8-1990
Cái Biết không chưa đủ mà luôn luôn phải có Ý Chí đi kèm. Có nhiều người biết vẫn làm sai vẫn đi sai vì không có ý chí kềm giữ sự cám dỗ nên bị khuất phục dễ dàng.
Người biết như người cầm bản đồ trong tay, biết con đường nào xa, con đường nào gần, con đường nào chông gai, nguy hiểm. Chính ý chí lấy quyết định để họ dứt khoát bước vào con đường đưa đến ánh sáng, tuy phải qua nhiều gian lao khổ cực.
Khi đạt được sự hiểu biết ta chỉ mới đi xong một đoạn đường. Đến sự hiểu biết ta vẫn chưa đi đến đích mà chỉ là đoạn khởi hành để đi vào Chánh Giác. Khi đạt được cái biết là ta chỉ qua giai đoạn phát triển của lục giác. Người biết lục giác của mình không có nghĩa là không bị lôi cuốn bởi sự mời gọi của các giác quan. Nếu đến giai đoạn này mà ta không có ý chí để đưa ta đến quyết định đi vào chánh giác thì cái biết trở nên rất nguy hiểm, có hại cho bản thân và cho những người chung quanh. Nhứt là khi ta có một tham vọng riêng tư, mưu cầu cho lợi ích cá nhân. Điều nguy hiểm hơn hết là lôi kéo một số người theo mình, phục vụ mình, tôn vinh mình bằng các phương pháp tâm lý, bằng cách cho con người những nhu cầu tâm linh mà họ đang khao khát, ao ước.
Người có sự hiểu biết sẽ có hai con đường để lựa chọn: Chánh Đạo và Tà Đạo. Lựa con đường Chánh Đạo ta sẽ bước qua một hành trình mới đầy khó khăn, nhưng khi bước vào con đường này ta phải mang ý chí thật sự phục vụ con người, không màng danh lợi.
Người bước vào Tà Đạo sẽ dùng những xảo thuật của sự hiểu biết của mình để thúc đẩy hướng dẫn người khác, mê hoặc họ để họ theo mình hoặc xưng tôn mình, hay dùng những lời nói của các bậc Phật, Chúa để bổ túc cho lập luận của mình.
Nói tóm lại đi vào Chánh Đạo là đi vào con đường phục vụ tha nhân, không mưu cầu, đi vào Tà Đạo là dùng mọi phương thức để thu hút, dẫn dắt người khác, nhưng cứu cánh vẫn là để tôn vinh cá nhân mình.