93. TÂM PHÁP

11 Tháng Hai 200512:00 SA(Xem: 71871)
93. TÂM PHÁP

22-7-1995, 11:30 PM

Có một pháp thiền mà ít người lưu tâm, là thiền trong sự tỉnh thức, trong mọi tác động của bản năng. Thiền trong sự tỉnh thức là một pháp thiền quán tâm vượt mọi ảnh hưởng của cảnh sắc âm thanh. Tai nghe âm thanh, cảnh sắc xung quanh có thay đổi, hoàn cảnh có nghịch, động, tỉnh đều cùng một thể. Thân tâm tự tại, sống trong cảnh thực, đó là sự hội nhập giữa giả và thật, mới đạt tánh không.

Khi tâm thức mạnh mẽ, mắt tai mũi lưỡi thân ý được bình yên, thì nhìn mới như không nhìn, nghe như không nghe, thấy như không thấy, ăn mặn cũng như ăn lạt, ăn ngon cũng như ăn dở, lúc mạnh cũng như lúc đau, không vui cũng không buồn, không ưa thích cũng không không ưa thích. Tâm thức chủ động không để lục căn lục trần chủ động, lúc đó tình thương mới nảy nở toàn diện.

Khi đạt thể chân như, ta không còn bị xâm nhập hay hội nhập nữa. Không ai có thể ảnh hưởng qua thân tâm ý của ta. Đó mới là trạng thái giải thoát toàn diện. Đó mới gọi là tâm bất động. Đó mới là thiền. Đó mới là tâm pháp, con đường đi đến giải thoát, vượt phương tiện, không dùng ngôn ngữ cũng không dùng phương pháp để tập luyện hay kềm chế. Vì thân ta có tập luyện, có kềm chế thì nó vẫn trở đi trở lại khi các tế bào thay đổi và các tế bào lại bị ảnh hưởng bởi thức ăn, thời tiết và hoàn cảnh sống.

Tâm pháp là con đường trực tiếp và nhanh nhất vì không có mưu cầu.

Mọi phương pháp đều là giả tạm vì khi chọn lựa để áp dụng một phương tiện là có ý định, mà ý định là điều khó gột rửa nhất, luôn luôn đeo đẳng trên con đường hành đạo, luôn luôn nổi lên để che mờ tâm trí, che mờ sự thức tỉnh, giác ngộ và sáng suốt.

Khi có ý định, có mưu cầu thì có ảo tưởng và tưởng tượng đạt đạo. Đó là sự gạt gẫm kẻ hành đạo. Bất cứ một giây phút nào thấy sự đạt đạo tức là giây phút tối tăm nhất.

Tâm thức ta như ngọn đèn trước gió chớp tắt không ngừng. Có sự mong cầu tức có sự sợ hãi không đạt được, hay sợ hãi "đạt được rồi sẽ mất."

Con đường ĐẠO là con đường BUÔNG BỎ. Buông bỏ chứ không buông thả. Buông bỏ là buông cái muốn. Buông thả là để trí óc đi như thế nào thì đi, ta lại càng lầm lạc. Tu học không bao giờ nên buông thả mà phải thức giác luôn luôn, thức giác trong sự bình an không mong cầu, trong sự buông bỏ. Biết nhưng không giữ, không kềm chế cái biết để đi đến CÁI BIẾT thật sự.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880