7-3-1991
Con đường ĐẠO là con đường duy nhất chỉ có tiến chớ không lùi. Khi đã nhất quyết lựa chọn con đường ĐẠO ta phải có thái độ dứt khoát không tiếc rẻ những gì mà đáng lẽ ta có quyền tận hưởng.
Bước vào con đường ĐẠO là bước vào hành trình TA TÌM TA. Mỗi khi ta gặp ta tham lam ích kỷ, ta tìm nguồn khởi của nó rồi tự tha thứ và dứt khoát vứt bỏ nó lại sau lưng. Mỗi khi ta bắt gặp ta ghen hờn hay đam mê say đắm, hoặc ngông cuồng tự đại ta lại hiểu ta hơn và ta cũng tự tha thứ rồi lại từ giã những bản tính mà ta đã có để tiến bước. Những gì ta khám phá về ta đều rất là thường và rất là NGƯỜI. Vì thế ta sẽ không thể là một con người giải thoát nếu ta không biết được tánh người của ta.
Tại sao muốn biết ĐẠO ta phải cô đơn?
Vì ta là người với những bản tính của con người mà không bị những bản tính đó lôi cuốn hướng dẫn. Ta biết được những tánh người để sống với người và hiểu người chớ không phải biết để bị nó hướng dẫn hoặc hướng dẫn người khác đi vào sai lạc nhằm chỉ có lợi riêng hay tôn vinh phục vụ mình.
Sự cô đơn toàn vẹn đó giúp cho ta thấy và ta là một chứng nhân cho cuộc sống của thời kỳ có sự hiện diện của ta. Chứng nhân cho sự tiến hóa của con người và vạn vật. Chứng nhân cho lịch sử. Chứng nhân cho đời sống của con người giữa tâm linh và vật chất.
Là chứng nhân cho ta và cho thế giới quanh ta, giúp cho ta nhìn thấy mấu chốt của sự tiến hóa hay thoái hóa của con người. Là chứng nhân cho ta thấy tại sao sống tại một xã hội văn minh mà con người trở nên mê tín, dị đoan. Tại sao có kẻ thiếu đạo đức, thiếu hiểu biết mà ngông cuồng tự đại xưng Chúa, xưng Phật, xưng Trời.
Sở dĩ những tổ chức tà đạo thành công vì họ biết đánh vào tâm lý, dục vọng của con người. Họ biết cho con người những gì mà những người này đang khát khao thèm muốn. Họ biết đánh vào tâm lý những kẻ đã lỗi thời mà vẫn còn ham danh vọng; những kẻ không chịu tu tâm sửa tánh mà lại muốn vào Niết Bàn, thành Phật. Tóm lại những kẻ chạy theo tà đạo không khác gì hơn là để thỏa mãn cái muốn của mình.
Con người phải học hỏi về mình và về người để tiến tới sự cô đơn, yên lặng, sáng suốt mới có thể phân định được Chánh Đạo hay tà đạo.
Tại sao có những giây phút ta muốn chết?
Đó là những giây phút ta muốn buông bỏ tất cả để trở về với ta nhất. Ta phải sống, ta phải thở, tuy ta giữ cho tâm an nhiên tự tại nhưng ta phải đương đầu với những sóng gió của đời sống vật chất, đối với con người, đối với bổn phận.
Ta đi từ giây phút hiện tại này đến giây phút hiện tại khác và ta phải bước và bước mãi theo đà tiến tới của thời gian. Vở kịch đời sống cứ mãi mãi mở màn và đóng màn theo ánh sáng ban mai và bóng đêm ụp xuống. Ta "phải sống" và ta "phải thở" theo nhịp độ của thời gian để bắt kịp nó, để cho con người và đời sống không chối bỏ ta để ta không là nhân vật lỗi thời, bị đạp bỏ ra khỏi guồng máy của tạo hóa hay bị guồng máy đó nghiền nát thân tâm ta.
Sóng gió của các ngọn thủy triều, của các cơn bão hay những trận mưa. Những cảnh đẹp tuyệt vời của ánh bình minh ló dạng nơi chân trời hay những buổi chiều rực rỡ ánh mặt trời trên mặt biển với những gợn sóng long lanh. Những cơn gió thoảng nồng ấm của cả khu vườn tràn ngập những đóa hoa xuân ngũ sắc. Ta vẫn sống, lúc đau khổ quay cuồng, lúc say mê tình ái, lúc nhẹ nhàng thân tâm thường lạc. Ở mỗi nhịp thở, ở mỗi cử chỉ, ở mỗi dáng đi đều có cái thức nhạy bén hiện hữu. Ta đã thoát nhưng vẫn sống và sống như một con người với đầy đủ tham sân si hỉ nộ ái ố. Với đầy đủ những tánh hư tật xấu để thương yêu người quanh ta và để thấy "sao ta quá giống người."
Nếu ta thấy ta khác người và xem thường người thì tự ta cô lập ta, tự ta diệt ta và tự tách rời ra khỏi xã hội loài người. Nếu thương người thì phải hiểu người. Muốn giúp người phải hợp tác với người để cùng nhau nắm tay xây dựng lại những gì đã bị đổ vỡ, phá hủy. Muốn xây dựng cộng đồng phải hợp tác với cộng đồng. Muốn xây dựng quê hương phải nắm tay với những người cùng yêu quê hương. Muốn làm việc chung phải diệt bỏ tham vọng riêng tư mới có chánh nghĩa. Khi đã có chánh nghĩa thì việc xây dựng lại cộng đồng, quê hương không thể không thành công được.
Xin đừng chạy trốn
Nếu có quyền lựa chọn, ta nên lựa chọn đối đầu và giải quyết những khó khăn trong đời sống. Vì càng trốn tránh nó thì nó càng đeo đuổi và càng ngày ta càng mang nặng thêm lên.
Ta càng trốn tránh những khó khăn, những việc cần phải làm thì tâm tư ta càng nặng trĩu. Những việc đó càng ám ảnh ta, thúc giục ta, hối thúc ta khiến cho tâm ta càng lúc càng bất an.
Ta đừng tránh né những lúc khó khăn và yêu chuộng những giây phút nhẹ nhàng thoải mái tạm thời vì tâm ta không an lạc được nếu những khó khăn trực tiếp trong đời sống không được giải tỏa.
Khi đối đầu với những điều mà ta sợ hãi, trốn tránh ta sẽ ngạc nhiên vì nó không khó khăn như ta nghĩ hay tưởng tượng ra. Sự khó khăn trong đời sống đôi khi là sản phẩm của trí tưởng tượng, hay sự sáng tạo của trí óc trước một việc làm mà ta muốn tránh né.
Tâm ta sẽ an lạc khi ta chấp nhận mọi trạng thái bình đẳng. Sự chấp nhận của khối óc là một phép lạ hóa giải mọi gút mắc khó khăn trong đời sống. Lúc vui, lúc buồn, lúc vinh quang hay thất bại. Lúc được yêu, lúc thất tình, lúc hạnh phúc nhất cũng như là lúc bất hạnh nhất.
Hãy hòa nhịp với mọi cảnh ngộ của đời sống để thấy phép lạ trong mỗi giây phút quán tưởng, tỉnh thức, giác ngộ và vị tha.