Thứ Hai 28-12-98 - 4:30 sáng
Những điều gì không đúng đã xảy ra thì phải được chấm dứt, không thể để tái diễn hoặc tiếp tục xảy ra. Nếu việc mình làm, hành động nhún nhường của mình tạo nên nghiệp quả cho người khác thì đừng nên làm vì như thế có hại cho họ vì họ còn sống trong vô minh.
Người Minh Triết quán thông việc Trời Đất phải đi cho đúng đường của mình. Không vì tình cảm riêng tư mà có những việc làm, lời nói để nuông chiều người khác. Vì như thế sẽ cản trở hành trình tu học tiến hóa của họ và mãi mãi họ sẽ ngụp lặn trong vòng luân hồi không bao giờ thức tỉnh được.
Không tính không phải là không nghe, không thấy mà là nghe rõ thấy rõ với sự vô tâm. Vô tâm đây không phải là không có cái tôi mà cái tôi không vướng mắc giữa ta và người, giữa có và không.
Không tính đây là tâm bất động. Tâm bất động không có nghĩa là không tình cảm và xúc cảm mà biết rõ tình cảm và xúc cảm một cách rõ rệt. Biết rõ rệt mà không bị thúc đẩy đi theo tình cảm và xúc cảm của mình mà phải để cho nó biến chuyển và qua đi không một mảy may bị thúc bách, kềm giữ hay tạo tác thành hành động nhất thời.
Lòng từ bi vị tha của một Bồ Tát không phải làm theo sự thúc bách của tình cảm và xúc cảm mà phải luôn luôn hành sử theo sự sáng suốt có ích cho người hơn là hành động theo lời khen tiếng chê, chiều theo lòng người.
Lòng từ bi bác ái không phải thúc đẩy ta làm theo sự thương và ghét. Còn thương và ghét là tâm ta còn kẹt vào nhị nguyên. Hành động của một Bồ Tát phải vượt cả nhị nguyên và nhứt nguyên để bước vào tánh không. Phải đạt trình độ không lý luận theo trí đời mà phải nhìn thấy nhân quả của mỗi hành động dù có làm trái lòng người mà thật ra giúp người không rớt vào luật nhân quả để rồi họ sẽ rớt vào cõi luân hồi để không biết gỡ ra.
Nhân quả càng nhẹ càng giúp cho họ tiến hóa. Nhân quả càng nặng càng bủa chặt họ trong vòng vô minh dày đặc như nhiều lớp nhện vây chặt, cứ gỡ màn này sẽ bị màn khác quấn chặt không đường ra. Màn lưới vô minh càng dầy con người càng tăm tối. Thay vì gỡ rối cho từng màn nhện thì vì vô minh họ lại tự đan thêm nhân quả để rồi cứ ngụp lặn trong bể khổ trầm luân.
"Người Thấy" phải có sự dũng cảm, mạnh mẽ vượt sự phê phán thương ghét của người đời để quyết tâm trì chí đi trọn con đường mà mình đã vạch ra dù có gặp trăm cay ngàn đắng cũng không sờn lòng. Bồ Tát chỉ nhắm hướng một lần và nhất quyết tiến tới không lùi bước, mà phải dấn thân dù cho có chết.
Khi ta đã nhắm đúng đường và quyết chí theo đuổi thì dù có chết cũng chết trong sáng suốt, minh triết còn hơn sống mãi trong vô minh. Chết trong sự quán thông, sáng suốt, an định, tâm bất loạn, ta sẽ biết ta đi về đâu, gập những ai. Cái chết có định hướng, ta quyết định cho sự trường cửu của chính ta vì cái chết đó đi vào Cõi Sống. Khi đã định tâm sáng suốt ta đi vào sự chết với tâm an định không sợ hãi vì ta không còn phân biệt hai cõi vô hình và hữu hình.
Ta không thể an bình nếu không đạt được Tính Không. Tính không giúp ta vượt thời gian và không gian. Ta không còn bị giới hạn giữa ta và cõi vô hình, giữa ta và người ở thế gian và các đấng thiêng liêng.
Các đấng thiêng liêng không bị giới hạn bởi thể xác con người, không già, không trẻ. Bước vào không tính thể xác ta không còn giới hạn ta nữa mà ta mãi mãi vẫn là ta đời đời kiếp kiếp hòa tan, hội ngộ với các đấng, các cõi siêu hình lẫn hữu hình, có xác hay không xác. Tất cả nằm trong sự bất phân. Ta và thiêng liêng hòa nhập, trao đổi, hội ngộ.
Sự trao đổi, hội ngộ liên hồi tùy theo trạng thái Không Tính của ta có liên tục hay không. Không Tính càng liên tục sự quán thông càng rộng rãi cao sâu. Sự quán thông càng rộng rãi cao sâu ta càng thay đổi từ sự hiểu biết học hỏi kiến thức trần gian được thay dần bằng kiến thức tối thượng tuyệt luân, vô ngôn. Sự quán thông tuyệt luân vô ngôn là nguồn sinh lực vô tận của vũ trụ chuyển biến liên hồi theo sự tiến hóa không ngừng của loài người và vạn vật. Lúc đó thân xác ta có khả năng tiếp nhận trước những sự vận chuyển của các cõi theo vận tốc nhanh hơn ánh sáng và ta phải sáng suốt để nhận biết điều đó.