Thứ Ba 22-4-03 - 1:30 giờ sáng
Phải chăng muốn đạt lục thông cần qua giai đọan không nhiễm lục trần?
Lục giác giúp cho ta nhận biết thế giới bên ngoài. Nhưng ta biết để sống và sống như thế nào cho đừng nhiễm lục trần qua thói quen và lòng ham muốn.
Nhờ lục giác ta mới biết thưởng thức, nhưng thưởng thức để biết chứ không nhiễm. Ta phải dừng lại ở chỗ BIẾT mà không bị lục căn xô đẩy lôi kéo theo sự ham muốn. Không có lục giác ta sẽ hoàn toàn vô tri vô giác. Vậy lục giác là một phương tiện giúp cho ta giác ngộ nếu ta biết dùng nó đúng và không lạm dụng nó.
Lục giác là điều thiết yếu của một con người, nhất là người tu học. Tu học để phát triển lục giác, tận dụng lục giác. Và muốn tận dụng chúng, ta phải khai triển khả năng toàn diện của lục giác và ta phải thông suốt nó nhằm hướng thượng, không để nó lôi kéo ta hay chính ta lôi kéo nó hướng hạ.
Hướng thượng lục giác ta sẽ đạt lục thông hầu khai triển khả năng vô giới hạn của cơ thể, đầu óc, tâm linh của con người nhằm đạt chân lý thượng thiên.
Hướng hạ lục giác sẽ khiến chúng nhiễm lục trần và tâm hồn thể xác ta sẽ bị trầm mê trong chốn thế gian tục lụy đưa con người vào cõi ta bà không lối thoát.
Mỗi con người trên thế giới đều có tự do toàn diện về chính bản thân mình và có toàn quyền học hỏi qua lục giác để tiến hóa. Tiến hóa về mặt tâm linh lẫn vật chất. Tu học là để tu tập học hỏi chứ không phải gò bó cách ly dồn nén. Càng dồn nén càng bế tắc "ngũ căn," trí óc bị mịt mờ vì không nhận diện được cảm xúc và cảm giác một cách rõ rệt. Một là tưởng tượng, hai là nghe nói như thế này hay thế kia, mà tưởng tượng hay nghe nói đều sai lạc vì cảm xúc, cảm giác, và cảm nhận của mỗi con người khác nhau. Trí tưởng tượng càng sai hơn và có thể đưa đến loạn tâm.
Tu học là phải chính ta nhận diện ta và thế giới bên ngoài cùng một lúc qua lục giác. Giữa ta và người, ta và sự vật, mọi giác quan phải được nhận thức một cách chính xác và chân thật, ta mới thông suốt, tức đạt được lục thông.
Không thể đạt lục thông nếu không ở thể Định. Định là điều kiện tất yếu. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phải thu lại ở thể đại định. Giây phút đó ta hoàn toàn không cảm xúc mà chỉ có hơi thở và trí tuệ mở rộng đón nhận mọi cảm xúc và quán sát giữa ta và vạn vật bên ngoài lẫn bên trong ta - trong không gian bốn chiều. Giữa ta và sự vật, giữa ta và chính ta, và đồng thời ta phải đứng cả ở vị thế của người đối với ta. Khi đó ta biết rõ ta và biết rõ cả người.
Nói rõ hơn, ta nhìn rõ ta, ta nhìn rõ giữa ta đối với người và rõ người đối với ta. Giây phút đó lục thông xuất hiện. Mọi cảm xúc và cảm giác được nhận định thật rõ rệt, như giữa hai đối thủ trong một trận đấu. Võ sĩ phải biết chính mình, phải biết mình với đối phương, và phải biết rõ khả năng, dự tính của đối phương đối với mình. Có như vậy mới có thể làm chủ võ đài.
Trên võ đài, võ sĩ biết đối thủ, biết sàn đấu của võ đài để thấy đối thủ. Người tu học thì khác, họ không dùng lục thông để thấy kẻ đối diện, họ chỉ cần "biết." Họ có thể quyết định thắng hay thua. Nếu thấy thua mà có lợi cho đối phương họ sẽ chịu thua để giúp đối phương.
Người đạt lục thông không thể không có tình thương và nếu không có tình thương thì không thể đạt được lục thông. Muốn đạt lục thông ta phải vô ngã, vì đạt lục thông là đạt đại ngã. Không có ta và không có người. Ta phải ở thể hội nhập mới hiểu được người và sự vật quanh ta.
Như thế lục thông không còn là thứ gì mà ta phải đạt tới. Lục thông hiển nhiên hiện diện khi ta hòa nhập vào đại ngã, vào thế giới của tình thương đại đồng.
Lục thông là hội nhập vào tam thiên đại thiên thế giới, hội nhập với vũ trụ và hòa tan trong vũ trụ, hòa tan vào khối ánh sáng, khối Đại linh quang rực rỡ và êm đềm tuyệt diệu.