46. Năng lực bảo vệ đường tu. (9-8-14) 5 giờ sáng.

07 Tháng Bảy 201512:19 SA(Xem: 4381)
46. Năng lực bảo vệ đường tu. (9-8-14) 5 giờ sáng.

 

Giá trị con người không do người khác đánh giá cao thấp mới có giá trị thật sự.

Cái giá trị thật sự không do sự đánh bóng, ca ngợi, trang trí hay đề cao.

Cái giá trị thật sự không do sự đo lường chấp nhận hay không chấp nhận mà tự thân của nó đã thể hiện là một sự hiếm có, một khả năng tiềm tàng mà càng bị vùi dập, trù yểm, tấn công hay phá hoại vẫn không thay đổi.

Càng được đặt vào lò luyện kim thì cái giá trị thật mới được rèn luyện, thử thách để trở nên tích tụ hơn, cứng rắn hơn, và không còn thay đổi.

Người tu cần được rèn luyện đức tánh nhẫn nhục, sự chịu đựng càng nhiều, sức mạnh tâm linh càng tăng. Nếu không gặp bao trở ngại, thì không vượt được sự đau đớn như một con người thì con đường tìm gặp Chân Sư, chân lý không không xem như xa mù diệu vợi.

Con đường tu của mọi hành giả đều khó như nhau, nhưng đớn đau về thể xác, khó khăn trong đời sống không bao giờ có thể ví bằng sự đau đớn của nội tâm.

Sự đau đớn của thể xác còn có các thuốc chữa trị, làm lắng dịu, hay các kỷ thuật y khoa giúp đỡ.

Nhưng những đau đớn buồn khổ về tâm linh là những khó khăn khó vượt, nó tiềm tàng, kéo dài, lập đi lập lại, lúc đau nhiều, lúc ít, lúc nhớ, lúc quên nhưng kéo dài vô tận và hiện diện khó bứt rời.

Không có sự khủng khiếp nào bằng sự dằn co của nội tâm. Vì có lúc thấy như nhẹ nhàng êm dịu trôi qua, nhưng lúc khác lại quằn quại xâu xé như bị móng vuốt của khủng long bíu chặt khó gỡ.

Tu học không phải là một sự trốn chạy mà cần sự chấp nhận mọi sự vật từ vật chất đến tâm linh như là (as is). Không mơ mộng hão huyền là mình đã vượt được tất cả, và nắm vai trò chủ động, mà phải biết rõ sự lợi hại của các biến chuyển nội tâm để nhìn kỹ, xem kỹ một cách bất động, không bị thúc đẩy để trở nên hành động theo cảm xúc hay tình cảm nhất thời.

Sẽ không thấy ta, hay thấy người rõ rệt để biến thành nghịch cảnh khi mọi việc xảy ra bất ngờ, hay bị đặt vào tình huống khó xử, tiến thoái lưỡng nan, nếu không đạt được chân như.

Chân như hay cái tâm không đó mới giúp ta thấy mọi sự vật quanh mình, một cách rõ rệt không ảo ảnh.

Cái tâm trong sáng chân như lại chứa đựng tất cả một thế giới có cả con người và vạn vật, mà cái thế giới đó không làm chủ được ta, không còn ảnh hưởng để có thể xoay chiều đổi hướng hay làm ta đau khổ, hoặc bị hủy diệt vì sức mạnh của nó.

Chính chân như, sự sáng suốt toàn diện không thay đổi, cái giá trị thật sự tự thân đó, mới có đủ năng lực bảo vệ con đường tu không dời đổi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880