110- BIẾT: KHÔNG SỢ HÃI

19 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 77371)
110- BIẾT: KHÔNG SỢ HÃI

13-4-02


Làm sao để tránh trở ngại, sa lầy, vấp ngã, bí lối trên bước đường hành đạo?


Làm sao để đối phó với kẻ thương, người ghét? Đối với bạn cũng như những kẻ đối nghịch với mình?


Làm sao để chuyển đổi kẻ ghét thành thương? Kẻ nghịch thành người thuận?


Ta phải hành sử bất phân?


Hành sử bất phân là hành sử như thế nào?

 

Phải hành sử tự tại không thành kiến, luôn luôn ở thể tâm không, nhu hòa, không thủ thế, không tấn công ai, và đối xử kẻ ghét người thương như nhau.


Ta không đặt mình vào thế đối nghịch, ta không ở thế đối thủ mà trong khi viết, nói, hành sử đều ôn hòa.


Phải luôn bình tĩnh sáng suốt?


Làm sao mới được trạng thái bình tĩnh sáng suốt luôn luôn!


Tâm tự tại, cơ thể điều hòa ta mới nhận xét sắc bén. Ta phải biết đường đi nước bước của lục giác và lục căn lục trần. Tức ta phải ở thế "biết rõ" các giác quan khi nó bị ảnh hưởng hay không bị ảnh hưởng bởi lục căn lục trần. Như thế ta mới quyết định việc gì nên hay không nên làm ở mỗi môi trường hay hoàn cảnh.


Càng nhạy bén ta càng ở thế chủ động mọi hành động. Mọi việc ta hành sử đều do sự điều động của trí tuệ. Sự sáng suốt chỉ có khi ta chủ động được nội tâm lẫn ngoại cảnh.


Nội tâm sắc bén để ta hiểu ta lẫn người, nhưng trí tuệ sắc bén mới giúp cho ta quyết định việc nên và không nên làm theo từng hoàn cảnh để không đi vào con đường trở ngại không lối thoát.

Muốn thành công trong việc đạo phải chiến thắng sợ hãi, sợ hãi người và sợ hãi chính mình.

Nếu việc ta biết thì ta sẽ không bao giờ thất bại, tiến thoái lưỡng nan và sa lầy không lối thoát. Cái không biết mới đưa ta đến sự bất ngờ sợ hãi. Trong mọi trường hợp con người bị sợ hãi chỉ vì thiếu tự chủ, thiếu sự kiểm soát các cơ năng để cho bị lôi kéo bởi lục căn lục trần. Không ở thể chủ động mà lục căn lục trần chủ động từ lời nói đến việc làm.


Ở thể chủ động, thần thức sáng suốt ta kiểm soát từ nội tâm lẫn ngoại cảnh, không để nội tâm phát khởi bất thần, tức hành sử thiếu suy nghĩ, hành sử bốc đồng theo sự dậy phát của nội tâm bị ảnh hưởng thúc đẩy của lục căn lục trần.


Trí tuệ chẳng qua là sự tu luyện để học hỏi về chính mình một cách rõ ràng chân thực. Biết rõ mình, ta sẽ biết rõ người. Ta chỉ sai lầm về người khi ta đã dối gạt ta.


Khi ta làm chủ được mình và hiểu được người ta sẽ tự nhiên biết mình sẽ làm gì trong mọi tình huống không bị trở ngại. Vì ta sẽ quyết định nói, làm, hành sử xác đáng đúng thời, đúng lúc.

Sự sợ hãi trong mọi trường hợp sẽ khiến cho ta u tối, phân tán tư tưởng, không kiểm soát được lục căn lục trần. Ta sẽ chới với, một là để lục căn lục trần nhảy vào quyết định, hai là để nội tâm quyết định vì thần trí không chủ động, trí tuệ bị lu mờ. Đó là hậu quả của sự việc thiếu bình tĩnh.


