41. TÂM AN NHIÊN TỰ TẠI

03 Tháng Giêng 200512:00 SA(Xem: 95704)
41. TÂM AN NHIÊN TỰ TẠI

21-10-89, 6:30 AM

Tâm ta chỉ an nhiên tự tại khi nào ta chấp nhận việc ta làm lẫn hậu quả của nó, chấp nhận việc tốt lẫn việc xấu xảy đến cho ta. Ca ngợi và phiền trách, thương và ghét, vui và giận đều cùng một thể. Việc tốt đến không vui mừng, việc xấu đến không thất vọng. Việc gì đã quyết định nên làm là làm không tiếc rẻ, không sợ phê phán tốt xấu hay phiền trách.

Khi tâm ta phẳng lặng nhưng cơ thể mệt mỏi vì xác thân còn đi chưa kịp với thần trí. Xác thân mang năm uẩn của sáu giác quan vẫn còn chịu ảnh hưởng của trí đời. Đó là vì thần trí chưa hoàn toàn mạnh mẽ. Khi thần trí ta mạnh mẽ ổn định sự sáng suốt, cái thấy hiện hữu luôn luôn. Khi cái thấy có ánh sáng ở độ cực mạnh thì không có bóng tối nào khỏa lấp hay có thể triệt hạ độ sáng đó được.

Khi tâm ta an định, tâm ta vững như bàn thạch, tiểu vũ trụ yên, thì đại vũ trụ yên, dù cho ngũ hành có dấy động thì rồi cũng được sắp xếp vào trật tự. Nếu tâm ta động không yên, thì ngũ hành sẽ quật ngã ta.

Mọi việc xảy ra quanh ta càng động càng giúp ta soi sáng tâm thức mình như một tấm gương. Hãy tiếp nhận các giai đoạn này như một đặc ân mà ơn trên ban cho để thử thách trình độ tu học. Không có người ta sẽ không thấy ta, và khi không thấy ta ta sẽ không học. Càng thấy điểm yếu của ta, ta càng tiến, vì có thấy điểm yếu mới biết nó để  chuyển các điểm yếu thành sức mạnh hầu phục hồi cho tâm linh càng mạnh mẽ.

Qua bao năm trải qua nhiều đau khổ, thật có giả có, ơn trên bày ra cũng có, gặp phải trên đường đời cũng có, đã giúp cho bước đi càng ngày càng mạnh mẽ. Ta không thể hiểu con người trong sự sung sướng. Những đấng cứu đời không ai xuất phát tư tưởng cứu đời bằng hạnh phúc giàu sang nhung lụa, mà phát xuất từ nước mắt, bệnh hoạn, nhục nhằn, đau khổ. Sự mạnh mẽ xuất thần chỉ phát xuất từ tận cùng chiều sâu của đau khổ tinh thần hay thể xác. Sự tột cùng của đau khổ mới phát xuất sự tĩnh lặng, giác ngộ. Hạnh phúc hay giàu sang vui sướng chỉ là những đám mây mù che phủ con người trần tục của ta.

Con người đã giác ngộ phải nhận chân được hạnh phúc vĩnh cửu và toàn diện ở đâu, chân lý ở đâu, toàn thiện toàn mỹ ở đâu. Tại sao ta bị xáo trộn tâm linh? Khi đã ngộ lý chân không chỉ có ánh sáng và cái thức, và con đường đi với cái thức đó trong mỗi giây mỗi phút cùng với hơi thở là sự sống.

Cái thức và sự sống là sự bất diệt, nó triệt ngã mọi chướng ngại của tâm linh lẫn nhục thể.

21-10-89
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880