Tự Nhiên.
Người có sứ mạng muốn thực hiện được sở nguyện phải có tâm không - tâm hoàn toàn trống rỗng và không bị ảnh hưởng của đầu óc chứa các dữ kiện của quá khứ, tình cảm, và thành kiến chủ quan. Càng tình cảm càng thất bại, hiểu sai vấn đề, giải quyết và quyết định sai hoàn toàn.
Người có sứ mạng phải có đức từ bi nhưng không bị ảnh hưởng bởi thương và ghét từ các cá nhân chung quanh. Sự rung động tất có, nhưng không hành động theo sự xúc động qua sự rung động đó. Sự xúc động nhiều lúc xảy ra vì nhãn quan và cảm giác chủ quan chịu ảnh hưởng của các hình ảnh quá khứ. Đôi khi cảm xúc không phải do sự việc xảy ra trước mắt mà do sự liên tưởng của các việc xảy ra trong quá khứ hay do sự liên hệ tương đồng với việc xảy ra cho chính bản thân mình. Nếu có hành động ngay lúc đó có thể do một sự thúc đẩy của một trường hợp khác, của nội tại, chứ không do ngoại cảnh đang diễn ra trước mắt.
Đó là một sự lầm lẫn do chủ quan. Người hành động theo chủ quan đã không tự chủ, không hành động theo trí tuệ mà lại hành động theo biến chuyển của lục giác.
Do đó họ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và tạo nghiệp quả cho chính bản thân họ.
Ta phải bước ra khỏi sự yếu đuối của TÂM đang bị lục giác ảnh hưởng lôi kéo. Tâm ta phải an định thì thần trí mới sáng suốt.
Đức Thầy đã nói, "Tâm bình tịnh được thì trí tuệ" là vậy.
Tâm không an định thì trí bị lu mờ, mãi mãi ta sẽ sống trong ngục tù của lục căn lục trần.
Ta phải tập làm chủ trái tim, tức Tâm của ta, để giúp cho nó được bằng an trống không, sống vượt trên sự thương ghét. Tâm có mạnh thì Trí mới sáng, mới có hành động đúng. Không bốc đồng và tránh đi từ thái cực này khi trí bị va chạm sang thái cực khác, tạo thành một sự bất quân bình, thiếu suy xét, có thể đưa đến rạn nứt toàn diện vô phương cứu chữa.
Sự quyết định từ thái cực này sang thái cực khác chỉ có thể ở nơi một con người bốc đồng, hành động theo cảm xúc. Họ quyết định theo sự giận dữ, do va chạm tự ái, hay tổn thương nhất thời, có thể dễ dàng sai lầm do chủ quan gây ra. Quyết định lúc này hoàn toàn độc hại. Khi có quyết định bốc đồng giận dữ, ta mất đi sự khôn ngoan và bất kể chuyện gì xảy ra. Ta có thể dễ dàng nhận biết khi thấy cảm xúc đã gây ra hai quyết định ngược chiều ra hai thái cực. Khi đó ta biết ngay nó sai lầm và phải bình tĩnh để dung hòa an định tâm trí lại.
Vậy Tâm có một vai trò quan trọng trong cuộc đời ta. Nó đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ trong ĐỊNH MỆNH của một con người. Người sống Đạo đi trên sự biến chuyển của TÂM sẽ sống ngoài ĐỊNH MỆNH, vì họ không bị lôi cuốn theo cơn lốc của Trí xáo trộn của con người do chính Tâm gây ra.
Ta phải Động mà không Độâng, Tịnh mà không Tịnh, và phải Động trong Tịnh và Tịnh trong Động. Sống trong cơn lốc, ta phải xoay theo nó để ta không động. Sống trong Tịnh mà không ngủ quên lại phải luôn sáng suốt nhạy bén trong sự Tịnh đó, mới là một NHÂN TRI SƯ được.
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát
Đại Chứng Minh