Dẫn Nhập: Nguyễn Huỳnh Mai

04 Tháng Mười Một 200412:00 SA(Xem: 76594)
Dẫn Nhập: Nguyễn Huỳnh Mai

Tôi là một nhà báo. Khi mới vào nghề, cách đây hơn ba mươi năm, tôi những tưởng chỉ đem ngòi bút, góp bàn tay của mình trong lãnh vực truyền thông ngỏ hầu phục vụ độc giả, phục vụ sự thật, phục vụ cho quê hương Việt Nam  thân yêu; nào ngờ lại phải rời xa quê hương sang đất khách quê người.

Đây chẳng phải lần đầu tiên chúng tôi bị bắt buộc sống đời lưu vong xa quê cha đất tổ. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tôi từng theo chân cha mẹ luân lạc sang đất Cao Miên, khi tôn giáo tôi bị đàn áp. Tuy nhiên, lần thứ nhất lưu vong, tôi chỉ là một đứa bé thơ chưa rõ việc đời. Vả lại, Cao Miên và Việt Nam  rất gần nhau, người Việt sống trên đất Miên rất đông, và xã hội cùng đời sống của hai nước Việt-Miên tương đối giống nhau. Tuy có những trở ngại trong vấn đề hội nhập, nhưng với tính chất lạc quan của tuổi ngây thơ, tôi không cảm thấy nhiều ray rứt.

Lần xa quê hương thứ nhì vào cuối tháng 4 năm 1975, mới chính là biến chuyển cực kỳ chấn động trong tâm hồn tôi, lúc tuổi vừa bước vào đời. Một cuộc cách ly tưởng chừng như vĩnh viễn. Một sự chia lìa tưởng chừng như bị cắt đứt từng đoạn ruột, một cánh tay, hay bị lấy mất một nửa tâm hồn.

Trên chuyến phi cơ sang đảo Guam, Hoa kỳ, khi người phi công Mỹ loan báo Sài Gòn mất, mọi người xung quanh, và cả gia đình tôi bất chợt nhìn nhau, rồi trong khoảnh khắc, như có một máy bấm điện tử, không ai bảo ai, mắt mọi người đều đỏ rần lên, nước mắt tuôn tràn. Khuôn mặt ba tôi đanh lại, đầy vẻ xót xa chịu đựng. Đối với ba, đây là lần di tản tỵ nạn thứ ba, đưa đẩy theo hoàn cảnh đau thương của đất nước.

Sống trên đất khách, nhiều lúc tôi cảm thấy mình như một thứ cây bị dời đổi nhiều đất sống vào lúc chưa kịp bám rễ. Mọi đổi thay từ khí hậu, đất đai, hoàn cảnh xã hội, ngôn ngữ, văn hóa, nền văn minh Tây phương khoa kỹ... đều đòi hỏi một thời gian hội nhập lắm khi đầy áp lực và ẩn ức. Nhưng đồng thời, tôi cũng có dịp mở rộng chân trời học hỏi, nhất là tiếp xúc cùng nhiều tôn giáo trên thế giới, để thực sự tìm câu giải đáp về thân phận con người, những câu hỏi về đời sống tâm linh càng ngày càng rõ nét trong đời sống hàng ngày.

633857972813678750Năm 1982, ý muốn xuất gia của thuở thiếu thời lại trở về với tôi một cách mãnh liệt. Tôi cảm thấy mình khao khát, đến độ hầu như ganh tỵ cùng một cô bạn học cũ (độc thân) đã xuất gia thành một ni cô được tu hành trong chùa, được sống trọn vẹn một đời tu sĩ. Tôi cảm thấy mình như bị giằng co giữa đời sống gia đình và lý tưởng xuất gia.

Trong cơn khủng hoảng giữa sự va chạm đời sống tâm linh và vật chất, giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo mà tôi được hấp thụ từ nhỏ trong truyền thống gia đình, với pháp môn Tu Nhân Học Phật, giản dị, dễ hiểu đã giúp tôi vượt qua những khó khăn để có thể tìm thấy cho mình một hướng đi phục vụ cho đất nước quê hương và cộng đồng chung nhân loại. Gia đình tôi, các bạn đạo, các thiện tri thức gồm các tu sĩ, cư sĩ, và người thường, đã nâng đỡ tôi rất nhiều. Những ân đức này tôi xin hết lòng ghi tạc.