Trình độ khó nhất của người tu học là tâm không. Nếu không đạt được trình độ tâm không ta sẽ không bao giờ chủ động được mọi hành động của ta lẫn người.


Người phục vụ đạo phải đạt được Trí Tuệ Bát Nhã, Không Tánh, không sợ hãi thì mới hoàn thành được sứ mạng giúp đời.


Tâm không, trí tuệ bát nhã sẽ giúp giải thoát cho ta trong mọi trường hợp khó khăn của đời sống. Trí tuệ bát nhã giúp cho ta không phản ứng sự đối nghịch. Trí tuệ bát nhã sẽ thuận trong sự đối nghịch.


Tâm bát nhã sẽ không bí lối trong mọi trường hợp và sẽ giúp cho ta hành sử tự nhiên không sợ hãi. Chỉ sự sợ hãi mới đưa ta vào hoàn cảnh không lối thoát do chính nội tâm ta đưa ra cho chính ta lẫn người.


Trí tuệ bát nhã sẽ giúp ta nhạy bén. Ta nhìn, thấy, nghe để biết, để nhận diện, rồi ta cho nó đi qua không kềm giữ lại do sự sợ hãi, sự ích kỷ, hay tánh người với đầy đủ lục căn lục trần.


Ở trạng thái trí tuệ bát nhã, những thấy biết đó chỉ do lục căn nhận diện rồi cho đi ngay, không đưa qua lục trần để ghi nhận và phản ứng để có thể hoành hành ta.


Ta phải tâm không để ta là một người MỚI ở mỗi giây phút không bị những gì nội tâm ngoại cảnh, lục căn ghi nhận, lưu trữ ảnh hưởng đến trí óc làm cho ta mù quáng hành sử theo thành kiến của quá khứ.


Muốn giúp người giúp đời, ta phải là người của tương lai chứ không còn là người của quá khứ. Mọi người mà ta gặp trên bước đường hành đạo đều có bổn phận do cơ duyên tiền kiếp thúc đẩy đến để trợ lực cho công việc của ta.


Khi biết công việc cần thực hiện, cần hợp tác, ta phải tiến hành không sợ hãi.


Ta phải tuyệt đối diệt trừ SỢ HÃI, kẻ thù chung của những người có sứ mạng.

 

Đức Thầy biết gặp nạn nhưng vẫn phải ra đi để làm một tấm gương sáng cho hậu thế nói chung và tín đồ của Ngài nói riêng. Đó là một việc làm dũng cảm, nhưng cần phải được noi theo một cách sáng suốt vì mỗi giai đoạn mỗi khác.


Trong mọi sự việc, chữ SỢ đều sẽ đưa đến thất bại. Nội tâm càng vững, ta càng làm chủ tâm thức, tâm hồn, tình cảm và thể xác. Ta cũng sáng suốt làm chủ tình hình trong mọi cảnh ngộ. Ta mới có khả năng ở thể Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Ta mới có khả năng HÒA để thương người như ta thương ta. Ta không còn phân nhân ngã để biết rằng chỉ có một khối óc con tim chung cho nhân loại.


Ở thể Vạn Vật Đồng Nhất Thể ta đã tan biến vào vũ trụ hòa đồng với con người và vạn vật. Ta không còn ở thể hữu lẫn vô, mà ta là một phần tử của nguồn năng lượng của vũ trụ. Tình thương yêu nhân loài và vạn vật trở nên một suối nguồn bất tận vì tất cả chỉ là MỘT.

Khi nhận biết được con người, sự vật, vũ trụ là một, ta không thấy sự cách biệt nữa mà chỉ thấy TA với người là một, thì sự sợ hãi biến mất vì không có sự dị biệt giữa ta và người. Ta sẽ ở thể bất phân, hành sử tự nhiên.


Sự sợ hãi chỉ có khi ta KHÔNG BIẾT.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880