Khi tuổi già muốn tâm được an bình và hạnh phúc, cần cho phép mình sống một cách tự do, tức bớt buộc tội và phê phán mình trong mỗi hành động và tư tưởng.
Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều thay đổi, thay đổi nhiều nhất là do sức khỏe của mình và sự giới hạn của khả năng làm việc bởi cơ thể đã bị lão hóa không còn năng động, dẻo dai, dài sức như khi còn trẻ.
Người viết thì ngồi lâu mỏi tay, mỏi chân hay đau vai, đau lưng, mỏi mắt. Sự chú tâm, suy nghĩ cũng yếu đi. Tất cả công việc làm đều có tính cách ngắn hạn.
Nếu không hiểu được sự giới hạn của mình từ ăn uống, đi đứng, làm việc thì sẽ gây sự thất vọng đối với chính mình và tự chấp lấy mình, tự phê phán, tự trách mình.
Sự tự chấp, phê phán, trách móc mình sẽ hại cho sức khỏe và sự sáng tạo của mình.
Mọi việc đều sẽ dễ dàng hơn nếu mình biết tự điều chỉnh sinh hoạt của đời sống lúc tuổi già để không trở nên buồn bã vì nghĩ rằng mình xuống dốc hay kém khả năng làm việc, sáng tạo hơn xưa.
Chính sự tự trách và tự ràng buộc mình với khuôn mẫu của mình khi còn trẻ mới là sợi dây trói mình lúc về già.
Sống, thở, suy nghĩ, đi đứng, nằm ngồi phải tùy theo thời gian và tuổi đời. Viết được một bài hay, xem một cuốn phim, đi nghe nhạc, đọc tin tức hàng ngày trên báo chí, hay xem, nghe ti vi radio hoặc cúng lạy, ngồi thiền. Tất cả những sinh hoạt trên đều được đánh giá một cách bình đẳng vì tất cả đều giúp cho người già được vui, được nối kết với thế giới nội tâm lẫn ngoại cảnh
Người già cần sống cởi mở với chính mình để rồi từ đó mới cởi mở với người xung quanh. Khi ta thoải mái với chính mình thì tự động rồi sẽ vui vẻ, hòa hợp với mọi người, với con cháu của mình.
Khi buông xả với chính mình tâm ta mới có sự bình an, không tiếc nuối quá khứ và không lo sợ tương lai.
Người già hay bị dằn vặt với chính mình khi nuối tiếc quá khứ nên quên đi đời sống hiện tại. Đó là điều hại nhất cho đời sống của người già.
Gửi ý kiến của bạn