Khi chập chững bước vào đời sống tâm linh, từ những suy nghiệm sau khi tĩnh tâm hoặc hành thiền, bỗng dưng tôi bắt đầu viết ra những ý tưởng đột xuất. Mới đầu chỉ là những câu ngắn, đến rất bất chợt hầu như không cần suy nghĩ. Tôi viết bất cứ ở đâu, lúc nào, tuy có vẻ rời rạc, nhưng đọc lại thấy có sự tiếp nối lẫn nhau. Tôi đúc kết lại, và đặt tên là tập "Tình Người". Đó là giai đoạn tôi làm việc tại Văn phòng Giáo dục Song ngữ thuộc đại học Long Beach, California, Hoa Kỳ năm 1982.

Trong thời gian này, tôi lại tự khởi viết ra một số bài thơ ngắn bằng Anh ngữ (có vần điệu, mặc dù tôi chưa hề học làm thơ), cùng một số bài suy nghiệm và nhật ký bằng Anh ngữ dưới hình thức như nhật ký, mà tôi tập trung lại rồi đặt tên là "The Lonely Search".

Sau đó, những bài suy nghiệm đột khởi bằng chữ Việt cứ dài ra dần, và ngày càng xuất hiện nhiều hơn, phong phú hơn. Tôi đã chọn một số bài [phần lớn theo thể tài quê hương], đúc kết và xuất bản dưới tựa đề là "Hồn Thiêng Dân Tộc"  (Mõ Làng & Tân Văn, 1997). Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của các ghi chép theo thể loại tâm linh, và không ghi nhận thời gian.

Quyển sách độc giả có trên tay này là quyển "Nhật Ký Tâm Linh I: LỜI THẦY DẠY" (1984-2003), ghi lại những suy nghiệm theo thể loại tâm linh nói trên, với đầy đủ ngày tháng và cả giờ khắc các ý tưởng  đột nhiên đến với tôi nhằm giải đáp những chiều sâu tâm thức.

Tôi rất đắn đo trong sự chọn lựa nhan đề. Nếu chỉ đặt tên là "Nhật Ký Tâm Linh" thì tôi cảm thấy mình thiếu chân thật, vì chín mươi phần trăm các bài viết này tôi đã viết sau khi lễ Phật và ngồi tĩnh tâm quán chiếu trước bàn thờ Ngôi Tam Bảo. Đây không phải là những bài báo (loại tôi thường viết), cũng không đúng là nhật ký hoặc bút ký như 2 quyển Cô Bé Làng Hòa Hảo ( Mõ Làng,1995) hay Lên Đường (Cữu Long, 2001), mà là những suy nghiệm sau khi trụ tâm quán chiếu về chính mình.

Sau nhiều suy tư quán xét, tôi nhận thấy những ghi chép này, ngoài một số bài chiêm nghiệm cá nhân trong tu học, phần lớn là có được sự hướng dẫn của Đấng Thiêng Liêng, Thầy Tổ trên đường Đạo, thì tôi không có quyền giữ  lấy cho riêng mình, cũng không hề dám nghĩ là của riêng mình, mà có bổn phận phải chia sẻ cùng mọi người, hầu cho chúng ta cùng có được những phương tiện thiện xảo để tìm lấy cho mình con đường giải thoát trong sự quân bình giữa đời sống tâm linh và vật chất.

Chúng tôi cũng sắp xếp lại (theo thứ tự thời gian và thể tài tâm linh dân tộc) và bổ túc để xuất bản quyển "Nhật Ký Tâm Linh II: CỬU LONG GIANG VÙNG DẬY" (1982-2003), và trong tương lai, nếu thuận duyên, là "Nhật Ký Tâm Linh III: ĐỨC THẦY KHÔNG BAO GIỜ VẮNG MẶT." 

Trong tinh thần cống hiến và phục vụ cho Đạo Pháp và Dân Tộc, ước mong độc giả trong ngoài nước sẽ đón nhận "Nhật Ký Tâm Linh I: LỜI THẦY DẠY"  và các tập nối tiếp, để cùng cộng hưởng những lợi lạc của thiêng liêng ban cho đời sống tâm linh và thực tiễn của cá nhân và dân tộc.
   
Nguyễn Huỳnh Mai
11:30 sáng Thứ ba, 27-7-2004
*****
Hình trên: Huỳnh Mai và Thích Nữ Như Ngọc (hiện trụ trì chuà A Di Đà, Westminster, California, Hoa Kỳ ) Hình chụp tại văn phòng Giáo Dục Song Ngữ tại Đại học Long Beach, 1982.

IMG_0954

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880